Tôi tình cờ quen Tuấn qua facebook và sau đó đã gặp offline. Tuấn cho biết anh đang chuẩn bị cho đám cưới của mình vào tháng tới tại thành phố Đà Lạt. Đám cưới sẽ có hoa, rượu và bạn bè, nhưng không có họ hàng gia đình hai bên. Bố mẹ bạn trai Tuấn không chấp nhận được sự thật rằng con mình bị gay.
Tuấn và Hoàng đang chuẩn bị cho một đám cưới bí mật
Tuấn là một chàng trai năng động ở thành phố biển Nha Trang (Khánh Hòa), làm thợ cắt tóc, thích đi du lịch. Ấn tượng đầu tiên về Tuấn là mái tóc dựng ngược cá tính, khuôn mặt bầu bầu mũm mĩm, nước da trắng như con gái. Qua những bức ảnh Tuấn chia sẻ, nhiều người nghi hoặc về giới tính của chàng thanh niên này. Tôi hỏi: “Tuấn có bạn gái chưa?”. Tuấn trả lời thẳng thắn “Thật ra, mình là gay”.
Yêu từ lúc học phổ thông
Tuấn sinh năm 1991. Ngay từ hồi còn học phổ thông, Tuấn đã thấy những biểu hiện khác lạ trong cơ thể, có mối quan tâm đặc biệt tới các bạn trai. Năm học lớp 11, Tuấn quen với Hoàng, hơn mình 9 tuổi, là một viên chức nhà nước. Tuấn kể: “Khi bọn mình gặp nhau, cả hai đều cảm thấy có một thứ cảm giác rất lạ, rất gần gũi. Bọn mình hiểu nhau một cách lạ kỳ, như thể cả hai chính là một nửa của nhau vậy”.
Sau giây phút ấy, đêm về cả hai không tài nào ngủ được, chỉ thao thức để nằm nghĩ về nhau. Những ngày sau đó là những tin nhắn, những cuộc điện thoại hỏi han, những cuộc gặp gỡ tâm sự với tư cách bạn bè diễn ra ngày một nhiều hơn. Cứ thế, tình yêu tự nhiên đến như đã hẹn tự bao giờ.
Kể về người yêu, Tuấn hồ hởi, hạnh phúc: “Anh ấy cao lắm, gầy gầy đen đen, nhưng trông vậy thôi chứ anh ấy rất cứng cỏi. Anh ấy cũng cực kỳ hay ghen. Thấy mình nói chuyện thân mật với người con trai lạ nào đó, anh ấy lập tức tra hỏi rồi tỏ thái độ khó chịu ngay. Anh ấy nói anh ấy sợ mất mình. Điều đó khiến mình cảm thấy hạnh phúc”.
Đang nói chuyện, giọng Tuấn chợt chùng xuống. Trong kí ức của Tuấn, những lần bị kỳ thị là vết sẹo khó phai mờ. Có lần Tuấn và Hoàng đi uống cà phê, khi tay trong tay vào quán, họ bắt gặp ánh mắt nhìn chằm chằm của mọi người như thể sinh vật lạ. Tuấn còn nhớ như in câu nói của một cô gái lúc ấy rằng: “Na ơi, ra mà xem hai thằng đồng tính này”.
Những lúc như vậy, họ cảm thấy tủi thân ghê gớm, giận mình, giận đời, rồi giận cả mọi người. Nhưng rồi chính Hoàng đã an ủi, động viên Tuấn vượt qua. “Người ta không hiểu nên mới có hành động như thế. Điều quan trọng là em hiểu bản thân mình muốn gì và cách em tôn trọng bản thân mình như thế nào. Muốn người khác yêu mình thì mình phải yêu mình trước em ạ” – Hoàng đã nói với Tuấn như thế
Và cũng vì thế mà chỉ khi nào có hai đứa ở riêng với nhau thì Tuấn và Hoàng mới được có những cử chỉ quan tâm thân mật như vậy. Mỗi khi đi cùng bạn bè, họ thường ngồi tách riêng để tránh bị kỳ thị.
