TS. Nguyễn Bá Hải, Trưởng ngành Công nghệ Kỹ thuật Ôtô, Khoa Đào tạo Chất lượng cao, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, và nhóm cộng sự là những người đã tiên phong sáng tạo và cải tiến “Mắt thần” trong hơn bốn năm qua. Bà Dương Thị Thanh Loan (Chi hội Người mù quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh) là một trong số những người đầu tiên được thử thiết bị hỗ trợ người khiếm thị có tên “Mắt thần”.
Tiến sĩ 1 dollar Nguyễn Bá Hải
Hơn hai mươi năm rong ruổi bán vé số khắp nơi, không ít lần bà vấp ngã, va quệt xe, thậm chí có lần bà chui vào gầm xe tải chở cát đang đậu bên đường. “Từ nay thì tôi đã tự tin hơn trên con đường mưu sinh”, bà nói trong nước mắt. Qua chín phiên bản đến nay “Mắt thần 2” nhỏ gọn như một chiếc mắt kính thông thường, giúp người khiếm thị nhận biết vật cản trước mặt trong khoảng cách từ 0,2m đến 1,5m.
Sản phẩm đã nhận được giải Nhân văn Robocon Techshow Việt Nam 2012 và giải nhất Nhà sáng tạo Việt Nam. Có người đề nghị mua bản quyền nghiên cứu “Mắt thần” với giá 2,3 tỉ đồng để sản xuất bán ra thị trường nhưng Nguyễn Bá Hải nhất định không bán.
Anh chọn con đường vất vả hơn là tìm những mạnh thường quân cùng anh sản xuất “Mắt thần” với giá rẻ nhất để người khiếm thị dễ dàng mua được. Vị tiến sĩ mới 31 tuổi cho biết:
“Hiện có rất nhiều người khiếm thị đang phải tự mưu sinh trên đường bằng nghề hát dạo, bán báo, bán vé số, tăm tre…, tai nạn giao thông luôn rình rập họ. Các em thanh thiếu niên khiếm thị còn đáng thương hơn, vì không chỉ bị khiếm khuyết về đôi mắt, các em còn mất tự tin trong hòa nhập với xã hội.
Chính những điều đó đã thúc đẩy tôi phải làm việc nhiều hơn nữa để mang đến những điều có ích cho người khiếm thị. Nếu thương mại hóa sản phẩm này, tôi thấy mình thật vô nhân đạo. Điều tôi luôn trăn trở là làm thế nào để tạo ra chiếc kính tốn ít chi phí nhất mà vẫn đảm bảo an toàn, chất lượng nhất có thể”.
* Giá của một chiếc kính cho người khiếm thị hiện nay là bao nhiêu, thưa anh?
– Nhờ có sự hợp tác phi lợi nhuận từ Công ty TNHH Kiến Vương và Công ty Kiến Bình Minh (TP. Hồ Chí Minh), “Mắt thần 2” có hai phiên bản hiện đang được bán với giá khoảng 3,5 triệu đồng/chiếc và 2,2 triệu đồng/chiếc. So với thời điểm cách đây bốn năm giá chiếc kính lên đến 20 triệu đồng và nặng đến 2kg.
Thiết bị có hình dạng như một kính mát bình thường, kết hợp với một bộ cảm biến nhận diện vật cản bằng cách rung lên trước một khoảng cách nhất định để người khiếm thị di chuyển thuận tiện và hạn chế chấn thương do vật cản. “Mắt thần” còn giúp người mù phát hiện vật ở cao, thấp, to, nhỏ.
“Mắt thần 2” còn có khả năng báo pin cho người mù và tự chẩn đoán tình trạng sức khỏe. Ngoài ra, ưu điểm thú vị là “Mắt thần 2” có thể hoạt động bình thường ngay cả khi trời tối.
* Anh học và nghiên cứu sâu về ngành ôtô, hầu như không liên quan đến chế tạo chiếc kính đặc biệt ấy. Hẳn là có một lý do đặc biệt nào đó khiến anh quyết tâm theo đuổi cho bằng được sản phẩm này?
– Thật ra, ngành Robotics tôi theo học có liên quan đến sự tương tác giữa người với thế giới xung quanh qua xúc giác. Lý thuyết này ứng dụng rất tốt vào “Mắt thần”. Nhưng lý do chính là tôi luôn ấp ủ muốn làm một điều gì đó cho những người khuyết tật nói chung.
