Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, một gia đình hạnh phúc là điểm tựa vững chắc cho các “thần đồng” như Đỗ Nhật Nam.
Từ nhỏ, Trần Đăng Khoa đã được nhiều người coi là thần đồng thơ văn. Vậy ông nghĩ thế nào về một hiện tượng thần đồng khác hiện nay- cậu bé Đỗ Nhật Nam?
PV: Thưa ông Trần Đăng Khoa! Rất vui lại được trò chuyện với ông. Nhìn lại thời gian qua, có bao nhiêu việc nổi cộm, ông nhớ nhất chuyện gì?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Sự kiện vừa qua thì nhiều lắm. Mà vụ việc nổi cộm cũng nhiều. Rúng động dư luận xã hội là vụ sát hại 6 người trong một gia đình ở Bình Phước. Rồi vụ tàn sát 4 người ở Nghệ An, vụ buôn bán phụ nữ và trẻ em mà công an Hà Nội vừa phát hiện. Tất cả các vụ án này đều được khám phá rất nhanh. Những kẻ giết người tàn bạo nhất từ trước đến nay đã bị bắt rồi tiến hành điều tra và chuẩn bị xét xử. Điều này, tất cả các báo đều đã đề cập.
“Thần đồng” Đỗ Nhật Nam trong một buổi thuyết trình. |
Rồi chuyện cải cách giáo dục, ở bậc tiểu học, “Lớp trưởng” thành “Chủ tịch” lớp đang gây bão trong dư luận. Rồi còn rất nhiều, rất nhiều. Nhưng hôm nay, tôi không muốn nói về những chuyện “đinh tai nhức óc” ấy nữa, mà chỉ xin hé mở một cánh cửa về hướng gió mát lành, rồi cùng các quý vị và bạn đọc ngắm một gia đình hạnh phúc. Tại sao tôi lại bàn về gia đình hạnh phúc, khi xung quanh đang ngổn ngang bao việc chướng tai gai mắt?
Gia đình là một tế bào nhỏ nhất của xã hội nhưng lại là một vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Nếu gia đình nào cũng yên ổn, hạnh phúc thì xã hội sẽ hạnh phúc, bình an. Ở ta, các nhà lãnh đạo, quản lý đất nước rất sớm nhận ra vấn đề này. Bởi thế mà chúng ta có “Ngày gia đình”, có “Ủy ban Gia đình & Trẻ em”. Đi kèm theo nó có báo “Gia đình & Xã hội”, rồi các phong trào “Kế hoạch hóa gia đình”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, và còn rất nhiều, rất nhiều…
Nhưng rồi, nếu lướt qua những khẩu hiệu nặng tính hình thức, nếu nhìn thẳng vào sự thật, ta sẽ nhận ra ngay, gia đình ở Việt Nam đang có vấn đề. Không ít bậc cha mẹ chỉ nhao nhác kiếm tiền mà chẳng quan tâm gì đến con cái. Nhiều chuyện thật đau lòng. Cháu giết bà. Mẹ giết con. Con đuổi cha mẹ ra đường khi cha mẹ đang ốm. Nghe mà ù đầu. Vì thế, ta càng quý những gia đình nề nếp, hạnh phúc.
Một trong những gia đình tuyệt vời ấy, là gia đình thần đồng Đỗ Nhật Nam. Nếu biết nếp sinh hoạt của gia đình cháu, ta sẽ hiểu được vì sao cháu có một khả năng vượt trội. Đó là một thần đồng đích thực. Một dấu hiệu của thiên tài. Tôi gọi cháu là thần đồng đích thực để khu biệt cháu với rất nhiều cháu được không ít người gọi là “thần đồng”, nhưng thực chất chỉ là bệnh tự kỷ, như khả năng biết nói sớm, hay không học cũng biết chữ. Những cháu bé có dấu hiệu dị thường ấy, tưởng như thông minh, nhưng rồi lại không thể phát triển được, thậm chí còn rất khó hòa nhập được với cộng đồng. Bởi thế, có không ít cháu được giới truyền thông ngợi ca rầm rĩ, nhưng rồi lại lặn mất tăm. Đỗ Nhật Nam không phải thế.
