Những người thầy bên trong giọng hát Vỹ Khang


Giọng hát đầy nội lực cùng niềm đam mê cháy bỏng đã trở thành nhịp cầu duyên để Vỹ Khang được đồng hành cùng những nhân cách nghệ sĩ  lớn, những người mà anh trân trọng tri ân như người thầy trên đường nghệ thuật. Họ là ai?

SỢ CÔ GIÁO ĐẾN HÁT KHÔNG NỔI

Ngoài lòng đam mê, duyên phận nào đã dẫn Vỹ Khang đến với sân khấu âm nhạc?

Khi tôi theo học thanh nhạc, nghệ sĩ Ánh Tuyết đã nhận xét rằng: Chưa bao giờ cô thấy một học sinh nào mà cảm xúc lại đặc biệt như vậy, có thể khóc mà cũng có thể cười không có chút kỹ thuật nào mà hoàn toàn xuất phát từ tình cảm thật. Đó là một điều tốt những cũng là một điều nguy hiểm, vì người ca sĩ phải hát bằng trái tim nóng và cái đầu lạnh. Lúc đó, tôi không biết phải hát với trái tim nóng và cái đầu lạnh là như thế nào, tôi chỉ biết hát những gì trái tim mình muốn hát. Tôi chưa biết chất giọng của mình là gì, chỉ được nhiều người nhận xét là “ hát lạ”, lôi cuốn người nghe bằng cảm xúc. Cô khuyên tôi nên đi thâu âm, trước tiên là để biết mình đã đạt được những gì trong quá trình học. Nhờ đó, tôi khám phá thêm được nhiều điều về khả năng của mình.

lifestyle.com.vn nhung nguoi thay trong giong hat vy khang 3 Những người thầy bên trong giọng hát Vỹ Khang

Đến với sân khấu ca nhạc, Vỹ Khang chinh phục công chúng bằng giọng hát lạ, truyền cảm và đầy nội lực.

Và người thầy nào đã trở thành tri kỉ, giúp đỡ anh nhiều trên con đường âm nhạc?

Đó là Thạc sĩ Bích Hồng. Tôi học với cô không nhiều, cô rất nghiêm khắc. Hầu như, lần nào học với cô tôi cũng bị la. Cô quát lên rồi bắt tôi ra đứng ngoài cửa lớp để lắng nghe, học hỏi cách các bạn hát, luyện thanh. Khi tôi đi thi, cô dựng bài cho tôi cũng rất ít. Điều cô muốn là tôi phải đạt về kỹ thuật, còn phần cảm xúc tôi sẽ tự thổi vào. Cô dạy tôi kỹ thuật phải chạm tới nốt, phải sáng, phải vang, phải có điểm nhấn… Kỹ thuật phải ngấm vào và thành máu của người ca sĩ. Thạc sĩ Bích Hồng là người thầy đầu tiên và chắc chắn sẽ mãi là người thầy mà tôi luôn biết ơn.

Cô nghiêm khắc như vậy, anh có sợ không?

Tôi sợ chứ! Một lần, tôi sợ cô tới mức hát không được. Cô Bích Hồng dạy chúng tôi rất tận tâm. Mỗi lần chuẩn bị lên đàn là cô lại nói rõ yêu cầu hôm nay tôi phải đạt được đến trình độ nhiều. Cô bắt tôi kiểm soát mọi chế độ ăn, ngủ, sinh hoạt của mình để đạt được hiệu quả tốt nhất. Với cô, luyện thanh, luyện lấy hơi không chỉ phục vụ cho âm nhạc mà còn cho sức khỏe. Tôi hiểu cách cô dạy mình không phải là dùng sức lôi tôi về phía trước mà là dẫn dắt để tôi tự di theo con đường của chính mình.

lifestyle.com.vn nhung nguoi thay trong giong hat vy khang 5 Những người thầy bên trong giọng hát Vỹ Khang

Mỗi sự ra đi hay ỏ lại đều có thể cho tôi cảm xúc, khiến tôi muốn ngân nga hát – Ca sĩ Vỹ Khang.

Sự dạy dỗ nghiêm khắc của những người thầy nghệ thuật đem lại gì cho ca sĩ Vỹ Khang hôm nay?

Đó là ý thức học hỏi trong cả công việc lẫn cuộc sống. Tôi học từ những âm thanh, tiếng động xung quanh mình, học trong tình cảm của bạn bè, của người thân. Mỗi sự ra đi hay ở lại đều có thể cho tôi cảm xúc, khiến tôi muốn ngân nga hát. Tôi trải nghiệm những khoảnh khắc ấy, xem khi cảm xúc đó trào dâng mình sẽ hát bằng gì, con tim hay kỹ thuật, giọng của mình sẽ ở đâu? Âm thanh ấy, tôi sẽ giữ lại trong trí nhớ của mình để một lần nào đó sẽ làm nó sống lại trên sân khấu.

