Màu hồng từng là màu của con trai


LGBT lifestyle.com .vn  Màu hồng từng là màu của con trai

Có khi nào bạn tự hỏi, cái quy chuẩn ‘Con trai mặc màu xanh và con gái mặc màu hồng’ xuất hiện từ đâu hay không? Hoặc định nghĩa thế nào là ‘trang phục nữ tính’ và ‘trang phục nam tính’?

Cậu bé Franklin Delano Roosevelt ngồi e lệ trên chiếc ghế đẩu, cái váy trắng nhẹ nhàng phủ lên đôi chân và hai tay thì giữ lấy chiếc mũ được điểm xuyến bằng nhành lông cò già. Tóc ngang vai và đôi giày da hàng hiệu. Đó chính là hình ảnh của một trong những vị Tổng thống Mỹ nổi tiếng nhất trong lịch sử khi ông mới 4 tuổi.
Ngày nay, hình ảnh đó có thể khiến chúng ta hoang mang tuy nhiên với quy chuẩn xã hội năm 1884, khi Franklin Delano Roosevelt được chụp bức ảnh, thì các bé trai được yêu cầu phải mặc váy cho đến 6 hoặc 7 tuổi – cũng là lúc chúng được phép cắt tóc. Trang phục của Franklin khi ấy được xem là trung lập về giới tính.
 Màu hồng từng là màu của con trai
Bức ảnh chân dung này của Franklin Delano Roosevelt được chụp vào năm 1884 tại New York
 Màu hồng từng là màu của con trai
 Một cậu bé vào thời kỳ Victoria, 1870.
Ngày nay, người ta buộc phải biết được giới tính của một đứa trẻ ngay từ cái nhìn đầu tiên, Jo B. Paoletti, một sử gia tại đại học Maryland và tác giả của Pink and Blue: Telling the Girls From the Boys in America (tạm dịch: Xanh và Hồng: Phân biệt bé trai và bé gái ở Hoa Kỳ), cho biết. Vì lí do này, chúng ta sẽ thấy một băng quấn màu hồng trên cái đầu trọc của một bé gái mới sinh.
Tại sao trang phục của trẻ nhỏ lại thay đổi đáng kinh ngạc như vậy? Từ lúc nào mà chúng ta đã lập ra cái quy chuẩn bé trai mặc màu xanh còn bé gái thì màu hồng?
 Màu hồng từng là màu của con trai
 Paoletti
“Câu chuyện về điều đã xảy ra với trang phục trung tính rất thú vị”, trích lời Paoletti, người đã tìm hiểu về ý nghĩa trang phục trẻ em trong 30 năm. Suốt hàng thế kỉ, trẻ em mặc váy trắng cho đến năm 6 tuổi. “Thứ từng một thời xoay quanh vấn đề thiết thực – bạn cho bé mặc váy trắng và tã; và vải cotton trắng có thể tẩy được – trở thành một vấn đề về ‘Ôi lạy Chúa, nếu tôi cho con mặc sai đồ, chúng sẽ trở thành kẻ bệnh hoạn”, Paoletti nói.
Sự phân hóa trang phục không hề diễn ra nhanh chóng. Xanh và hồng xuất hiện, cùng với những màu khác, và trở thành màu cho trẻ em vào giữa thế kỉ 19. Tuy vậy hai màu này vẫn chưa được quảng bá là nhận diện giới cho tới trước Thế Chiến thứ I.
 Màu hồng từng là màu của con trai
 Chị gái và em trai trong trang phục màu trắng truyền thống.Bức ảnh được chụp vào năm 1905
 Màu hồng từng là màu của con trai
 Một quảng cáo về thức ăn cho trẻ em vào năm 1905
 Màu hồng từng là màu của con trai
 
Một ví dụ cụ thể: Một bài viết được đăng tải vào tháng 6 năm 1918 trên tờ báo thương mại Earnshaw’s Infants’ Department nói rằng, “Quy tắc được đa số chấp thuận là màu hồng dành cho con trai và màu xanh cho con gái. Lý do là vì hồng, vốn là một màu mạnh mẽ và quyết đoán hơn, phù hợp với con trai hơn, còn xanh, vốn mỏng manh và thùy mị, đáng yêu hơn cho con gái”. Những nguồn khác thì cho rằng xanh hợp với trẻ tóc vàng, hồng cho tóc nâu; hoặc xanh dành cho trẻ mắt xanh, hồng cho trẻ mắt nâu, theo lời Paoletti.
Năm 1927, tạp chí Time cho in một lược đồ mô tả màu sắc phù hợp cho bé trai và bé gái dựa theo các cửa hàng hàng đầu Hoa Kỳ. Ở Boston, Filene’s nói với phụ huynh rằng nên cho bé trai mặc màu hồng, tương tự như Best & Co. ở New York, Halle’s ở Cleveland và Marshall Field ở Chicago.
 Màu hồng từng là màu của con trai
 Năm 1920, tủ quần áo của nhân vật búp bê nam Bobby luôn có màu hồng
 Màu hồng từng là màu của con trai
 Hoặc năm 1910
Phán quyết về màu sắc của ngày hôm nay chỉ được đúc kết vào những năm 40, dựa theo sự ưa chuộng của người Mỹ vốn bị chi phối bởi nhà sản xuất và các cửa hang thời trang. “Kết quả này hoàn toàn có thể bị đảo ngược,” Paoletti nói.
Thế là một làn sóng trẻ em được nuôi dạy bên trong các trang phụ cụ thể cho từng giới. Bé trai mặc đồ giống cha, bé gái giống mẹ. Bé gái phải mặc váy đến trường, dù phong cách mộc mạc và quần áo vui chơi kiểu tomboy vẫn được chấp nhận.
Khi phong trào giải phóng phụ nữ xuất hiện vào giữa những năm 60, đi kèm thông điệp chống nữ tính, chống thời trang, phong cách unisex lên ngôi – nhưng hoàn toàn đảo ngược so với thời của bé Franklin Roosevelt. Lúc này, các bé gái ăn mặc theo phong cách nam tính – hoặc ít nhất là không nữ tính, không có một chút dấu hiệu phân chia giới nào. Paoletti phát hiện rằng trong những năm 70, hãng Sears và Roebuck không hề có một bức ảnh em bé mặc quần áo hồng trong suốt 2 năm.
“Các nhà vận động nữ quyền cho rằng một trong những cách dụ dỗ trẻ em gái đến với vai trò phục tùng trong xã hội khi trưởng thành chính là thông qua trang phục”, Paoletti nói, “Nếu chúng ta cho các bé gái ăn mặc giống con trai và ít giống những bé gái xúng xính váy áo hơn thì chúng sẽ có nhiều lựa chọn và sẽ cảm thấy tự do và chủ động hơn”.
John Money, một nhà nghiên cứu về bản dạng giới tại Bệnh viện Johns Hopkins ở Baltimore, cho rằng giới tính chủ yếu được dạy bởi các tác nhân môi trường và xã hội.“Ông là một trong những người ủng hộ quan điểm rằng giới tính là ‘do dạy dỗ chứ không phải do tự nhiên”, Paoletti nói.
 Màu hồng từng là màu của con trai
 
