Đứng trước cửa hàng thời trang do NSƯT Minh Vương và vợ mở kinh doanh, chàng “phó nháy” vẫn còn ngơ ngác hỏi: “Chị ơi, hẹn nhân vật ở quán cà phê hay trong shop vậy?”, ra ý sợ mình đến nhầm địa chỉ. Trước nay có mấy ngôi sao nổi tiếng tại Việt Nam hẹn phỏng vấn mà không chọn gặp trong quán cà phê đẹp, căn hộ cao cấp hay thậm chí là biệt thự sang trọng.
Minh Vương, người được tôn xưng là “ông hoàng cải lương” và đã trị vì trong lòng người mộ điệu hàng nhiều thập kỷ, theo đúng lý phải sống trong một lâu đài. Thế nhưng, chúng tôi phải đi xuyên qua những kệ, giá bộn bề quần áo, leo lên hai tầng lầu mới gặp được Minh Vương trong căn phòng khách đặt tận tầng áp mái của ông.
Phòng khách Minh Vương có tới ba bộ bàn ghế kiểu dáng khác nhau. Trần nhà treo đầy những ngôi sao cỡ lớn, màu mè rực rỡ. Chính giữa phòng, Minh Vương đặt bàn thờ đức phật và sáng nào cũng đến lạy ngài. Điều khác thường là hai bên bàn thờ lại chễm chệ mấy chiếc tủ kính trưng toàn rượu ngoại. Từ sau lớp vỏ chai pha lê tinh xảo, thứ chất cay vàng lóng lánh như mật ấy cứ đập thẳng vào mắt khách, công nhiên chống lại “giới thứ 5” trong 5 giới đầu tiên của nhà Phật: giới rượu. Mãi sau, khi câu chuyện đã thấm, Minh Vương mới bất ngờ bật mí ông có thú vui mua rượu về làm cảnh dù bản thân không biết uống. Không gian sống thú vị và dễ “bé cái lầm” này chính là thế giới thực của ông vua vọng cổ khi cánh màn nhung sân khấu khép lại.
THÊM CHỮ “Ơ” ĐỂ THÀNH VUA
Tính đến năm 2014 này, Minh Vương có tròn 50 năm bén duyên cùng sân khấu cải lương. Nhắc đến cải lương, Minh Vương luôn sống động, như trẻ lại đến mười tuổi. Ông nhớ rành mạch thời mình còn là cậu nhóc con đi vớt lăng quăng về nuôi cá lia thia, từng cờ nghe tiếng ca tiếng đờn vọng ra từ lò luyện đờn ca tài tử của nghệ nhân Bảy Trạch. Cậu nhóc Vưng mới mười hai tuổi đứng nghe trộm riết rồi đâm mê mẩn nghiệp hát, đánh liều xin vào học. Khi Minh Vương mười bốn tuổi, cuộc thi Khôi nguyên vọng cổ do báo giới tổ chức bốn năm một lần lại được triển khai. Không phụ sự kỳ vọng của thầy, Minh Vương đỗ đầu cuộc thi, chiếm giải Khôi nguyên, chính thức bén duyên cùng cánh màn nhung sân khấu.
Vừa đỗ khôi nguyên, Minh Vương được ông Trần Viết Long bầu hát gánh Kim Chung mời ký giao kèo ngay. Hợp đồng hát hai năm trị giá 10 ngàn đồng, một số tiền khá lớn thời ấy. Minh Vương cười kể lại: “Nghe ký giao kèo thì có vẻ oai nhưng lúc ấy tôi đã 14 tuổi vào vai nào cũng lỡ cỡ, hát con cũng dở mà hát kép chưa tới. Bầu Long đành bảo mỗi vở sẽ viết vài câu để thỉnh thoảng tôi chạy xẹt qua sân khấu hát cho quen. Lần lần khi đã lớn hơn, kép mùi tương đối được rồi ông mới thành lập thêm một đoàn Kim Chung 3 cho tôi hát kép chánh”. Lập riêng cho Minh Vương một đoàn hát, ông bầu Long cũng tặng cho chàng kép trẻ của đoàn cái nghệ danh sẽ sáng mãi trên bầu trời cải lương Minh Vương. Ban đầu, nghệ danh của Minh Vương là Minh Vưng. Lập đoàn mới, bầu Long quyết định thêm vào đó một chữ “ơ” và đùa: “Tao cho mày làm vua luôn!” Minh Vương bảo: “Ông ấy nói chơi cho vui vậy thôi chứ lúc đó mình đâu biết tương lai sẽ như thế nào. Người mới học ca, mới vô sân khấu có nhiều thăng trầm lắm!”