HỌC BẰNG CHÍNH TÂM HỒN

Bên cạnh sự hướng dẫn của những người thầy dạn dày kinh nghiệm, dường như anh còn lấy tâm hồn mình làm con mắt cảm nhận âm nhạc cũng như cuộc sống. Nghĩa là, một người thầy khác của Vỹ Khang chính là tâm hồn, lòng đam mê âm nhạc. Bản thân ta có thể làm thầy của chính mình?

Đúng vậy! Nó giống như việc thầy cô giáo có thể dạy bạn tập viết từng nét chữ nhưng không thể dạy bạn cách đặt dấu ấn cá nhân. Người thầy có thể là người đặt viên gạch đầu tiên để xây nên nền tảng nhân cách cho ta nhưng trôi theo cuộc sống, theo thời gian thăng trầm, ta vẫn phải tiếp tục học. Lần này, ta phải học bằng chính tâm hồn mình.

Nếu vậy, người thầy tâm hồn đã dạy cho anh bài học gì?

Sự im lặng. Ta phải biết im lặng để lắng nghe. Đôi khi, bạn gặp áp lực đến nỗi chỉ muốn kiếm một khoảng không gian nào đó để hét to lê song cũng có lúc, bạn phải biết nén cảm xúc đó lại. Bởi vì khi bạn biết kềm nén lại, khi bạn biết im lặng, sẽ đến lúc nào đó ngọn lửa được bạn nén trong lòng sẽ bùng cháy trên sân khấu.

lifestyle.com.vn nhung nguoi thay trong giong hat vy khang 1 Những người thầy bên trong giọng hát Vỹ Khang

Điều đó không có nghĩa là tôi phải lập lại quá khứ. Tôi sẽ hát bằng trái tim của tôi – Ca sĩ Vỹ Khang.

Có thể thấy, anh chăm chút cho từng câu hát và ở mỗi bài hát đều đòi hỏi sự  hoàn hảo cũng như đặt vào đó dấu ấn riêng của mình. Ta có thể cho đó là cá tính, quái tính hay khó tính?

Nghệ thuật đôi khi đòi hỏi sự quái tính nhưng sự “quái” đó phải được thể hiện bởi cá tính của người ca sĩ. Chỉ khi thể hiện được cá tính, ca sĩ mới được khán giả nhận diện. Dòng nhạc tôi theo đuổi có chút nguy hiểm vì nó dễ tạo cảm xúc khiến người ta nghĩ về quá khứ. Điều đó không có nghĩa là tôi phải lập lại quá khứ. Tôi sẽ hát bằng trái tim của tôi và trái tim ấy không đập giống như cách trái tim người ca sĩ thể hiện bài hát này trong quá khứ từng đập.

TRỌN VẸN TẤM LÒNG TRI ÂN

Trên con đường âm nhạc của mình, anh có sự đồng hành của những ngôi sao đã chiếm lĩnh trái tim người mộ điệu từ thế hệ này qua thế hệ khác. Và anh luôn nhắc tới họ với sự tri ân sâu sắc, cảm nhận của anh với những người bạn chung sân khấu?

Mỗi người nghệ sĩ từng góp mặt trong liveshow của tôi đều để lại các cung bậc cảm xúc khác nhau. Đầu tiên, tôi muốn nói về ca sĩ Thùy Dương. Với tôi, chị luôn là người chia sẻ những cảm nhận thực tế nhất. Tôi thấy chị rất gần gũi. Bạn biết đó, ca sĩ Thùy Dương được nhớ đến với hình ảnh mái tóc đẹp và tà áo dài giản dị, quen thuộc. Tôi đã từng nói đùa với chị: “Chị Thùy Dương, nếu trong chương trình em muốn làm chị khác biệt hơn?” Chị kêu lên ngay: “Em ơi, đừng làm chị khác! Nếu khác đi, chị sẽ mất tự nhiên và không hát được!” Đây là điều tôi chưa từng chia sẻ với ai: Khi làm việc cùng ca sĩ Thùy Dương, tôi học được quan niệm “Hãy là chính mình!”

lifestyle.com.vn nhung nguoi thay trong giong hat vy khang 4 Những người thầy bên trong giọng hát Vỹ Khang

Tôi học được quan niệm: Hãy là chính mình! – Ca sĩ Vỹ Khang.

NSND Bạch Tuyêt, Cải lương chi bảo trong lòng người hâm mộ, cũng đã đến với Dạ cổ… vọng phu của Vỹ Khang?

Ngay khi chưa được làm việc với NSND Bạch Tuyết, tôi đã ngưỡng mộ cô. Tiếp xúc với cô, tôi học được nhân sinh quan của một con người trước xã hội, trước cuộc sống, trước cộng đồng. Đó là phải biết nâng cũng phải biết hạ và phải nhìn ra được cái cốt lõi của vấn đề để đặt mục đích, mục tiêu của mình đúng đắn. Trong cô Bạch Tuyết, tôi còn cảm nhận được chữ Tịnh. Khi mình nhận ra được chữ Tịnh, mình cũng sẽ nhận ra được chữ Tâm.

