Nếu ví von các chương trình thời sự, chính luận đầy tri thức trên truyền hình là những đại lộ lớn thì các chương trình như ca nhạc, dạy nấu ăn, làm đẹp, tâm lý… chẳng qua chỉ là những con hẻm nhỏ bé, ngoằn ngoèo, nằm tận sâu trong “hang cùng ngõ hẹp”.
Thế mà theo thời gian, cùng với sự phát triển của cuộc sống, các con hẻm đã bắt đầu được mở rộng để nhiều đại lộ mới mang tên các con hẻm khi xưa ra đời…
1. Chuyện xưa, mỗi lần mẹ muốn trổ tài làm bếp, phải đợi cả tuần để xem ti vi “dạy” thêm món gì mới; chị muốn học làm đẹp, bật ti vi lên và ngồi đợi lịch chiếu hiếm hoi; ngay cả những “chuyện đêm khuya”, “chuyện khó nói” hay chuyện lứa tuổi ô mai, không phải lúc nào nhà đài cũng dư dả. Vậy mà, chuyện nay, lắm lúc không cần xem trước lịch phát sóng, lúc cần kíp quá, kiểu như mẹ chồng đột ngột đến nhà nàng dâu, bật “hú họa” ti vi lên, cũng có thể “đụng” ngay, nào là Món ngon, Trổ tài làm bếp, Vua đầu bếp… Còn với các chương trình thời trang hay làm đẹp thì hầu như không ngày nào không thấy trên truyền hình các cô người mẫu lượn qua lượn lại, chưa kể đến những kênh chuyên biệt về thời trang trong nước, thời trang nước ngoài. Những câu chuyện liên quan đến sinh lý vốn từng một thời hễ bàn đến là bị xem như “vẽ đường cho hươu chạy”, nay cũng được nhà đài khai thác triệt để hơn để giúp “hươu chạy đúng đường”. Các chương trình ca nhạc thì chẳng cần phải bàn. Mức độ rầm rộ, hoành tráng, cùng độ phủ sóng của loại hình này gần như dày đặc.
Rõ ràng, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, khi nhu cầu thưởng thức truyền hình càng ngày càng được khán giả “đòi hỏi” hơn thì việc khai phá thêm những “con hẻm nhỏ” để có thể phục vụ tối ưu cho người xem đài là điều hết sức tất yếu nếu không muốn nói là sống còn của truyền hình giữa thời buổi cạnh tranh.
2. Hành trình để những con hẻm thành lộ, nói không ngoa là rắc rối chẳng kém gì việc đào xới những con đường đang diễn ra khắp thành phố Hồ Chí Minh hiện nay. Chắc chắn đã và đang có không ít khán giả bật truyền hình lên thấy không ít những áo váy, nước mắm, bột nêm… liền vội vàng kết luận tầm vóc của chương trình. Nhà đài bị tiếng oan rằng chạy theo lợi nhuận quảng cáo.
Dù rằng, giữa thời buổi kinh tế thị trường ngày nay, sẽ khó có thể tin khi ai đó nói rằng những lợi nhuận từ quảng cáo là vấn đề không đáng bận tâm. Nhưng chắc chắn điều đó không thể là tất cả. Hãy thử bình tâm xem xét lại, từng có biết bao chương trình lên sóng vài tháng rồi “im hơi lặng tiếng”, và có biết bao chương trình uyên thâm đó, thông tuệ đó nhưng chỉ số raiting cực kỳ thấp. Do ai? Vì đâu? Câu trả lời vẫn là đáp án quen thuộc: nhu cầu đích thực của khán giả.
Tuy không “đao to búa lớn”, tuy không uyên bác, thâm thúy, đầy giá trị to tát, nhưng không ngoa khi bảo rằng những chương trình từng một thời “bé tí ti” này là “một phần tất yếu của cuộc sống”. Và sẽ chẳng khó khăn để nhận ra, chính nhờ việc phai phá các con hẻm thành lộ mà truyền hình đang kéo gần khoảng cách giữa người xem với truyền hình. Còn gì hơn vui hơn với người làm truyền hình khi khán giả dù cả ngày ngồi trước màn hình, lúc nào cũng có thể tìm thấy chương trình mình yêu thích và mong đợi. Và còn gì thích hơn đối với khán giả, khi có thể “tạm biệt” cái cảnh bật ti vi dò tìm khắp tất cả các đài rồi phải tắt đi vì chỉ có những chương trình mà lứa tuổi mình không hề bị hấp dẫn.
Hiển nhiên, bên cạnh những mặt tốt của “hành trình khai phá” này cũng còn tồn tại không ít vấn đề cần nhắc nhở. Vì suy cho cùng, cái ranh giới giữa việc phục vụ nhu cầu đáng có của khán giả và việc chạy theo thị hiếu tầm thường vẫn rất mong manh. Nếu không cẩn thận, gặp hẻm nào cũng “mở lộ”, gặp đề tài nào cũng phát triển thành kênh, chắc chắn sẽ khiến sóng truyền hình trở nên xô bồ và lộn xộn.
Cái tâm, cái tài – vẫn là những điều rất cũ nhưng xem ra cũng không thừa nếu “nhắc đi nhắc lại” để gợi sự cẩn trọng cho những ai đang lên ý định “khởi công” các con hẻm truyền hình!
B.T