Chú Nguyễn Văn Léo – một lão ngư dân bình thường của vùng quê sông nước, bao năm qua không quản ngại khó khăn, kiên trì với niềm đam mê của mình để giờ đây trở thành nghệ nhân sở hữu bộ sưu tập tàu thuyền “độc nhất” Việt Nam.
Là thí sinh xuất hiện cuối cùng trong tập 5 Mãi Mãi Thanh Xuân vừa phát sóng nhưng chú Nguyễn Văn Léo (69 tuổi) đến từ Bến Tre luôn khiến người xem ấn tượng khó quên bởi nụ cười hồn hậu và tinh thần nhiệt huyết, tràn đầy thanh xuân. Chú Léo là nghệ nhân chuyên sáng chế các mô hình tàu chiến, tàu thủy, tàu đánh bắt thủy sản và máy bay. Chú bắt đầu tiếp xúc với công việc này từ năm 1989 và đến nay bộ sưu tập của chú đã lên đến hàng trăm chiếc. Và với một “bảo tàng” tàu thuyền của mình, năm 2010 chú Léo đã được sách kỷ lục Việt Nam công nhận là người sở hữu mô hình tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản và phương tiện đường sông nhiều nhất Việt Nam.
Chú Léo vốn là một ngư phủ, từ nhỏ đã đi biển đánh bắt cá nên những tình cảm dành cho biển cả đã thấm sâu vào trong máu từ lâu. Đất nước ngày càng phát triển nên hình ảnh những chiếc ghe chài, tàu cá, thuyền nang khi xưa giờ đã dần mất bóng. Thế nên chú bắt đầu chế tác lại những con tàu mà chú ấn tượng nhất trong đó chiếm phần lớn là những con tàu của vùng biển Nam Bộ, những con tàu gắn liền với vùng quê của mình và một số khác gắn liền với tỉnh bạn. Vốn là một ngư dân ít chữ, lại chưa từng qua trường lớp đào tạo hay được học hỏi từ những người có kinh nghiệm nên trong quá trình chế tác chú Léo gặp không ít khó khăn về mặt thời gian, trí óc, kỹ thuật lẫn kinh tế. Nhưng với một niềm đam mê mãnh liệt, chú ngày ngày tự mày mò, kỳ cạch đục đẽo, phục dựng lại những con tàu xưa cũ. Mục đích ngoài việc làm kỉ niệm, hơn hết là để thế hệ trẻ sau này tìm hiểu nghiên cứu và biết về phương tiện ngày xưa mà người dân từng sử dụng phục vụ cho đời sống hằng ngày.
Một điều đặc biệt ở các tác phẩm của chú chính là mỗi chiếc tàu đều có một câu chuyện riêng của nó, nó được viết từ chính những kỉ niệm những sự việc mà chú đã trải qua hay chứng kiến. Mặt khác, các sản phẩm này không phải là một mô hình bình thường như những món quà lưu niệm thường thấy mà nó như một phiên bản thu nhỏ của chiếc tàu thật. Mỗi chiếc thuyền đều được chú tỉ mỉ, kì công phục hồi không khác gì một chiếc tàu thật từ màu sắc, hình dạng, công năng và cả những dụng cụ đánh cá kèm theo. Nó đầy đủ tới mức khiến Nghệ sĩ Kim Tử Long phải giật mình thản thốt vì độ chân thật của mỗi một chiếc thuyền. Một chiếc tàu bình thường chú Léo mất hơn 1 tuần để hoàn thành, nhưng tốn thời gian lâu nhất có lẽ là chiếc tàu quân sự của Mỹ mất gần một năm trời mới có thể chế tác thành công với kết cấu y như thật. Những sản phẩm của chú Léo nhiều lần được triển lãm tại các sự kiện, lễ hội lớn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Chú còn cho biết nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tại Bến Tre và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã trả giá hàng chục triệu đồng nhưng chú từ chối không bán. Bởi vì mồ hôi, công sức chú bỏ ra không phải muốn nổi tiếng hay kiếm tiền mà là muốn giữ lại để sau này con cháu biết về hình ảnh, lịch sử của những con tàu mà cha ông gắn bó và những loại phi cơ từng gieo rắc đau thương cho đồng bào mình trong năm tháng chiến tranh.
Tuy gắn bó với công việc “không doanh thu” này gần 30 năm nhưng đối với chú mà nói giá trị của nó mang lại còn hơn gấp nhiều lần hiện kim. Việc sáng chế các mô hình tàu thuyền và máy bay này như một liều thuốc tinh thần giúp chú giữ mãi thanh xuân và tuổi trẻ của mình.
Đón xem tập tiếp theo của Mãi Mãi Thanh Xuân được phát sóng vào lúc 20g35 thứ Tư ngày 14/09/2018 trên kênh HTV7.
Quế Chi/Lifestyle