Pháp luật phải đi đầu đảm bảo quyền lợi người chuyển giới


“Hiện nay, cộng đồng chúng ta đã đạt đến trình độ phát triển nhất định, có tính khả quan thì buộc lòng phải tính đến quyền lợi của các nhóm người mà trước đây không và ít được quan tâm như nhóm người chuyển giới, một nhóm yếu thế chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội”.

lifestyle.com.vn phap luat phai di dau dam bao quyen loi nguoi chuyen gioi 01 Pháp luật phải đi đầu đảm bảo quyền lợi người chuyển giới

TS Trịnh Hoà Bình. Ảnh: Nhật Thy

Tiến sỹ xã hội học Trịnh Hoà Bình, Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội, Viện Xã hội học Việt Nam chia sẻ với Trang tin điện tử Tiếng Chuông (của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm) về vấn đề người chuyển giới đang được dư luận quan tâm.

Tại Việt Nam, người chuyển giới vẫn chưa được đổi tên hay chứng minh thư, không được công nhận giới tính sau khi phẫu thuật. Việc “sống ngoài vòng pháp luật” này khiến họ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và sự kỳ thị của xã hội.

Vòng luẩn quẩn của người chuyển giới

Theo TS Trịnh Hoà Bình, người chuyển giới thoáng nhìn thì dường như có gì đó trái tự nhiên, bởi một người vốn thuộc giới này hoặc giới kia lại phải dùng các phẫu thuật can thiệp để chuyển thành giới ngược lại ít nhất về mặt hình thức. Tuy nhiên, nếu đi sâu tìm hiểu về nhóm này thì trong họ có những vấn đề tự thân. Họ đã từng dằn vặt, đau khổ với việc tại sao mình cứ phải mang cái hình hài không đúng như tiếng gọi hối thúc từ bên trong huyết quản dòng máu mình.

“Có những người khi đến tuổi trưởng thành có những đụng chạm về phương diện giới, mới “tỉnh” ra mình thuộc một giới khác đối nghịch hoàn toàn với cái hình hài từ trước đến nay mình vẫn mang. Câu chuyện chuyển giới xét đến cùng liên quan đến quyền được tồn tại, quyền được phát triển và quyền được thể hiện. Trên thực tế là quyền con người thích hợp với mỗi nhóm tuổi, khu vực, cộng đồng”, TS Trịnh Hoà Bình nói.

Tuy nhiên, theo TS Trịnh Hoà Bình, chúng ta vẫn đang sống trong một xã hội mà những sự bình thường mới được xem như chuẩn mực. Dám thay đổi số phận, vươn ra ngoài hay phá bỏ cái gì được mặc định dù bị coi là bất công là bị nhìn bằng con mắt khác. Xã hội chúng ta mặc định là con gái thì phải nhu mì, đàn ông thì phải ăn to nói lớn. Những người đi ngược lại xu thế thường bị coi là “đồng cô”, bị xoi mói, dò xét mặc dù họ không làm gì vi phạm pháp luật. Đó là một trong những kiểu kỳ thị mà người chuyển giới đang phải đối mặt.

Đại đa số trong xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Nho giáo, quen với cách nghĩ đường mòn cứng về những chuẩn mực trong xã hội. Ở những nước xã hội người ta năng động thì người ta sẽ không kỳ thị với nhóm người này.

“Khi chúng ta còn quá nhiều vấn đề lo lắng như cải thiện đời sống vật chất cho người dân, thì những vấn đề như quyền con người, tình yêu tình dục chưa phải vấn đề ưu tiên. Tuy nhiên, hiện nay cộng đồng chúng ta đã đạt đến trình độ phát triển nhất định, có tính khả quan thì buộc lòng phải tính đến quyền lợi của nhóm người chuyển giới, vốn chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, bên cạnh những nhóm yếu thế có màu sắc chính trị hơn như là người già neo đơn, gia đình thương binh liệt sỹ…”, TS Trịnh Hoà Bình nhận định.

Trong hiểu biết trước nay của xã hội, người chuyển giới đa phần làm các công việc giải trí hoặc việc làm không được xã hội đánh giá cao để kiếm sống. Theo TS Trịnh Hoà Bình, đó là một vòng luẩn quẩn: Bị kỳ thị, không kiếm được việc làm phải làm những việc như đi hát cho đám tang hoặc thậm chí bán dâm khiến sự kỳ thị càng nặng nề hơn.

Pháp luật phải đi đầu trong đảm bảo quyền lợi của người chuyển giới

Người chuyển giới hầu như không được sự thừa nhận và bảo vệ nào của pháp luật, bởi pháp luật Việt Nam hiện không cho phép thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, hộ chiếu) cũng như trong các đăng ký nhân thân khác (như khai sinh, hộ tịch…) trừ trường hợp giới tính sinh học có khuyết tật bẩm sinh hoặc phải nhờ sự can thiệp của y học mới định hình chính xác. Pháp luật cũng không cho phép phẫu thuật chuyển giới dựa vào ý muốn chủ quan.

Về vấn đề này, theo TS Trịnh Hoà Bình, chúng ta hay “ngần ngại”, sợ việc thay đổi giới tính, tên họ khiến thông tin tam sao thất bản, khó quản lý, gây “rối loạn xã hội” mà không tính đến quyền tự quyết với tư cách là quyền con người.

Để đảm bảo quyền lợi của người chuyển giới, TS Trịnh Hoà Bình cho rằng, trước hết những người làm luật phải đi đầu trong việc thay đổi suy nghĩ, quan điểm của mình về người chuyển giới, quan tâm đến quyền lợi và những mong muốn của họ. Phải có kênh đối thoại giữa những người chuyển giới với cộng đồng để xã hội có thể hiểu hơn về nhóm yếu thế này, giảm kỳ thị đối với họ.

Người chuyển giới là người mà giới tính mong muốn của họ không trùng với giới tính khi sinh ra. Nhiều yếu tố sinh học cũng như những trải nghiệm trong quá trình phát triển sẽ hình thành cái gọi là “bản dạng giới” của mỗi người, có người sinh ra nữ và nghĩ mình là nam, cũng có người sinh ra là nam và nghĩ mình là nữ, họ chính là người chuyển giới.

Dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi vừa được Bộ Tư pháp đưa ra lấy ý kiến có 2 nội dung liên quan đến người chuyển giới là quyền thay đổi họ tên và quyền xác định lại giới tính. Theo đó, dự thảo đề xuất giữ quy định về quyền thay đổi họ tên khi xác định lại giới tính như luật hiện nay.

Về quy định xác định lại giới tính, Dự thảo bộ luật Dân sự sửa đổi đề xuất quy định cá nhân có quyền được xác định lại giới tính. Luật hiện hành quy định rõ việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác, cần có sự can thiệp của y học.

Đề xuất như trong dự thảo đã theo hướng mở hơn, tuy nhiên ngoài Nghị định 88, hiện Việt Nam chưa có luật nào quy định về việc xác định lại giới tính.

Trong khi đó, Nghị định 88 lại cấm chuyển đổi giới tính với người đã hoàn thiện về giới tính, có bộ phận sinh dục xác định rõ là nam hay nữ.

Theo Một thế giới


Các tin cùng chuyên mục