Đại diện văn phòng Hội Sân khấu TP.HCM cho biết soạn giả – NSND Viễn Châu qua đời lúc 13g15 trưa 1-2 tại tư gia, hưởng thọ 92 tuổi. 9g sáng ngày 2-2, linh cữu của soạn giả Viễn Châu được đưa sang Nhà tang lễ Thành phố. Lễ động quan diễn ra sáng ngày 4-2, sau đó hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa.
Soạn giả – NSND Viễn Châu sinh năm 1924 tại Trà Cú, Trà Vinh, tên thật Huỳnh Trí Bá. Ông được xem là ông vua vọng cổ, tính tới nay đã sáng tác khoảng 4.000 bài vọng cổ và hơn 70 kịch bản cải lương. Soạn giả Viễn Châu được xem là người khai sinh ra thể loại tân cổ giao duyên, là người viết tân cổ giao duyên hay nhất và nhiều nhất từ trước tới nay. Nhiều sáng tác của ông được khán giả yêu mến cải lương thuộc nằm lòng như: Tình anh bán chiếu, Võ Ðông Sơ – Bạch Thu Hà, Lá trầu xanh, Hoa lan trắng, Anh đi xa cách quê nghèo, Hàn Mạc Tử, Mẹ vẫn đợi con về… NSND Viễn Châu cũng được xem là người thầy của các tài danh cải lương như NSND Lệ Thủy, NSƯT Diệu Hiền, NSND Ngọc Giàu, NSND Bạch Tuyết…
Lúc sinh thời, soạn giả Viễn Châu từng nói sở dĩ ông viết được nhiều là vì ông “đi nhiều, học nhiều, quan sát nhiều, thấy nhiều” nhưng rốt ráo nhất là cái thấy của ông phải “qua tâm cảm yêu thương, rung động với cuộc đời bằng tâm hồn nhạy cảm, dễ cảm thông, chia sẻ, hân hoan trước cái đẹp và tình cảm của con người”. Bí quyết thành công của soạn giả Viễn Châu nằm ở chỗ: “Khi tôi viết, không phải mực trào ra đầu ngòi bút mà đó là tim óc, trí não của tôi đang đặt hết vào đầu bút để tuôn thành lời”.
Những năm gần đây, khi sức khỏe NSND Viễn Châu đã yếu, các nghệ sĩ thường hợp sức tổ chức những đêm diễn dành cho ông tại quê nhà Trà Vinh nhằm thể hiện tấm lòng yêu mến, tôn vinh một soạn giả bậc thầy và tri ân mảnh đất sinh ra một người có những đóng góp đặc biệt cho sân khấu cải lương. Năm 2014, soạn giả Viễn Châu được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 cho những đóng góp xuất sắc đối với nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ.
NSND Viễn Châu có viết một số bản vọng cổ “dành riêng cho mình đi hát với bạn bè cho vui” như Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn tranh và 16 cô đào hát, Sao thầy chẳng thương em?, Soạn giả gặp Diêm Vương, Thiên đường hay địa ngục…
Năm 1994, NSND Viễn Châu viết bản Anh không chết đâu em có lời như sau: “Sau khi tôi nhắm mắt xuôi tay trở về cát bụi, thì trong những hàng tri âm tri kỷ có ai sẽ tiễn đưa tôi ra nơi nghĩa địa… Rồi một chiều nào khi tắt nắng hoàng hôn có người con gái tìm đường vào nghĩa địa, tay ôm chặt một vòng hoa trắng tìm đến bên mồ nức nở khóc than, nàng ca lên những bài ca áo não thê lương khóc người nghệ sĩ trót mang nhiều cam lụy, ôm ngôi mộ nàng gục đầu nức nở: Anh Bảy ơi anh chết tự bao giờ… Nằm dưới mồ nghe những tiếng khóc than, tôi tỉnh giấc và giật mình sống lại, tung mồ dậy ôm chặt người con gái và bảo nhỏ rằng: Anh không chết đâu em!”.
NSND Bạch Tuyết: “Nhạc điệu, ý thơ, tính văn chương, điển tích văn học và hơn hết là cái thần, là ý tình luôn tràn đầy trong hàng trăm, hàng ngàn tác phẩm của ông vua vọng cổ. Chi tiết, tâm lý, tính cách nhân vật ở mỗi tác phẩm của soạn giả Viễn Châu dù là ở một vở tuồng hay chỉ qua một bài vọng cổ đều rất tròn đầy, nhất là đâu ra đấy, vua ra vua, dân ra dân, người nghèo khổ khác người sang trọng… không hề lẫn lộn. Chính vì thế những bài vọng cổ của “ông vua” không ngai này luôn ngọt ngào, nhẹ nhàng đi vào lòng người nghe, khiến họ rung cảm và nhớ mãi”.
NSND Lệ Thủy: “Có thể nói bác Viễn Châu là người phát hiện khả năng của tôi từ hồi 13, 14 tuổi, bắt đầu từ vở Quan Âm Thị Kính.
Mỗi lần đưa tôi vào phòng thu, bác phải bắc ghế cho tôi đứng lên ca, rồi đánh nhịp, chỉ bảo cho tôi luyến láy. Từ đó đến nay, đi ca ở đâu người ta cũng yêu cầu tôi hát bài của bác, mà hát lên là khán giả đều thuộc làu như Cô hàng chè tươi, Bạch Thu Hà, Cô gái bán sầu riêng, Tình đẹp mùa chôm chôm…
Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều nghệ sĩ khác cũng được bác viết theo kiểu “đo ni đóng giày” để phát huy sở trường. Bác là người góp phần tạo nên tên tuổi của nhiều nghệ sĩ lớn”.
NSND Diệu Hiền: “Hai bài ca cổ của thầy (Tần Quỳnh khóc bạn, Trụ vương thiêu mình) hỗ trợ cho cuộc sống của tôi đến ngày hôm nay, vì mời tôi biểu diễn là thế nào ban tổ chức cũng yêu cầu hai bài này. Thầy có khả năng làm thơ, viết văn, còn là một danh cầm nổi tiếng (đàn tranh, người trong nghề thường gọi là danh cầm Bảy Bá) nên bài thầy viết chân chất, mộc mạc, dễ ca, dễ nhớ, giàu tính nhân văn và ca từ rất ý nghĩa nên dễ dàng đi vào lòng người”.
NSND Ngọc Giàu: “Không có Viễn Châu là không có Ngọc Giàu cũng như gần hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của cải lương thời hoàng kim. Hồi mới 12-13 tuổi ông đã viết cho tôi bài Áo tình đắp mộ người yêu để tôi thu dĩa và nổi tiếng từ đấy. Nhiều nghệ sĩ khác thời còn con nít như tôi cũng được nổi tiếng nhờ những bài ca của chú Bảy đo ni đóng giày…”.
NSƯT Phương Quang (hát Ông lão chèo đò, Tình anh bán chiếu…): “Ông không những chỉ dạy cho tôi về nghề nghiệp mà còn truyền cả vốn sống. Thương nhất là bất kể lúc nào, dù đang ngủ, đang mệt hay có công chuyện mà học trò nhờ chỉ bài là ông bật dậy chỉ dẫn nhiệt tình. Trong làng cải lương, chắc khó có người thứ hai như ông!”.
Theo cailuong