Cuộc sống liệu đã nở hoa với người chuyển giới?


Dù Quốc hội đã chính thức thừa nhận quyền xác định lại giới tính của công dân nhưng nhiều khó khăn còn chờ đợi những người chuyển giới.

Hàng trăm nghìn người Việt chờ chuyển giới

Anh Lương Thế Huy cán bộ pháp lý Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) cho biết: Theo ước tính cộng đồng chuyển giới chiếm 0,3% dân số toàn nước Mỹ, tức là khoảng 700.000 người. Tỷ lệ chuyển giới là như nhau ở mọi nền văn hóa, mọi đất nước, chỉ khác nhau ở mức độ công khai nên nếu đem con số này áp dụng tại Việt Nam thì số lượng chuyển giới ở Việt Nam là khoảng hơn 270.000 người. Theo thống kê của ISEE, với người chuyển giới từ nam sang nữ (MtF), chỉ tính ở một địa điểm phổ biến tại Thái lan: Chuyển toàn bộ trung bình 2 ngày/người (183 người/năm); Chuyển một phần trung bình 3 người/ngày (1.095 người/năm). Tổng cộng, ước tính có 1.287 người/năm làm phẫu thuật chuyển đổi 1 phần/toàn bộ ở Thái Lan. Với người chuyển giới từ nữ sang nam (FtM), có khoảng 100 người/năm thực hiện phẫu thuật cắt ngực tại các phòng khám ở Việt Nam và Thái Lan.

Tại Việt Nam, cho đến năm 2014, toàn bộ các ca phẫu thuật chuyển giới liên quan đến bộ phận sinh dục đều được thực hiện ở nước ngoài mà phổ biến nhất là Thái Lan. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc phát triển các cơ sở chuyển giới ở Việt Nam chỉ là vấn đề thời gian bởi theo họ các bệnh viện Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng để thực hiện.

chuyen gioi Cuộc sống liệu đã nở hoa với người chuyển giới?

Chấp nhận đau đớn, tốn kém để được là chính mình

Một nghiên cứu của cũng cho thấy 78% người chuyển giới muốn phẫu thuật chuyển giới, nghĩa là cứ 5 người chuyển giới thì sẽ có khoảng 4 người có nhu cầu muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Số còn lại không muốn thì vì các lý do: Pháp luật chưa cho phép: 51,9%; Điều kiện kinh tế chưa đủ: 79,6%; Sợ bị ảnh hưởng sức khỏe: 38,5%; Sợ bị kỳ thị: 17,0%; Gia đình không cho phép: 42,7%.

Những người từng phẫu thuật cho biết, để tìm lại giới tính của mình họ phải chịu rất nhiều đau đớn và tốn kém. Trước hết, theo những người từng phẫu thuật chuyển giới, nếu thực hiện ở Thái Lan (được xem là nơi thực hiện phẫu thuật chuyển giới với giá rẻ nhất), trung bình mỗi ca phẫu thuật cũng ngốn vài trăm triệu đồng (thông thường là 20.000 USD, tương đương 400.000 triệu đồng). Đó là còn chưa kể đến các cuộc thẩm mỹ hút mỡ, cắt vai… sao cho phù hợp với giới tính.  Nếu quá trình chuyển đổi giới tính kéo dài qua nhiều năm, 1 người có thể sẽ chi tiêu khoảng 100.000 USD (hơn 2 tỷ đồng). Bên cạnh đó, người muốn chuyển giới cũng phải trải qua khoảng 30 cuộc phẫu thuật với vô số những đau đớn, rằng xé mà khó có từ ngữ nào có thể mô tả được. Thế nhưng, để được trở về với giới tính thật của mình, họ chấp nhận tất cả.

 Minh Ngọc, một người chuyển giới từ nam sang nữ bày tỏ: ‘Tôi thậm chí còn phải bán hết tài sản, cầm cố mọi thứ để sang Thái Lan giải phẫu. Những ngày Tết , người ta sum vầy bên gia đình còn tôi thì nằm trên bàn mổ. Bạn không tưởng tượng được nó đau đớn như thế nào đâu. Tôi nằm trên giường bệnh, thở thoi thóp mà rước mắt thì cứ rơi. Tại sao số phận lại khiến chúng tôi đau đớn như thế. Để chuyển giới, tôi đã chấp nhận một nửa của mình chết đi để tái sinh thật sự’. Còn cô giáo chuyển giới Quỳnh Trâm (TP HCM) thì cho hay, cô quyết định chuyển giới với mong muốn một ngày được sánh đôi đường đường, chính chính với người đàn ông mà cô yêu thương (quen qua mạng). Và thế là, cô đã có hơn mấy năm đi dạy thêm, làm thêm không ngừng nghỉ để dành tiền phẫu thuật. Hành trình để trở thành phụ nữ của cô giáo Quỳnh Trâm cũng đã ngốn của cô số tiền 250.000 USD và 2 năm trời.