Từ những ngày ngồi trên giảng đường đại học, tôi đã đề xuất với cán sự lớp làm băng nói tặng hội người mù nhưng vẫn chưa thực hiện được. Vì vậy, tôi cảm thấy mình như đang nợ họ một sự hỗ trợ về vật chất cũng như tinh thần.
* Và anh đã mất đến bốn năm cho sản phẩm này. Trong thời gian qua, có bao giờ anh cảm thấy chán nản muốn bỏ cuộc?
– Có chứ. Ban đầu tôi và các cộng sự nghĩ rằng chỉ mất vài tháng để làm ra sản phẩm, nhưng để có “Mắt thần” như ngày hôm nay lại mất đến bốn năm dài.
Rất nhiều lần tôi buồn nản vì thiếu tiền, thử nghiệm không thành công, thậm chí một số phiên bản cũ còn bị người khiếm thị chê bai thẳng thừng là thiết bị quá nặng và cồng kềnh. Nhưng rồi mỗi lần đi qua Hội người mù quận Thủ Đức tôi lại thấy áy náy vì chưa tìm lại ánh sáng cho họ.
May mắn hơn, tôi được động viên từ các mạnh thường quân, lúc thì là cô bán gạo ở chợ Thủ Đức, khi là doanh nhân một công ty hóa chất, hay một số người Việt ở Úc, Đài Loan.
Ngoài ra, các thầy trong ban giám hiệu của trường và nhìn cảnh của bà mẹ đưa đứa con nhỏ bị khiếm thị đến nhờ tôi giúp đỡ. Đến nay, tôi đã cảm thấy yên tâm khi người khiếm thị đeo “đôi mắt điện tử” của mình đi trên đường hoặc môi trường lạ an toàn.
* Cho đến nay, “Mắt thần” đã đến tay bao nhiêu người khiếm thị nghèo?
– Khoảng hơn 200 người. Tôi đang nhờ mạng xã hội tìm kiếm một anh chàng khiếm thị thường đi hát dạo trên đường phố với cây đàn guitar. Tôi thấy anh trên một đoạn video clip trên mạng. Tôi muốn dành tặng anh ca sĩ mù này một mắt kính điện tử dẫn đường để anh ca hát an toàn hơn. Nghe tiếng hát, tôi có linh cảm rằng tôi sẽ tìm được anh…
Không dừng lại ở “Mắt thần”, tôi còn muốn cải tiến chiếc kính này để giúp người khiếm thị có thể thấy được hình ảnh, màu sắc và có thể đọc sách nữa. Tôi có một ước mơ là “Mắt thần” của Việt Nam sẽ đi ra nước ngoài và được thế giới công nhận. Có lẽ cả tôi và những thế hệ sinh viên sau tôi sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa mới mong đạt được điều này.
Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải giảng dạy trong lớp học.
* Anh còn được sinh viên nhắc đến là một người thầy có nhiều hoạt động nhằm đổi mới cách dạy và học. Mới đây nhất là “Lớp học một đôla”, thu hút cả ngàn người học trên cả nước. Anh có thể giới thiệu qua về mục đích của lớp học này?
– Trong bốn năm đi du học ở Hàn Quốc, tôi đã cùng một số cộng sự mở những lớp học trực tuyến mang tên “Học để làm” (http://hocdelam.org) nhằm truyền đạt kiến thức về LabVIEW – môi trường phát triển dựa trên ngôn ngữ lập trình đồ họa, thường được sử dụng cho mục đích đo lường, kiểm tra, đánh giá, xử lý, điều khiển các tham số của thiết bị. “Học để làm” đã tổ chức hàng trăm khóa học cho kỹ sư tại doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, các doanh nghiệp.
Lớp học một đôla là sự tiếp nối của dự án “Học để làm” này. Lớp học nhằm cung cấp kiến thức cơ bản về máy tính và lập trình như: thu thập dữ liệu, điều khiển thiết bị, trực quan hóa việc học kỹ thuật, nâng cao năng lực tìm kiếm tài nguyên internet, tự học hiệu quả, kỹ năng mềm trong học tập, nghiên cứu và xây dựng dự án kỹ thuật… Học viên là tất cả những ai yêu thích kỹ thuật, có em chỉ mới 13 tuổi và cũng có người 57 tuổi.