 Màu hồng từng là màu của con trai
 
Trang phục trung tính vẫn thịnh hành cho tới khoảng năm 1985. Paoletti nhớ rất rõ năm đó bởi vì bà sinh hai em bé xung quanh giai đoạn đó, một bé gái năm 82 và một bé trai năm 86. “Đột nhiên mọi thứ chẳng còn là chỉ một chiếc áo khoác xanh, mà đã trở thành một chiếc áo khoác xanh kèm một con gấu bông đang ôm quả bóng bầu dục,” bà nói. Tã giấy cũng được sản xuất theo hai màu xanh và hồng.
Khám thai nhi là lý do chính của sự thay đổi này. Cha mẹ biết được giới tính của đứa con chưa sinh và họ đi mua sắm sản phẩm cho “bé trai” hoặc “bé gái”. (“Bạn càng cụ thể hóa trang phục, bạn càng bán được nhiều hơn”, Paoletti nói.) Cơn sốt màu hồng đã lan tỏa từ áo ngủ và cũi gỗ cho đến những vật dụng đắt tiền như xe đẩy, đệm xe hơi và các loại xe đồ chơi. Cha mẹ giàu có có thể trang trí công phu cho em bé số 1, một bé gái, và bắt đầu lại từ đầu khi đứa trẻ tiếp theo là một bé trai.
Một vài bà mẹ trẻ vốn lớn lên trong những năm 80 hoàn toàn thiếu vắng màu hồng, ruy băng, tóc dài và Barbie, chối bỏ phong cách unisex cho chính con gái của mình. “Dù họ vẫn ủng hộ nữ quyền, họ có cái nhìn khác với những nhà vận động nữ quyền trước đó,”Paoletti cho biết. “Họ nghĩ rằng dù cho họ muốn con gái mình trở thành bác sĩ, chẳng có gì sai nếu cô bé là một bác sĩ rất nữ tính”.
Một nhân tố quan trọng khác chính là tâm lý tiêu dùng của trẻ em trong những thập niên gần đây. Theo các chuyên gia về phát triển trẻ nhỏ, trẻ em bắt đầu để tâm đến giới tính của mình vào khoảng giữa 3 và 4 tuổi, và đến năm 6 hoặc 7 tuổi mới nhận ra rằng giới tính là vĩnh cửu. Tuy nhiên, bên cạnh đó, trẻ em lại là mục tiêu của những quảng cáo rộng khắp và rình rang với mục đích củng cố quy chuẩn xã hội. “Và chúng nghĩ rằng thứ khiến một người là phụ nữ chính là tóc dài và một chiếc váy,” Paoletti nói.“Chúng bị mê hoặc – và rất cứng đầu với những gì chúng thích và không thích.”
 Màu hồng từng là màu của con trai
Trong lúc nghiên cứu và hoàn thành quyển sách của mình, Paoletti nói rằng, bà không ngừng nghĩ đến các phụ huynh không muốn thuận theo phân chia giới: Liệu họ nên cho con mặc đồ thuận theo xu thế chung, hay nên cho phép chúng thể hiện bản thân thông qua trang phục? “Một điều tôi có thể nói bây giờ là tôi không thật sự mặn mà với hai cực của giới tính – quan niệm cho rằng có những thứ rất nam tính và rất nữ tính. Sự biến mất của trang phục trung tính là một thứ mọi người nên suy ngẫm. Và bây giờ nhu cầu về trang phục trung tính cũng đang dần tăng.”
“Có cả một cộng đồng cha mẹ và trẻ nhỏ đang đấu tranh với chuyện ‘Con trai tôi không thật sự thích mặc đồ con trai mà lại thích đồ con gái hơn” – Bà hi vọng rằng độc giả của bà sẽ là những người nghiên cứu về giới tính chuyên sâu. Thế giới thời trang có thể đã phân chia trẻ em ra thành xanh và hồng, nhưng trong thế giới của các cá nhân cụ thể, không phải mọi thứ đều là trắng và đen.
Theo Một thế giới

Các tin cùng chuyên mục