LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới) là một cộng đồng lớn có nhiều thành viên với màu da và tôn giáo đa dạng. Tuy nhiên, nhóm người LGBT da màu thường ít được truyền thông nhắc đến mặc dù họ lại là những người phải chịu nhiều kỳ thị và định kiến nhiều nhất.
Nhân tháng tự hào tại Mỹ, trang NewNowNext thuộc kênh truyền hình Logo đã đưa ra danh sách 5 người LGBT da màu tiên phong nổi bật nhất trong lịch sử của phong trào bình quyền ở Mỹ.
1. Bessie Smith (1894-1937)
Được mệnh danh là “Nữ hoàng nhạc Blues”, Bessie Smith luôn nằm trong danh sách những danh ca nhạc jazz đình đám nhất vào thập niên 1920 – 1930 với chất giọng trời phú.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại Chattanooga, tiểu bang Tennessee, Smith đã may mắn nhận được sự giúp đỡ của Ma Rainey – người được xem là “Mẹ đẻ của Blues”. Năm 1923, bà chính thức ký hợp đồng thu âm với hãng Columbia Records. Sau một thời gian đi tour và ghi âm, bà nhanh chóng trở thành ca sĩ da màu đắt giá nhất vào thời bấy giờ.
Smith là một người song tính, và bà chưa bao giờ cố tình giấu diếm điều này với công chúng. Ngược lại, bài hit It’s Dirty But Good của bà còn đề cập đến tình yêu đồng tính nữ. Nhiều người cho rằng bà có quan hệ tình cảm với người đỡ đầu Rainey. Người chồng thứ hai của Smith, Jack Lee, thường xuyên nổi nóng bởi tình cảm bà dành cho những người phụ nữ xung quanh, bao gồm Lillian Simpson – một ca sĩ hát bè và đồng nghiệp Gertrude Sanders.
Smith mất vào năm 1937 sau một tai nạn xe hơi nghiêm trọng.
Đầu năm nay, kênh HBO đã cho công chiếu bộ phim tiểu sử về Smith. Bộ phim mang tên Bessie và vai Smith do nữ diễn viên kiêm ca sĩ Queen Latifah thủ vai
2. Bayard Rustin (1912-1987)
Bayard Rustin là một lãnh đạo trong phong trào vận động dân quyền và quyền đồng tính vào thập niên 60 – 70 – 80.
Rustin bắt đầu hoạt động xã hội từ sau khi tốt nghiệp trường Cheyney State Teachers College và chuyển đến sinh sống tại Harlem, New York vào năm 1937. Rustin từng bị bắt giam vào năm 1953 vì đã có quan hệ tình dục với hai người đàn ông tại một bãi đậu xe ở California. Việc này đã tạo động cơ cho các nhà vận động quyền khác cười chê ông. Từ đó, ông bắt đầu chính thức công khai về xu hướng tính dục của mình trong suốt quá trình tranh đấu vì dân quyền sau đó.
Mặc dù vậy, phải đến năm 1980, khi được người bạn đời Walter Naegle thuyết phục, Rustin mới trở thành một nhà vận động quyền cho người đồng tính. Vào năm 1986, ông đã thay mặt Dự luật Quyền Đồng tính Bang New York phát biểu với bài nói nổi tiếng – The Gays Are The New N****ers. “Người đồng tính là một phong vũ biểu mới của thay đổi xã hội”, ông nói. “Vấn đề thay đổi xã hội nên gắn liền với nhóm người dễ tổn thương nhất, đó là người đồng tính”.
Mặc dù có nhiều ý kiến cho rằng chính vì Rustin là người đồng tính nên mới có nhiều người biết về các hoạt động xã hội của ông. Nhưng bộ phim tài liệu Brother Outsider: The Life Of Bayard Rustin ra đời vào năm 2012 đã khiến nhiều người có cái nhìn thấu hiểu hơn về cuộc đời cũng như sự nghiệp của ông.
3. Audre Lorde (1934-1992)
Audre Lorde là một nhà thơ, một nhà vận động dân quyền và nữ quyền, và là một người đồng tính công khai.
Sinh ra tại New York, Lorde tốt nghiệp Hunter College vào năm 1959 với bằng cử nhân khoa học thư viện. Không lâu sau đó, bà bắt đầu hòa nhịp vào cuộc sống đồng tính tại Greenwich Village, và tại Stamford, Connecticut.
