Ở Huế có một họa sĩ có thể được ví như Bùi Xuân Phái thứ hai. Nếu cố danh họa của Việt Nam từng nổi tiếng với hàng loạt bức tranh về phố cổ Hà Nội được vẽ vào giữa thế kỷ trước, Trần Văn Mãng gần đây cũng được nhiều người biết đến qua bức tranh dân gian dài nhất Việt Nam khắc họa một phố cổ ở cố đô. Và nếu trước đây, Phái vẽ những gì đang còn, họa sĩ của Huế lại tái hiện những gì đã mất.
Cả đời người đàn ông 65 tuổi này dường như hòa nhịp cùng hơi thở cuộc sống của Bao Vinh, khu phố có độ tuổi khoảng 200 năm, nằm cách kinh thành Huế 5 km về hướng đông bắc. Được xây dựng từ thời Vua Gia Long, Bao Vinh được nhắc đến như một khu đô thị đầu tiên của Huế. “Tôi sinh ra và sống ở gần Bao Vinh. Hồi còn đi học, ngày nào tôi cũng đi ngang qua khu phố này”, ông Trần Văn Mãng bắt đầu dòng hoài niệm.
Khu đô thị cổ bị lãng quên
Phố Bao Vinh chỉ cách làng Sình, nơi nổi tiếng với hội vật dân gian, qua một con sông – sông Đông Ba. Con sông này tiếp giáp với mặt sau của khu phố cổ mà trước đây vào thời hưng thịnh là một thương cảng sầm uất. “Hồi nhỏ, tôi thường tắm ở khúc sông này và cùng bạn bè chèo thuyền thúng dạo chơi quanh đó”, ông Mãng nhớ lại. “Mỗi ngày, cứ đến 3 – 4 giờ sáng, tôi lại nghe tiếng hò của những người lái thuyền chở hàng vang vọng cả một khúc sông”.
Hồi ức về phố cổ dường như in rõ trong tâm trí của ông Mãng như những thước phim. “Khoảng 50 năm trước, Bao Vinh vẫn còn nguyên vẹn một không gian cổ xưa. Đầu phố là đình làng, cuối phố có chiếc cống đất. Những dãy nhà trệt tiếp nối với những ngôi nhà một lầu, trên mái có chóp hình tứ giác; nằm xen kẽ là ngôi chùa làng, nhà thờ họ, chợ, những gánh hàng rong,… không gian trải dài liên tục 300 m”, ông Mãng kể tiếp. “Điểm đặc biệt về kiến trúc nhà ở khu này là kiểu nhà “cửa chần” (cửa được ghép bằng nhiều thanh gỗ thả nằm hoặc dựng đứng) và chủ yếu là nhà trệt”, ông nhận xét thêm.
Ông Mãng nói mình thích nhất khu phố này vào mỗi khi đêm về. “Tôi được mẹ dẫn đi ăn hàng đêm, nào bánh ướt, bánh cuốn, bánh canh, bột lọc, khi ăn ngồi bệt trên vỉa hè và ăn bên ánh đèn dầu. Tôi vẫn còn nhớ hồi đó những người bán chè thường mặc áo dài”. Và ông còn nói mọi người sống trong khu phố này hầu như ai cũng biết nhau.
Nhưng tất cả giờ đây chỉ còn là hoài niệm. Theo thời gian và dưới tác động của nhiều trận lũ lụt, nhà cửa ở khu phố cổ nằm bên sông này bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều ngôi nhà đã biến mất hẳn. Ông Mãng cho biết, trong lần thống kê quy mô nhất cách đây hơn 10 năm, Bao Vinh còn khoảng 40 nhà cổ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, con số này tiếp tục giảm dần. Hiện chỉ còn trên dưới 15 nhà, trong đó chỉ có 4 cái tình trạng còn tương đối nguyên vẹn. Giới chức địa phương đã có kế hoạch bảo tồn và tôn tạo những ngôi nhà cổ còn lại nhưng kế hoạch này sau đó cũng bị rơi vào quên lãng.
Trong lần đến Bao Vinh gần đây, ông Mãng hướng dẫn chúng tôi tham quan những ngôi nhà cổ còn sót lại cùng một vài kiến trúc cổ khác như đình làng, chiếc cống đất, ngôi chùa, nhà thờ họ, một góc chợ, con hẻm và những cổng nhà cổ. Tuy nhiên, những công trình kiến trúc cổ xưa này lại nằm rải rác bên cạnh những ngôi nhà được xây mới. Không còn dấu hiệu gì rõ ràng để người ta tin rằng đó là khu phố cổ nhất của cố đô. “Khi đến Hội An, tôi thấy tiếc nuối cho Bao Vinh. Nhưng tất cả đã quá muộn. Với những gì tôi đã chứng kiến, chỉ vài năm nữa thôi, Bao Vinh sẽ bị xóa sổ”, ông Mãng thở dài.
“Phố Mãng”
Sau tiếng thở dài, ông Mãng đã hành động theo cách của mình để làm sống lại khu phố cổ mà ông đã gắn bó ngót 60 năm. Bắt đầu từ năm 2005, ông lang thang vào các chợ nhặt nhạnh từng chiếc bao bố người ta thải ra mang về nhà cho vợ giặt, ủi phẳng để làm toan tranh. “Để có đủ số bao bố có thể vẽ bức tranh dài 50 m như dự định, tôi còn phải vào tận Đà Nẵng để săn tìm”, ông cho biết. “Tôi đã chọn chất liệu thô mộc này bởi vì nó hợp với đề tài cổ xưa”, ông giải thích. Sau đó, ông Mãng lao vào vẽ, ngày nắng thì làm việc ngay tại khoảnh sân sau nhà, còn ngày mưa ông vẽ trong căn phòng rộng chỉ 6 m2, nơi vừa là chỗ sáng tác vừa là phòng ngủ.
