Sáng 21/4, lễ tang đạo diễn Dương Khiết diễn ra tại Nhà tang lễ Bát Bảo, Bắc Kinh (Trung Quốc). Nhiều nghệ sĩ trong “Tây du ký” có mặt từ sớm để đưa tiễn bà.
Sáng 21/4, lễ đưa tang đạo diễn Dương Khiết tổ chức tại Nhà tang lễ Bát Bảo, Bắc Kinh (Trung Quốc). Nữ đạo diễn Tây du ký qua đời ở tuổi 88 vào hôm 15/4 sau 10 ngày hôn mê sâu.
Ngay từ sáng sớm, phía bên ngoài nhà tang lễ đã có rất đông người hâm mộ và đồng nghiệp tập trung.
Nam diễn viên Mã Đức Hoa, người từng vào vai Trư Bát Giới trong Tây du ký, đã khóc khi đến đưa tiễn đạo diễn. Ông kể trong sự nghiệp ở ngành truyền hình, Dương Khiết là người ông biết ơn cả đời.
Mã Đức Hoa chia buồn với gia đình nghệ sĩ Dương Khiết. Ông biết tin đạo diễn qua đời qua Trì Trọng Thụy. “Dương Khiết luôn kín tiếng về bệnh tật”, ông nói.
“Đường Tăng” Từ Thiếu Hoa cũng có mặt rất sớm. Ông từ chối trả lời phỏng vấn.
Lục Tiểu Linh Đồng dự lễ tang với vợ Vu Hồng. Hai vợ chồng nên duyên khi hợp tác trong Tây du ký. Năm xưa, bà Dương Khiết luôn cấm chuyện yêu trong đoàn, Lục Tiểu Linh Đồng và Vu Hồng vì thế yêu trong bí mật. Khi biết chuyện, nữ đạo diễn không những không trách móc, mà còn chúc phúc hai người.
“Với riêng tôi, Dương Khiết không chỉ là người thầy mà còn là người có ơn lớn. Không có bà, không có Tây du ký, chắc chắn sẽ không có Lục Tiểu Linh Đồng ngày hôm nay. Khán giả mãi mãi không biết đến Mỹ hầu vương do Lục Tiểu Linh Đồng đóng”, ông chia sẻ thêm.
Nhà giám chế – đạo diễn Trương Kỷ Trung có mặt trong hàng dài người đến viếng.
Trương Kỷ Trung từng thực hiện lại Tây du ký. Khi đó, ông đã gặp đạo diễn Dương Khiết để được tư vấn. Giữa ông và bà có mối quan hệ thân thiết.
“Sa Tăng” Lưu Đại Cương thành kính trước giờ vào viếng.
Nam diễn viên Vương Bá Chiêu từng vào vai Bạch Mã trong Tây du ký1986. Ông luôn coi đạo diễn Dương Khiết là ân sư.
Nữ diễn viên gạo cội Lữ Trung.
Con gái đạo diễn Dương Khiết. Cô gửi lời cảm ơn đến đồng nghiệp và bạn bè.
Hàng dài người chờ vào viếng nữ đạo diễn tài danh. Dương Khiết sinh năm 1929 tại Hồ Bắc (Trung Quốc). Bà được coi là nữ đạo diễn hàng đầu Trung Quốc. Tác phẩm gắn liền với tên tuổi của bà là Tây du ký 1986, phiên bản kinh điển có tỷ lệ người xem cao nhất lịch sử truyền hình.
Quả thật, 30 năm trôi qua, kỹ xảo cao hơn trước, nhân viên phục trang, thiết kế, trang điểm chuyên nghiệp hơn, nhưng tác phẩm kinh điển ra đời lại như “đãi cát tìm vàng”. Nhiều người yêu phim Trung Quốc hiện nay tiếc nuối khi “thời hoàng kim đã một đi không trở lại”. Tây du kýbản 1986 của Dương Khiết chính là biểu tượng của thời kỳ hoàng kim đó.
Theo Zing