Câu chuyện của tân sinh viên ĐH Kiến trúc TP.HCM Nguyễn Minh Thái không chỉ là nỗ lực trên con đường thực hiện ước mơ đến trường, mà còn là chuyện về sự hiếu thuận, hi sinh hiếm thấy.
Minh Thái từng giã từ giảng đường để làm công nhân kiếm tiền nuôi mẹ trong cơn bạo bệnh. Khi mọi cố gắng cứu mẹ rơi vào tuyệt vọng, Thái lại dốc toàn lực để được trở lại giảng đường đại học.
Dốc sức nuôi mẹ
Năm 2012 Minh Thái (sinh năm 1994, ngụ tại P.2, TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng) đang yên ổn trên giảng đường Đại học Giao thông vận tải (cơ sở 2, TP.HCM) thì tai họa ập xuống mái nhà chàng sinh viên. Mẹ Thái, bà Nguyễn Thị Thúy (sinh năm 1968), phát hiện mình bị ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Tài sản gia đình lần lượt đội nón ra đi. Dự liệu gia đình khó trụ vững, Thái thôi học. Mẹ Thái ra sức cản nhưng rồi đành bất lực trước sự quyết liệt của con.
Thái đi làm công nhân cho xưởng may Scavi gần nhà với khoản lương 2,5 triệu đồng/tháng. Mẹ Thái khi đó cũng không biết được ý định bỏ học của Thái, chỉ đến khi bắt đầu năm học thứ hai mà Thái vẫn cặm cụi đi làm bà mới hay.
Bà ứa nước mắt lớn tiếng với Thái: “Con mặc mẹ, bao nhiêu người mơ được học đại học, con đang học lại bỏ là sao?”. Thái không đáp lại, cậu chỉ lủi thủi đi ra ngoài…
Gặp lại Thái lúc cậu đang chuẩn bị quần áo đi TP.HCM tìm việc làm thêm trước khi nhập học, Thái kể lại: “Em thừa hiểu tiền lương công nhân không thấm so với khoản tiền quá lớn để chữa trị cho mẹ, nhưng nếu tiếp tục đi học em thấy mình thiếu trách nhiệm. Em không nỡ dồn hết gánh nặng lên lưng ba”.
Sau ba tháng vừa làm công nhân vừa chăm sóc mẹ, Thái biết được hi vọng sống của mẹ quá mong manh và cậu hiểu mình cần nhiều thời gian ở gần mẹ. Thái nói: “Mẹ la em suốt về việc em nghỉ học nhưng chắc mẹ hiểu được tại sao em làm vậy”.
Dù đã quyết liệt nghỉ học nhưng nhìn thấy bạn bè quảy balô nhập học, Thái không tránh khỏi chạnh lòng. Cậu bảo cảm giác như đánh mất một cái gì rất lớn trong đời, giảng đường là nơi cậu thấy tương lai phía trước, còn nhà xưởng là một lối đi khác gian nan hơn.
Thái tâm sự: “Khi nghĩ về mẹ và hi vọng mẹ sẽ khỏe lại là em thấy đỡ buồn, có động lực để tăng ca làm không biết mệt mỏi và tạm quên chuyện trở lại giảng đường”.
Mở lại cánh cửa đại học
Một ngày giữa tháng 8-2014, Thái nhận được tin trúng tuyển khi đang đi làm, cậu chạy một mạch về nhà thắp lên bàn thờ nén nhang để báo tin mừng cho mẹ. Cậu thú thật: “Trong em, ước mơ vào lại đại học chưa bao giờ tắt. Nhưng em không đủ niềm tin và di nguyện cuối cùng của mẹ đã tiếp thêm niềm tin cho em”.
Thái kể có lần trong lúc còn khỏe, mẹ Thái nói dồn: “Con định làm gì sau khi mẹ mất, ráng đi học lại nghe con, con hứa nghe con. Đừng làm công nhân nữa. Ba mẹ không học nhiều nên khổ rồi”.
Thái lặng lẽ không dám đáp lại một lời, nhưng trong lòng cậu trỗi lên một quyết tâm mãnh liệt. Lời dặn dò của mẹ giữa lúc bệnh tật hành hạ là ước vọng cuối cùng mẹ dành cho Thái.
Cuối tháng 3-2014, khi hậu sự của mẹ đã trọn, Thái tìm lại sách vở cũ và bắt đầu học. Mỗi ngày Thái đi làm lúc 7g sáng và rời nhà xưởng lúc 7g tối. Đúng 9g tối, đèn góc học tập của Thái lại sáng đến tận 2g sáng. Thái bảo hôm nào cậu không ngồi vào bàn học như đã định trước thì cảm giác rất khó chịu: bực bội, ray rứt như đang làm điều gì thất hứa.
Đã có lần Thái cảm thấy mình kiệt sức, muốn bỏ làm công nhân để tập trung luyện thi và tìm thầy hỗ trợ. Rồi cậu nghĩ làm vậy nếu đậu thì không có tiền để nhập học. Thái sợ cái nghèo sẽ một lần nữa khiến cậu phải từ bỏ ước mơ khi vừa chạm tay vào.
Thái nói: “Nghĩ vậy nên em lại vừa dốc sức làm, vừa đổ sức ra học, cốt để khi nhận được kết quả trúng tuyển thì trong túi cũng đã tích cóp được ít tiền đóng học phí”. Thái khoe hành trang nhập học của cậu tròm trèm được 4 triệu đồng, toàn bộ là tiền lương công nhân.
Dù hơn một tháng nữa mới nhập học nhưng giờ Thái đã có mặt ở TP.HCM. Hằng ngày cậu từ nơi ở trọ (quận Bình Tân) đạp xe hơn 15km vào trung tâm thành phố kiếm việc làm. Là con cả trong gia đình, chuyện tính toán lo lắng đã thấm vào máu thịt Thái.
Khi cầm giấy báo nhập học trên tay, Thái đã tính đến việc mỗi tháng mình phải kiếm được bao nhiêu tiền mới có thể trụ lại TP.HCM và tiếp tục việc học.
Thái nhẩm tính trên đầu ngón tay: “Lương ba em mỗi tháng chừng 1,5 triệu đồng, chắc chắn không lo được cho em. Mỗi tháng em phải lo được 2,5 triệu đồng mới đủ trang trải học hành!”.
Tính cho mình chưa đủ, Thái còn tính luôn chuyện ăn ở học hành cho em gái Nguyễn Thị Minh Thúy. Thái đã bàn với em nếu Thúy theo học Trường cao đẳng nghề Đà Lạt thì Thúy sẽ kiếm tiền trang trải bằng cách phụ bán thịt heo cho người quen tại chợ Đà Lạt.
Biết ba còn lo lắng không ai đỡ đần khoản nợ vay gần trăm triệu đồng để thuốc thang cho mẹ ngày trước, nên trước ngày vào TP.HCM Thái an ủi ba rằng sẽ vừa đi học vừa đi làm và cố gắng dành dụm tích cóp để sớm trả hết khoản nợ.
Theo Tuổi Trẻ