Trời phú cho Minh Vương một giọng ca đẹp, thanh thoát, chân phương, bình dị, có chút mùi mẫn trữ tình nhưng không mất đi vẻ nam tính dễ chinh phục lòng người. Tôi hỏi Minh Vương bí quyết để giữ gìn và phát huy giọng hát trời cho ấy. Ông trả lời giản dị nhưng nghiêm trang: “Nghề ca vọng cổ này không có mưu mẹo gì hết! Mưu mẹo cũng không được! Giọng ca mình sao thì mình ca thật như vậy, có điều phải thường xuyên luyện tập, trau dồi và biết gìn giữ giọng ca của mình”. Từ lúc đỗ khôi nguyên vọng cổ, không lúc nào Minh Vương quên chăm chút cho giọng ca của mình. Ông lánh xa tất cả những gì có hại cho tiếng hát, không rượu chè, không thuốc lá, không cà phê. “Phải cẩn thận giữ gìn lắm mới có được hơi bền. Đêm nào tôi ra diễn ca mà thấy giọng chưa đạt yêu cầu hoặc kém sức một chút là đã thấy lo lắng ngay rồi!”, Minh Vương nhớ lại. Có lẽ nhờ kiêng khem khổ hạnh như vậy nên suốt 50 năm, ông luôn giữ được làn hơi khỏe khoắn, trọng với âm vực rộng dù lên thật cao hay xuống thật thấp vẫn tròn vành rõ chữ, không hề bị lạc giọng dù được ca ở những tông khác nhau và vẫn giữ được sức mê hoặc như thuở ban đầu.
“PHẢI XÚC ĐỘNG TỪ TẬN ĐÁY LÒNG”
Trọn 50 năm đứng trên sân khấu tham dự có đến hàng trăm vở diễn, tôi hỏi Minh Vương tâm đắc với vai diễn nào nhất. Ông cười hiền: “Khi tôi nhận vai trong bất kỳ vở diễn nào tôi đều thích và hết mình cho vai diễn đó. Tuy nhiên, những vai đi vào lòng khán giả nhất vẫn là Nguyễn Trãi trong Rạng ngọc Côn Sơn, Minh trong Tô Ánh Nguyệt, Tùng trong Pha lê và cát bụi, Luân trong Đời cô Lựu” Mỗi vai diễn Minh Vương đều đặt được những dấu ấn riêng, có những tìm tòi sáng tạo riêng.
Nhắc đến Minh Vương trong Đời cô Lựu, khán giả sẽ khó quên tiếng ca thổn thức như vỡ òa ra thành nước mắt của Luân lúc nhận mặt cha. Lần đầu tiên thủ vai chàng chăn trâu Luân, Minh Vương hơn hai mươi tuổi, khán giả bảo nghe giọng thấy vẫn đúng như là thằng bé mười mấy tuổi đầu đang khóc mừng ba. Vở tuồng dựng lại gần đây, khi nghệ sĩ bước đến ngưỡng tuổi bán trăm, người nghe vẫn bị tình phụ tử chất chứa trong giọng ca làm cảm động đến quên cả tuổi thật của nghệ sĩ. Hiếm ai biết rằng chính ông là người đã đề nghị viết thêm đoạn ca “ba hỡi ba…” làm rung động hết thảy khán giả cũng như thêm vào nhiều chi tiết như dí trâu, uống “cà phe” để vai Luân sống động, chân thật hơn.