Xa hơn nữa là sự kết nối cộng đồng nghiên cứu, để những người có cùng sở thích về kỹ thuật cùng đồng hành và phát triển đam mê của mình. Đặc biệt nhất là, một năm trở lại đây tôi được doanh nghiệp và cá nhân đặt hàng nhiều về một khóa học làm sao để thành công hơn trong học tập và công việc nên tôi đã tích cóp mọi vốn kiến thức có được trong công việc nghiên cứu, giảng dạy và hoạt động cộng đồng của mình để tạo nên khóa học súc tích gói gọn trong 4 đến 6 giờ với tên gọi là “Nhận diện đam mê và sáng tạo”.
Ngoài ra, các lớp học còn có mục đích là truyền ngọn lửa đam mê kỹ thuật cho những người trẻ tuổi. Thực tế dễ thấy là ngày càng nhiều sinh viên chọn thi ngành kinh doanh, tài chính, ngân hàng chứ ít sinh viên chọn ngành kỹ thuật vì cho rằng kỹ thuật khô khan và không có tương lai.
Có lẽ do nhận thức chưa đúng đắn ấy nên ngành kỹ thuật của Việt Nam chưa thật sự được chú trọng đầu tư. Trong khi đó, kỹ thuật từ lâu đã luôn là ngành mũi nhọn mang lại giá trị lớn ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật, Hàn.
* “Một đôla” là mức học phí hay chỉ là tên gọi?
– Một đôla là mức học phí cho một người học. Ý tưởng của tôi là lập ra một lớp học không thu phí. Nhưng nếu cho học miễn phí thì e là mọi người sẽ xem thường chương trình học.
Hơn nữa, tôi muốn học viên cảm thấy mình bỏ tiền ra và muốn thu lại lợi ích thật sự từ lớp học. Sau khóa học, mọi người có thể sáng tạo ra nhiều mô hình xe năng lượng mặt trời, thiết bị báo trộm, thiết bị đèn điện tự động trong nhà, xây dựng kế hoạch phát triển bản thân… Việc thu tượng trưng 1 đôla một người cho một khóa học xem như chút chi phí đối với việc cung cấp thiết bị cho học viên thực hành.
Trước đây, mỗi khóa học thường kéo dài trong hai ngày cuối tuần. Nhưng nhiều học viên từ các tỉnh xa đến học lại khá chật vật trong việc tìm nơi ở trọ nên đến nay, lớp học chỉ kéo dài khoảng bốn đến sáu tiếng liên tục vào sáng thứ Bảy hoặc Chủ nhật hằng tuần.
* Một khóa học với rất nhiều kiến thức về kỹ thuật mà chỉ kéo dài trong sáu tiếng, liệu học viên có tiếp thu đủ những điều họ cần?
– Trong sáu tiếng đó, quan trọng nhất là học viên phải nhận diện được niềm đam mê của mình. Nhiều người trưởng thành vẫn đang hoang mang trong cuộc sống, không biết mình cần gì, muốn gì và đâu là niềm hạnh phúc thực sự của mình.
Thiết nghĩ, tôi không phải là thầy nhưở lớp đại học mà chỉ là một người bạn chia sẻ cách “học để làm việc”. Tôi quan niệm, giáo dục là khơi nguồn sáng tạo chứ không phải ép học viên phải học lấy điểm. Vì vậy, thời gian trên lớp không quan trọng bằng cách mở lối, khơi dậy lòng đam mê và chỉ cho họ những điều căn bản nền tảng để người học tự đi về sau.
Ngay cả bậc đại học, tôi cho rằng kiến thức trong thế giới phẳng và công nghệ thông tin đã được gia tăng liên tục theo cấp nhân thì những sinh viên nên đầu tư phát triển kỹ năng và phương pháp tư duy, làm việc, kiến thức nền tảng để có thể liên tục tiếp nhận, liên tục tự học, nếu không thì sẽ bị tụt hậu rất nhanh.
* Nghe nói “Lớp học một đôla” từ ý tưởng đến hiện thực đã mất khoảng 100 triệu đồng. Chi phí cho mỗi khóa học hiện nay cũng mất khoảng 3, 4 triệu đồng. Anh có nguồn tài trợ từ các mạnh thường quân để tổ chức lớp học này chứ?
