54 năm tuổi đời thì có đến hơn 46 năm tuổi nghề, vật lộn với cơm áo gạo tiền, cháy hết mình với đam mê nhưng không bao giờ chấp nhận thỏa hiệp để tiến thân, ca sĩ Ánh Tuyết như một tượng đài bất tử về giá trị cốt lõi của một thời đã xa. Thời mà nghệ sĩ là phải có khả năng thực thụ, nên khi được làm nghệ sĩ thì ai cũng rất sung sướng, không như bây giờ có tiền là có thể làm nghệ thuật, nghệ sĩ, nữ ca sĩ chia sẻ.
Ánh đèn sân khấu khép lại, ca sĩ trở về sau cánh gà, bỏ lại những tiếng reo hò của người hâm mộ. Họ trút bỏ những xiêm y lộng lẫy, khoác trên mình chiếc áo thường ngày của cuộc sống mưu sinh. Những nghệ sĩ thời Ánh Tuyết có vất vả mấy cũng không bao giờ bán rẻ danh dự vì tiền. Bởi thế, khi tuổi trẻ đã qua, thời hoàng kim chỉ còn trong dĩ vãng, những người từng yêu mến họ vẫn da diết mỗi khi nghe giai điệu ngọt ngào, hay cháy bỏng từ chính người nghệ sĩ xưa cũ. Bởi vậy, giá trị cốt lõi bao giờ cũng vững bền theo thời gian.
Càng tin người tôi càng bị lừa. Nhưng tôi không buồn, vì tôi được sống như mình mong muốn đã là quá đủ”.
Giá trị nghệ thuật bây giờ bị đảo lộn
“Ngày xưa được hát là mừng lắm rồi, sống tinh thần là chính. Hồi đó đi hát mức lương có 7 bậc tùy vào tuổi nghề. Tuy nhiên, không chênh lệch bao nhiêu. Ngoài ra, người nghệ sĩ có thêm chút chế độ nhà nước như thêm đường, mắm, thịt chứ thu nhập không vương giả như bây giờ. Thời buổi đó làm nghệ thuật được nhà nước nuôi, mỗi đêm được bồi dưỡng bao nhiêu đó như nhau không có sự phân biệt. Làm nghệ thuật là làm cho nhà nước, người nghệ sĩ không ai nghĩ làm nghệ thuật là làm giàu, đi hát là để thỏa mãn niềm đam mê, ca hát và phục vụ cộng đồng”, ca sĩ Ánh Tuyết hào hứng kể lại một quãng đời ca hát.
Chị cũng khẳng định rằng: “Ngày xưa nghệ sĩ sống bằng danh dự và nghệ thuật lớn hơn. Vật chất không nhiều nhưng họ được ưu ái, bù đắp ở nhiều mặt. Mỗi khi đi hát rất được chào đón và trân trọng. Vì thế, để trở thành một nghệ sĩ phải trải qua chọn lọc khắt khe. Nghệ sĩ là phải có khả năng thực thụ, nên khi được làm nghệ sĩ thì ai cũng sung sướng. Không như bây giờ, có tiền là có thể làm nghệ thuật, nghệ sĩ”.
Theo nhận định của ca sĩ Ánh Tuyết, giá trị nghệ thuật bây giờ bị đảo lộn, ngày xưa nếu có cái vé đi nghe nhạc là rất giá trị, mua 1 cái vé tính bằng phân vàng. Vé giờ vẫn có giá trị nhưng không được trân quý như ngày xưa. Khán giả đón nhận nghệ thuật bằng tấm lòng, sự am hiểu chuyên môn chứ không tràn lan, bừa bãi.
