“Cháo hoàn lương” và tấm lòng thiện nguyện


Cứ 17 giờ chiều thứ Ba và thứ Bảy hàng tuần, khu vực nhà ăn Bệnh viện K cơ sở Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (gọi tắt là Bệnh viện K2) lại nhộn nhịp hơn thường lệ.

Rất đông bệnh nhân và người nhà xếp hàng dài để chờ nhận những suất cháo miễn phí. Nồi cháo được thực hiện bởi nhóm Hướng thiện gồm hơn 25 người từng một thời lầm lỡ, nay đã hoàn lương và muốn làm những điều có ích cho xã hội.

chao hoan luong “Cháo hoàn lương” và tấm lòng thiện nguyện

Nhóm Hướng thiện phát cháo cho bệnh nhân và người nhà ở Bệnh viện K2. Ảnh: Trọng Tùng

“Cháo của mấy chú có hình xăm…”

Đó là cách gọi trìu mến mà những cô cậu độ tuổi tiểu học dùng để gọi nồi cháo mà những người đàn ông có cánh tay kín đặc hình xăm bê tới khu vực nhà ăn Bệnh viện K2 để phát cho bệnh nhân nghèo. Ít người biết, hầu hết trong số họ từng là dân giang hồ cộm cán. Những tay “anh chị” này có khi chưa từng phải vào bếp nhưng nay lại sẵn sàng nấu cháo cho bệnh nhân nghèo, những người hoàn toàn xa lạ.

Anh Đỗ Minh Hòa (Trưởng nhóm Hướng thiện, từng ngồi tù vì tội danh “cố ý gây thương tích”) cho biết, cứ đều đặn sáng sớm ngày thứ Ba và thứ Bảy, vợ anh – chị Phạm Thị Lan Hương lại cùng một vài thành viên khác trong nhóm Hướng thiện dậy sớm, ra chợ chọn mua xương, gạo tám thơm và thịt nạc thăn về để nấu cháo. Mỗi nồi cháo khoảng 150 suất được tạo nên bởi 4,5kg gạo tám thơm, 2kg xương và khoảng 1,5kg thịt lợn. Xương lợn được ninh từ khoảng 11 giờ trưa, đồ gạo từ 15 giờ để kịp có cháo phát cho bệnh nhân vào buổi chiều.

Những ngày đầu, do chưa được nhiều người biết đến nên các thành viên trong nhóm Hướng thiện phải tới gõ cửa từng phòng gọi bệnh nhân và người nhà ra nhận cháo miễn phí. Đến nay, số lượng người biết đến nồi cháo của nhóm đã rất đông. Cứ khoảng 17 giờ, không ai bảo ai lại tập trung đông đủ trước khu vực nhà ăn Bệnh viện K2 để nhận những phần cháo miễn phí từ nhóm “giang hồ hoàn lương”. 

Anh Phạm Hoàng Tuấn – một thành viên rất tích cực của nhóm Hướng thiện, từng có thời “dính” vào ma túy chia sẻ: “Những ngày đầu thấy chúng tôi đến phát cháo, mọi người ai nấy đều ngần ngại. Sau thấy cháo ngon, chúng tôi cũng cư xử nhã nhặn nên mọi người tin tưởng. Dần thành quen. Nhiều người ăn cháo khen ngon khiến chúng tôi cũng thấy vui…”. Có lẽ cũng bởi vậy mà nồi cháo của nhóm Hướng thiện rất “đắt khách”. “Mười ngày như một”, chỉ khoảng 20 phút là nồi cháo đã sạch nhẵn. Nhiều người mang cặp lồng, xếp hàng chờ nhưng không nhận được cháo tỏ vẻ tiếc nuối, ngậm ngùi ra về. 

chao hoan luong 2 “Cháo hoàn lương” và tấm lòng thiện nguyện

Thành viên Phạm Hoàng Tuấn chuẩn bị cho bữa ăn.

“Gia vị” của tình yêu thương

Khi hỏi ai là người đề xuất ra ý tưởng này, chị Phạm Thị Lan Hương cho biết, năm 2011, khi chăm sóc mẹ chồng bị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Saint Paul (Hà Nội) gần một tháng, chị đã bắt gặp nhiều người ngoại tỉnh có hoàn cảnh rất khó khăn. Ngoài chi phí thuốc thang, tiền mua đồ ăn thức uống cũng trở thành gánh nặng. Cảm thương trước những số phận không may mắn đó, chị đã bàn bạc với chồng là anh Đỗ Minh Hòa nấu cháo để vào phát miễn phí cho bệnh nhân. Không những ủng hộ ý tưởng của vợ nhiệt tình, anh còn rủ thêm những người “cùng cảnh ngộ” để nấu thêm cháo phát cho các em nhỏ khoa Nhi – Bệnh viện K2.

