“Mark, tại sao hội đồng 5 thành viên của anh lại không có phụ nữ?” – câu hỏi ngược vốn chẳng ai thắc mắc với CEO của Facebook đã mở ra một trang mới trong cuộc đời Sheryl. Đó là bước ngoặt để bà trở thành nữ tướng đứng sau thành công của mạng xã hội lớn nhất hành tinh.
Trong một bài phỏng vấn trên tạp chí Time năm 1993, các chị em của Sheryl kể lại rằng, khi còn nhỏ Sheryl không nghịch ngợm như các bạn cùng trang lứa. Bà thường là người đứng ra tổ chức, quản lý các trò chơi chung, thể hiện tài năng lãnh đạo bẩm sinh từ bé.
Tốt nghiệp bằng giỏi, học thạc sĩ ở trường Harvard nhưng cũng như các sinh viên mới ra trường, Sheryl gặp cảnh eo hẹp về tài chính. Bà phải làm thêm một số nghề để trang trải cuộc sống, như giáo viên dạy Aerobic.
Năm 2001, Sheryl đến thung lung Silicon nhằm tìm kiếm một cơ hội việc làm tốt hơn. Tuy nhiên, sự kiện bong bóng dot.com diễn ra khiến cho nhiều công ty phá sản, sa thải nhân viên. Tìm việc tại đây không hề dễ dàng. Thêm nữa, thung lũng Silicon nổi tiếng là “thánh địa” dành cho nam giới. Tại đây, quyền lực vốn thuộc về những người đàn ông. Một CEO đã nói với Sheryl rằng: “Chúng tôi không nghĩ là sẽ thuê một người như cô”.
Dù vậy, Sheryl vẫn nhận được một vài lời đề nghị. Bà lập danh sách những công ty có tầm nhìn dài hạn làm tiêu chí chọn lựa. Vị trí giám đốc bộ phận kinh doanh của Google khi đó là cơ hội nổi bật.
Sau 6 năm làm việc tại Google, Sheryl quyết định tìm kiếm cơ hội khác để khẳng định bản thân. Cuộc gặp gỡ định mệnh với Mark Zuckerberg trong một bữa tiệc Giáng sinh năm 2007 là bước ngoặt.
Trước khi gia nhập Facebook, Sheryl Sandberg nhận thấy sự thiếu hụt vai trò của nữ giới trong công ty này. Bà từng đặt câu hỏi cho Mark Zuckerberg: “Apple có một nữ lãnh đạo trong bảy người; Amazon một trong tám; Google hai trong chín. Tại sao hội đồng 5 thành viên của anh không có phụ nữ?”. Và rồi, chỉ một thời gian sau, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên trong ban lãnh đạo của công ty này.
Không chỉ tại thung lũng Silicon, rào cản cho phụ nữ xuất hiện ở khắp mọi nơi. Sự phân biệt giới tính diễn ra ngay cả với những đứa trẻ. “Tôi cho con gái 7 tuổi đi học lớp về kỹ năng máy tính và cũng chỉ có 4 bạn nữ trong lớp 30 thành viên tại Silicon Valley. Khi trải nghiệm về trò chơi, mọi thành viên đều được chơi trò lái xe mà không có trò cho bé gái”, Sheryl chia sẻ trong một hội nghị.
Nữ tỷ phú tin rằng, chúng ta cần một thế giới bình đẳng hơn về giới, khuyến khích phụ nữ tin vào bản thân và vai trò lãnh đạo. Phụ nữ cần vượt qua những rào cản để có thể theo đuổi thành công trong sự nghiệp và cuộc sống, tự do lựa chọn 1 trong 2 hoặc cả 2 thứ.
Gia nhập Facebook từ năm 2007, sự hỗ trợ điều hành của Sheryl đã khiến công ty này phát triển vượt bậc với quy mô lớn. Tất cả mọi người phải thừa nhận sự chăm chỉ của bà với công việc. Hàng ngày, nữ COO thường đến văn phòng từ 7 giờ để xử lý hàng đống email cũng như điện thoại chờ. Công việc của bà thậm chí có thể kéo dài tới đêm.
Tuy nhiên, Sheryl luôn biết sắp xếp thời gian để cùng ăn tối với gia đình và chăm sóc con cái. Bà chủ trương rằng, người chồng phải gánh một nửa trách nhiệm trong gia đình bởi phụ nữ cũng có quyền được phấn đấu sự nghiệp. May mắn thay, bà có một người chồng thấu hiểu và chia sẻ như David Goldberg.
Thế nhưng, cơn bão lớn thường ập đến trong lúc yên bình nhất. Năm 2015, Dave đột ngột qua đời tại khu nghỉ mát của tư gia. Để lại sự mất mát và nỗi đau tột cùng cho Sheryl. Mất chồng, bà mất điểm tựa tinh thần, chới với giữa cuộc đời.
Bản thân Sheryl cũng hiểu rằng, sống – chết là lẽ tự nhiên của cuộc sống nhưng lại không có cách nào ngăn lại nỗi đau và sự trống trải trong lòng. Suốt thời gian đó, bà thậm chí đã phải dùng phương pháp trị liệu tâm lý để chữa lành vết thương lòng. May mắn thay, sự an ủi của người thân, nhất là 2 đứa con đã giúp Sheryl nhận thấy bà không thể để bản thân gục ngã nữa.
