Tại phiên họp của Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội chiều 22-4 về dự thảo luật hôn nhân và gia đình sửa đổi và dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật bảo hiểm y tế, đa số các đại biểu ủng hộ việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Nhưng cũng có không ít những ý kiến khác về vấn đề này.
Ông Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ tư pháp góp ý: “Việc cho phép mang thai hộ là cần thiết và nhân văn. Nhưng cần phải thận trọng và có các quy định chặt chẽ, tránh việc thương mại hóa việc này. Vì đây là vấn đề rất mới ở Việt Nam, nên tôi đề nghị Ủy Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cân nhắc xem đã đến mức cần thiết phải luật hóa việc này hay chưa?”
Còn ông Huỳnh Thành Lập, thành viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội thì bổ sung cần phải có thêm quy định về điều kiện kinh tế tối thiểu của bên nhờ mang thai hộ, để đảm bảo quyền lợi cho người mang thai hộ cũng như quyền lợi của đứa trẻ được sinh ra.
Ảnh minh họa |
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đặt vấn đề về quy định người mang thai hộ phải là người thân thích của bên vợ, bên chồng thì sẽ trái với truyền thống đạo đức, luân lý của người Việt Nam ta. Đồng thời bà cũng nêu câu hỏi, tại sao điều luật cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chưa bị ràng buộc với chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình.
Vấn đề hôn nhân đồng giới cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Đại biểu Đinh Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ TP.HCM băn khoăn rằng tại sao trong luật nói không cấm hôn nhân đồng giới, nhưng đồng thời lại ghi “Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Bà Mai kiến nghị nên sửa đổi về câu chữ điều luật này để đảm bảo tính nhân văn và quyền của những người đồng tính: “Tôi ủng hộ việc bảo vệ hôn nhân khác giới. Nhưng dự thảo luật nên nghiên cứu để bằng cách nào đó, phải tính toán đến quyền lợi, tình cảm của những người đồng giới. Họ có quyền được hưởng những quyền lợi của họ về mặt hôn nhân”.
Về luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật bảo hiểm y tế, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết mục đích đưa quy định bắt buộc đóng BHYT có sự hỗ trợ của nhà nước vào luật sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và đảm bảo an sinh xã hội. Điểm mới là lần đầu tiên, trong luật BHYT sẽ quy định các đối tượng thuộc lực lượng quân đội và công an cũng bắt buộc tham gia BHYT.
Theo Tuổi Trẻ