Trước câu hỏi thiếu tế nhị của vị tỷ phú, Châu Tinh Trì đã đáp trả vô cùng tài tình, vừa có thể “tâng bốc” sự nghiệp của đối phương, vừa bảo vệ sự riêng tư cá nhân của mình.
Đầu năm 2013, Jack Ma và Châu Tinh Trì lần đầu gặp nhau trong buổi giao lưu sinh viên ở Đại học Truyền thông Trung Quốc.
Thời điểm đó, Jack Ma đã là một vị tỷ phú tự thân truyền cảm hứng cho người trẻ nhờ sự học hỏi, vươn lên của mình. Trong năm 2013, chỉ riêng tại thị trường Trung Quốc, Alibaba có đến 231 triệu khách hàng cùng số tiền được giao dịch qua các dịch vụ của hãng này lên tới 248 tỷ USD. Theo Bloomberg, chủ tịch của Alibaba, Jack Ma hiện là một trong những người giàu nhất Trung Quốc với tài sản 21,9 tỷ USD.
Còn tên tuổi Châu Tinh Trì cũng đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao người. Đã từ lâu, ông được coi là Vua phim hài Hồng Kông. Các vai diễn của ông càng về sau càng được đánh giá cao cả về mặt nghệ thuật lẫn giá trị thương mại. Theo những thống kê từ năm 1985 đến 2005, những bộ phim do ông đóng vai chính đã đạt doanh thu 1,3 tỷ HKD (gần 200 triệu USD), xếp thứ hai trong số các diễn viên Hồng Kông chỉ sau Lưu Đức Hoa (1,7 tỷ HKD) và trên cả Thành Long cùng các ngôi sao khác. Với vai trò đạo diễn, ông cũng được vinh danh “Đạo diễn xuất sắc nhất” nhiều lần.
Trong buổi giao lưu lần này, hiếm khi có cơ hội được gặp gỡ ông chủ đế chế Alibaba và cùng đứng trên một sân khấu để chia sẻ kinh nghiệm, Châu Tinh Trì thẳng thắn bày tỏ, mình luôn mơ ước được gặp tỷ phú Jack Ma ngoài đời thực một lần. Ông cũng hài hước đùa rằng, biết đâu sẽ hỏi được lý do để trở nên thành công như chủ tịch Mã.
Lúc này, Mã Vân bất ngờ đặt câu hỏi: “Tôi chỉ kiếm được 19,1 tỷ NDT mỗi ngày, vậy còn anh thì sao?”
Đứng trước câu hỏi “nhạy cảm” như vậy, người dẫn chương trình buổi giao lưu cũng có phần bất ngờ. Trong khi mọi người còn lúng túng, bất ngờ thay, Châu Tinh Trì lại thoải mái đáp lời:
“Tôi sao? Tôi chỉ ít hơn anh một Alibaba mà thôi”.
Với câu trả lời như vậy, ông vua hài kịch vừa khéo léo đề cao sự nghiệp của tỷ phú họ Mã, vừa bảo vệ sự riêng tư khi không muốn công khai thu nhập cá nhân của bản thân mình. Khán giả trong hội trường thì cười đùa vui vẻ với câu trả lời hóm hỉnh của ông. Chẳng một ai bị “mất lòng” hay không thoải mái cả.
Mọi người cũng không đưa ra phản ứng quá tiêu cực trước câu hỏi có phần thiếu tế nhị của Jack Ma. Nhiều người cho rằng, ông chỉ thực sự tò mò về thu nhập thực tế của một đạo diễn danh tiếng hàng đầu nên mới hỏi vậy, chứ không hề có ý “hỏi đểu” hay cố tình làm khó đối phương.
Quả thật, bản thân Jack Ma cũng nhiều lần đề cập rằng, mình là fan trung thành của phim hài Châu Tinh Trì. Ông đã xem bộ phim “Tuyệt đỉnh Kungfu” không dưới ba lần, thích nhất nhân vật do Phùng Tiểu Cương đóng với câu thoại “Còn kẻ nào nữa”. Ông cũng thuộc nhiều câu thoại kinh điển trong các bộ phim khác và thường sử dụng trong đời thường.
