Sự gắn kết kỳ lạ của Dolce và Gabbana đã khiến họ trở thành cặp đôi bất bại trong làng thời trang thế giới.
Dolce & Gabbana là một hiện tượng hiếm có của làng thời trang thế giới. Sự gắn kết kỳ lạ của hai gã đồng tính yêu thời trang, Domenico Dolce và Stefano Gabbana, đã khiến họ trở thành cặp đôi bất bại. Từ bàn tay trắng, cả hai cùng nhau gặt hái những đỉnh cao vinh quang cũng như trải qua muôn trùng thử thách. Ngay cả khi tuyên bố chia tay, họ vẫn sát cánh bên nhau, thực hiện sứ mệnh của những ông chủ Dolce & Gabbana chứ không hề đường ai nấy đi.
Định mệnh gặp gỡ
Hai nhà thiết kế cùng là người Italy. Domenico Dolce sinh năm 1958, còn Stefano Gabbana ít hơn 4 tuổi. Domenico học thiết kế thời trang tại Học viện Marangoni nhưng 4 tháng sau đó anh bỏ học vì nhận thấy rằng anh đã nắm được tất cả những thứ nhà trường dạy.
Ước mơ của anh là được làm việc cho Giorgio Armani, người mà anh chưa bao giờ được gặp. Một ngày, anh quyết định cầm tập phác thảo của mình đến trụ sở của Armani. Ngay khi bước vào, anh bị choáng ngợp bởi mọi thứ quá hào nhoáng, đến nỗi không dám đặt giày của mình lên tấm thảm trắng trải thẳng đến quần tiếp tân mà phải đi men theo tường. Dolce gửi lại tập phác thảo nhưng đến giờ không ai biết liệu Armani đã bao giờ nhìn thấy mẫu thiết kế ấy hay chưa.
Sau đó, Dolce được nhận làm trợ lý cho một nhà thiết kế có tên Giorgio Correggiari. Anh gặp Gabbana tại một hộp đêm. Vốn trầm tính, khép kín, anh ngay lập tức ấn tượng bởi vẻ điển trai và tính cách cởi mở của Gabbana. Chàng trai trẻ đang tìm kiếm một công việc nên anh rất vui khi nghe lời khuyên của Dolce về việc gặp Correggiari để tìm việc. Cuối cùng, Correggiari nhận thuê Gabbana để thiết kế đồ thể thao. Suốt thời gian này, Dolce dạy anh phải phác thảo như thế nào và các bước cơ bản để thiết kế. Nhờ quá trình thân thiết và gắn bó ấy, sau này họ trở thành một cặp vợ chồng đồng tính.
Sau khi Gabbana đi nghĩa vụ quân sự bắt buộc 18 tháng và trở về năm 1982, một năm sau đó, cả hai đã rời Correggiari và dọn về ở cùng nhau trong căn gác xép nhỏ tại Milan. Căn phòng có một chiếc bàn gỗ hình tròn và họ ngồi đối diện nhau cùng phác họa.
Gabbana kể: “Khi còn là những nhà thiết kế tự do, chúng tôi luôn có những hợp đồng và hóa đơn riêng rẽ dù cùng chung một khách hàng. Có lần người kế toán thắc mắc, tại sao không làm chung một hóa đơn cho cả hai và đặt là Dolce & Gabbana ở đầu trang. Thế là thương hiệu được ra đời.
Những ngày đầu thiếu thốn
Bộ sưu tập đầu tiên của cặp đôi được giới thiệu vào tháng 10/1985, là một trong 5 nhãn hiệu mới của Tuần lễ thời trang Milan. Cả hai thậm chí không có tiền để trả cho người mẫu, họ phải vận động sự giúp đỡ từ bạn bè, đồng thời không đầu tư được phụ kiện cho các chân dài. Vì vậy, các người mẫu phải dùng đồ cá nhân để bổ sung cho quần áo.
Trong lúc đang định hoãn việc đặt vải vì doanh thu quá thấp thì rất may, gia đình Dolce quyết định giúp họ trả các chi phí sau khi cả hai về thăm nhà ở Sicily. Họ tiếp tục sản xuất bộ sưu tập tiếp theo ở mùa thời trang 1986 và mở cửa hàng đầu tiên của mình cùng năm đó.
Trong một bài phỏng vấn, tác giả Michael Gross viết: “Lúc này, họ vẫn là một bí mật, chỉ được rất ít biên tập viên Italy biết tới. Họ có vài người mẫu thay đổi trang phục đằng sau sân khấu ọp ẹp. Bộ sưu tập của họ gồm áo thun và trang phục vải lụa đàn hồi. Người mặc có thể dễ dàng thay đổi kiểu dáng của chúng”.