Cuộc sống liệu đã nở hoa?

Ngay sau khi có thông tin Quốc hội chính thức công nhận quyền xác định lại giới tính của công dân, cộng đồng chuyển giới Việt Nam đã náo nức bày tỏ sự vui mừng cả dưới lòng đường và trên facebook. Anh Huỳnh Minh Thảo, Giám đốc truyền thông và dịch vụ của Trung tâm ICS – một tổ chức của người người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Việt Nam, chia sẻ với báo chí rằng: ‘Ngay phút được biết tin Quốc hội Việt Nam đã thông qua quyền cho cộng đồng người chuyển giới, cả văn phòng như nổ tung. Mọi người hò reo vui mừng và nhảy múa loạn xạ… như một phản xạ tự nhiên khi hạnh phúc, mọi thứ có lẽ đã được chờ đợi quá lâu để có thể vỡ òa như thế’.

Cũng theo anh Thảo, việc Quốc hội cho phép chuyển giới tính mở ra sự bình đẳng và công bằng xã hội, điều mà những người chuyển giới luôn mong muốn. Và từ nay, họ sẽ được nhắc đến công khai, thừa nhận trên giấy tờ, sẽ thuận lợi hơn trong cả công việc và cuộc sống. Thanh Nga, một cô gái chuyển giới đang sống ở Hà Nội cho hay: ‘Khi sinh ra tôi đã không được may mắn như mọi người, điều đó đã làm tôi rất khổ sở. Tôi luôn dằn vặt và lo sợ bị hắt hủi nhưng từ hôm nay tôi sẽ dũng cảm hơn. Tôi sẽ cố gắng nỗ lực để mọi người công nhận tôi là một người phụ nữ thực thụ’. Tuy nhiên, chưa hẳn cuộc đời của những người chuyển giới từ đây sẽ nở hoa bởi vẫn còn rất nhiều khó khăn chờ đợi họ ở phía trước.

Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, pháp luật Việt Nam đã thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính, nhưng hiện mới là ‘quyền treo’, chưa thể áp dụng do phải chờ luật riêng quy định chi tiết về vấn đề này. Hơn thế nữa, như đã nói ở trên, để thực hiện được một ca phẫu thuật chuyển giới là một hành trình đầy khó khăn cả về sức khỏe lẫn tiền bạc vì nó vừa đau đớn, vừa tốn kém. Do vậy không phải ai muốn cũng có đủ khả năng để tìm lại giới tính thật của mình. Tuy nhiên, theo một nhà xã hội học, khó khăn lớn nhất đối với những người đồng tính hay chuyển giới đó là rào cản, định kiến xã hội. ‘Xã hội Việt Nam hiện nay vẫn còn giữ nhiều định kiến với người chuyển giới. Ra đường, nếu người ta biết bạn là người chuyển giới họ sẽ nhìn mình bằng cái nhìn kỳ lạ, như một căn bệnh. Liệu có mấy người đàn ông sẽ chấp nhận khi biết bạn là người chuyển giới khi chính bố mẹ bạn cũng hắt hủi bạn. Rồi anh ta chấp nhận thì sao? Còn bố mẹ, gia đình, bạn bè anh ta có chấp nhận? Vì thể, cơ hội tìm kiếm hạnh phúc cho những người chuyển giới là rất khó khăn’, nhà xã hội học này nhìn nhận.

1. Hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính bao gồm:

a) Đơn đề nghị xác định lại giới tính theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

b) Bản sao hợp lệ giấy khai sinh hoặc chứng minh nhân dân hoặc sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu.

2. Thủ tục đề nghị xác định lại giới tính:

a) Người đề nghị xác định lại giới tính gửi hồ sơ đề nghị xác định lại giới tính đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính.

b) Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải xem xét và trả lời bằng văn bản cho người đề nghị xác định lại giới tính trong thời gian 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn.

Nếu đáp ứng điều kiện xác định lại giới tính thì sau khi xác định lại giới tính thì người chuyển giới có quyền thay đổi họ tên cho phù hợp với giới tính của mình theo các thủ tục luật định.

 Theo baodatviet

Các tin cùng chuyên mục