“Come out” là tiến trình một người đồng tính thừa nhận xu hướng tính dục cùng giới của mình, có thể là với chính bản thân, hoặc với những người xung quanh như bạn bè, cha mẹ, hoặc đồng nghiệp. Tuy nhiên, việc thừa nhận mình là người đồng tính không dễ dàng gì, và có rất nhiều lý do để giữ im lặng.
Theo một nghiên cứu của Viện iSEE năm 2009, ở Việt Nam chỉ có 2% người đồng tính được hỏi hoàn toàn công khai, và 5% gần như công khai xu hướng tính dục của mình. Khoảng 25% sống lúc thì bí mật, lúc thì công khai, 35% gần như bí mật và 33% bí mật hoàn toàn. Ngay như ở Mỹ, một nghiên cứu gần đây cũng cho thấy có tới 53% người đồng tính sống trong vỏ bọc. Như vậy, đâu là những lý do ngăn cản người đồng tính sống thật là mình?
Thứ nhất, đó là sự sợ hãi với chính bản thân của mình. Một người có thể được nuôi dậy trong môi trường gia đình coi đồng tính là bất thường, tội lỗi. Hàng ngày, họ nghe những lời châm chọc, thậm chí nguyền rủa người đồng tính. Chính vì vậy, khi lớn lên, biết mình yêu người cùng giới, họ phải từ chối chính bản thân mình, mang vỏ bọc suốt đời. Họ lập gia đình và không bao giờ có quan hệ với bất cứ người cùng giới nào.
Thứ hai, nhiều người không muốn công khai vì lo lắng điều đó làm cho cha mẹ đau khổ. Họ muốn giữ chữ hiếu, lập gia đình, sinh con nối dõi tông đường. Họ cũng sợ cha mẹ đau khổ vì mất thể diện, phải chịu những điều tiếng của xã hội đổ lên dòng họ vì coi đồng tính như một “nghiệp chướng” phải trả. Những người này thường khuất phục sức ép gia đình, họ hàng để lập gia đình.
Thứ ba, nhiều người thừa nhận mình là người đồng tính nhưng không vượt qua được nỗi sợ bị xã hội kỳ thị. Họ quan hệ tình dục với người cùng giới, đôi khi có những quan hệ yêu đương. Tuy nhiên, họ xác định một gia đình có vợ, có chồng và có con vẫn là một tương lai ổn định. Họ sống hai cuộc đời, một của người đồng tính với những mối quan hệ tình dục qua đường; một của người dị tính với vợ/chồng con.
Thứ tư, nhiều người đồng tính không công khai vì công việc không cho phép. Đa số họ là nhân viên bình thường, sợ bị đuổi việc hoặc không thể thăng tiến nếu bị phát hiện là người đồng tính. Một số là những người thành đạt trong xã hội, có địa vị hoặc danh tiếng. Họ không muốn hy sinh sự riêng tư, hoặc sợ ảnh hưởng đến công việc làm ăn của mình nên giữ im lặng. Nhiều người có thể ở một mình, hoặc với bạn cùng giới, nhưng với họ im lặng là điều tốt nhất để được yên thân.
Thứ năm, nhiều người cho rằng không cần thiết phải nói về xu hướng tính dục cùng giới của mình. Họ sống như họ vốn thế, có người yêu cùng giới hoặc không có người yêu cùng giới. Với họ, việc là người đồng tính không quan trọng, vấn đề là họ sống như thế nào và làm được gì. Họ không quan tâm người khác có biết họ là người đồng tính không, nhưng cũng không bao giờ có nhu cầu nói với người khác họ là người đồng tính.
Mỗi người có một lựa chọn tùy vào hoàn cảnh của mình. Nhiều người công khai và được gia đình, bạn bè và đồng nghiệp chấp nhận. Nhiều người công khai và bị đánh đập, từ bỏ, hoặc thậm chí bị giết hại. Không có một công thức nào để nói người đồng tính nên công khai hay không công khai trong hoàn cảnh này hoặc hoàn cảnh kia, mỗi người phải tự quyết định cho mình. Nhưng một câu hỏi quan trọng mà người đồng tính nên tự hỏi mình: tôi là ai, tôi sống vì mục đích gì, và sống vì ai khi nghĩ về việc có công khai hay không.
Theo Diễn Ngôn