Năm 1965, một bé trai tên là David Reimer được sinh ra tại Canada. Vào lúc 8 tháng tuổi, Reimer được đưa đi cắt bao quy đầu nhưng không may do sai sót kỹ thuật, dương vật của cậu đã bị cháy. Khi bố mẹ Reimer đến gặp nhà tâm lý học John Money để tìm giải pháp, ông này đã đề nghị một thử nghiệm táo bạo là hãy chuyển đổi giới tính và nuôi lớn Reimer như một bé gái. Ban đầu, bố mẹ cậu phản đối nhưng sau cùng cũng đồng ý.
Ngày 20.11 hàng năm không chỉ là ngày Nhà Giáo Việt Nam mà trên thế giới mà đây còn là ngày Quốc Tế Kỷ Niệm Người Chuyển Giới (Transgender Day of Remembrance). Về mặt khoa học, khái niệm người chuyển giới liên quan đến khía cạnh về Bản dạng giới, hay cũng chính là cảm nhận giới của mỗi con người.
“Bản dạng giới” (Gender Identity) là cảm nhận, là cách mỗi người nhìn nhận về giới tính của mình là gì. Thuật ngữ này còn được dịch là “Nhân dạng giới” hay “Nhận dạng giới”. Khái niệm “Giới” (Gender) không chỉ được quy định bằng phần “Giới tính Sinh học” (Biological Sex) mà nó còn xem xét cả giới tính mà mỗi người tự cảm nhận, và đó chính là “Bản dạng giới”.
Trong xu thế vận động cho quyền con người ngày nay, thì yếu tố “Bản dạng giới” của mỗi cá nhân ngày càng được tôn trọng, vì chỉ khi bạn chủ động trong việc tìm hiểu mình là ai (chứ không phải là đi theo mong muốn của người khác) thì bạn mới có thể biết mình muốn gì trên con đường tìm kiếm hạnh phúc của bản thân.
Như vậy, 2 yếu tố “Giới tính sinh học” và “Bản dạng giới” của mỗi người có thể trùng hoặc không trùng với nhau. Điều này làm nên sự đa dạng, có những người không chuyển giới và có những người chuyển giới. Và vì “bản dạng giới” là cảm nhận từ bên trong cho nên việc một người tự nhận mình là người chuyển giới có thể không liên quan gì đến trạng thái cơ thể sinh học hiện tại của họ, có thể họ đã chuyển đổi cơ thể hoặc chưa.
Tuy nhiên, với những khát khao, mong muốn về giới tính của người chuyển giới, có những ý kiến từ cả công chúng và giới chuyên môn cho rằng: Người chuyển giới là do cách nuôi dạy của người lớn, ví dụ, phụ huynh để cho một bé trai ăn mặc, có các hoạt động như con gái thì dần dần đứa bé mới có bản dạng giới là nữ. Qua đó, luồng ý kiến “nguyên nhân do nuôi dạy mà ra” này có ngầm ý rằng chỉ cần người lớn ra sức uốn nắn, tác động hướng nào thì cảm nhận về giới tính của một con người (tức là “bản dạng giới”) sẽ tự động đi theo hướng đó.
Thực tế là ngay cả trong giới khoa học chuyên về giới tính, giới và tính dục, cuộc tranh luận về nguyên nhân sinh học hay nguyên nhân do môi trường, cái nào làm bên bản dạng giới, vẫn chưa ngã ngũ và chưa chứng minh được một nguyên nhân cụ thể và duy nhất nào. Cho đến hiện tại, chúng ta biết được rằng bên cạnh các quan điểm về quá trình nuôi dạy, cũng có quan điểm đối lại về nguyên nhân bẩm sinh, tức là cảm nhận giới tính của mỗi người là điều có sẵn, tự nhiên và mạnh mẽ trong cá nhân đó.
