Hơn 40 năm sống trên đời, ca sĩ Randy luôn đau đáu đi tìm câu trả lời: Tôi là ai? Tôi từ đâu đến? Anh đã trở về Việt Nam, nơi mình sinh ra và bị bỏ lại cô nhi viện từ lúc 1 tháng tuổi để tìm mẹ ruột của mình. Cùng lúc có đến 3 người mẹ đã tới, tha thiết nhận con, nhưng cuộc tìm kiếm vẫn đầy éo le và khó khăn như mò kim đáy bể…
Sau hơn 20 năm sống ở Mỹ, người đàn ông da màu, tóc râu đã có thêm sợi bạc, lênh khênh trở lại Việt Nam với ký ức gãy vụn, cay đắng. Những tờ giấy chứng thực khi qua Mỹ ghi ngày tháng năm sinh (10.12.1974) đầy băn khoăn, những ký ức mơ hồ từ hồi lẫm chẫm tập đi, tập nói ở Cô nhi viện Thánh Tâm (Đà Nẵng) ùa về. Sự chua chát tại mảnh đất miền Trung, nơi những tiếng thủ thỉ của người cha nuôi thương anh thì mất sớm vì bệnh, chỉ còn lại những trận “đòn thù” mà người mẹ nuôi dội lên người anh không chừa một miếng…
Năm 2010, thoát khỏi những cơn bấn loạn của ký ức mà anh từng rất sợ hãi, Randy đến Đà Nẵng, tìm tới Cô nhi viện Thánh Tâm. Lần lượt dò lại những người từng làm việc ở đây sát cột mốc trước và sau năm 1975, anh thất vọng, buồn nản khi biết không còn sơ nào từng trông nom anh còn sống. Rồi một ngày, Randy nhắn tin khoe: “Anh đã biết chính xác ngày tháng năm sinh của mình rồi. Anh sinh ngày 25.1.1971”. Bẵng đi lâu, anh nhắn tin cho tôi mời tới dự sinh nhật tuổi mới: “Đây là lần đầu tiên Randy được mừng sinh nhật bằng tuổi thật của mình”.
Mới đây, bà D.T.H. sinh ra ở Huế, hiện cư trú tại Đồng Nai, có lên báo nhận Randy là con. Qua chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, bà H. được đón lên Sài Gòn để xét nghiệm ADN cùng hai trường hợp khác (một ở Đà Nẵng, một ở Đắk Lắk). Mỗi lần nhận kết quả là một lần Randy lại buồn. Anh tâm sự: “Vì thông tin về ba mẹ tôi trên giấy khai sinh hoàn toàn không có, chỉ có ngày tháng năm sinh của tôi thôi. Cái này nói mình đi tìm mẹ không đúng, mà đúng ra là rao tin để mẹ tìm nữa, nó hên xui như mò kim đáy biển vậy”. Tiếng anh thở dài, văng vẳng trong đầu tôi, ca từ bài Nó anh hay hát đầy day dứt “Mẹ ơi! Con yêu mong chờ, bao giờ cho đến bao giờ…”.
Tìm mẹ chỉ nhờ vào… duyên số
Khi biết được thông tin bà H. nhận anh là con, anh có hy vọng nhiều không?
Ồ! Tôi hy vọng đó là mẹ mình lắm chứ, nhưng có nhiều thông tin chưa khớp nên tôi không tin tưởng 100% thôi. Về phía mẹ H., thông tin đưa ra chỉ trùng hợp chứ không khớp ngày sinh và họ tên. Nhưng thời gian đó đang chiến tranh, rất có thể có nhầm lẫn, chuyện gì xảy ra mình đâu biết được.
Một bên, mình khao khát tìm mẹ, một bên bà cụ khao khát tìm con, hai tâm trạng đồng cảm nên mình tìm đến với bà cụ. Bà chia sẻ cả những điều thầm kín bao năm nay chôn giấu. Lúc ấy tôi đã nghĩ, nếu bà là mẹ của tôi thì tốt, còn nếu không thì cũng là một bà mẹ tinh thần.
Khi mẹ H. trả lời trên báo, tôi đang ở Hà Nội, dự định hát xong sẽ về Mỹ lo chuyện nhà cửa, nhưng tôi đã dời chuyến bay để ở lại Việt Nam gặp bà. Tôi muốn đợi tới khi có kết quả xét nghiệm rồi sắp xếp về lại Mỹ. Lúc đó tôi nghĩ, sau khi có kết quả xét nghiệm, tôi sẽ đưa thông tin ADN của mình ra phổ biến cho những người đi tìm con. Ai thấy khớp 70-80% thì hãy xét nghiệm, để khỏi mất thời gian và tiền bạc của họ.
Nghĩa là không chỉ bà H. mà còn nhiều trường hợp khác nữa cũng muốn nhận anh là người thân?