PV: Nhưng chú bé này cũng có lắm chuyện. Gần đây lại còn làm thơ. Chú bé đã ra tập thơ “Đường xa con hát”, cùng với sách của bố mẹ. Có người bảo, đó chỉ là chiêu trò họ “đánh bóng” tên tuổi…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Không phải. Với Đỗ Nhật Nam, chẳng cần phải “đánh bóng” thì cháu cũng đã quá đẹp rồi. Tên tuổi cháu không phải chỉ nổi tiếng trong nước mà còn cả trên thế giới. Gần đây, Tổng thống Mỹ Obama còn tặng cháu giấy khen …
PV: Trên kênh truyền thông, cũng đã có người bảo, ở Mỹ, Tổng thống trao giấy khen là chuyện bình thường. Giấy khen dày như lá tre. Đừng có hoắng…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Nói vậy là không đúng. Thực sự, có bao nhiêu trẻ em Việt Nam học tại Mỹ? Nhiều lắm. Theo con số chinh thức là 16.500 cháu. Có văn bản nói 17.000. Thực tế có khi còn cao hơn. Đó là những em được bố mẹ gửi sang học. Nếu tính cả những em người Việt sinh tại nước Mỹ thì con số này phải là hàng triệu. Nhưng tại sao chỉ có Đỗ Nhật Nam được Tổng thống khen? Chúng ta tung hô quá nhiều giá trị giả, nhưng lại không công bằng, thậm chí quá khe khắt với Đỗ Nhật Nam là cớ làm sao?
Đỗ Nhật Nam và gia đình. |
PV: Trước đây, không ít người cũng dị ứng trước phát ngôn gây sốc của chú bé thần đồng này…
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Chỉ mấy người thấy sốc, chứ tôi chẳng thấy có gì sốc cả. Rất bình thường. Có thể khẳng định rằng, Đỗ Nhật Nam là cháu bé rất giỏi. Cháu đúng là một Thần đồng. Và như tôi nói, cháu là một thần đồng đích thực
PV: Ông có để ý đến cuộc tranh luận của cộng đồng mạng về cháu không?
Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Có chứ. Rất dữ dội. Và tôi không hiểu sao mọi người lại ném đá cháu bé hung tợn đến như vậy. Có người còn lên án cả bố mẹ cháu đã không biết dạy con. Cái này là quá đáng nhất. Tôi thấy ngược lại. Bố mẹ cháu là những nhà sư phạm tuyệt vời, trong khi ngành giáo dục của chúng ta đang xuống cấp nghiêm trọng. Cũng chính vì một số người lên án cháu, mà tôi phải lục lại, xem lại những gì cháu đã làm, những bài cháu trả lời phỏng vấn.
Cả những cuộc thi hùng biện của cháu bằng tiếng anh về một vấn đề rất lớn so với lứa tuổi cháu là việc bỏ các bản án tử hình. Rồi gần đây là việc cháu phát biểu trong hội thảo trước nhiều học giả nổi tiếng thế giới. Thật tuyệt vời. Và “soi” ở tất cả mọi góc độ, trong mấy bài phỏng vấn bị ném đá, tôi thấy cháu bé không có gì sai cả. Cháu nói được ý mình, rất sâu sắc mà vẫn vô cùng kín kẽ. Không thể bắt bẻ được, dù nhìn cả ở góc độ chính trị. Đấy là tư duy của một người lớn đã thực sự trưởng thành, dù cháu còn ít tuổi. Cũng có người lại coi đó là nhược điểm của cháu, cho rằng cháu chơi trội, ông cụ non, ngạo mạn, đánh mất tuổi thơ. Xin lưu ý: Cháu là Thần đồng. Thần đồng là đứa trẻ phi thường, làm được những việc phi thường.
Vậy thì không nên lấy những đứa bình thường, những tư duy của con trẻ bình thường làm thước đo tiêu chuẩn để kết tội một đứa trẻ phi thường. Nếu cháu chỉ luẩn quẩn những chuyện vặt vãnh, trẻ con, y hệt con tôi, con bà, y hệt hàng ngàn những đứa trẻ khác, sẽ chẳng bao giờ thành được Đỗ Nhật Nam. Còn việc “mắng” cháu khi nói cứ ngước mắt lên, không nhìn người đối thoại thì đúng là “bới bèo ra bọ” rồi. Tôi lại nhớ đứa bạn học phổ thông. Cu cậu bị vổ nên lúc nào cũng nhe răng như là cười. Đến đám cưới cười thì được, nhưng đi đám ma mà cũng nhe răng cười thì láo.
Nhưng khổ! Nó có cười đâu. Nó đang khóc đấy chứ? Nhưng có ai biết nó khóc đâu. Trở lại với Nhật Nam. Tôi thấy chú bé có tư duy vượt trội. Một tài năng đích thực. Mà tài năng thì bao giờ cũng hiếm. Tôi rất mừng và tự hào về cháu. Cháu về nước nghỉ hè, đã dành hầu hết thời gian dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nhỏ. Tôi và nhà báo Hoàng Anh Sướng qua một ngôi chùa trò chuyện với các cháu nhân khóa tu mùa hè, (gọi khóa tu mùa hè, nhưng thực chất là học hè, học ngoại khóa về kỹ năng sống do nhà chùa tổ chức) cũng thấy chương trình của Đỗ Nhật Nam ở đây. Phải nói là rất tuyệt vời.
