NSƯT Thành Lộc: Sân khấu là thánh đường!


Nụ cười hiền, phong cách gần gũi, thân thiện của anh hẳn đã làm nhiều người ngạc nhiên. Bởi không gì thì anh cũng đã được coi là một nghệ sĩ tài năng, một “phù thủy” của sân khấu kịch.

 NSƯT Thành Lộc: Sân khấu là thánh đường!

Nhưng phía sau nụ cười đó là cả một quá trình phần đấu gian nan cho một lý tưởng, sự đam mê. Thành Lộc đã trở thành một thỏi “nam châm” của sân khấu kịch – điều không phải ai cũng có thể làm được.

Khán giả đã đến rạp xem thay vì trước kia chủ yếu xem kịch qua truyền hình, băng dĩa, điều đó tạo điều kiện cho các diễn viên kịch có đất diễn và thể hiện mình. Nhưng theo anh có đáng lo ngại không nếu như sân khấu chưa đáp ứng được nhu cầu và khán giả sẽ quay lưng?

Kịch của sân khấu và kịch của truyền hình suy cho cùng là hai thể loại khác nhau, có những đặc thù khác nhau. Cái khác nhau là kịch truyền hình mang tính đại chúng và xem không tốn tiền. Kịch sân khấu thì khán giả phải bỏ tiền ra mua vé, vì bỏ tiền ra mua vé nên người ta có quyền lựa chọn những vở diễn phù hợp với sở thích. Mà chuyện sở thích cũng có nhiều điều như thị hiếu, thẩm mỹ, văn hóa…

Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy ngay thời điểm này, sàn diễn chính quy hơn, chuyên nghiệp hơn. Dù giữa nhiều vở vẫn có sự chênh lệch khác nhau nhưng nó vẫn có sự hoàn hảo tương đối so với kịch truyền hình. Khán giả bỏ tiền ra mua vé xem kịch sẽ đòi hỏi cao hơn khán giả truyền hình nhiều. Chúng ta có thể nói ví von (dù không hoàn toàn chính xác) cho dễ hình dung thì kịch truyền hình là cái nhà mở để người ta ăn những món ăn mang tính từ thiện, còn sân khấu sàn diễn là những nhà hàng, mà nhà hàng thì có nhiều món ăn khác nhau. Khán giả thích gu nào thì sẽ tìm đến những đơn vị phù hợp với họ

Trước đây kịch không cần PR vẫn có thể kéo khán giả đến rạp, thị trường bây giờ nhiều cạnh tranh và lựa chọn, anh có cần phải PR cho kịch của mình?

Ai mà nói kịch không cần PR là sai. Vì kịch nói ở Việt Nam nói chung và trên cả thế giới, ngay cả ở những nước phát triển, đều cần phải PR, không PR thì họ không biết mình là ai, và sản phẩm của mình như thế nào. Khi chúng ta muốn có một đời sống tinh thần, văn hóa lành mạnh để hòa nhập vào thế giới, thì PR chỉ là bình thường. Đó là hình thức cạnh tranh lành mạnh.

Có người nói “sân khấu thánh đường”, anh nghĩ sao về sự so sánh này?

Một trong những nhân vật bậc thầy của sân khấu kịch thế giới từng nói là ” Sân khấu là thánh đường, người đến với thánh đường thì phải bỏ những đôi hài bẩn ngoài cổng thánh đường”. Người đến với thánh đường phải bằng một tâm hồn hồn nhiên và sạch sẽ thì mới tiếp nhận được giá trị của nghệ thuật. Điều đó không chỉ đối với riêng với người nghệ sĩ và với khán giả cũng phải như vậy.

Những khắc nghiệt của công việc, rồi miếng cơm manh áo, đòi hỏi của khán giả ngày càng cao, sân khấu với anh có còn là một thánh đường?

Sân khấu luôn là thánh đường, bao giờ cũng là thánh đường, và nó có trở thành thánh đường hay không còn phụ thuộc vào người chăm sóc thánh đường đó nữa. Tất nhiên để tạo ra thánh đường tôi xin nhắc lại, điều đó không chỉ riêng người nghệ sĩ mà khán giả cũng góp phần trong đó nữa.

Nếu phải tri ân một ai đó về những thành công của mình hôm nay, anh sẽ tri ân những ai?

Trong cuộc đời mọi người đều ban ơn cho nhau. Người này ban ơn cho người kia, người kia lại ban ơn cho một người khác, một cách không ý thức. Vì thế mà người này luôn mang nợ người kia, và cuộc đời của mình, mình mang ơn rất nhiều người, tôi cũng biết rằng có rất nhiều người mang ơn tôi.

c71699f400b19c6041a777493ecb91c6 NSƯT Thành Lộc: Sân khấu là thánh đường!

Với kịch anh luôn hết mình và hoàn thành tốt vai diễn để không phụ lòng khán giả nhưng với cuộc đời của riêng anh, anh có sự thay đổi hay gây bất ngờ nào khác cho nhữg người hâm mộ mình không ạ?

Tôi không có tham vọng ghê gớm như vậy, tôi có nhiều khả năng, nhưng những khả năng đó chỉ quanh quẩn trong môi trường nghệ thuật. Với tôi như bây giờ là đủ rồi.

Điều gì đã làm nên một NSƯT Thành Lộc?

Tôi biết tôi có khả năng chỗ nào và yếu chỗ nào, quan trọng mình biết dấu đi, sửa dần điểm yếu và phát huy điểm mạnh. Có hai điều quyết định lớn đến sự thành công của tôi thứ nhất là tôi biết tôi ở vị trí nào. Thứ hai là tôi không đi một mình. Tôi có đồng đội. Không có một ngôi sao nào có thể làm nên bầu trời mà phải có nhiều ngôi sao, dù ánh sáng yếu hay mạnh ngôi sao nào cũng có giái trị của riêng mình. Sân khấu luôn rất cần sự hỗ trợ của đồng đội .

Công ty Thái Dương do anh và Huỳnh Anh Tuấn thành lập rất thành công. Ngoài những yếu tố công việc thì còn yếu tố nào giúp Thái Dương tồn tại vững vàng?

Nói đến Thái Dương phải nói đến tài năng anh Tuấn đã lèo lái “con tàu” này. Chúng tôi có sự phân chia khá rạch ròi, những gì thuộc về con số, nhân sự thì anh Tuấn chịu trách nhiệm, còn nghệ thuật thì tôi. Chúng tôi tôn trọng vị trí của mình và của nhau. Thực ra mà nói trong một hệ thống điều hành, quản lý, bao giờ cũng có va chạm. Một người chuyên nghĩ đến những con số với một người thì chuyên nghĩ đến con chữ rất dễ có vấn đề với nhau. Tuy nhiên chỉ trong vòng 12 tiếng chúng tôi sẽ xử lý xong ngay. Đỉnh thành công của công việc người ta nhấn mạnh nơi con người mà. (cười)

Xin cảm ơn anh!

Hoàng Vũ (thực hiện)


Các tin cùng chuyên mục