Nếu nói về nghệ sĩ Phượng Mai trên sân khấu cải lương hay trong lĩnh vực tân nhạc thì hai chữ “tài năng” quá dư thừa, cô được sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật lâu đời.
Ông và bà của cô đều là kép chánh và đào chánh trên sân khấu, ông là kép chánh mang tên Cao Tùng Châu và bà là đào chánh trên sân khấu hát bội tên Cao Long Ngà, ngoài ra bà của cô còn là “bầu” của đoàn hát Phước Cương thời ấy. Cô cũng là cháu gái họ hàng cưng của nghệ sĩ Kim Cương.
Mới 5 tuổi, Phượng Mai đã bước chân vào làng điện ảnh. Hầu hết, trong các phim của Kim Cương đều có những vai diễn nhí, đương nhiên, Phượng Mai là “ứng cử viên” sáng giá.
Trong cuộc đời nghệ thuật của mình, Phượng Mai đã đảm nhận nhiều vai diễn khác nhau, nhưng với cô, vai diễn chỉ được hoàn thành, nếu đó là vai diễn được khen ngợi. Phim lớn đầu tiên Phượng Mai tham gia là Ảo Ảnh của đạo diễn Lê Hoàng Hoa.
Phượng Mai còn được gia đình gởi gấm theo bái sư cùng các thầy (cổ nhạc) thầy Tư Tân, (tuồng cổ) nghệ sĩ Minh Tơ, (tân nhạc) Bảo Thu, học thêm các môn ca diễn qua nghệ sĩ nghệ sỹ tiền bối Phùng Há.
Trên sân khấu đồng ấu Minh Tơ vào năm 1965 Phượng Mai thành công qua rất nhiều vở tuồng như Na Tra, Ngũ Biến, Hoa Mộc Lan, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài…, riêng vở cải lương Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, cô diễn rất thành công khi tròn 9 tuổi, và cô đã được giới báo chí săn đón đặt cho biệt hiệu “Thần Đồng Tiểu Lăng Ba”
Nghề dạy nghề, đến năm 14 tuổi Phượng Mai đã là cô đào chánh được coi là vững vàng từ vũ đạo đến cách luyến láy, cô ký hợp đồng cùng nhiều đoàn cải lương, diễn chung rất nhiều với các nghệ sĩ tên tuổi, cô gia nhập đoàn Hà Triều – Hoa Phượng. Trên sân khấu này Phượng Mai dần dần quen với vai trò tuồng tích xã hội.
Sau ngày đất nước thống nhất, nghệ sĩ Phượng Mai về diễn ở sân khấu tuồng cổ Minh Tơ qua các vở như: Dưới Cờ Tây Sơn, Xuân Về Trên Đỉnh Mã Phi, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài..., cộng tác trên sân khấu Minh Tơ được gần 2 năm thì Phượng Mai về đoàn tuồng cổ Huỳnh Long và Phượng Mai lại thành công qua các vở tuồng: Lưu Kim Đính Giải Giá thọ Châu, Về Đất Kinh Châu, Tấm Cám…, Phượng Mai cũng có về đoàn Trúc Giang, cô thành công với vai Thái Hậu Dương Vân Nga, đoàn Dạ Lý Hương,…
Năm 1979, Phượng Mai sang định cư tại Tây Đức, cô vẫn tham gia nghệ thuật và trở thành một ca sĩ hát nhạc quê hương nổi danh. Bên cạnh tân nhạc, Phượng Mai vẫn không quên cải lương, cô cộng tác cùng với nhiều nghệ sĩ khác như: Mộng Tuyền, Hương Lan, Băng Châu, Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Hạnh, Hữu Phước,Thành Được, Phương Thanh, Hoàng Long, Dũng Thanh Lâm, Hùng Cường,…trong các vở tuồng như: Cho Trọn Cuộc Tình, Khi Hoa Anh Đào Nở, Xử Án Bàng Quý Phi, …Phượng Mai là một trong những nữ nghệ sỹ từng ra các CD chuyên đề như: CD các điệu lý quê hương, CD về các điệu Hồ quảng,…
Khi đất nước bước vào giai đoạn hòa nhập và mở cửa, Phượng Mai cũng là một trong những nghệ sỹ hải ngoại về nước sớm nhất để hoạt động trong lĩnh vực sân khấu cải lương và quay băng video.Cô tiếp tục cống hiến tài năng của mình trong các vở tuồng như: Lương Sơn Bá, Dương Quý Phi, Hán Đế Biệt Chiêu Quân,…
Theo Lê Quang Thanh Tâm/ilovesaigon.net