Chính vì làm việc chuyên nghiệp, trải qua quá trình đào tạo khắt khe để trở thành một ngôi sao ca nhạc nên ca sĩ Ánh Tuyết rất chú trọng đến việc ca hát và tôn trọng khán giả. Mỗi khi chuẩn bị một chương trình nào đó chị đều dồn hết tâm huyết của mình. Mở phòng trà ATB là một minh chứng điển hình, chị muốn kinh doanh phòng trà để có chỗ chơi, một sân chơi cho riêng mình, không bị chi phối bởi ai khác với những tư tưởng áp đặt. Cũng là để có một ngôi nhà làm nơi cho những nghệ sĩ chân thành đến với nhau. Không muốn người ta nhìn vào nói nghệ sĩ là không thể chơi với nhau. Kinh doanh lỗ, chị cũng mặc kệ, chủ yếu là anh em được gặp gỡ, hỗ trợ nhau trong nghề, cùng nhau nói chuyện tiếu lâm, đi ăn uống vui vẻ.
Khi trình bày một ca khúc, Ánh Tuyết rất kỹ lưỡng tập luyện, tìm hiểu. Quan trong nhất là cảm nhận được cái hồn, cốt cách bài hát. Nếu bài hát nào không cảm được, dù trả cát-xê cao chị cùng tìm lý do thoái thác. Chị không vì lợi nhuận, vật chất làm hỏng bài hát và hình ảnh người nghệ sĩ lao động chân chính. Vào thập niên 1980, Ánh Tuyết từng đoạt huy chương Vàng với ca khúc Trị An âm vang mùa xuân, từ đó chị không bao giờ hát ca khúc này một lần nào nữa dù khán giả yêu cầu rất nhiều. Theo ca sĩ Ánh Tuyết, đó là cách bảo vệ những khoảnh khắc đẹp, thăng hoa. Chị không muốn làm hỏng khoảnh khắc ấy vì bất cứ lý do gì.
Nữ ca sĩ đang mang trong người rất nhiều chứng bệnh. Nhất là bệnh thoát vị đĩa đệm kèm theo thoái hóa cột sống khiến chị luôn đau nhức. “Có lẽ do tuổi thơ cơ cực, một thời gian dài gồng mình mải mê chạy theo công việc, ỷ lại vào tuổi trẻ, tôi đã không để ý đến sức khỏe nên bây giờ là lúc cơ thể xuống cấp trầm trọng”. Thế nhưng, với phong cách lúc nào năng động, vui vẻ, ít ai có thể nhận ra tình trạng sức khỏe thật sự của chị.
Tuổi thơ “buôn thúng bán bưng” nhiều cơ cực
Sau năm 1975, kinh tế gia đình Ánh Tuyết xuống cấp trầm trọng. Đã qua thời cha mẹ làm kinh doanh thành công, gia đình có nhiều người giúp việc. Giờ đây Ánh Tuyết là con gái duy nhất trong gia đình 5 anh em, chị phải đảm đương rất nhiều trọng trách lên mình. Ngoài việc làm nội trợ chính trong nhà, chị còn phải phụ mẹ buôn bán ở chợ, bến đò để lo cơm gạo qua ngày cho cả đại gia đình. Quan niệm người miền Trung “Nam nối dõi, nữ sanh ngoại tộc” khiến chị càng thiệt thòi.
Mười bốn tuổi, ngày nào cô bé Ánh Tuyết cũng gánh cơm ra chợ cho mẹ bán. Ánh Tuyết kể rằng, vì mẹ chị rất nhỏ con nên không thể gánh nặng. Cứ mỗi ngày vào lúc 4h sáng là chị quẳng đôi quang gánh nặng khoảng 50kg lên vai, nào gạo, nào củi, mắm muối, chén bát… rồi đến 2h chiều lại gánh về nhà. Mười bốn tuổi nhưng lúc đó Ánh Tuyết rất nhỏ con, ban đầu 50kg vật liệu ấy chị chia làm 3 lần gánh, sau đó giảm xuống còn 2 lần, cuối cùng vì lười nên gánh hết 1 lần khi đã quen sức nặng. “Cũng may một điều, khi gia đình còn khá giả tôi thường gánh nước nên sau này khi gánh cơm ra chợ đỡ cực. Gánh nước vì thích chứ không để làm gì hết. Giếng gần nhà tôi không gánh lại thích gánh giếng nước ngoài xa cơ. Lần đầu gánh mỗi bên một gàu, dần dần tăng lên thành hai gàu. Lúc đó mẹ tôi mắng hoài vì sở thích ngược đời của tôi. Nên sau này mỗi khi gánh cơm tôi thường nhắc lại với mẹ”.