Chạm tới đỉnh cao vinh quang
Đột phá phải nhắc đến là ở bộ sưu tập thứ tư. Nó có tác động đáng kể đến thị trường thời trang Italy. Dolce & Gabbana đầu tư chiến dịch quảng bá quy mô. Bộ sưu tập được chụp bởi nhiếp ảnh gia Fernando Scianna tại chính vùng quê Sicily của Dolce. Đó là những tấm hình đen trắng lấy cảm hứng từ điện ảnh Italy những năm 1940. Nguồn cảm hứng này tiếp tục được sáng tạo ở bộ sưu tập thứ năm, dựa trên tác phẩm The Leopard của nhà làm phim Luchino Visconti.
Một thiết kế trong bộ sưu tập thứ tư ấy được báo chí gọi tên là “váy của người Sicily”, nằm trong số 100 trang phục quan trọng nhất từng được thiết kế, theo tác giả Hal Rubenstein. Nó được coi là tác phẩm tiêu biểu nhất ở thời đại này của thương hiệu.
Năm 1987, bộ đôi tung ra dòng thời trang dệt kim, đến năm 1989 bắt đầu thiết kế đồ lót và trang phục đi biển. Dolce & Gabbana bắt đầu xuất khẩu sản phẩm của mình đến Nhật Bản và nhiều nước khác. Tại Mỹ, họ mở showroom của mình vào 1990. Cùng năm 1992, hai nhà thiết kế giới thiệu bộ sưu tập nam và tung ra loại nước hoa Dolce & Gabbana đầu tiên. Năm 1996, họ giành được giải Oscar des Parfums Award cho nước hoa xuất sắc, một giải thưởng của Pháp lần đầu tiên được trao cho thương hiệu Italy.
Hai người dần thu về những khoản lợi kếch xù. Cuối năm 1990, doanh số bán hàng của họ đạt khoảng 500 triệu USD, đến 2003 là hơn 630 triệu USD. Họ bắt đầu thiết kế các trang phục đắt giá hơn. Trong bộ sưu tập xuân hè 1990 có trang phục phác họa bức tranh thiên thần Raphael, từ đó họ nổi tiếng với quần áo nạm pha lê. Bộ sưu tập nữ mùa đông 1991 được trang trí bằng trang sức, trong đó có những chiếc huy hiệu khắc tinh tế và áo nịt ngực trang trí cầu kỳ. Cũng năm 1991, bộ sưu tập nam giới của họ giành được giải thưởng Woolmark cho bộ sưu tập nam sáng tạo nhất năm.
Tuy nhiên, thời điểm thương hiệu được quốc tế biết đến rộng rãi là khi danh ca Madonna mặc chiếc áo corset làm bằng kim loại và đá quý, kèm theo áo khoác Dolce & Gabbana đến buổi công chiếu Truth or Dare: In Bed with Madonna ở Liên hoan phim Cannes 1990. Sau đó, cặp đôi đã hợp tác với Madonna vào năm 1993 để thiết kế hơn 1.500 trang phục cho các nghệ sĩ, phục vụ tour lưu diễn quốc tế của mình nhằm quảng bá album Erotica. Đến năm 2000, nữ ca sĩ tiếp tục bắt tay hai nhà thiết kế để phục vụ tour vòng quanh thế giới. Trong một cuộc phỏng vấn, Madonna nói rằng: “Quần áo của họ sexy và vui tươi giống như tính cách của tôi”. Họ cũng thiết kế trang phục cho những chuyến lưu diễn của Missy Elliot, Beyonce, Whitney Houston, Kylie Minogue hay Mary J. Blige.
Năm 1996, thương hiệu không giới thiệu bộ sưu tập trên sàn diễn mà chỉ trên Internet, đó là một thử nghiệm truyền thông mới. Cũng trong năm nay, Dolce & Gabbana nhận thiết kế trang phục cho bộ phim nổi tiếng Romeo + Juliet.
Liên tục trong hai năm 1996 và 1996, Dolce & Gabbana được tạp chí FHM vinh danh là “Nhà thiết kế của năm”. Năm 2003, tạp chí GQ lại xứng tên họ ở hạng mục “Người đàn ông của năm”. Các độc giả tạp chí Elle Anh quốc bình chọn Dolce & Gabbana là “Nhà thiết kế xuất sắc hàng đầu thế giới” tại Elle Style Awards 2004.
Thương hiệu có hai dòng D&G và Dolce & Gabbana, đến năm 2012 thì sáp nhập lại thống nhất dưới tên Dolce & Gabbana. Không chỉ nổi tiếng bởi những trang phục cao cấp vượt thời gian, họ còn nổi tiếng với kính mắt, đồng hồ, nước hoa. Năm 2009, hãng còn tung ra dòng mỹ phẩm do cô đào Scarlett Johansson làm gương mặt đại diện. Hai năm sau đó, họ cũng có dòng trang sức riêng với những sản phẩm độc đáo và quyến rũ.
