Nguyễn Thị Thắm và đoàn ‘di gan’ chuyển giới


Quyết định làm phim tài liệu đầu tay, nữ đạo diễn trẻ Nguyễn Thị Thắm đã chọn cách sống 13 tháng ròng cùng đoàn “di gan”của những người đồng tính. Chuyến đi khó khăn nhưng đầy cảm xúc đã mang lại 86 phút phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng khiến khán giả rung động.

Khởi quay từ năm 2009, đến năm 2014 bộ phim mới hoàn tất, trước khi trình chiếu tại Hà Nội và TP.HCM trong khuôn khổ liên hoan Phim tài liệu Việt Nam – châu Âu, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng đã tham gia nhiều liên hoan phim tài liệu trên thế giới và khu vực. Cô gái sinh năm 1984 là đạo diễn, cũng là người cầm máy quay phim đã kể lại câu chuyện bất định về một đoàn lô tô với những mảnh đời đầy cảm xúc trong “thế giới bóng gió” (cách một nhân vật trong phim nói về cuộc đời của những người đồng tính, chuyển giới). Họ phải kiếm sống trong sự rày đây mai đó, những mối nguy hiểm rình rập nhưng luôn luôn biết cách nhìn rõ thân phận và cuộc đời của mình.

Không ít người đã khóc khi bộ phim đã khóc vì thương cảm cuộc đời của những nhân vật, khóc vì sự dấn thân của một đạo diễn nữ, lại còn trẻ…

di gan 02 Nguyễn Thị Thắm và đoàn di gan chuyển giới

Nguyễn Thị Thắm học đại học Sân khấu điện ảnh TP.HCM, học lớp làm phim tài liệu của các chuyên gia Varan-Pháp tại Việt Nam. Trước Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng, Thắm đã có các phim tài liệu ngắn là Chào con chào baby, Hai ông cháu và Xe ôm. Hiện Thắm đang làm việc với các quỹ hỗ trợ để có thể có được kế hoạch phát hành phim độc lập tại hệ thống rạp chiếu phim Việt Nam.

Khởi quay từ tháng 8.2009 nhưng mãi đến năm 2014 phim mới hoàn thành, vì sao có sự kéo dài như vậy?

Thực ra bộ phim chỉ mất hai năm để quay và dựng hậu kỳ nhưng tôi phải mất đến ba năm xin tài trợ. Đây là phim tài liệu dài đầu tiên từ khoá học làm phim tài liệu Varan-Pháp, trước đó chỉ có các phim ngắn trong khuôn khổ workshop, được nhận hỗ trợ từ quỹ. Tôi cũng cố đi gặp một số quỹ của Việt Nam liên quan đến cộng đồng người đồng tính, tới một số nhà sản xuất phim độc lập, nhưng họ từ chối, nói có những dự án khác cần quan tâm hơn. Nên phim của tôi có nguồn kinh phí “chắp vá”, chương trình Varan hỗ trợ tôi bảy tháng chi tiêu trong tổng cộng 13 tháng quay phim (mỗi tháng vài trăm USD) cùng chiếc máy quay phim thuộc loại bình thường; tôi có gần 100 triệu đồng tiền túi để dành từ việc đi làm phim truyền hình trước đó, một khoản hỗ trợ 1.600 USD từ một kênh truyền hình của Đức và Pháp. Một công ty làm hậu kỳ của Pháp cũng giúp tôi trong hai tháng chỉnh màu, làm âm thanh, mix, ra băng, đĩa trong suốt hai tháng hậu kỳ tại Pháp. Cùng những cá nhân giúp tôi dựng phim gần như không màng đến tiền bạc như đồng nghiệp Phạm Thị Hảo, một giảng viên Varan-Paris là cô Aurelie Ricard để có thể dựng từ 60 tiếng quay sang bộ phim 86 phút.

Vậy một bộ phim tài liệu độc lập có thể thu lại được nguồn vốn bỏ ra?