Lorde nhanh chóng trở thành một thủ lĩnh trong phong trào đấu tranh vì nữ quyền, đặc biệt là cho phụ nữ da màu – những người thường bị bỏ sót trong phong trào nữ quyền vào thời đó. Chính quan điểm này của bà đã khiến nhiều nhà vận động quyền da trắng nổi giận, họ xem bà là một bộ phận tách rời. Và bà đã lên tiếng trả lời rằng: “Điều bạn nghe được trong tiếng nói của tôi là cơn thịnh nộ chứ không phải nỗi đau. Sự tức giận chứ không phải quyền thế đạo đức”.
Lorde đã từng xuất bản 9 tác phẩm thơ và văn chương từ năm 1968 đến 1980. Một trong những bài thơ nổi tiếng nhất của bà là một lá thư tình cho một phụ nữ tên To Martha: A New Year. Bài thơ này cũng là tiếng nói công khai về xu hướng tính dục đầu tiên của Lorde. Bà đã từng nhận giải thưởng New York State Poet Laureate.
Lorde mất vào năm 1992 vì căn bệnh ung thư vú. Trước khi qua đời, bà đổi tên thành Gamba Adisa, có nghĩa là Chiến binh: Người phụ nữ khiến bản thân được biết đến.
4. James Baldwin (1924-1987)
Baldwin sịnh ra tại Harlem, New York. Ông nhận ra đam mê văn chương của mình ngay sau khi đến thăm Greenwich Village dưới sự dẫn dắt của họa sĩ Beauford Delaney vào năm 15 tuổi.
Sau khi nhận ra mình là người đồng tính, Baldwin rời Mỹ để đến Pháp. Chính tại nơi đây, ông bắt đầu gia nhập luồng tư tưởng Cánh Phải. Cũng nhờ những quan điểm xã hội này mà ông đã trở thành một nhân tố có nhiều ảnh hưởng vào phong trào dân quyền 1950-1960.
Các tác phẩm nởi tiếng nhất của ông gồm Go Tell It on the Mountain, Giovanni’s Room, Tell Me How Long the Train Has Been Gone và Another Country. Trong đó, hai tác phẩm cuối của ông có đề cập đến các nhân vật đồng tính và song tính.
Mặc dù nhiều nhà lãnh đạo phong trào dân quyền không mấy ủng hộ Baldwin vì xu hướng tính dục của ông, nhưng nhờ tên tuổi trên văn đàn mà ông mang đến khá nhiều ảnh hưởng.
Vào những năm cuối đời, Baldwin quay lại Pháp. Ông mất vì căn bệnh ung thư thực quản vào năm 1987. Năm 2012, ông được vinh danh trên con đường Legacy Walk tại Chicago, tiểu bang Illinois. Đạy là một bảo tàng được mở ra nhằm nhằm tôn vinh lịch sử LGBT tại Mỹ.
5. Janet Mock (1983- nay)
Sinh ra tại Honolulu, Hawaii, Mock là thành viên đầu tiên trong gia đình cô hoàn thành đại học. Trong năm học đầu tiên tại University of Hawaii ở Manoa, Mock đã du lịch đến Thái Lan và trải qua cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính từ nam thành nữ. Sau khi tốt nghiệp, cô chuyển đến New York và nhận bằng Thạc sĩ Nghệ thuật Báo chí của New York University.
Mock bắt đầu viết bài cho nhiều tờ báo khác nhau, và cô cũng công khai mình là một phụ nữ chuyển giới vào năm 2011 trong một bài viết của tạp chí Marie Claire có tên I Was Born A Boy. Mock đã không mấy hài lòng về tựa vài viết, cô nói: “Tôi được sinh ra trong một cơ thể mà các bác sĩ gọi là nam giới. Tôi đã không thể chọn lựa giới tính cho mình lúc sinh ra… Việc phẫu thuật chuyển giới không làm cho tôi trở thành nữ giới. Tôi luôn là phụ nữ từ lúc sinh ra”.
Mock đã từng cho xuất bản một quyển hồi ký mang tên Redefining Realness: My Path to Womanhood, Identity, Love & So Much More vào năm 2014. Trong quá trình quảng bá cho cuốn sách, cô từng xuất hiện trên chương trình truyền hình Piers Morgan Show. Trong chương trình, cô đã lên tiếng phản đối những câu nói kỳ thị người chuyển giới của Morgan và đã được nhiều người ủng hộ.
Ngoài việc quảng bá về kiến thức cho cộng đồng chuyển giới khắp nước Mỹ, Mock còn chủ trì một chương trình talk show trên kênh MSNBC với tên gọi So Popular! Hiện cô cũng đang cộng tác với vai trò biên tập cho Marie Claire.
Theo Một thế giới/Lifetsyle