Ngày 27.6, tại hội thảo “Chuyển giới: Người vô hình trong pháp luật Việt Nam”, TS. Phạm Quỳnh Phương (Viện Nghiên cứu Văn hóa) nhận định: “Người chuyển giới luôn tồn tại trong xã hội dù xã hội có chấp nhận hay không. Thiếu hành lang pháp lý bảo vệ, quyền con người của người chuyển giới bị xâm phạm nghiêm trọng”.
|
Jessica, một người chuyển giới nữ, hiện đang làm chủ cửa hàng cho thuê đồ cưới và trang điểm. |
Trong những nghiên cứu về góc độ quyền của người chuyển giới do iSEE tiến hành trong những năm gần đây đã cho thấy rất nhiều vấn đề mà những người chuyển giới đang đối mặt như: sức khỏe, ít có cơ hội tìm việc làm, phân biệt đối xử…
Về sức khỏe, những người chuyển giới không dám đi khám tại các cơ sở y tế vì sợ kỳ thị. Đây là lý do mà họ tự dùng hoóc-môn mà không có hướng dẫn cũng như phẫu thuật cấy ghép chui mang đến nhiều rủi ro về sức khỏe. “Chúng tôi tự động mày mò tìm hiểu trên mạng và sau đó mua từ Thái Lan về. Do không có ai hướng dẫn nên có người tiêm hoóc-môn đã tử vong”, Jessica, một người chuyển giới nữ chia sẻ.
|
Vi Vi An, 22 tuổi, chuyển giới nữ. |
“Không một cơ sở nào chấp nhận nên chúng em phải tự dùng thuốc, chúng em tự chia sẻ và tự tiêm cho nhau. Em có mua thuốc, chuẩn bị mọi thứ nhưng rất sợ bị sốc, nên muốn tìm đến bác sĩ nhưng gặp ai cũng kêu sợ, không ai dám tiêm cả”, Linh, một người chuyển giới nam cũng trong tình trạng tương tự nói.
Bên cạnh đó, sự kỳ thị, phân biệt đồi sử và cả bạo lực từ gia đình và xã hội đã khiến nhiều người trầm cảm, dẫn đến ý định tự tử hoặc hành động tự tử trên thực tế. Trở thành một trong những nhóm dễ tổn thương nhất trong xã hội là vấn đề họ đang phải đối mặt.
“Hàng xóm họ không hiểu biết nhiều nên em luôn có cảm giác như mình bị cô lập. Cả gia đình cũng bị ảnh hưởng theo. Bí thư huyện còn nói với bố mẹ em, cô chú phải xuống Hà Nội kéo nó về đập cho một trận, đừng như con của ông này ông nọ đi sang Thái về người không ra người ma không ra ma”, một bạn chuyển giới nam, sinh viên trường cao đẳng Du lịch chia sẻ.
|
Linh, một người chuyển giới nam. |
Dù có học vấn hay không, những người chuyển giới hầu như không xin được việc dù đây là nguyện vọng cũng như bắt buộc họ phải có để đảm bảo sinh tồn. “Pê-đê bọn em chỉ có hai cách để kiếm tiền thôi, một là đi hát đám ma, hai là làm gái, chứ còn biết làm gì bây giờ”, một người chuyển giới chia sẻ.
Theo khảo sát của TS. Phạm Quỳnh Phương, những người chuyển giới gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm là do: chứng minh thư khác với hình ảnh thực tế (sau chuyển giới); kỳ thị, sỉ nhục; học vấn thấp.
Thực tế cho thấy, những người chuyển giới có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên thì công việc ổn định hơn, vừa đi làm, vừa đi học hoặc làm toàn thời gian. Tuy nhiên, những người có học vấn từ cấp 3 trở xuống thường có xu hướng trợ giúp gia đình, đi hát đám ma, hát hội hoặc biểu diễn để kiếm sống.
“Em muốn có một cái giấy ghi đã chuyển giới rồi để xin việc dễ hơn”, một người chuyển giới nữ, 25 tuổi, ở TP.HCM nói. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện tại không cho phép thay đổi giới tính trên giấy tờ tùy thân (chứng minh thư, hộ chiếu) cũng như trong các đăng ký nhân thân khác (như khai sinh, hộ tịch…) trừ trường hợp giới tính sinh học có khuyến tật bẩm sinh hoặc nhờ sự can thiệp của y học mới định hình chính xác.
|
Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại diện cộng đồng chuyển giới. |
Việc không thể thay đổi tên hay trên chứng minh thư hay giới tính cho phù hợp với người chuyển giới cũng là một vấn đề khiến họ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm và đi lại. “Mối lo cũng là giấy tờ. Bề ngoài em là nữ, còn giấy tờ thì lại là nam nên khi đi lại mà phải kiểm tra giấy tờ thì không thể đi được”, Vi Vi An, 22 tuổi, chuyển giới nữ chia sẻ.
Hiện tại, những người chuyển giới đang tồn tại trong vòng luẩn quẩn: Kỳ thị xã hội – học vấn thấp – không có bằng cấp – không có việc làm – làm những việc bị xã hội dè bỉu (hát đám ma, làm gái) – càng bị kỳ thị thì càng nghèo đói. Ngoài ra, “Thiếu sự bảo vệ của pháp luật, họ trở thành một trong những nhóm dễ tổn thương nhất trong xã hội”, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng iSEE nhấn mạnh.
|
Trải nghiệm của người chuyển giới khi đi xin việc. Khảo sát của TS. Phạm Quỳnh Phương. |
Tại hội thảo, nhiều đại diện của cộng đồng người chuyển giới bày tỏ mong muốn Bộ luật Dân sự bảo vệ tốt hơn các quyền nhân thân của mình, như quyền phẫu thuật xác định lại giới tính, quyền đổi tên, quyền được thừa nhận giới tính sau khi phẫu thuật…
Cộng đồng LGBT đã từng rất thất vọng vì Điều 16 của Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi bị loại bỏ. Hiện tại cộng đồng người chuyển giới đang rất kỳ vọng về những thay đổi trong Điều 27 (Quyền thay đổi họ, tên) và Điều 36 (Quyền xác định lại giới tính) của Bộ luật dân sự đang được lấy ý kiến sửa đổi và trình Quốc hội tháng 10 tới đây.
Nguyệt Vũ