Còn “Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung?

Cô Phương Dung rất chân tình, rất thẳng thắn. Mỗi lần biểu diễn cùng cô, tôi nhận thấy cô thường xuyên đến trước giờ hát của mình để gặp gỡ. Cô nói vì thời gian cô được gặp gỡ khán giả không còn nhiều. Lời này khiến tôi rất xúc động. Cô luôn giảng cho tôi bài hát này vì sao có được, nó được “đo ni đóng giày” cho ai và người nghệ sĩ phải làm gì để đứng vững trong lòng khán giả. Đó là cách tôi cảm nhận về cô. Từ cô, tôi học được rằng mình phải biết vị trí của mình ở đâu.

Trong liveshow Dạ cổ … vọng phu, ca sĩ “Mùa thu lá bay” Kim Anh đã dành cho anh lời khen ngợi nồng hậu?

Lời chân thành và bất ngờ nhất tôi nghe từ cô Kim Anh là khi chúng tôi song ca trong liveshow đầu tiên của tôi. Cô nói: “Khi Vỹ Khang cất lên giọng hát của em, tôi mới thấy rằng giọng em cao vút và đầy nội lực. Đây là giọng ca tôi cảm thấy chú ý và tôi yên tâm về niềm đam mê em đang có”. Tôi đã vô cùng bất ngờ trước lời nhận xét của cô. Ngoài sân khấu, cô cũng chia sẻ nhiều điều về cuộc đời của cô, về tất cả thăng trầm cô từng trải qua. Cô luôn gần gũi, chia sẻ và hòa đồng với mọi người. Điều lớn nhất tôi học được ở cô chính là nghị lực và tình nghĩa giữa người với người.

lifestyle.com.vn nhung nguoi thay trong giong hat vy khang 2 Những người thầy bên trong giọng hát Vỹ Khang

Âm nhạc đã đem đến cho ca sĩ Vỹ Khang nhiều mối duyên tri kỷ tri âm.

Và người “thầy” cuối cùng anh muốn chia sẻ cùng Lifestyle sẽ là?

Tôi muốn nói về cô sau cùng vì với tôi cô rất đặc biệt. Cô là người tôi thần tượng từ bé. Chính cô và phu quân của mình đã dạy tôi hát, hướng dẫn và sửa cách biểu diễn cho tôi. Cô chỉ tôi lúc hát phải như thế nào, hơi phải ra làm sao, hát dòng nhạc nào phải ém giọng lại hay phải mềm đi một chút xíu. Lúc nào tôi cần cô đều vui lòng giúp đỡ. Đó chính là “Nữ hoàng sầu muộn” Giao Linh. Nhắc đến cô, tôi luôn cảm thấy thật gần gũi, thân thiết.

Xin cảm ơn những chia sẻ chân thành của anh!

CHUYỆN BÊN LỀ CÂU CA MÀU TÍM

Âm nhạc đã đem đến cho Vỹ Khang nhiều mối duyên tri kỷ. Một nhạc sĩ vô tình nghe Vỹ Khang hát qua Youtube, đồng cảm với tình yêu anh dành cho câu hát nên đã viết một nhạc phẩm dành riêng cho chàng ca sỹ “Dạ cổ… vọng phu”, bài hát tên  “Bằng lăng tím”. Có thể nói, đó là ca khúc được đo ni đóng giầy cho giọng của Vỹ Khang. Nhạc sĩ “dựng đầu” ca sĩ dậy từ lúc mới 6 giờ sáng, hào hứng cho biết mình vừa viết xong ca khúc với những cảm xúc đặc biệt, riêng dành cho bông bằng lăng tím quê hương. Anh muốn Vỹ Khang hát theo mình rồi sau đó hát lại cho anh nghe qua điện thoại và nói rằng: “Cảm xúc này, anh sẽ cho em!”

Vỹ Khang đã dành rất nhiều tâm huyết để “cảm” được cái tình nhạc sĩ muốn truyền qua sắc bằng lăng tím. Cũng như, anh đã từng ra tận Quảng Bình nhờ bạn dẫn đến đồi sim chỉ để đi đến tận cùng cảm xúc của “Đồi sim tím chạy xa tít lan dần trong bóng tối”. Nhờ đó, anh hiểu được cái tím của sim là màu tím thoang thoảng, mênh mông và bát ngát của một vùng đồi. Trong khi, màu tím của bằng lăng là màu tím dập dềnh sông nước, mong manh và có chút “thân phận”. Sự tinh tế, cẩn trọng với nghệ thuật như thế mới là Vỹ Khang.

Photo: Nguyễn Tuấn Khanh/Make-up: Rich Nguyễn/Costume: Vũ Đặng


Các tin cùng chuyên mục