10 ngày sau khi chồng mất Sheryl quay trở lại công việc. 10 tháng sau, Sandberg đã đối mặt với nghịch cảnh, hồi phục và tìm thấy niềm vui. Vượt qua “cơn giông bão”, Sheryl cho rằng, phụ nữ ngày nay nên tự tin hơn trong công việc. Bởi chính sự tự tin, lạc quan sẽ khiến mọi người có cái nhìn khác về bạn, đem lại cho bạn sức mạnh để thực hiện nhiều điều to tát hơn.
Bà cũng thấu hiểu sự khó khăn của việc mất đi một người thân, ngay cả khi điều kiện của bà rất tốt. Vì thế, Sheryl đã tích cực trong việc thay đổi chế độ nghỉ thai sản của các bà mẹ và cả các ông bố ở Facebook. Nữ COO cũng đề nghị thay đổi chính sách liên quan đến việc cho phép nhân viên nghỉ ngơi khi gia đình có chuyện buồn hay người thân đau ốm.
Một yếu tố mà nhiều người cho rằng đã giúp Sheryl đạt được thành công như hôm nay chính là sự chân thành trong công việc lẫn cuộc sống. Tại công ty, hầu hết đồng nghiệp, nhân viên đều cảm thấy thoải mái với Sheryl bởi cách bà đối xử chân thành với tất cả mọi người.
“Lãnh đạo là làm cho người khác trở nên tốt hơn dù có mặt ở đó hay không”, bà Sheryl viết trong một cuốn sách xuất bản năm 2013.
Không chỉ thành công trong sự nghiệp cá nhân, bà Sheryl còn tích cực truyền cảm hứng cho nữ giới bằng các tổ chức Lean In hay Boss Bossy, qua đó tích cực phát triển vị thế của phụ nữ trong công việc ngày nay, khuyến khích các bé gái hãy dám mơ ước và thành công trong sự nghiệp.
Trong cuốn sách Lean In xuất bản năm 2013, Sheryl Sandberg đã tự hào gọi bản thân là một nhà nữ quyền. Bà đấu tranh, thuyết phục những người khác lên tiếng để giúp phụ nữ có được vị trí bình đẳng, cơ hội để phát triển bình đẳng như nam giới.
Mặc dù, cuộc sống của phụ nữ tại các nước phát triển đang tốt hơn bao giờ hết, nhưng mục tiêu bình đẳng giới thực sự vẫn đang “lẩn tránh” chúng ta. Sheryl khuyến khích phụ nữ không chỉ có quyền lựa chọn làm việc ở nhà hay bên ngoài, mà họ hoàn toàn có quyền vươn tới vị trí lãnh đạo.
“Trong tương lai, sẽ không còn lãnh đạo nữ. Lãnh đạo chỉ đơn thuần là lãnh đạo. Và tôi tin rằng điều này sẽ tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, một nửa tổ chức do phụ nữ nắm quyền điều hành, và một nửa gia đình do nam giới chỉ đạo”, Sheryl viết trong cuốn sách Lean In. Bà mong chờ thế giới trong tương lai sẽ trở nên như vậy.
Hai năm sau, khi trải qua nỗi đau mất chồng, Sheryl Sandberg lại xuất bản một cuốn sách khác. Trong đó, bà gợi nhắc rằng, phụ nữ dù đã “dấn thân” và đạt được thành tựu nhất định vẫn có thể bị mất phương hướng, chới với. Cuốn sách Option B: Facing Adversity, Building Resilience, and Finding Joy (tạm dịch: “Phương Án B: Đối diện Khủng hoảng, Phục hồi và Tìm lại niềm vui) đã miêu tả một cách chân thực sự yếu đuối của người phụ nữ khi gặp phải cú sốc quá lớn trong cuộc đời và cách mà bà đã vượt qua.
Trong cuốn sách bà chia sẻ rằng, “chúng ta gieo những hạt giống của sự kiên cường khi xử lý các biến cố tiêu cực trong đời”. Và đó chính là nền tảng cho quá trình vực dậy bản thân.
Sheryl cũng từng trả lời phỏng vấn rằng trải qua sóng gió cuộc đời, bà chợt nhận ra, còn rất nhiều những người phụ nữ ngoài kia đang phải vượt qua khó khăn, bệnh tật, mất việc, thiên tai, định kiến hay bạo lực gia đình, chiến tranh để duy trì cuộc sống.
Những bất chấp những đau thương trong cuộc sống, bà luôn có cái nhìn cực kỳ lạc quan vào cuộc sống khi cho rằng mỗi ngày là một món quà. Theo bà, ai cũng nên cố gắng làm thử một điều gì đó mới mẻ mỗi ngày, cố gắng chăm chỉ hơn mỗi ngày rồi cuối cùng thành công cũng sẽ đến.
“Nếu chỉ đi trên một đường thẳng, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều cơ hội. Hãy đặt ra hai mục tiêu: Một giấc mơ dài hạn và một kế hoạch ngắn hạn. Đặt ra mục tiêu cá nhân cho những gì bạn muốn làm trong tương lai và những gì bạn muốn học trong năm tới. Hãy tự hỏi làm cách nào để tự cải thiện và bạn đang sợ điều gì nhất bởi đó chính là điều cản trở bạn đến với thành công”, người phụ nữ quyền lực của Facebook khẳng định trong một lần phỏng vấn với CNN.