Có một thí nghiệm tiêu biểu, nổi tiếng và cũng đầy tai tiếng (về mặt đạo đức khoa học) trong lịch sử minh chứng cho quan điểm “nguyên nhân bẩm sinh” của bản dạng giới:
Vào năm 1965, một bé trai tên là David Reimer được sinh ra tại Canada. Vào lúc 8 tháng tuổi, Reimer được đưa đi cắt bao quy đầu nhưng không may do sai sót kỹ thuật, dương vật của cậu đã bị cháy. Khi bố mẹ Reimer đến gặp nhà tâm lý học John Money để tìm giải pháp, ông này đã đề nghị một thử nghiệm táo bạo là hãy chuyển đổi giới tính và nuôi lớn Reimer như một bé gái. Ban đầu, bố mẹ cậu phản đối nhưng sau cùng cũng đồng ý. Họ không hề biết rằng mục đích thực sự của thí nghiệm là để xem cảm nhận về giới tính của mỗi người có được do tự nhiên hay do quá trình nuôi dạy, mà lúc bấy giờ cá nhân Jonh Money tin rằng là do nuôi dạy mà ra. John đã tàn nhẫn sử dụng chính David để chứng minh cho nhận định của mình.
David, giờ đây đã được đổi tên là Brenda, được tái tạo cơ quan sinh dục và tiêm hormone nữ. Bác sĩ John Money khẳng định thí nghiệm đã thành công mà phớt lờ các báo cáo xấu về tình trạng sức khỏe của Brenda. Cô vẫn có những hành động như một chàng trai, cảm nhận mình là con trai, và cảm thấy rất khổ sở vì vốn dĩ cô không biết về những gì người lớn xếp đặt lúc mình còn nhỏ. Mãi đến năm Brenda 14 tuổi, cha mẹ Brenda mới kể chuyện và nói cho cô biết về việc cô sinh ra là bé trai, đã và đang lớn lên như một người nữ.
Vì “bản dạng giới” của mình là nam, cô quyết định quay trở lại làm David, ngừng tiêm estrogen và tiến hành phẫu thuật tái tạo dương vật. Bác sĩ John lúc này vẫn một mực khẳng định sự thành công của thí nghiệm trước kia và bỏ qua tất cả bất ổn tâm lý của David. Sau cùng, anh tự tử ở tuổi 38 vì không chịu nổi sự trầm cảm khi một đời đã qua phải sống theo bản dạng giới mà người lớn áp đặt.
Như vậy, vấn đề không đơn giản là chúng ta muốn người khác cảm nhận thế nào, thì họ sẽ cảm nhận như ý chúng ta muốn.
Trong thí nghiệm tai tiếng với David Reimer, David sinh ra là nam, bản dạng giới cũng là nam, thì dù chúng ta – những người ngoài – có ép anh ấy phải sống như nữ, anh ấy cũng không làm được. Tương tự như vậy, với những người chuyển giới, một khi họ đã cảm nhận mình là giới tính này (giới tính mong muốn của họ) thì chúng ta ép họ phải cảm nhận như giới tính kia (vì chúng ta dựa trên chuẩn mực rằng sinh ra thế nào thì phải cảm nhận như thế ấy), có phải là điều hợp tình và hợp lý hay không?
Không phải ngẫu nhiên mà Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kì, dưới sức ép vận động quyền bình đẳng đến từ chính những người chuyển giới, đã thay đổi cả quan điểm và khái niệm khi xét đến phân loại “người chuyển giới”: Sự bất ổn tâm lý, tình trạng không hạnh phúc (“gender dysphoria”) của người chuyển giới, không phải đến từ bản dạng giới của họ, mà đến từ những áp lực định kiến và kỳ thị từ người xung quanh. Cụ thể nhất là định kiến về việc giới tính sinh học đương nhiên lúc nào cũng trùng với bản dạng giới, ai sinh ra là giới tính nào thì phải cảm nhận như giới tính đó, còn nếu cảm nhận khác đi thì phải cố gắng quay về như giới tính sinh học thì mới là bình thường.
Điều gì mới là bình thường, sự hài lòng và hạnh phúc tự thân của bạn trong hiện tại, hay sự hài lòng và hạnh phúc do người khác giả định giùm cho bạn?
Theo Một thế giới