Cải lương và đề tài đồng tính


Có ngạc nhiên không khi những tác phẩm đầu tiên đi trực diện vào đề tài đồng tính lại thuộc về sàn diễn…cải lương?

cailuongvadongtinh Cải lương và đề tài đồng tính

Vở cải lương Chuyện tình Lương – Chúc gợi nhiều liên tưởng đến bộ phim Bá vương biệt cơ của đạo diễn Trần Khải Ca

Sai ý đồ?

Năm 1990, đạo diễn Phương Sóc dàn dựng vở “Người tình giấu mặt” (tác giả: Linh Trung) trên sân khấu Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang. Vở diễn kể về “mối tình sâu sắc” mà một “ông bầu” (cố NSƯT Minh Châu) dành cho chàng kép trẻ (NSƯT Vũ Linh). Tuy nhiên một điều thú vị là khi vở ra đời không ai nhận ra đây là một vở “cải lương đồng tính” như ý đồ của tác giả.

Tác giả Linh Trung cho biết: “Tôi viết kịch bản này dựa vào thực tế nhiều anh kép trẻ mới vào nghề thường bị những “ông bầu” hay “đại gia” mê cải lương là người đồng tính chèo kéo, sẵn sàng bỏ tiền lập gánh hát cho anh kép đó bay nhảy. Có lẽ do vấn đề hơi nhạy cảm nên đạo diễn đã không dám thể hiện đầy đủ ý tưởng của tôi mà “bẻ” kịch bản theo một hướng khác: chuyển mối quan tâm đặc biệt của ông bầu cho chàng kép thành… tình yêu nghệ thuật, và “đẩy” nhân vật “người tình giấu mặt” – người luôn yêu thương, theo dõi từng bước đi và âm thầm giúp đỡ anh kép – từ “ông bầu” sang nhân vật cô đào hát – người yêu anh kép…”.

Phải đến năm 2000, khi vở được quay video với tên mới là “Bản tình ca còn đó”  thì ý tưởng thực sự của tác giả kịch bản mới lộ ra với đầy đủ tâm trạng của các nhân vật. Không chỉ “tiến bộ” ở đề tài, tác giả Linh Trung cũng “tiến bộ” hơn nhiều đồng nghiệp ở cách nhìn về nhân vật đồng tính khi cả hai nghệ sĩ thủ diễn vai “ông bầu” là cố NSƯT Minh Châu (bản dựng sân khấu) và nghệ sĩ Trọng Phúc (bản video) đều được đánh giá là những nghệ sĩ nam tính hàng đầu của sân khấu cải lương.

Không lâu sau đó, đến lượt Đoàn cải lương Sài Gòn 1 “gây sốc” với vở diễn “Tôi không yêu đàn bà” của tác giả – đạo diễn kiêm trưởng đoàn Thanh Điền. Nổi tiếng là con người của hành động và sáng tạo, NSƯT Thanh Điền vẫn thường nói anh không thích làm những cái cũ, anh muốn hướng cải lương đến những cái mới, thậm chí là “quái”. Và có lẽ do “mới” quá nên câu chuyện về Thảo (NSƯT Ngân Vương) – một chàng trai lớn lên trong vòng tay yêu chiều quá mức của người mẹ để rồi lệch lạc giới tính, rơi vào bi kịch của kẻ không xác định được bản ngã thực sự của mình – đã không thực sự nhận được sự đồng cảm của giới chuyên môn cũng như khán giả cải lương, vốn nổi tiếng “bảo thủ”.

“Bạo” nhất phải kể đến video cải lương “Sóng ngầm”, khắc họa khá trọn vẹn tâm tư, tình cảm, những mặc cảm của người đồng tính khi xã hội và cả gia đình vẫn khó chấp nhận “điều trái quy luật” này. Hai nghệ sĩ Chí Linh và Tuấn Sang đã vào vai rất “ngọt” với ánh mắt, nụ cười trìu mến dành cho nhau và cả những cảnh âu yếm tình tứ khá nhạy cảm, nhất lại là đối với cải lương.