Phim đã tham gia các liên hoan phim nhưng phải đoạt giải thì mới có tiền. Năm 2009, tôi nghĩ cần phải làm một bộ phim đầy cảm xúc của riêng mình nên bắt tay làm và không màng đến chuyện tiền bạc. Bây giờ phim đã tham gia liên hoan Phim tài liệu trực tiếp Cinema Du Reel-Pháp, tranh giải ở hạng mục Phim đầu tay quốc tế xuất sắc nhất; ra mắt ở Paris và các thành phố lân cận; tham gia liên hoan phim tài liệu ở Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Myanmar; liên hoan Phim tài liệu Việt Nam-châu Âu. Tháng 10 này tôi sẽ đi New York tham gia liên hoan Phim nhân học nổi tiếng nhất thế giới. Sau này, khi phim có kế hoạch phát hành độc lập tại Việt Nam mới nghĩ đến việc thu lại đồng nào, dù rất mong manh.

Hoà nhập cuộc sống của một đoàn hội chợ, lô tô và những người chuyển giới, bạn thấy có khó khăn không?

Dòng phim tôi theo đuổi là tài liệu trực tiếp, hình thức thể hiện gần gũi với hiện thực nhất có thể. Tôi ăn uống, sống cùng họ. Ban đầu cứ hai tuần ở Sài Gòn, hai tuần theo đoàn, sau đó đến khi phim cần phải sâu sắc hơn thì tôi theo hẳn đoàn trong ba tháng liên tục. Nhân vật trải nghiệm trong phim sao thì mình trải nghiệm vậy. Có những lúc ở vùng xa xôi, hẻo lánh, không mua đồ ăn được hoặc bán vé lô tô ế quá thì mình ăn rau muống chấm tương. Cũng có lúc trong túi không còn đồng nào, tôi phải buông máy quay đi bán vé lô tô cho đoàn chị Phụng để kiếm mấy chục ngàn đồng.

“Nhu cầu của tôi đơn giản lắm, nhà cửa không có, một tháng mấy triệu đồng tôi vẫn sống được. Điều khiến tôi thấy sung sướng nhất là khi đi làm phim, thấy vạn vật thiên nhiên va đập vào mình, thấy những con người hiện lên trên những khuôn hình, vô cùng phấn khích. Đó là lý do tôi không theo đuổi con đường làm phim truyền hình để kiếm tiền mà đi làm phim tài liệu”, Thắm cho biết. 

Không tiếp xúc thì thấy họ khó gần, nhưng gần gũi rồi thì ai cũng như nhau. Từ nhỏ, tôi đã sống rừng rú, lều trại, theo bố mẹ làm công nhân thuỷ điện khắp miền Bắc, đi khai phá, xây đập, sống đời tạm bợ ngay từ nhỏ. Mình hoà nhập với họ từ cuộc sống vật chất, họ ăn gì mình ăn đó, không quan tâm nhiều đến chuyện vệ sinh cá nhân; sau đó mình gần gũi với tâm tư của họ, chọn ra vài nhân vật cần tập trung khai thác trong đoàn dao động từ 30-60 người tuỳ thời điểm.

 di gan 03 Nguyễn Thị Thắm và đoàn di gan chuyển giới

Khó khăn lớn nhất của bạn khi thực hiện bộ phim là gì?

Đó là làm sao xây dựng được bộ phim giống như những gì mình cảm nhận. Hiện trường quá phức tạp, mênh mông và nhiều thông tin. Các show lô tô mỗi đêm, thân phận từng con người, sự bất ổn trong những chuyến đi, những tác nhân bên ngoài tác động vào… Điều đó khiến mình băn khoăn không biết dựng như thế nào từ 60 tiếng còn bốn tiếng và rồi 86 phút phim.

Có những cảnh quay rất thật khi các thành viên trong đoàn tự nhiên trò chuyện, khóc cười, mặc áo quần, làm sao bạn làm được?