Vai Nguyễn Trãi (vở Rạng ngọc Côn Sơn) là thử thách ông đón nhận lúc đã thành danh qua các vai kép trẻ, đẹp trai. “Anh Đoàn Bá đưa tôi cuốn tuồng, nói: ‘Minh Vương, trong này có mấy vai kép trẻ với vai lão, cậu đóng vai nào?’ Tôi đọc tuồng thật kỹ rồi nói với anh Đoàn Bá cho tui đóng vai Nguyễn Trãi để tui thử sức già. Lúc đó, tôi mới ba mươi tuổi”. Để lột tả hết thần thái của Nguyễn Trãi, Minh Vương mời bà Kim Cúc (vợ NSND Nguyễn Thành Châu) tới nhà chỉ cách đi cho đúng dáng của một nhà nho lớn tuổi, mực thước. Ông luyện tập mất cả tuần lễ chỉ để chăm chút cho một dáng đi. “Lúc đó tui còn trẻ, hiểu biết về Nguyễn Trãi cũng đại khái thôi, không tập kỹ đi đứng lúc diễn lỡ lòi ra dáng đi của người trẻ thì sao?”, Minh Vương cười lớn. Vai diễn mới cũng đòi hỏi cách hát mới: “Giọng mình trẻ, Nguyễn Trãi lại đã khoảng 60 tuổi nên tôi phải đổi giọng ca, ca cho chững chạc, phải ém hơi, ém giọng trẻ của mình. Trời ơi, lúc diễn màn chót Nguyễn Trãi trao lại cuốn sách cho đệ tử Chí Tâm, tôi còn bị ộc một hai hột cơm ra. Diễn là phải vậy đấy!”
Tôi nói với Minh Vương về lớp khán giả trẻ đang bỏ quên cải lương và thực tế các nghệ sĩ trẻ trên sân khấu cải lương cũng chưa có đủ sức thuyết phục để gọi người nghe quay trở lại. Ông bảo: “Phải nói bây giờ có nhiều giọng ca trẻ, mới lạ hơn ngày xưa nhiều nhưng trong cuộc sống dường như các em không gắng chịu đựng. Phải chịu đựng, phải rèn luyện, phải chịu khó và đừng bao giờ tự mãn, thỏa mãn với thành công của mình. Trên sân khấu cải lương vọng cổ, nghệ sĩ lúc nào cũng phải luyện tập trau dồi, ngừng rèn luyện học hỏi là xuống dốc ngay.” Ông có lời khuyên gì cho họ? “Nghệ sĩ trẻ có suy nghĩ riêng, muốn khuyên cũng khó. Giọng ca cổ nhạc cải lương đòi hỏi sức lắm. Mỗi lần ca đều phải lấy trong ruột lấy ra nó mới vô lòng khán giả được. Diễn cũng vậy, phải xúc động từ tận đáy lòng chứ không phải từ cái miệng, con mắt. Nghệ sĩ phải xúc động như đứt từng đoạn ruột trong mình mới được!” ông đáp với tiếng cười.
CHỈ CÓ NGƯỜI ĐÀN ÔNG TỘI LỖI
Tôi đề cập đến những chủ đề nhạy cảm hơn là “lòng dạ đàn bà”. Minh Vương bỗng bí hiểm, im lặng như cát. Ông khéo léo trượt khỏi các câu hỏi mà không thốt ra bất cứ lời nói không tốt đẹp nào về những bóng hồng đến rồi đi trong đời. Ông thừa nhận cuộc đời của một chàng kép hát tài hoa mà cũng đào hoa của mình có không ít thăng trầm, đổ vỡ, dính dáng tới nhiều phụ nữ. Tất cả chung quy cũng bởi cái tính đa tình. Tôi hỏi đùa Minh Vương: “Chú ca bài tân cổ Lòng dạ đàn bà hay thế nhưng ngoài đời ai mới thật sự là người có lỗi? Minh Vương có lỗi với đàn bà? Hay đàn bà có lỗi với Minh Vương?” “Nói đúng ra, tôi cũng may mắn là đến nay chưa có người phụ nữ nào có lỗi với tôi mà chỉ tôi có tội với họ”, nói xong Minh Vương cười lớn. Ông chia sẻ: “Tính tôi tình cảm, đa tình lắm. Bởi vì, con người nghệ sĩ của tôi không đa tình, lãng mạn thì ca không hay, diễn cũng không hay”. Ông lại bảo “Nhiều người ái mộ mình quá, thương mình quá nên đôi lúc mình cũng xiêu lòng. Tôi đa tình một chút thôi, lãng mạn một chút thôi chứ không phải muốn làm đổ vỡ hay gạt gẫm người con gái, người đàn bà nào”. Hạnh phúc Minh Vương có được hôm nay phần lớn là nhờ sự nhẫn nhịn, bao dung biết cách vun vén gia đình của vợ. Ông nhắc tới người bạn đời với vẻ trìu mến, trân trọng và bảo “Vì người vợ phải chịu đựng, biết cách vun vén gìn giữ hạnh phúc gia đình nên các bà luôn đáng thương, chỉ có đàn ông là tội lỗi lắm”.
