Khởi nghiệp từ hai bằng tay trắng, trải qua nhiều thăng trầm, nữ doanh nhân Diễm Trần ngày càng thành công hơn trong lĩnh vực kinh doanh thời trang. Bằng sự chín chắn và từng trải của một doanh nhân, chị kể cho chúng ta nghe câu chuyện đời mình, nhiều cay đắng nhưng đầy tình thương.
Nghị lực vươn lên từ cuộc sống khó khăn
Trở thành doanh nhân thành đạt như bây giờ, chắc hẳn chị đã trải qua không ít chông gai?
Quê gốc của tôi ở Trà Vinh. Năm 12 tuổi, tôi cùng mẹ khăn gói lên Sài Gòn vừa đi học vừa đi làm. Tôi bắt đầu từ những công việc thấp nhất: phục vụ, công nhân rồi đến nhân viên văn phòng. Sau 8 năm làm công, dành dụm một số vốn nhất định, tôi quyết định tự kinh doanh. Xuất phát điểm là buôn bán áo quần ở chợ. Nhờ sự nhạy bén, tôi tìm được nguồn hàng đẹp với giá rẻ nên nhanh chóng thu được nhiều lợi nhuận. Từ đó, tôi mở rộng kinh doanh bằng việc xây dựng các cửa hàng bán lẻ ở các quận. Tính đến năm 2009, tôi có tổng cộng 12 chi nhánh chuyên kinh doanh hàng thời trang cùng một xưởng may mặc. Nhưng sau khi ly hôn, sau khi phân chia tài sản và trả món nợ cho chồng, tôi trở về vị trí số 0 chỉ với 2 triệu đồng trong tay.
Diễm Trần – Công ty TNHH Thương mại Lâm Tuấn
Chị bắt đầu gây dựng lại sự nghiệp như thế nào?
Sau khi ly hôn, mẹ muốn tôi ra Hà Nội lập nghiệp, một phần vì muốn xa nỗi buồn ly hôn.Sau nhiều đắn đo suy nghĩ, tôi quyết định ở lại. Ở lại để gầy dựng sự nghiệp, ở lại để chứng minh cho mọi người thấy tôi không trốn tránh hiện thực.May mắn, tôi nhận được sự giúp đỡ của một khách hàng ruột người Campuchia, đã giúp tôi có được những đơn hàng đầu tiên. Trong một năm, tôi phải chuyển xưởng may 7 lần để đáp ứng nhu cầu mở rộng nhân công và thiết bị ngày càng tăng. Giờ đây, tôi không chỉ đang lấy lại những gì đã mất mà còn mở rộng hoạt động kinh doanh: gia công xuất khẩu, kinh doanh vải vóc…
Đâu là động lực để chị một lần nữa khẳng định mình?
Đầu tiên chính là sự ủng hộ của người thân. Khi tôi thất thế, nhân công từ hàng vài chục người chỉ còn 15 người trụ lại. Thương tôi, các em chấp nhận ở lại làm việc không hưởng lương. Nắm trong tay cơm ăn áo mặc của 15 nhân công, tôi không thể chỉ lo cho thân mình mà chạy ra Hà Nội. Ngày ấy, mẹ tôi cũng đã gom hết vốn liếng dành dụm được đưa cho tôi, để tôi có thể xoay sở tài chính lúc khó khăn. Đứng trước chân tình của những người yêu quý mình, tôi một lần nữ có quyết tâm đứng lên từ nơi ngã xuống. Tôi không cho rằng mình bắt đầu lại từ con số không, bởi tôi đã có gia đình và đồng nghiệp, những người không rời bỏ tôi lúc khó khăn.
Chọn đúng phân khúc thị trường
Vì sao chị định hình kinh doanh sản phẩm cho người thu nhập tầm trung thay vì chọn phân khúc cao hơn, đạt nhiều lợi nhuận hơn?
Khi phát triển mô hình kinh doanh, tôi cũng từng phân vân nên đi theo phân khúc nào. Phân khúc tầm cao sẽ thu được nhiều lợi nhuận hơn, thương hiệu cũng được biết đến rộng rãi hơn. Nhưng tôi suy nghĩ đến hoàn cảnh của mình, muốn có một cái áo mới lại không dám mua vì tiếc tiền. Vì vậy tôi quyết định đi theo dòng sản phẩm dành cho người có thu nhập tầm trung và thấp, để giúp họ có điều kiện mua được các sản phẩm tốt với giá cả phải chăng, hợp túi tiền. Từ ước mơ thuở nhỏ, tôi mong muốn đem giấc mơ ấy đến với những người giống như tôi đã từng, dù chỉ là một niềm vui nhỏ nhoi với một chiếc áo mới.
Như vậy thương hiệu của chị sẽ ít được khách hàng biết đến?
