“Nữ hoàng ảnh lịch” đón tiếp chúng tôi với nụ cười rạng rỡ, trong dáng vẻ của một bà chủ căn biệt thự ngập tràn nắng và gió ở khu Thảo Điền, Q.2.
Bước qua hai cánh cổng, để vào nhà Diễm My, ngoái đầu nhìn lại, bỗng giật mình: kế bên lối vào mà chúng tôi vừa bước qua, còn có một lối vào khác rất ấn tượng. Đó là một mái vòm dài từ ngoài lộ vào trong sân, được trồng dây leo bám vào che bóng mát. “Nữ hoàng ảnh lịch” thấy chúng tôi nhìn về phía mái vòm, vội phân bua: “Chị mới vừa cho trồng lại mấy dây leo khác nên nó chưa mọc kín hết mái che. Trong sân này cũng vậy, mấy cây bám trên các bức tường này cũng vừa được trồng lại. Còn chỗ đó, mấy cây Đại Nam cũng vừa được chị nhổ đi, trồng vào đó là mấy cây đu đủ. Nhà mới vừa trang trí lại để chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh, Tết ta, Tết Tây sắp đến”.
Chuyến “tham quan” nhà của “Nữ hoàng ảnh lịch” bắt đầu bằng việc rất lạ: che dù. “Mỗi người một cây dù nha! Nhà chị Diễm My thì không tắm trắng được đâu, nắng lắm! Mấy đứa cháu đến chơi, còn than phiền là: Nhà cô My nắng nhiều, gió nhiều, con đến chơi về bệnh luôn”.
Với diện tích rộng hơn 3000 m2, bà chủ nhà Diễm My dành một khu tách biệt để tất cả những gì không đẹp, máy móc, rồi đủ thứ vật dụng gì gì đó được đặt hết bên đó. Ngay cả những việc giặt giũ, phơi đồ cũng vậy. Thế nên những ai đến tham quan nhà chị, không bao giờ có “cơ hội” thấy những thứ không đẹp mắt, mà chỉ có thể trầm trồ với một hồ bơi bên cạnh nhà, rồi một khoảng không gian xanh nhiều hoa lá bao bọc. Trong lúc cùng chị tham quan xung quanh nhà, chốc chốc lại nghe chị bảo người giúp việc, nhặt chiếc lá rơi, nhặt bông hoa rụng. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị cười tâm sự: “Ông xã chị bảo chị cái gì cũng cầu toàn. Một cái lá cây vàng chị cũng không chấp nhận được. Nhà chị cuối tuần phải chà rêu, lá vàng là phải lượm. Còn lau kiếng thì phải lau thật trong. Hai đứa con gái của chị, Quế My và Thùy My, đứa 8 tuổi, đứa 13 tuổi, chị cũng tập dần cho tụi nó sự ngăn nắp như vậy. Nhà có người làm, nhưng thứ bảy ở nhà là hai bé phải tự lau dọn tập vở bàn ghế, sáng ngủ dậy là phải tự dọn giường. Riết rồi tụi nó cũng giống tính mẹ”. Vì khu đất rộng, bốn bề thoáng đãng, nên đi một vòng quanh nhà chị lúc nào cũng thấy gió và gió. Lắm lúc gió mạnh đến nỗi cây dù trong tay tôi muốn bay đi. Chính vì vậy mà chỉ trừ những lúc mở tiệc, hầu như căn nhà chị ở lúc nào cũng đóng cửa, bật điều hòa.
So với diện tích 3000 m2, thì ngôi nhà chị chỉ chiếm một phần nhỏ. Bên dưới là phòng khách, nhà ăn, phòng ngủ cho khách, còn trên lầu là phòng vợ chồng với hai đứa con. Màu sắc trong ngôi nhà được trang trí theo sở thích của các thành viên. “Chị Diễm My thích màu trắng, ông xã với bé Quế My thích màu xanh, còn Thùy My thích màu tím hồng nên hầu như nhà chỉ có chừng đó màu, chỉ điểm thêm mấy màu vàng cho nó hợp mà thôi”.
Vợ chồng chị dọn về đây cũng đã được 15 năm nên ngôi nhà cũng được chừng ấy tuổi. Tính chị lại vốn ít chịu thay đổi nên hầu hết các vật dụng trong nhà đều được giữ nguyên, chỉ có lớp vỏ bên ngoài là được thay cho mới. Cách bày trí trong nhà chị nhìn sơ qua rất Tây nhưng khi quan sát tỉ mỉ thì cũng phảng phất rất nhiều nét Việt Nam, với những vật trang trí có hình con cò, con rồng, hoa sen… Điều đặc biệt là hầu hết các vật chị trang trí trong đều là những vật kỷ niệm: Một dàn loa mua được từ thời con gái, được chị đặt nâng niu, đặt ngay phòng khách, cạnh cửa ra vào. Các bức tranh trên tường, hầu hết là của những người bạn tự tay vẽ tặng. Trong đó, có những bức tranh mà người vẽ đã qua đời, nên đối với vợ chồng chị “giá trị vật chất không nhiều nhưng giá trị tinh thần rất lớn”.
Ngoài phòng khách ra, nơi đặc biệt thứ hai trong ngôi nhà, có lẽ là bức tường cạnh cầu thang lên lầu. Một galary tranh của hai cô con gái nhỏ chiếm dụng cả bức tường. Các bức vẽ nguệch ngoạc từ thời hai bé mới cầm cọ đến những bức vẽ chỉ thấy được chủ đề, đều được chị nâng niu, lồng vào những khung hình thật đẹp, trang trí cho lối đi. “Con vẽ thì không đẹp nhưng mẹ thì thấy đẹp, vậy thôi!”.
Từ trên lầu, hướng tầm nhìn ra xa xa, chị khoe: “Ở đây nắng gió cái gì cũng dư. Bên nhà còn có con rạch lớn. Mỗi lần trời mưa còn có mấy con còng bò lên. Chị có làm một cái cửa cho hai bé ra chơi. Ở giữa thành phố mà còn có những trò chơi như ở thôn quê vậy”. Rồi chị thao thao bất tuyệt về chồng, về con, tôi bất chợt buộc miệng hỏi: “Người ta vẫn hay bảo “hồng nhan bạc phận”, chị thì ngược lại, bí quyết gì vậy chị?”. “Chỉ cần mình biết tự hài lòng với chính mình, đứng bao giờ so sánh với người bên cạnh. Đơn giản vậy thôi!”.
Nhìn chị nở nụ cười hạnh phúc, tôi chợt mừng cho chị. Mừng cho một người đàn bà đẹp tìm được chốn bình yên.
D.B.T