Sáu năm chờ ngày cưới nhưng phải làm bí mật
Sáu năm – đó là khoảng thời gian Tuấn và Hoàng yêu nhau. Với một cặp đôi yêu nhau bình thường, khoảng thời gian đó đủ dài để tìm hiểu về nhau, để tính đến việc ra mắt gia đình hai bên, tính đến một đám cưới để hai người chính thức được ở bên nhau mãi mãi. Tuấn và Hoàng cũng trông chờ đến đoạn kết có hậu đó, đếm từng ngày để đến lúc cả hai được làm cô dâu, chú rể sánh vai đi cùng nhau. Tuy nhiên, đám cưới của họ phải làm “bí mật”.
Tuấn giải thích: “Bên gia đình mình đã chấp nhận và ủng hộ, nhưng bên gia đình anh ấy vẫn kiên quyết phản đối. Anh ấy là một cán bộ, là niềm tự hào của gia đình. Bố mẹ anh ấy nói chính họ cũng đã nghe nói nhiều về người đồng tính nhưng không thể tin được rằng, người con trai mà họ luôn tự hào lại là người như vậy. Hai bác không chấp nhận được chuyện này và muốn anh lấy vợ sinh con như bao người khác. Để tránh bị mọi người biết rồi phát sinh rắc rối, bọn mình đã chọn Đà Lạt làm nơi tổ chức đám cưới. Bạn bè cũng chỉ có một vài người bạn thân”.
Một đám cưới bí mật sẽ được diễn ra sau sáu năm yêu nhau để minh chứng cho tình yêu của hai người đã đến độ chín muồi. Và sau đám cưới đó, ai vẫn ở nhà nấy, cuộc sống sẽ vẫn diễn ra bình thường không có gì thay đổi so với trước đó.
Cuộc trò chuyện với Tuấn đã kết thúc từ lúc nào, nhưng câu nói của Tuấn vẫn cứ văng vẳng bên tai khiến tôi phải đăm chiêu suy nghĩ: “Những người như mình đâu có được lựa chọn giới tính của mình sau khi sinh ra. Trong cuộc sống, bọn mình đâu có làm hại đến ai, cũng lao động, cũng vui chơi, cũng cống hiến như bao người. Ai cũng có cảm xúc, có quyền được sống, được đối xử bình đẳng và tôn trọng, cớ sao những người như bọn mình lại bị miệt thị, bị chỉ trích?”.
72,7% người Việt nói hôn nhân đồng giới không ảnh hưởng đến gia đình họ 72,7% người Việt nói hôn nhân đồng giới không ảnh hưởng đến gia đình họ
Một khảo sát xã hội về quan điểm người dân đối với vấn đề hôn nhân cùng giới do Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội & Môi trường iSEE, Viện Xã hội học và Viện Chiến lược & Chính sách Y tế tiến hành đã được thực hiện với 5.303 người dân, được rải đều trên 8 tỉnh, thành có độ tuổi từ 18 đến 69 tuổi. Kết quả cho thấy, 72,7% người Việt nói hôn nhân đồng giới không ảnh hưởng đến gia đình họ.
Trong năm 2013 cũng đã diễn ra một cuộc nghiên cứu trực tuyến với 2.438 người đồng tính tham gia. Mong ước của họ đối với những nhà làm luật rất rõ ràng: 94,7% hy vọng Nhà nước có thể hợp thức hóa hôn nhân đồng giới hoặc cho phép kết hợp dân sự (75,5%).
Dự kiến vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ họp và bỏ phiếu thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi. Trong đó, ngoài việc bỏ điều “cấm” thay bằng “không thừa nhận” hôn nhân cùng giới, Quốc hội còn xem xét việc bỏ hay không Điều 16 trong Dự thảo luật quy định: “Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên trong quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính được giải quyết theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì theo quy định của Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan. Công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập”.
“Chúng ta có thể sống chung với nhau mà không cần ai cho phép. Nhưng những quy định của pháp luật về nhân thân, con cái và tài sản chung… thì luôn cần được bảo đảm”, đó là lời hiệu triệu được đăng trên trang mạng xã hội lớn nhất của cộng đồng người đồng tính Việt Nam.
Theo PLO