Cực khổ Ánh Tuyết không ngại, điều khiến cô bé mười bốn tuổi chạnh lòng nhất đó là nhỏ bạn con nhà bán than nghèo nhất xóm được đi học nhưng chị lại không. Trong gia đình chỉ các anh là được ưu tiên đi học. Kể lại niềm khát khao được đến lớp của mình, Ánh Tuyết trầm giọng hẳn: “Nhỏ bạn con nhà bán than nghèo nhất xóm được đi học. Nên tôi luôn tự hỏi sao mình không đi học. Có lần vì nghĩ quá nhiều về điều này mà tôi hành động theo bản năng. Đang ngồi rửa chén, thấy nhỏ bạn đi học ngang, tôi phủi tay vào áo, bỏ dở thau chén và cứ thế đi theo bạn. Mãi cho đến khi gần đến trường nghe tiếng trống báo giờ vào lớp vang lên tôi mới giật mình tỉnh ngộ và lủi thủi ra về”.Tuổi thơ vất vả, cô độc khiến Ánh Tuyết từng rơi vào trầm cảm.
Có lần đang phụ việc nhà, Ánh Tuyết tranh thủ lựa lời xin mẹ cho phép được đến lớp học cùng bạn bè. Mẹ bảo, “con học có no hay làm việc kiếm tiền mua gạo ăn sẽ no?”. “Nghe mẹ nói, tôi cúi sụp đầu xuống không thốt nên lời. Thấy tôi như vậy, mẹ thương quá hứa hẹn năm sau cho đi học. Nhưng gia cảnh vẫn nghèo khó nên tôi đành im lặng chờ cho đến thời điểm tham gia đoàn hát và bắt đầu học bổ túc, rồi học Nhạc viện Huế”.
Giai đoạn này, Ánh Tuyết đã bắt đầu đi hát, nhưng chủ yếu “được hát là vui sướng rồi”. Mặc dù ngay từ nhỏ đã trưởng thành và đạt giải ở nhiều cuộc thi, mơ ước và tự tin sau này sẽ là một ca sĩ nổi tiếng nhưng cơm áo gạo tiền phần nào chi phối đến cuộc sống của chị. Cuộc sống khổ cực, chỉ lo nghĩ đến miếng ăn, ca hát thời điểm này là tự phát và chờ thời chứ chưa thật sự nghĩ đến lâu dài.
Tuổi thơ vất vả, cô độc khiến Ánh Tuyết từng rơi vào trầm cảm.
Từng bị cô lập vì ngoại hình “xí gái hát hay”
Ngày xưa cha Ánh Tuyết dạy học ở nhà, lúc đó chị mới 3 tuổi, mỗi khi ra chơi, cô bé yêu nhạc cứ canh lúc cha dạy cho học trò hát là chạy vào để tham gia. Học lỏm thôi nhưng chị thuộc nguyên cả bài hát Con chim non dù không biết tác giả là ai. Sau này, khi đi hát chuyên nghiệp thì mới biết ca khúc đó của nhạc sĩ Trần Hoàn.
Rồi lớn hơn chút nữa, các anh trai của Ánh Tuyết thường cho chị tham gia hát trong những buổi tập nhạc của họ cùng bạn bè. Tuy chỉ vài tuổi đầu Ánh Tuyết đã hát tốt những ca khúc trữ tình lãng mạn đậm chất “người lớn” như Tình hoài hương, Thu vàng, Tình cố đô… Cô bé Ánh Tuyết có biệt danh là “Tiếc mèo”, giọng hát to rõ nhưng nói chuyện lí nhí, lào khào như mèo kêu và chết danh “Tiếc mèo” từ đó. Ngoài ra, chị cũng có biệt danh “Tiếc cơm” xuất phát từ việc phụ mẹ bán cơm ngoài chợ.