Nhiều người gọi cho tôi để xác nhận có phải thân thích hay không, nhưng lại chỉ muốn gặp riêng tôi thôi, rồi dặn đừng cho ai biết cả. Tại sao lại như vậy? (cười buồn) Hay có người gọi điện cho tôi rằng: “Mẹ cậu đang ở đây, cậu lên gặp mẹ đi, bà ôm hình cậu khóc hoài”. Có rất nhiều chuyện sao tôi thấy nhạt quá à!
Tôi cứ nghĩ trong hoàn cảnh đi tìm mẹ, nhận được chút thông tin nào về người mẹ ruột của mình thì phải lao đến gặp ngay?
Nếu ai gọi, tôi cũng đến thì sao được (cười). Tiền tôi đi hát không đủ để đi xe đến gặp hết các trường hợp ấy. Tôi phải hỏi trước, nếu thấy khớp mới đến gặp. Ví dụ như thông tin cơ bản nhất: Xin hỏi con trai bác sinh ở đâu? Ngày tháng năm sinh? Thất lạc con trong trường hợp nào?… Phần lớn họ đều nói quên hết rồi. Sao kỳ vậy? Sau đó tôi không liên lạc nữa vì mọi thứ không giống, liên lạc làm chi.
Có người ở Cà Mau gọi mấy lần, tôi chưa chính thức nói chuyện với bà cụ mà chỉ nói với cô con gái và đứa cháu của bà. Cách đây 2 tuần, tôi nhận được tin nhắn của cô cháu gái trách móc: “Chú Randy ơi, chắc chú quên gia đình này rồi, lâu quá không thấy một lời hỏi thăm từ chú. Chắc đây là vùng quê hẻo lánh, chú thăng hoa nên quên gia đình rồi”.
Trong khi thông tin giữa tôi và gia đình đó chưa đâu vào đâu hết, nhưng họ đã nhắn như thế. Tôi có nhắn lại là: “Con ơi, con kêu chú bằng chú là đúng vì chú cũng lớn tuổi, nhưng chuyện chú có phải là người gia đình con hay không thì chưa biết. Vì thậm chí chú chưa một lần gặp bà ngoại con hay con, nên chú chia sẻ thế này: Con nói với ngoại rằng nếu muốn tìm lại người con mình đã bỏ rơi mấy chục năm nay thì đi chuyến xe lên Sài Gòn và chú sẵn sàng tiếp đón để coi tình hình thế nào. Chú nghĩ nếu đã khao khát tìm con như thế mà có chuyến xe từ Cà Mau lên Sài Gòn cũng không làm được thì tìm chi cho mệt”.
Một người mẹ bỏ rơi con mình, dù họ có già có lẫn, không nhớ ngày tháng năm sinh của con thì ít nhất cũng nhớ đã bỏ con mình ở đâu chứ!
Sau 3 trường hợp xét nghiệm ADN không trùng khớp, anh có mất hy vọng không?
Cho đến giờ phút này, tôi thấy hy vọng rất mong manh việc tìm lại mẹ. Nếu là thời bình tôi hy vọng cao hơn, nhưng khi đó là thời chiến, cô nhi viện Thánh Tâm sau 20 năm người ta không giữ lại hồ sơ nữa và các sơ thời đó đã mất hết. Giờ chỉ còn nhờ duyên số.
Nhưng dù sao tôi vẫn giữ lập trường. Trừ phi mẹ “sống để dạ chết mang theo” thì tôi mất hy vọng, chứ nếu mẹ có chia sẻ với ai đó trong gia đình thì dòng họ ngoại của tôi chẳng lẽ không ai biết? Thế nên then chốt ở đây vẫn là mẹ tôi.
Hiện giờ, chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly đã giữ thông tin ADN của Randy, ai có chút nghi vấn về mối liên hệ với tôi có thể liên lạc chương trình để xác minh.
Tâm trạng mẹ H. khi kết quả xét nghiệm ADN không khớp chắc buồn lắm! Anh có an ủi bà?
Chỉ riêng bà H. thì tôi mới tìm đến gặp vì thấy đến 50% trùng hợp, còn các trường hợp khác tôi chỉ cần nhấc điện thoại, xác nhận là biết không phải rồi.
Khi có kết quả, mẹ H. cũng buồn lắm! Bà khóc và viết lại một lá thư chia sẻ, cho dù tôi không phải con ruột, bà vẫn cầu nguyện và mong tôi sớm tìm được mẹ. Hôm rồi bà đi Mỹ, tôi đang hát ở tỉnh, không về tiễn được, nhưng có gọi điện hỏi thăm, dù thế nào bà vẫn là người mẹ tinh thần của tôi.
Câu đầu tiên gặp mẹ, tôi sẽ hỏi: Tại sao mẹ bỏ con?
Khi gặp bà D.T.H., anh có cảm giác như thế nào?
Cho đến lúc này, mẹ H. vẫn khiến tôi có tình cảm đặc biệt. Khi chưa biết bà không phải là mẹ ruột của mình, tôi đã rất thán phục vì ít nhất bà đã can đảm kể lại những chuyện bí mật trong quá khứ mà ngay cả gia đình cũng không biết. Nhiều khi đó là vết nhơ của cuộc đời mà mẹ H. muốn quên đi. Nhưng bà đã đủ can đảm để nói, đồng thời kêu gọi những bà mẹ đã từng bỏ con có dũng khí để tìm lại con mình. Từ đó, có thể thông cảm và tha thứ cho nhau mọi lỗi lầm.