Chính nhờ cách ứng xử khôn khéo của ông vua hài kịch Hồng Kông, tình huống khó xử đã lập tức trở thành một màn đối đáp hài hước, nhẹ nhàng giữa hai nhân vật khách mời trong buổi giao lưu. Cả hai đều chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm và bài học đắt giá mà mình từng có được. Nhưng quan trọng hơn cả, mọi người còn hiểu ra tầm quan trọng của chỉ số EQ.
Trong một lần khác, khi trailer của bộ phim mới của Châu Tinh Trì đang bắt đầu được quảng bá, nhiều ý kiến cho rằng ông đang dần trở nên “ít sáng tạo” so với chính mình. Các bộ phim sau này chỉ như “hâm lại những bát cơm nguội cũ” mà thôi.
Trả lời lại ý kiến này, Châu Tinh Trì khéo léo nói: “Tôi mới chỉ xào cơm chiên Dương Châu, chứ chưa xào cơm nguội bao giờ. Chuyện này nên để mọi người ra rạp, họ sẽ hiểu lời tôi nói”.
Quả đúng như vậy, khi chính thức ra rạp, bộ phim đó trở thành một trong những tác phẩm ấn tượng và đậm chất Châu Tinh Trì nhất trong lòng khán giả. Cách dùng tiếng cười để chuyển tải bi kịch khiến không ít người dành những lời nhận xét sâu sắc cho nội dung phim, họ không chỉ cười mà còn cười ra nước mắt.
Đúng như những gì Daniel Gorman, cha đẻ của trí tuệ cảm xúc, cho biết: “IQ chỉ chiếm 20% thành công của một người. 80% còn lại là EQ, tức là cách cư xử”.
Một số thống kê khác với nhiều nhân tố hơn, thành công dựa trên 20% kỹ năng chuyên môn và 20% trí thông minh IQ, còn khoảng 60% còn lại phụ thuộc hết vào chỉ số trí tuệ cảm xúc EQ.
Trong công việc và cuộc sống, ai lại không muốn kết thân với những người có chỉ số EQ cao, ăn nói khéo léo và đem lại cảm giác thoải mái?
Cho nên, ngoại trừ chuyên môn, một lý do quan trọng khác giúp những người thực sự xuất sắc có thể đạt được thành tựu đáng kể trong lĩnh vực của họ chính là trí tuệ cảm xúc. Họ mang phong thái đĩnh đạc mà hòa nhã, tri thức mà dễ gần, thành công nhưng không hề “chảnh chọe”, khiến mọi người xung quanh thoải mái mọi lúc mọi nơi.
Đây cũng chính là nguyên nhân mà Đại học Harvard luôn đặt nặng vai trò của các khóa học, giáo dục trí tuệ cảm xúc cho sinh viên của mình. Phải biết rằng, với những người EQ cao, họ làm chủ được cảm xúc của chính mình cũng như những người xung quanh, dễ thích nghi trong mọi hoàn cảnh và xây dựng quan hệ tốt đẹp với người lạ. Nhân tố này sẽ giúp họ gia tăng hiệu suất công việc, phát triển khả năng lãnh đạo, khả năng kinh doanh và các mối quan hệ xã hội mật thiết.
Tuy EQ hình thành chủ yếu do di truyền nhưng cũng có một phần khác được định hình qua từng thời kỳ trưởng thành, khôn lớn, thông qua các trải nghiệm và rèn luyện cá nhân. Do đó, khi nhìn nhận lại và đánh giá trung thực về khả năng khống chế cảm xúc của mình, bạn có thể tìm cách học hỏi và cải thiện nhiều hơn, có cơ hội khai thác các hướng phát triển mới để thành công hơn trên con đường xây dựng sự nghiệp phía trước.
Theo Tri Thức Trẻ