– Hoàn toàn không, chi phí cho lớp học một đôla là do tôi bỏ “tiền túi” và thực ra cái đầu tư lớn nhất là thời gian. Chính vì thế mà tôi còn bị gọi là “tiến sĩ khùng”.
Với tôi, cho đi một phần tiền bạc và kiến thức của mình làm cho chính mình hạnh phúc hơn. Chỉ cần tiết kiệm giảm một ly bia trong cuộc nhậu, chúng ta đã có thể cho người khác một bữa cơm ấm lòng.
Tôi thấy đáng tiếc cho nhiều người đang phung phí tiền bạc cho những cuộc nhậu tiền triệu. Chừng đó tiền có thể mang lại cuộc sống nhẹ nhàng hơn cho rất nhiều người nghèo.
* Không chỉ tổ chức các lớp học một đôla, anh còn cho ra đời bộ sản phẩm SmartKit dành cho trẻ em và thanh thiếu niên vào cuối năm 2012. Có thể thấy rằng anh rất tâm huyết với giáo dục Việt Nam…
– SmartKit là bộ thiết bị nhỏ gọn cắm vào máy tính, giúp phát triển kỹ năng sáng tạo cho các em học sinh cấp 1, 2. Bộ sản phẩm này cùng với bộ giáo trình đi kèm sẽ giúp các em sáng tạo, viết những chương trình cho riêng mình có ứng dụng trong thực tế như viết phần mềm học tập, trình chiếu.
Tuy nhiên, vì chỉ mới có 30% kinh phí tài trợ nên dự án trên vẫn chưa được áp dụng rộng rãi. Tôi hy vọng sẽ sớm có doanh nghiệp chung sức đầu tư cho dự án ý nghĩa bền vững này.
Một số người cảm thấy tiếc cho tôi vì không chọn con đường sự nghiệp dễ dàng với mức lương cao hơn. Nhưng với tôi, hạnh phúc không phải là kiếm thật nhiều tiền mà đơn giản chỉ là sống có ý nghĩa với cuộc đời, với mọi người quanh mình để mỗi phút giây trôi qua không bị lãng phí.
* Vì lẽ đó mà cách đây bốn năm, anh đã từ chối mức lương khoảng 5.000 USD/tháng tại Viện nghiên cứu quốc gia hàng đầu về ôtô của Hàn Quốc để trở về Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh với mức lương hơn 4 triệu đồng/tháng?
– Hầu như lúc đó tôi không nghĩ đến mức lương, chỉ nghĩ rằng mình cần làm một điều gì đó cho quê hương và giới trẻ. Tôi muốn cùng các đồng nghiệp phát triển ngành ôtô tại Việt Nam vì thời điểm đó, rất ít sinh viên có cơ hội tiếp cận với ngành này.
Khi mới về nước, tôi cũng gặp khó khăn là mức lương khá thấp so với chi phí và trang trải nghiên cứu. Sau đó, tôi vừa dạy vừa tranh thủ tìm kiếm các dự án có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của các doanh nghiệp để trang trải thêm cho cuộc sống.
Cũng may, trường tôi có một trung tâm chuyển giao công nghệ, nơi đó gắn kết chúng tôi với các doanh nghiệp bên ngoài. Nhà trường cũng khuyến khích những nghiên cứu có tính ứng dụng phục vụ nhu cầu xã hội.
Đến nay, cùng một số thầy và bạn bè, chúng tôi đang phát triển một nhóm nghiên cứu ứng dụng vừa giảng dạy cho học viên đại học và sau đại học trong nhà trường, vừa cố gắng làm điều có ích cho các doanh nghiệp, cá nhân cần tư vấn, học tập về kỹ thuật.
Tôi cho rằng, mức lương không quan trọng bằng niềm đam mê và cơ hội được phát triển bản thân mình. Hơn nữa, một khi dám nghĩ dám làm thì thu nhập ở Việt Nam có khi còn cao hơn ở nước ngoài. Trong thế giới phẳng, người ta sẽ tự tìm đến nếu mình có năng lực và uy tín thực sự.