Tôi thương mẹ H., tôi thấy sự khao khát của bà cũng giống mình. Còn cảm giác về sợi dây vô hình thú thật lúc đó tôi cũng không có. Tôi thấy tình cảm bà dành cho mình, bà là người rất hiểu và thương tôi.
Giả sử thôi, nếu bà H. đúng là mẹ ruột, câu đầu tiên anh muốn nói với bà là gì?
Tôi sẽ hỏi: Tại sao mẹ bỏ con? Nhưng dường như tất cả những gì tôi muốn hỏi bà đều chia sẻ trên báo, tôi đã có câu trả lời rồi. Và khi nghe bà cũng sắp đi Mỹ, tôi xác định gia đình tôi sẽ tới thăm vì tôi muốn con mình biết bà nội và có nguồn gốc.
Giờ anh có còn tủi thân hay giận người mẹ nuôi từng đánh đập và bán anh đi không?
Trong thời gian sống cùng, má có tế nhị với tôi đâu. Má có những hành động không tốt với tôi nhưng tôi bỏ qua rồi, không nói lại chi nữa. Má chưa làm gì tình cảm cho tôi thì sao tôi có tình cảm với má được, đó là điều tự nhiên của con người.
Tôi còn nhớ, lúc tôi về nhà má nuôi đã 4, 5 tuổi rồi. Hàng xóm tới coi, tôi còn lấy chiếu trùm lại mà. Lúc đó tôi nhớ mấy bài hát sơ dạy, nhớ cả mấy người trong cô nhi viện ngủ chung cái nôi cao thiệt cao, ăn cơm trong một cái khay. Nhưng má nuôi cứ kể là nuôi tôi từ lúc mới biết bò. Má nói vậy nhiều khi có lý do của bà, tôi cũng không quan tâm lắm (cười). Bà còn xin hàng xóm láng giềng đừng nói sự thật cho tôi biết. Bây giờ thỉnh thoảng tôi mới về thắp nhang cho ba nuôi và thăm má nuôi thôi.
Anh có ý định đi tìm người cha ruột của mình ngay không?
Điều đó tôi chưa nghĩ tới. Cảm giác muốn tìm lại ba ruột của mình chưa hề thôi thúc tôi. Bây giờ tôi chỉ muốn tìm lại mẹ thôi.
Cảm ơn anh đã chia sẻ.
Thông tin nhân vật:
Randy tên thật là Trần Quốc Tuấn, sinh ngày 25.1.1971 tại Bệnh viện Hải Châu (Bệnh viện Paulo cũ), Đà Nẵng. Anh được gửi vào Viện mồ côi Thánh Tâm ở Đà Nẵng ngay sau một tháng tuổi (26.2.1971). Ngày 15.11.1975, anh được giao cho người mẹ nuôi Nguyễn Thị Nữ và cha nuôi Nguyễn Húy ở thôn 3, Cẩm Hà (nay là Thanh Hà), Hội An. Gia đình này có 7 người con (5 trai, 2 gái) nhưng tất cả con trai đều mất sớm.
Đến năm 1983, một gia đình người Hoa muốn nhập cư Mỹ nên trả cho cha mẹ nuôi Randy 3 cây vàng để có anh. Nhưng sau đó chính sách nhập cư trẻ lai bị bỏ nên họ bỏ mặc Randy. Đến năm 1990 có thông báo từ Đại sứ quán Mỹ, gia đình đó lại tìm anh về và họ cùng qua California định cư.
Năm 1992, Randy đoạt giải khuyến khích, rồi sau đó là giải Nhất thi hát karaoke ở quán cà phê Văn, California với ca khúc Lần đầu cũng là lần cuối. Trung tâm băng nhạc Hải Âu thực hiện độc quyền với Randy 6 album đơn ca và 3 album song ca với ca sĩ Mỹ Huyền. Thời điểm vàng son, trung bình mỗi tháng thu nhập của Randy khoảng 20.000 USD (hơn 400 triệu đồng)/tháng nhưng anh đã phung phí vào rượu chè, cờ bạc.
Randy kết hôn 3 lần. Năm 24 tuổi (1995) với Jenny Hồng Thanh và có cậu con trai Juston. Họ chia tay khi Juston chưa đầy một tuổi. Năm 2002, Randy gặp Ngọc Tuyết Cindy tại một câu lạc bộ khi cô ấy đang thất tình, hai người đồng cảm và yêu nhau, họ có chung con gái tên Vallene. Khi con gái gần 1 tuổi, hai người đường ai nấy đi. Anh đến với người phụ nữ thứ ba tên Cassie Phượng, thua anh 17 tuổi, họ có chung cậu con trai Kendon.
Theo ANTG