Ký ức khu phố cổ đã ùa về theo từng nhát cọ của người họa sĩ già. Lần lượt những mái nhà rêu phong, từng góc phố, đình làng, hàng nước chè xanh, cảnh hội hè, lễ cầu an ở chùa làng…hiện lên trên từng bức vẽ. Mỗi tác phẩm của ông là một nhát cắt của ký ức. Chúng đột dưng lóe sáng trong tâm thức của người họa sĩ, rồi cứ thế ông phóng bút sáng tạo. “Chồng tôi vẽ say mê đến độ quên cả ăn. Có ngày làm việc liên tục suốt tám tiếng đồng hồ”, bà Tôn Nữ Thị Chánh cho biết.
Bà Chánh cũng cho biết thêm, nhiều năm trước đây vào thời gian gia đình còn khó khăn, chồng bà từng phải làm thêm nhiều việc từ bán vé số, bánh kẹo đến chạy xe ôm mặc dù lúc đó ông vừa là thầy giáo dạy mỹ thuật vừa làm việc như một hoạ sĩ độc lập. Chỉ từ mười năm trở lại đây, ông mới dành toàn bộ thời gian để vẽ. Và để có tiền mua màu cho chồng, bà phải tích góp từ khoản lương hưu hàng tháng, một ít tiền lãi từ quầy sách nhỏ của bà và một ít do hai cô con gái trợ giúp. “Có lúc chỉ còn hai màu đen và trắng, ông ấy cũng vẽ”, người phụ nữ vừa làm nội trợ vừa là phụ tá đắc lực cho chồng kể. “Mặc dù vậy, lúc nào tôi cũng cố giữ không khí vui vẻ để ông làm việc”, bà Chánh nói thêm. Đến khi hoàn thành bức tranh dài 50 m và nặng 60 kg, người họa sĩ gầy, nặng chưa đến 50 kg, phải sụt mất 5 kg. “Lúc đó, tôi đãi chồng một bữa cơm hến do chính tay tôi nấu, món rất được ông ưa thích, và cả hai cùng đi dạo phố thư giãn”, bà Chánh kể.
Bức tranh bao bố dài 50 m mang chủ đề “Trong lòng tôi, phố và lễ hội” thể hiện khu phố cổ Bao Vinh được xem là bức tranh dân gian dài nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên đây chỉ là phần đầu trong kế hoạch trường kỳ mười năm của họa sĩ Mãng mà khi hoàn thành nó có chiều dài tổng cộng lên tới 500 m. “Mỗi năm, tôi sẽ vẽ một bức dài 50 m, đề tài xoay quanh Huế cổ xưa”, ông Mãng cho biết. Ông đã hoàn thành ba đoạn tiếp theo, mỗi đoạn 50 m với các đề tài “Chợ quê”, “Quê ngoại” và “Phố kỷ niệm”. Điều đặc biệt là toàn bộ vải bố và màu vẽ tác phẩm chủ đề “Chợ quê” do một người khách hâm mộ tặng sau khi bị bức tranh về phố cổ Bao Vinh chinh phục. Như vậy, sau 5 năm, đến nay ông đã hoàn thành tổng cộng 200 m tranh bao bố, một kỷ lục mới về độ dài loại tranh bằng chất liệu này nhưng chưa được công nhận.
Người họa sĩ già cho biết mình đang bắt tay vẽ đoạn 50 m tranh bao bố thứ năm với chủ đề về trang phục Huế xưa và nay. Nếu ông vẽ xong đoạn tranh này, dự kiến vào cuối năm nay, ông sẽ đi được nửa chặng đường theo kế hoạch phải vẽ tổng thể 500 m tranh. Điều ông mong muốn lúc này là có đủ sức khỏe để hoàn thành ước mơ lớn nhất đời mình. “Khi hoàn thành, bức tranh đồ sộ ấy sẽ là gia tài không chỉ dành cho con cái tôi. Tôi sẽ mang tác phẩm của mình đến nhiều địa phương xa xôi để giới thiệu với đông đảo mọi người”, họa sĩ Mãng dự định.
Phố cổ Bao Vinh có nguy cơ biến mất nhưng ký ức về nó thì vẫn còn sống mãi. Những người đã từng một thời sống ở đây và cả những ai từng nghe nói về khu phố cổ xưa của kinh đô Huế có thể tìm thấy nó trong tranh của họa sĩ Mãng. Nếu trước kia, Hà Nội có “Phố Phái”, còn giờ đây Huế đã có “Phố Mãng”, phố cổ Bao Vinh trong tranh của họa sĩ Trần Văn Mãng.
Nếu có dịp đến Huế, bạn có thể thưởng lãm tranh bao bố của họa sĩ Trần Văn Mãng tại nhà riêng của ông.
Địa chỉ: 94/14 thôn Địa Linh, xã Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên- Huế.
Bài: Trần Văn Thưởng – Ảnh: Đăng Khoa.