* Anh tốt nghiệp khoa Cơ khí động lực nhưng lại đi du học ngành Robot sinh học tại Hàn Quốc. Sao anh không chọn du học ngành mình đã có những hiểu biết nhất định?
– Đây là một học bổng của Chính phủ Hàn Quốc, tôi không có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, chọn một ngành mới lạ, tôi chưa từng biết đến trước đó lại là điều hay vì như thế tôi sẽ được học và nghiên cứu nhiều ngành hơn.
Tính tôi vốn thích mạo hiểm và không giấu dốt. Thời sinh viên, một anh chàng xuất thân từ vùng quê Thanh Hóa nghèo khó như tôi hầu như không biết đến tiếng Anh. Nhưng tôi lại xung phong làm chủ nhiệm Câu lạc bộ tiếng Anh của trường.
Vừa đi học, tôi vừa đi dạy kèm môn tiếng Anh cho các học sinh cấp 2, cấp 3. Dĩ nhiên là tôi phải học gấp ba, gấp bốn lần những sinh viên khác để có thể đi dạy cho người khác. Đến nay thì tôi đã là giảng viên bộ môn Tiếng Anh của trường.
Thời gian ở Hàn Quốc, từ những dự án, sáng chế và bài báo khoa học của mình, tôi đã được một số công ty tài trợ để học lên cao. Tôi nhận được ba bằng sáng chế do chính phủ Hàn Quốc cấp.
Với luận văn thạc sĩ, tôi tiếp tục học lên tiến sĩ chuyên ngành Robot sinh học, được rút ngắn thời gian học từ ba năm xuống còn hai năm. Nhóm nghiên cứu của chúng tôi còn chế tạo bộ thí nghiệm đa năng HDL-9000 kèm phần mềm kết nối máy tính trong ôtô, cơ điện tử và điều khiển học với giá chỉ 1.000 đôla Mỹ, trong khi sản phẩm tương tựở nước ngoài được bán với giá 10.000 đôla Mỹ. Hiện nay, thiết bị này đã và đang được ứng dụng trong nhiều trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
* Một nhà khoa học làm việc với máy móc, kỹ thuật ngày đêm như anh có lúc nào cảm thấy kiệt sức, cần được nghỉ ngơi thư giãn không?
– Tôi thư giãn bằng công việc nghiên cứu đấy chứ, nghe đúng là một “nhà khoa học khùng” đấy nhỉ? Thật sự, khi làm nghiên cứu bằng tất cả đam mê, tôi chỉ cảm thấy niềm vui chứ không hề thấy áp lực hay mệt mỏi. Mỗi khi bước qua một khó khăn, tìm ra một kỹ thuật mới, tôi lại càng thấy vui hơn, yêu đời hơn.
Có lẽ vì thế mà tôi luôn phải có cây viết bên mình, để lúc nào cũng có thể viết ngay ra ý tưởng lóe lên trong đầu, ngay cả khi đang lái xe hoặc đi xe buýt, thậm chí khi ở trong… nhà vệ sinh.
* Những ý tưởng nào đã xuất hiện khi anh đi xe buýt và ý tưởng đó đã thành hiện thực chưa?
– Có một ý tưởng đã thành hiện thực cách đây vài năm. Trên chuyến xe buýt từ TP. Vinh về Thanh Hóa, tôi đã bị đau lưng do chiếc ghế ngồi thô cứng. Ngay sau đó, tôi đã phát triển ghế massage cho người lớn tuổi và đề xuất hợp tác để hãng xe Trường Hải ứng dụng sáng tạo này vào hệ thống xe buýt của mình.
Hiện tại, đã có hai đề tài nghiên cứu này thực hiện thành công. Bước cần làm tiếp theo là giảm giá thành và sản xuất hàng loạt cho nhiều dòng xe khách và tính toán để đảm bảo an toàn khi sử dụng lâu dài trong điều kiện khí hậu ở Việt Nam.
* Còn ý tưởng nào đã xuất hiện khi anh đang ở trong… nhà vệ sinh?
– Tôi từng nghĩ đến một hệ thống giải trí trong nhà vệ sinh, tận dụng giấy vệ sinh để in văn thơ, những câu chuyện nhân văn hoặc các chủ đề sáng tạo cho cộng đồng nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
* Cảm ơn anh về buổi trò chuyện thú vị.
Theo Xuân Lộc/DNSGCT