Tôi không phản đối. Nhưng tôi quan niệm mình kinh doanh lâu dài, con đường tôi đi sẽ còn rất dài. Chậm mà chắc. Sau năm năm xây dựng lại tên tuổi, tôi đã có được lượng lớn khách hàng thân thiết, tin tưởng và hài lòng với sản phẩm của mình. Đó là quá trình đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp của mình. Phần lớn người dân Việt Nam có thu nhập tầm trung và thấp, như vậy lượng khách hàng tiềm năng của tôi rất nhiều. Bước tiếp theo của tôi chính là mở rộng các chi nhánh, đẩy mạnh hoạt động PR để sản phẩm của mình đến gần hơn với khách hàng mục tiêu. Hơn nữa, với chất lượng sản phẩm tốt, công tác “truyền miệng” tích cực cũng giúp tôi có thêm nhiều khách hàng mới. Đó cũng là một hình thức PR không tốn kém mà hiệu quả.
Đâu là ưu điểm khiến chị tự tin với thương hiệu của mình nhất?
Ưu điểm đầu tiên và quan trọng nhất chính là uy tín. Uy tín đến từ chất lượng sản phẩm, sự trung thực của cá nhân và cái tâm của người làm kinh doanh. Tôi không cho phép sự cẩu thả trong kinh doanh và luôn tâm niệm đem đến những sản phẩm tốt nhất cho khách hàng. Một khi họ bỏ ra số tiền xứng đáng, tôi cũng muốn họ nhận lại được sản phẩm xứng đáng.
Thứ hai, công ty của tôi không chỉ gia công sản phẩm mà còn cung cấp đa dạng vải may. Khách hàng không cần mua vải ở nơi khác, hơn nữa có thể giảm giá thành sản xuất cho sản phẩm.
Cuối cùng là đội ngũ nhân viên tâm huyết. Họ có thể là những người từng cùng ăn cùng mặc với tôi, cũng có thể là những người được tôi giúp đỡ hay đơn giản như nhân viên làm việc bình thường. Nhưng tất cả nhân viên của tôi đều làm việc hết mình, lo lắng cho công ty như chính gia đình của họ, tôn trọng khách hàng như người thân.
Vươn ra biển lớn
Chị đã có kế hoạch phát triển thương hiệu trong thời gian tới?
Song song với việc mở rộng thị trường trong nước, tôi cũng đang lên kế hoạch xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Hiện nay, khách hàng nước ngoài của tôi chủ yếu là châu Phi, Campuchia và Thái Lan, Hàn Quốc. Với dây chuyền sản xuất thiết kế và in ấn họa tiết trên vải tạo nên thành phẩm hoàn hảo, tôi muốn hướng đến thị trường rộng lớn châu Á.
Chị đã dự tính đến những cơ hội và thách thức khi “vươn ra biển lớn”?
Giống như nhiều công ty xuất khẩu khác, tôi có lợi thế về nguyên liệu và nhân công giá rẻ. Là một người từng học thiết kế thời trang, nên tôi có thể tự thiết kế nhiều kiểu dáng thời trang mới và độc đáo. Tất nhiên, tôi cũng biết thị trường xuất khẩu vốn khó tính, không dễ dàng thuyết phục được họ mua sản phẩm của mình giữa hàng loạt doanh nghiệp cạnh tranh với nhau. Tay nghề nhân công trong nước cũng là môt điểm hạn chế. Nhưng tôi có quyết tâm sẽ biến những hạn chế thành ưu điểm. Song song với việc nâng cao tay nghề và chất lượng sản phẩm, tôi tích cực trau dồi ngoại ngữ để mở rộng các mối quan hệ, từ đó tìm kiếm cơ hội “vươn ra biển lớn”. Con đường phía trước chắc chắn sẽ còn nhiều chông gai nhưng tôi tin tưởng, mình sẽ thành công. Bởi tôi có tâm huyết, có nghị lực, có kỹ năng và quan trọng nhất, có những người vẫn luôn ủng hộ mình.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Các cửa hàng kinh doanh thuộc sở hữu của chị Diễm Trần
Công ty TNHH Thương mại Lâm Tuấn: 69 Trần Hưng Đạo, P.6, Q.5, TP.HCM. Kinh doanh: Vải
434 Ngô Gia Tự, P.4, Q.10, TP.HCM. Kinh doanh: đồ gỗ
336 Trần Hưng Đạo B, P.11, Q.5, TP.HCM. Kinh doanh:vải ký Hàn Quốc
352 Trần Hưng Đạo B, P.11, Q.5, TP.HCM. Kinh doanh: quần áo xuất khẩu
354 Trần Hưng Đạo B, P.11, Q.5, TP.HCM. Kinh doanh: vải ký Hàn Quốc
337 Trần Hưng Đạo B, P.10, Q.5, TP.HCM. Kinh doanh: vải ký Hàn Quốc
428 Ngô Gia Tự, P.4, Q.10, TP.HCM. Kinh doanh: kệ, tủ, giường sắt
430 Ngô Gia Tự, P.4, Q.10, TP.HCM. Kinh doanh: nệm
178 Trần Hưng Đạo B, P.7, Q.5, TP.HCM. Kinh doanh: vải ký Hàn Quốc
16A lô U, khu cư xá Phú Lâm B, P.10, Q.6, TP.HCM. Kinh doanh: vải ký Hàn Quốc
Lê Như
Theo Lifestyle