Chị Hương cho biết, ban đầu chị còn cho thêm vào cháo các loại rau củ quả, cà rốt, khoai tây, hành hoa,… nhưng về sau nhiều người ăn không thích nên chị chỉ nấu cháo thịt thăn ninh với nước xương để hợp với khẩu vị của phần lớn bệnh nhân. Đến nay, dù đã phát cháo được gần 2 năm, chị Hương vẫn nhớ người nhà một bệnh nhân quê Yên Bái mang một chiếc ca lớn tới nói với chị: “Cô ở viện chăm chồng đã 3 tháng trời. Chồng chưa khỏi thì con gái lại đổ bệnh phải vào điều trị cùng. Nhà khó khăn quá, thuốc thang cho chồng con giờ chẳng còn đồng nào mua thức ăn nữa. Cháu cho cô xin 3 bát cháo được không?”. Nước mắt giàn giụa trên khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ ấy khiến nhiều người có mặt chẳng thể kìm lòng. Và với chị Hương, đó là hình ảnh chẳng thể nào quên, là lời nhắc nhở nhóm phải cố gắng hơn nữa để giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh.

Chị Lê Thị Điệp – điều dưỡng viên khoa Ung bướu – Bệnh viện K2 cho biết, kể cả những ngày trời mưa to gió lớn vẫn thấy các thành viên của nhóm mang cháo tới cho các bệnh nhân. Những suất cháo miễn phí có thể không quá lớn về mặt vật chất nhưng tấm lòng cảm thương, trân quý của người gửi trao thì khó có thể diễn đạt bằng lời. Có lẽ không ngoa khi nói rằng, vị đậm đà, ngon ngọt của những nồi cháo dành trao cho các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện K2 không chỉ bao gồm những gia vị đơn thuần, mà trong đó còn chứa đựng một thứ gia vị rất đặc biệt của tình yêu thương. 

chao hoan luong 1 “Cháo hoàn lương” và tấm lòng thiện nguyện

Anh Nguyễn Văn Hải, huyện Anh Sơn, Nghệ An chăm sóc vợ bị mắc bệnh ung thư vòm miệng.

Chung tay vì bệnh nhân nghèo

Bệnh viện K2 là cơ sở điều trị tập hợp chủ yếu các bệnh nhân bị ung thư và một số điểm khối u trên cơ thể. Việc điều trị thường kéo dài và tốn kém rất nhiều chi phí. Ngay cả chuyện ăn uống hàng ngày đối với các bệnh nhân tại Bệnh viện K2 cũng là việc làm không hề dễ dàng. Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, những suất cháo miễn phí thực sự là động lực để họ vượt qua “cuộc chiến” với bệnh tật.

Khi chúng tôi ghé thăm Bệnh viện K2, anh Nguyễn Văn Hải hiện sống ở huyện biên giới Anh Sơn, phía Tây tỉnh Nghệ An đang lững thững bước về phòng điều trị với âu cháo nóng hổi trên tay. Anh Hải chia sẻ, gia đình có 4 người con thì hai đứa đầu phải nghỉ học từ sớm đi làm, hai người con sau hiện là sinh viên trường Đại học Vinh và Đại học Huế. Chi phí một tháng điều trị tại Bệnh viện K2 của gia đình lên tới xấp xỉ 40 triệu đồng. “Vợ tôi bị ung thư vòm miệng, chỉ ăn được cháo xay nhuyễn. Trên này không có điều kiện nấu nướng, mua ngoài cổng thì sợ không hợp vệ sinh, lại đắt nữa. Thấy cháo các anh chị ấy ăn cũng “được”, lại phát miễn phí nên ngày nào họ phát, tôi cũng mang âu xuống chờ. Thi thoảng những bệnh nhân chúng tôi cũng nhận được cơm và sữa hộp miễn phí của các anh chị, cô bác hảo tâm khác. Cũng nhờ có những tấm lòng như thế mà người nghèo chúng tôi bớt khổ…” – anh Hải bộc bạch.

Để có kinh phí hoạt động, các thành viên nhóm Hướng thiện đã bỏ tiền túi đóng góp, dù thu nhập của bản thân không nhiều. Số tiền đóng góp chỉ dăm ba trăm ngàn một tháng nhưng đó là tấm thiện tình đáng quý của những người đã từng một thời lầm lỡ. Ngoài ra, nhóm Hướng thiện còn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhiều người như chị Phan Thị Hoa – chủ hàng trà trước cổng Bệnh viện K2. Gia cảnh không lấy gì làm khá giả, ngày bán trà nước, tối bán ốc luộc  nhưng hàng tháng, chị Hoa vẫn góp cho nhóm 500.000 đồng. Mỗi khi nhóm Hướng thiện tới phát cháo tại Bệnh viện K2, chị lại nhờ người trông quán, tất tả vào phụ giúp việc phát cháo cho các bệnh nhân.  Nhóm Hướng thiện cũng nhận được tài trợ của các “Mạnh thường quân”. Theo đó, mỗi tháng 1 – 2 lần, nhóm tổ chức phát miễn phí khoảng 150 hộp sữa đặc  Ông Thọ cho các em đang điều trị tại khoa Nhi – Bệnh viện K2.

Những hỗ trợ về mặt vật chất của các tổ chức xã hội như nhóm Hướng thiện đã và đang góp phần nâng đỡ những mảnh đời khó khăn tại Bệnh viện K2. Đây sẽ là động lực để các bệnh nhân hiện đang chật vật chống chọi với bệnh tật vượt qua khó khăn trước mắt cũng như vững tin vào bước đi nơi tương lai gập ghềnh phía trước. Quan trọng hơn, đó là minh chứng cho thấy: Không bao giờ là quá muộn để trở thành người có ích cho xã hội.

 Lâm Nguyễn ( donghanhcungphattrien)


Các tin cùng chuyên mục