Năng khiếu trời cho, cộng thêm việc ảnh hưởng từ truyền thống văn nghệ của gia đình, đó là một trong những lý do Ánh Tuyết bị cô lập. Dù còn nhỏ, hai chị em dắt díu nhau đến câu lạc bộ tham gia văn nghệ vẫn thường bị ganh ghét. Mỗi khi tham gia các cuộc vui văn nghệ, Ánh Tuyết và em trai luôn lủi thủi một góc. Chỉ mỗi lần tập hát thì hai chị em Ánh mới tham gia ráp vào tập ca. Ca xong lại tìm ra góc ngồi. Bù lại, mỗi khi có các cuộc thi diễn ra, Ánh Tuyết luôn được chọn đại diện đi thi và đều đạt giải nhất.
“Ngoài ra, bạn bè xa lánh tôi một phần vì chúng tôi là trẻ con, có quà có bạn, khi không có tiền bạn bè không chơi nữa. Trong khi các anh lớn thì thích quây quần bên mấy em nhỏ xinh xắn. Tôi nhỏ con, đen đúa, gương mặt lúc nào cũng rầu rầu, không tươi khiến người ta không thích. Mẹ tôi thường bảo mặt tôi đuổi ruồi không bay là vậy!”
Vì gia cảnh khó khăn, bạn bè không gần gũi nên Ánh Tuyết vốn không hoạt bát, lanh lợi càng thu mình. “Tôi hay bị ám ảnh suy nghĩ về con người. Suy nghĩ về việc hay bị bạn bè ngược đãi do thiệt thòi hình thể, tính cách không linh hoạt. Kể cả trong gia đình, mỗi khi ra ngoài chơi bị bạn bè ăn hiếp về méc mẹ, nhưng mỗi lần về méc lại bị mẹ đánh đòn thêm. Từ đó, có chuyện gì cũng câm nín luôn, không bao giờ ca cẩm, kể lể với mẹ nữa”, Ánh Tuyết kể lại.
Tuyết không dám mở lời, chỉ đến khi bước vào con đường ca hát chính thức, chị tranh thủ học bổ túc vào buổi tối.
Tuổi thơ vất vả, cô độc khiến Ánh Tuyết rơi vào trầm cảm. Mãi cho đến khi vào Sài Gòn, có danh tiếng tiếng, độc lập trong con đường ca hát Ánh Tuyết mới mở rộng lòng mình. Thời điểm đó, chị mới bắt đầu biết giao lưu, chia sẻ cùng xung quanh. Ánh Tuyết tâm sự rằng, ngày xưa không biết cách đối đáp, không chia sẻ, thậm chí khi người ta nói sai cũng không biết biện minh. Tuổi thơ thì buôn bán, ít tiếp xúc, tự ti. Mang tiếng buôn thúng bán bưng ngoài chợ là vậy, nhưng bị chèn ép giữa chợ là khóc hu hu chứ không dám tranh cãi. Đến năm 25 tuổi mới biết “mở miệng biết nói”, dù muộn nhưng vẫn tốt hơn xưa rất nhiều.
Vì thiếu thốn tình cảm, nên khi Ánh Tuyết có tiếng, chủ động ca hát lúc kinh doanh phòng trà ATB, chị đã đối đãi rất tốt với người xung quanh. Nếm trải những cay đắng do bản thân từng trải chị không muốn những anh em, bạn bè đồng nghiệp lại rơi vào những tình cảnh của chính mình ngày xưa. “Tuy nhiên, càng tin người tôi càng bị lừa. Nhưng tôi không buồn vì tôi được sống như mình mong muốn đã là quá đủ. Thà người phụ tôi chứ tôi không phụ người bao giờ”.
Nguyễn Hoàng Vũ