Năm nay, cặp đôi tài năng trở thành một trong 25 nhà thiết kế thời trang thảm đỏ thành công nhất do tạp chí Hollywood Reporter bình chọn. Ngoài việc thiết kế, hai chàng còn cùng nhau chắp bút cho nhiều cuốn sách nổi tiếng, thu được số tiền đáng kể để làm từ thiện.
Những lần gây tranh cãi
Năm 1995, Dolce & Gabbana gây ra một cuộc tranh cãi với báo giới khi họ lựa chọn hình mẫu xã hội đen Mỹ làm cảm hứng cho sáng tạo của mình. Bộ sưu tập thu đông năm đó cho phụ nữ bị các nhà phê bình nhận xét là quá khiêu dâm.
Trước đó, hình mẫu xã hội đen đã được áp dụng khi nhiếp ảnh gia Steven Meisel chụp cho chiến dịch quảng bá của Dolce & Gabbana năm 1992 nhưng toát lên sự sang trọng, gồm áo khoác rộng phong cách những năm 1930 kết hợp mũ da đen.
Tháng 1/2007, Dolce & Gabbana bị chỉ trích vì hình ảnh người mẫu cầm dao trong chiến dịch quảng cáo. Một tháng sau đó, họ lại nhận khiếu nại từ người tiêu dùng vì một quảng cáo ở Tây Ban Nha với hình ảnh một cô gái bị người đàn ông ghìm xuống trong khi một nhóm người xung quanh đứng nhìn. Các nhà chức trách Tây Ban Nha cho rằng hình ảnh mang tính làm nhục phụ nữ. Đây cũng là một trong những quảng cáo gây tranh cãi nhất trong lịch sử do tạp chí Debonai bình chọn.
Năm 2009, hãng vướng scandal trốn thuế gần 1 tỷ Euro. Ngày 19/11/2010, Viện Công tố ở Milan khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Dolce và Gabbana. Họ kháng cáo và được trắng án năm 2011. Tháng 6/2013, bản án lại được lật lại vì nhiều sai sót, họ bị kết án 1 năm 8 tháng tù giam. Sau khi tiếp tục kháng cáo, ngày 30/4 vừa qua, tòa án đưa ra phán quyết cả hai phải chịu 1 năm 6 tháng tù treo.
Ngày 5/1/2012, tờ Apple Daily đưa tin người dân Hong Kong phản đối Dolce & Gabbana dữ dội, gây ra những cuộc biểu tình kéo dài vì cho rằng hãng phân biệt đối xử, cấm khách Hong Kong chụp ảnh trong cửa hàng và chỉ chấp nhận khách Trung Quốc đại lục và người nước ngoài. Dolce & Gabbana đã phải lên tiếng xin lỗi và nêu quan điểm luôn chào đón người Hong Kong cũng như tất cả người dân trên thế giới.
Tình tri kỷ của hai chàng đồng tính
Sau hơn 20 năm chung sống, Domenico Dolce và Stefano Gabbana đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất khi tuyên bố chia tay vào năm 2005, dù vẫn luôn sát cánh bên nhau trong công việc và không gây bất kỳ thay đổi nào về thương hiệu.
Chia sẻ với Financial Times, Gabbana nói: “Thời điểm tồi tệ nhất đối với cả hai là khi chúng tôi đã chia tay nhưng vẫn giữ làm việc cùng nhau”. Anh khẳng định: “Tôi không thể làm việc mà không có anh ấy. Liệu một ngày nào đó sẽ có một bộ sưu tập Dolce và một bộ sưu tập Gabbana sao?” Khi ấy, Dolce ngắt lời: “Không bao giờ có điều đó. Vì đó là số phận của chúng tôi”.
Gabbana không dám chắc về điều đó, nhưng trong một bức thư mới được công bố gần đây, ngay trước bộ sưu tập xuân hè 2015 tháng 9 năm nay, anh đã viết cho Dolce những dòng đầy tình cảm (xem nội dung bức thư tại đây).
Điều này khiến những người yêu mến họ phỏng đoán, có thể cặp đôi đã hàn gắn. Nhưng quan trọng hơn hết, niềm đam mê thiết kế và tình yêu đối với thương hiệu bao nhiêu năm vun đắp vẫn giữ họ ở lại bên nhau và cùng cống hiến cho giới mộ điệu những bộ sưu tập đẳng cấp mỗi mùa thời trang.
Theo Ngôi Sao