Đỗ Nhật Nam theo dõi trận cầu ĐT Việt Nam – Man City trên sân Mỹ Đình. |
Vừa rồi gia đình cháu có mặt trong buổi ra mắt ba cuốn sách. Một cuốn của bố. Một cuốn của mẹ và một cuốn thơ của cháu. Tôi cũng đến dự buổi gặp gỡ này. Và phải nói thật rằng, tôi chưa thấy chương trình nào hay như buổi ra mắt ba cuốn sách ấy. Tôi thật sự tiếc cho giới truyền thông.
Chỉ quay toàn bộ cuộc trao đổi giao lưu đó, quay nguyên vẹn không cần biên tập, cắt tỉa, cũng đã có một loạt chương trình đặc sắc về việc giáo dục con cái và xây dựng, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Cả ba cuốn sách đều rất có ích. Chúng ra đời rất tình cờ. Cháu Nam học ở xa, cách bố mẹ nửa vòng trái đất. Bố mẹ cháu mở facebook để hàng ngày có thể “nói chuyện” với cháu, cũng là một cách “quản lý” con từ xa. Hàng ngày họ “nói chuyện” với nhau.
Toàn chuyện yêu thương, chuyện trong nhà. Nam “nói” bằng thơ. Toàn là nỗi nhớ bà, nhớ bố, nhớ mẹ. Nếu Nam ở trong nước, tôi tin cháu sẽ không làm thơ đâu. Và thực sự, cháu đâu làm thơ, cháu chỉ để lòng mình tràn ra giấy. Và rồi ở không ít trường hợp, thơ đã tìm đến với Nam. Rất đông người vào đọc. Hàng vạn người đọc. Nhà sách Thái Hà thấy những bài viết ấy có thể tập hợp thành một bộ sách hấp dẫn. Và thế là ba cuốn sách ra đời.
Đơn giản vậy thôi. Tôi đã đọc cả ba cuốn sách này với thái độ trân trọng. Có thể xem bộ sách này như loại sách công cụ, rất có ích cho các bậc cha mẹ trong việc nuôi dạy con cái, chăm sóc ông bà, bố mẹ. Tập thơ Nam có nhiều bài hay. Hay không phải ở nghệ thuật thơ mà ở tấm lòng của cháu với bố mẹ, ông bà…
Thơ cháu là thơ truyền thống, vần điệu nghiêm cẩn. Cháu chỉ chọn hai loại gieo vần, là vần liền và lục bát. Tôi muốn cháu đa dạng hơn. Ngay thơ có vần cũng cần nhiều kiểu giao vần khác nhau. Thậm chí, tôi còn muốn cháu viết cả thơ không vần, thơ văn xuôi, để tránh sự đơn điệu, buồn tẻ.
Hay nhất trong tập là hai bài thơ viết tặng bố mẹ. Bài tặng mẹ nhân ngày sinh rất nhuần nhuyễn. Tôi rất thích bài Nam viết về “nghề của bố”: “Ấu thơ con thường hay hỏi – Bố ơi, bố làm nghề gì?”…”Bố có nghề… yêu ông bà- Sớm hôm ngọt lành nâng giấc…”. Rồi nghề bố là nghề “thương chị cả – Suốt đời sống với đớn đau”. Bố còn có nghề “thương mẹ- Sẻ chia gánh nặng lo toan”. “Và con ơi, “nghề” thật đẹp – Bố gọi là nghề “làm cha”.
Thương con, yêu con hóa ra cũng là một nghề. Nghề của bố là nghề …yêu thương. Vì thế “Bố không bao giờ… thất nghiệp”. Cuốn sách của anh Đỗ Xuân Thảo, bố cháu Nam lại có tên là “Tròn một vòng yêu thương”. Yêu thương tràn ngập trong cả gia đình này. Đó là một gia đình hạnh phúc. Một hạnh phúc đích thực. Nếu gia đình nào cũng biết thương yêu nhau và chia sẻ tình thương yêu ấy cho cả cộng đồng. Nếu cả xã hội tràn ngập tình yêu thương thì cuộc sống của chúng ta cũng đã khác. Có phải thế không?
PV: Xin cảm ơn ông!/.