Trở về truyền thống?

Quả thật dù là đề tài mới lạ nhưng nhắc đến cải lương vẫn là nhắc đến loại hình nghệ thuật đậm giá trị truyền thống, khán giả cải lương yêu thích những câu chuyện tình buồn, lãng mạn nhưng đến xem cảnh hai anh kép “đầu mày cuối mắt”, “trao lời vàng đá” thì lại là chuyện khác. Cho nên những vở diễn trên chỉ dừng lại ở mức thử nghiệm và cũng không phổ biến.

cailuongvn Cải lương và đề tài đồng tính

Cải Lương và đồng tính còn nhiều nét mơ hồ nên khán giả vẫn chưa hiểu rõ ý đồ đạo diễn

Mãi đến năm 2010, đề tài này mới trở lại với vở diễn tốt nghiệp khoa Đạo diễn, Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM: “Chuyện tình Lương – Chúc” của nghệ sĩ trẻ Minh Trí (cộng tác cho nhóm Thắp sáng niềm tin – Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang). Không biết vô tình hay hữu ý mà Chuyện tình Lương – Chúc lại mang đậm hơi hướng của… Bá vương biệt cơ – bộ phim đề tài đồng tính nổi tiếng của đạo diễn Trần Khải Ca – khi kể về “mối tình” của anh nhắc tuồng Phi Long (Tuấn Sang) và chàng kép chính Ngọc Tuấn (Võ Minh Lâm).

Khi cô đào chính giận dỗi đoàn bỏ đi, Phi Long đã giả gái và thế vai rất thành công. Sự duyên dáng, yểu điệu của những Chúc Anh Đài, Dương Quý Phi,… của Phi Long trên sân khấu làm Ngọc Tuấn ngẩn ngơ, anh luôn ám ảnh, lẫn lộn giữa tình yêu trên sân khấu và trong cuộc đời thực, trong khi đó Phi Long lại yêu Ngọc Tuấn bằng một tình yêu chân thành, sâu đậm… Với ý tưởng đầy sáng tạo và một đề tài đang “hot” rất có thể “Chuyện tình Lương – Chúc” sẽ không chỉ dừng lại ở một vở diễn tốt nghiệp mà nhanh chóng được đưa lên sàn diễn chuyên nghiệp trong thời gian tới.

Tuy không mặn mà với đề tài đồng tính nhưng khán giả cải lương có vẻ lại rất thích dạng nhân vật “bóng” khuấy động sân khấu. Năm 1994, vở cải lương tuồng cổ “Tam phùng duyên” (tác giả: Đào Việt Anh – Bửu Truyện) ra mắt trên sân khấu Sông Bé – Hữu Long ghi nhận một nhân vật nam, không phải thái giám, õng ẹo, đanh đá và… mê trai: “anh – chị” chủ quán trọ chuyên “dê” khách nam do nghệ sĩ hài H.C thủ diễn (thậm chí còn có lời đồn rằng vai này được tác giả “đo ni” cho chính H.C).

Có thể nói, từ sau vai diễn này, H.C gần như “chết vai” khi các nhân vật hài anh đảm nhận đều có xu hướng… “lộ”, cũng chính H.C là người mở ra trào lưu “bông hoa đầy đầu” cho các vai thái giám (trong khi “thái giám thế hệ” trước đơn thuần chỉ là khiếm khuyết về mặt cơ thể, cách diễn vẫn rất đàn ông). Năm 2007, nhóm Thắp sáng niềm tin dựng vở cải lương “Nước mắt thâm tình” (tác giả: Hoàng Song Việt, đạo diễn: NSƯT Hoa Hạ) cũng “bắt kịp thời đại” khi chuyển nhân vật bà giúp việc tốt bụng (NSƯT Ngọc Giàu thể hiện trong bản quay video vào thập niên 1990) thành chàng “bóng” Tám “xôn xao” đỏng đảnh, xí xọn, nhiều chuyện (và dĩ nhiên… mê trai).

Theo Thể thao & Văn hóa

 


Các tin cùng chuyên mục