Trần Lệ Nguyên: Phát triển bền vững với giá trị cốt lõi


Năm 2013, giữa lúc tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn và các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, nhưng dường như Kinh Đô không bị ảnh hưởng nhiều. Gặp gỡ ông Trần Lệ Nguyên – Tổng giám đốc tập đoàn Kinh Đô, trông ông vẫn thế – chia sẻ đầy chân tình và vẫn tiếp tục khẳng định quyết tâm: “Đã làm thì phải bài bản và đạt hiệu quả cao”.

Ong Tran Le Nguyen Trần Lệ Nguyên: Phát triển bền vững với giá trị cốt lõi

Được biết trong năm 2012, khi nhiều doanh nghiệp báo lỗ thì Kinh Đô (KDC) lại đạt kết quả doanh thu, lợi nhuận ấn tượng và 6 tháng đầu năm 2013 lãi lại tăng cao hơn. Ông có thể cho biết nhờ đâu, KDC đạt được những con số này?

Chúng tôi đã tập trung khai thác tốt nền tảng kinh doanh cốt lõi (ngành thực phẩm) và có chiến lược quản trị tốt. Đặc biệt, chúng tôi đã xây dựng hệ thống vận hành tốt để không chỉ phát triển ổn định, mà sẵn sàng tăng tốc, nắm bắt cơ hội ngay cả trong giai đoạn khó khăn. Lợi nhuận của KDC tiếp tục gia tăng do hiêu quả hoạt động tăng lên từ cải thiện chuỗi cung ứng, tái cấu trúc danh mục sản phẩm, và giảm được chi phí quản lý bắt đầu từ nửa cuối năm 2012. Ngoài ra, công ty tiếp tục tập trung hợp tác với các nhà phân phối và nhà bán lẻ, giúp việc tiêu thụ sản phẩm ổn định – mặc dù điều kiện thị trường còn nhiều khó khăn. Đồng thời, KDC có kênh phân phối tốt – thông qua hệ thống 300 nhà phân phối, 200.000 điểm bán lẻ với tốc độ tăng trưởng 30%/năm và xuất khẩu qua hơn 30 nước.

Ông có thể cho biết chi tiết hơn về “giá trị cốt lõi” mà Tập Đoàn Kinh Đô đang hướng tới?

Hiện nay KDC chỉ tập trung nguồn lực cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thực phẩm. Trong tương lai, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng không chỉ biết Kinh Đô qua các sản phẩm bánh kẹo, kem, sữa & sản phẩm từ sữa mà còn có các sản phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu hàng ngày.Đa dạng sản phẩm trong ngành hàng thực phẩm chính là chúng tôi đang hướng tới sự chuyên nghiệp trong việc phục vụ nhu cầu thị trường. Ngoài ra, đó cũng là cách KDC khai thác tối đa tính hiệu quả của hệ thống phân phối mà hiện nay chúng tôi đã xây dựng rất tốt.

Với hơn 20 năm kinh nghiệm đưa tập đoàn Kinh Đô ngày càng phát triển, ông có thể chia sẻ nguyên tắc quản trị trong kinh doanh của ông là gì?

Không chuyên trong ngành nghề thì sẽ không làm. Phải hết mình với công việc. Có say mê mới thâm nhập và khi làm thì phải bài bản. Tôi vẫn thường chia sẻ:người CEO phải say men như cầu thủ bóng đá. Say men chiến thắng với niềm đam mê và truyền văn hóa công ty đến cộng sự. Người lãnh đạo giỏi là người biết điều phối, gắn kết đội ngũ cộng sự của mình. Và hơn ai hết, họ phải biết cách sử dụng người tài, có tầm nhìn chiến lược và nhạy bén nắm bắt cơ hội.

Ong Tran Le Nguyen 1 Trần Lệ Nguyên: Phát triển bền vững với giá trị cốt lõi

 Vào năm 2003, khi khái niệm sáp nhập (M&A) còn khá xa lạ với hầu hết doanh nghiệp Việt Nam, thì ông đã mạnh dạn mua lại nhà máy sản xuất kem Wall’s của Unilever. Sau 10 năm phát triển Ki Do, ông đánh giá thế nào về thương vụ này?

