Chính phủ Việt Nam nói “Tôi Đồng Ý“?


Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nguyễn Trung Thành, Trưởng phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tích cực bảo vệ quyền của nhóm người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) trong phiên họp thứ 25 của Hội đồng nhân quyền ngày 24 tháng 3 năm 2014.
Ông Nguyễn Trung Thành nhấn mạnh “đoàn [Việt Nam] chúng tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp tục đối thoại chân thành và cởi mở, nhằm chống lại sự phân biệt đối xử và ghét bỏ người đồng tính, song tính và chuyển giới, đồng thời tăng cường hợp tác để bảo vệ quyền chính đáng của cộng đồng LGBT.” Đây là lần đầu tiên một đại diện của chính phủ Việt Nam kêu gọi quốc tế chung tay bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới. Tại sao Việt Nam đã có bước đi cần thiết và đúng đắn này?
03f61ed8c14915cbdfbdc5887849632a Chính phủ Việt Nam nói “Tôi Đồng Ý“?
  

Ảnh: Chiến dịch Tôi Đồng Ý đề nghị mở rộng điều 16 trong dự thảo Luật HN&GĐ bao gồm quyền nhận và nuôi con, sở hữu và thừa kế tài sản chung

 

Thứ nhất, trong nội bộ Việt Nam đã có những tiến bộ đáng ghi nhận về việc xóa bỏ định kiến, kỳ thị, và phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới. Việc chính phủ bỏ điều phạt hôn nhân cùng giới trong Nghị định 110/2013/NĐCP ban hành ngày 24/9/2013 là một bước tiến cụ thể theo hướng tích cực này. Chính phủ và Quốc hội cũng đang thảo luận việc bỏ điều cấm hôn nhân cùng giới trong Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi, và cân nhắc những giải pháp khác nhau để bảo vệ quyền của cặp đôi cùng giới sống chung như vợ chồng. Những động thái này đã biến Việt Nam thành quốc gia đầu tiên của châu Á có những bước đi cụ thể trong việc luật hóa việc bảo vệ quyền của LGBT.
Thứ hai, những thay đổi ở Việt Nam đã góp phần cải thiện thành tích nhân quyền đáng kể cho đất nước. Trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Toàn cầu (UPR) lần thứ 2 của Việt Nam tại Geneva vào ngày 05/02/2014, Việt Nam nhận được sự hoan nghênh từ Hoa Kỳ vì những tiến bộ trong việc bảo vệ quyền của người LGBT. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhận được một khuyến nghị chính thức của Chile để thông qua một đạo luật chống phân biệt đối xử, đảm bảo công bằng cho mọi công dân, bất kể xu hướng tính dục hay bản dạng giới của họ. Trong thời gian qua, rất nhiều các phái đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế theo dõi và khen ngợi những bước đi chắc chắn của Việt Nam trong việc xóa bỏ định kiến và kỳ thị với người đồng tính, song tính và chuyển giới.
Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất là việc bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam bảo vệ quyền bình đẳng cho 1.65 triệu công dân LGBT của mình, cũng như hạnh phúc của hàng triệu người thân và gia đình họ. Nó thể hiện được những phát triển tích cực của xã hội Việt Nam trong thời gian qua. Theo nghiên cứu mới nhất của Viện xã hội học, Viện chiến lược và chính sách y tế, và Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường thì ngày càng có nhiều người Việt Nam ủng hộ hôn nhân cùng giới, cũng như các quyền nhận con nuôi, nuôi con chung, và sở hữu tài sản cùng nhau của cặp đôi cùng giới.
Rõ ràng, việc Việt Nam kêu gọi quốc tế bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới là phù hợp với xu thế thời đại. Nó góp phần thúc đẩy sứ mệnh của chính phủ, của Liên hợp quốc cũng như các tổ chức xã hội bảo vệ quyền con người trên thế giới. Hơn nữa, việc Việt Nam đi đầu ở Châu Á sẽ mở ra một xu hướng mới ở châu lục đông dân nhưng còn nhiều e ngại trong vấn đề tính dục, hôn nhân cùng giới, cũng như quyền của người LGBT. Nó giống như việc mở một nút thắt để khơi nguồn phong trào bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Đông Nam Á và trên toàn châu Á. Làm được việc này, Việt Nam sẽ đi vào lịch sử bảo vệ quyền con người, và đáng tự hào như Đan Mạch luôn được nhắc đến như quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa hình thức kết hợp dân sự, và Hà Lan là quốc gia đầu tiên hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới.
Như vậy, việc chính phủ Việt Nam kêu gọi quốc tế bảo vệ quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới là một bước đi rất đáng hoan nghênh. Nó giống như một thông điệp “Tôi Đồng Ý” với bình đẳng cho người đồng tính gửi đến cộng đồng quốc tế, nhân dân trong nước và cộng đồng LGBT ở Việt Nam. Hy vọng, thông điệp này sẽ được thể hiện trong nội dung của Luật Hôn nhân và Gia đình, cụ thể là bỏ điều cấm hôn nhân cùng giới, đưa những điều khoản bảo vệ quyền của cặp đôi cùng giới như chiến dịch “Tôi Đồng Ý” đang được phát động rộng khắp trong xã hội Việt Nam.
Bình Lê (Theo Diễn Ngôn)

Các tin cùng chuyên mục