Các tập đoàn Pfizer (Mỹ), BioNTech (Đức), Moderna (Mỹ) đang được vinh danh là những nhà tiên phong sản xuất vắc xin Covid-19 trên thế giới. Nhưng đứng sau thành quả mang tính cột mốc ấy – ít người biết – là Katalin Karikó, một nữ khoa học gia người Hungary. Cô là tấm gương của sự kiên cường khi chứng minh cho thế giới rằng những ai đã từng xem cô là “kẻ điên rồ” thì nay phải xếp hàng để chờ đến lượt được tiêm vắc xin của cô.
Công nghệ mRNA là gì?
Rồi một hôm chúng ta muốn lắp thêm hệ thống chống trộm. Chúng ta sẽ báo “thông tin” này đến nhà thầu yêu cầu họ thực hiện mà không cần chỉnh sửa “bản thiết kế”.
mRNA chính là “thông tin” được đọc từ “bản thiết kế”, là gien di truyền ADN nằm trong nhân tế bào. Nó giúp sản xuất những protein cần thiết cho hoạt động của cơ thể.
Khi tiêm vắc xin chứa mRNA của vi rút vào cơ thể người, nó sẽ mang thông tin của vi rút vào trong tế bào để sản xuất protein S đặc trưng, chính là những tua gai trên bề mặt của vi rút. Những protein này không phải là vi rút nên hoàn toàn vô hại. Hệ miễn dịch của chúng ta tưởng là có vi rút thật đang tấn công nên sẽ kích hoạt để sản xuất kháng thể phù hợp nhằm tiêu diệt hết các protein này. Thông tin kháng thể sẽ được lưu trữ cho các lần sau để khi xuất hiện vi rút thật thì cơ thể đã có ngay vũ khí để chống lại.
Phương pháp này đạt hiệu quả 95%, quan trọng hơn là giúp “sản xuất đại trà” vắc xin. Nhân loại cần ít nhất 3,5 tỉ liều vắc xin để đạt mức 50% tiêm chủng nhằm chấm dứt dịch bệnh. Các phương pháp khác như: làm yếu vi rút của Trung Quốc hay vektor của Nga (dùng vi rút khác không nguy hại cơ thể để đưa thông tin mRNA của vi rút vào cơ thể người) sẽ khó sản xuất vắc xin số lượng lớn trong thời gian ngắn vì tính phức tạp.
Tuy nhiên, điểm yếu của phương pháp mRNA là phải bảo quản lạnh âm 20 – 70 độ C, nhưng với công nghệ ngày nay thì đây không còn là thử thách lớn.
Thời thế tạo anh hùng
Katalin Karikó sinh năm 1955 ở Szolnok, một thành phố nhỏ ở phía bắc Hungary, trong gia đình có bố là tiểu thương, mẹ là kế toán. Cô theo học đại học và làm tiến sĩ chuyên ngành sinh học tại Trường đại học Szeged ở miền nam Hungary. Sau đó, cô làm việc tại Viện Nghiên cứu sinh học Szeged từ năm 1978 – 1985. Sau khi nhận quyết định thôi việc do viện có chế độ giảm cán bộ, cô cùng chồng và con nhỏ rời quê hương để sang Mỹ với con gấu bông được nhét 1.000 USD và theo đuổi hành trình mới của chính mình.
Trải qua công tác tại một số trường đại học khác nhau, năm 2014, Karikó gia nhập Công ty BioNTech của Đức với chức danh phó chủ tịch. Thời điểm này, BioNTech vẫn là một cái tên “vô danh”, đến website còn chẳng có. Do vậy, có lẽ nằm mơ Karikó cũng không nghĩ sẽ có một ngày thế giới phải ghi nhớ tên cô, khi công trình nghiên cứu mRNA của cô – từng bị từ chối 20 năm trước – nay lại được dùng để điều chế vắc xin chống Covid-19 với thời gian kỷ lục chưa đầy 8 tháng, trong khi bình thường phải mất 5 – 10 năm.
Với công trình mRNA kể trên mang tên Katalin Karikó, nhiều nhà khoa học nổi tiếng như nhà sinh học tiến hóa Richard Dawkins đã dự đoán Karikó sẽ là ứng cử viên nặng ký nhất cho giải Nobel Y sinh học năm nay.
Tiến sĩ Phạm Trường Sơn