Chúng tôi mua lại nhà máy kem Wall của Unilever vào tháng 7/2003 và thành lập công ty Ki Do phát triển các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng của Ki Do gồm: kem cao cấp Celano, kem Merino, sữa chua Well Yo… là ví dụ điển hình cho mô hình M&A mà Kinh Đô theo đuổi. Từ cuối năm 2010, cùng với Kinh Đô Miền Bắc (NKD), Ki Do được sáp nhập vào KDC và trở thành Cty TNHH MTV Ki Do do Kinh Đô sở hữu 100% vốn điều lệ. Sau chặng đường 10 năm phát triển, hiện Ki Do không chỉ giữ vững vị trí hàng đầu với hơn 60% thị phần kem trung và cao cấp tại Việt Nam, mà còn tạo dấu ấn đột phá bằng việc thâm nhập và khai thác những “ngách” riêng của thị trường, với các sản phẩm sữa chua Well Yo Kidz dành cho trẻ em, kem Merino, Celano với các hương vị truyền thống, phù hợp khẩu vị người tiêu dùng Việt Nam.

Những năm gần đây, nhiều tập đoàn có xu hướng kinh doanh đa ngành,  ông nghĩ thế nào về xu hướng này?

Tôi không phản đối điều này. Tuy nhiên, trong kinh doanh phải xác định ngành nào là thế mạnh của mình và dành nhiều sự tập trung cho ngành đó. Theo quan điểm riêng của tôi thì lúc này không phải là thời điểm thích hợp để đầu tư đa ngành.

Kinh Đô đã qua chặng đường dài hơn 20 năm, ông có nghĩ đến thế hệ kế thừa chưa? Ông đánh giá thế nào về doanh nhân trẻ ngày nay?

Doanh nhân trẻ ngày nay được đào tạo bài bản hơn và có nhiều sáng tạo hơn hẳn thế hệ trước. Tuy nhiên, sáng tạo, bài bản cũng phải cần đến uy tín – bởi nếu làm sai sẽ mang lại hậu quả rất lớn.

Một doanh nghiệp, nếu muốn trường tồn thì phải đào tạo thế hệ kế thừa. Hiện nay, chúng tôi đang làm điều đó bằng cách tập trung đào tạo cho những nhân tài có năng lực thực sự . Phải có một đội ngũ giỏi đồng đều, phát huy được tính đồng đội thì nội lực công ty mới mạnh mẽ và doanh nghiệp mới vững bền. Tôi quan niệm, thuyền trưởng là người lái tàu, nhưng các nhân viên cũng phải cùng chèo thì mới vượt qua được sóng dữ.

Nhìn lại tình hình kinh tế đất nước, ông có nhận định gì không?

Hiện nay, nhà nước đang thấy được những khó khăn của doanh nghiệp và có nhiều chính sách để cải thiện. Trong năm 2013, đã có hàng ngàn doanh nghiệp mới trở lại với thương trường – điều này đã phần nào cho thấy hiệu quả của sự cải thiện nói trên.

Nhiều người bảo rằng, ông đang có tất cả. Ông còn mơ ước nào nữa không?

Nếu doanh nghiệp tự mãn tức là sẽ đứng lại. Tôi chưa cho rằng mình đã có tất cả, bởi tôi vẫn còn có nhiều việc để làm. Tôi mong Kinh Đô phát triển bền vững và thương hiệu Kinh Đô trường tồn. Anh em cộng sự phải hiểu và giữ được giá trị cốt lõi để cùng gánh vác và đưa Kinh Đô tăng trưởng nhanh hơn nữa trong tương lai.

Ong Tran Le Nguyen 3 Trần Lệ Nguyên: Phát triển bền vững với giá trị cốt lõi

Doanh nhân luôn đối mặt với áp lực từ môi trường kinh doanh. Ông làm gì để cân bằng cuộc sống và dành thời gian dành cho gia đình?

Cuộc sống của một doanh nhân dù khá bận rộn nhưng tôi vẫn luôn dành nhiều thời gian cho gia đình. Những kỳ nghỉ dài ngày hay Tết đến, gia đình tôi thường tổ chức du lịch. Đây là dịp các thành viên trong gia đình gắn kết, chia sẻ và yêu thương nhau nhiều hơn. Doanh nhân luôn đối diện với áp lực, chạy đua với thời gian để bắt kịp các chuyển động hối hả chốn thương trường, nhưng áp lực sẽ được giải tỏa khi phía sau có một hậu phương vững chắc.

Trúc Ly

 


Các tin cùng chuyên mục