Qua đi nửa đời người, những dan díu đa tình, thăng trầm hay đổ vỡ trong đời người nghệ sĩ tài tình mà đa tình sau cùng cũng khép lại. Cuộc sống trở nên bình lặng hơn và ông hài lòng với điều ấy. “Tôi có bà xã ở bên, được các con thương, bạn bè thương và khán giả thương là đủ rồi!”, ông tâm sự, “Mỗi ngày, tôi dành thời gian chăm sóc cây kiểng, đi mua cây, ngắm vườn mai, trầm tĩnh để sống cuộc đời của mình”. Thỉnh thoảng, ông lại “hú anh em ra uống cà phê, tán dóc cho thanh thản đầu óc rồi về”. Những người bạn thân thiết của ông đa phần là nghệ sĩ đoàn Kim Chung, nhiều người đã không còn theo sân khấu nữa nhưng vẫn nặng trĩu suy tư. Tôi tò mò hỏi Minh Vương về những cảm nghĩ của ông và những người nghệ sĩ nổi danh một thời. Ông trả lời: “Anh em nghệ sĩ nào cũng vậy, đều có một thời là người của công chúng nên có rất nhiều suy nghĩ chiêm nghiệm về quá khứ và cả hiện tại. Tuy nhiên, tôi nghĩ mình cố gắng đừng sống với quá khứ nữa. Hiện tại, quan trọng nhất là để cho đầu óc được thoải mái, luôn vui vẻ và giữ được sức khỏe”. Tôi hỏi Minh Vương câu hỏi cuối cùng, cuộc đời nghệ sĩ của ông đã được xưng tụng qua rất nhiều danh hiệu: khôi nguyên vọng cổ, trạng nguyên, ông vua cải lương, ông hoàng vọng cổ. Bản thân ông sẽ nói Minh Vương là người thế nào. “Tôi không nghĩ mình là người thế nào. Với tôi, chỉ cần những gì mình làm tốt đẹp, vui vẻ và khiến tất cả hài lòng là được rồi. Mình làm được những điều đó cũng là tốt lắm rồi”. Minh Vương nói điều ấy trong một nụ cười nhẹ nhàng với tất cả sự bình thản.
NHỮNG ĐIỀU ÍT BIẾT VỀ NSƯT MINH VƯƠNG
Minh Vương rất thích mua rượu về trang trí nhà. Các chai rượu ông chọn có thiết kế rất đa dạng, có đủ các kiểu dáng từ hình ngựa, gà trống, tượng Napoleon, tháp Effel cho đến hình thiếu nữ khỏa thân. Bạn bè đến chơi, ông sẽ khui rượu ra mời. Trong khi họ uống, ông ngồi một bên nhìn suông.
Minh Vương thích trồng cây, tin rằng cây xanh tốt cho sức khỏe. Mỗi tối, ông đem cây ra ngoài trời phơi sương, sáng lại đem vào. Ông cũng thích tự chọn mua cây. Khi người bán hàng giới thiệu cho ông mấy cây tên Phú Quý, Vạn Lộc, Phồn Vinh, nghệ sĩ đùa lại ông chủ: “Có cây Giả Tạo không, bán cho tôi luôn?”
Minh Vương không thích cắt tóc ngoài tiệm. Ông thường xuyên tự cắt tóc cho mình hoặc nhờ người thân tỉa giúp vài đường sau gáy. Ông cũng rất ít khi dùng tới lược. Đó là lý do kiểu tóc chẻ thẳng muôn đời không thay đổi của ông ra đời.
Nguyễn Phương/Lifestyle