Trong một thế giới không có quy định và luật lệ nào thì quan trọng là sự trải nghiệm, mình trải nghiệm cùng họ, họ sẽ chia sẻ thật với mình. Mình coi họ như bạn, như gia đình thì họ sẽ quên mình đang cầm máy quay trên tay. Phim tài liệu chính thống có thể có ngượng ngập, nhưng phim tài liệu trực tiếp thành công phải dựa trên sự trải nghiệm, các nhân vật và người làm phim phải gần gũi nhau thì mới ra câu chuyện. Có nhân vật né máy quay, ngồi đưa lưng về camera, tôi cũng ghi lại cảnh đó để khán giả có thể có cái nhìn sâu về tính cách từng con người.

Có điều gì làm bạn buồn khi thực hiện bộ phim này? Cái chết của hai nhân vật Phụng và Hằng sau khi bạn kết phim vài tháng là vì sao?

Tôi đóng máy vài tháng thì chị Phụng trưởng đoàn và một chị khác trong đoàn chết vì HIV. Họ rày đây mai đó, ở các tỉnh miền núi, không khám bệnh nên không phát hiện được, khi biết đã quá muộn. Khi tôi đang ở Pháp thực hiện hậu kỳ phim thì nghe tin chị Phụng qua đời. Tôi đã bước vào cuộc sống của họ, tôi có nghĩa vụ bảo vệ họ, phải hoàn thành bộ phim về họ, chuyển tải một cách chân thực nhất cuộc sống của họ. Tôi ngồi dựng phim và nhìn thấy hình ảnh các chị ấy, tôi cảm thấy buồn và mất niềm tin, thấy hoàn thành bộ phim sao quá khó khăn. Tôi cũng nghĩ đến việc trong những ngày đoàn làm ăn khó khăn, bán hội chợ ế, nhiều người duy tâm trong đoàn cho rằng vì mình quay phim nên mang lại xui rủi cho đoàn, mình cũng bị ảnh hưởng tâm lý nhiều.

Sau khi trưởng đoàn mất, đoàn hội chợ lô tô Bích Phụng có được duy trì?

Chị Phụng giao đoàn lại cho một thanh niên trẻ nhưng chỉ được một tháng thì đoàn tan rã, mỗi người một nơi. Có người cắt tóc dài, ăn mặc như đàn ông trở lại, về quê; có người tiếp tục theo các đoàn hội chợ, lô tô khác.

di gan 04 Nguyễn Thị Thắm và đoàn di gan chuyển giới

Vì sao câu chuyện hai thành viên trong đoàn chết vì HIV, bạn không đưa vào trong phim?

Bộ phim của tôi không hướng đến việc đó và khi quay thì cũng không ai biết hai chị bị bệnh. Chuyện của một đoàn hội chợ lô tô và chuyện đời một người cũng giống nhau, có lúc thịnh vượng lúc suy tàn. Tôi muốn kể lại câu chuyện người ta chấp nhận cuộc sống rày đây mai đó, chuyển giới, đồng tính của mình và đối mặt với nó. Tôi không muốn đi theo hướng gây sự tò mò, ca thán, bi luỵ vì nó sẽ mang tính tuyên truyền và xã hội nhiều quá. Một câu chuyện lắng đọng là điều tôi muốn kể để nhớ về những chuyến đi gió táp vào người, những bữa cơm thiếu thốn và cứ 6 giờ chiều tiếng nhạc lại xập xình nổi lên.

Cảnh kết trong phim là đoàn hội chợ bị cháy. Khán giả chỉ lờ mờ chứ không tường tận nguyên do vì sao?

Trong 86 phút phim, có hai lần đoàn ẩu đả với thanh niên địa phương do thanh niên vô đoàn xin tiền, rồi trêu ghẹo các chị trong đoàn. Lần thứ ba tôi không muốn lặp lại chuyện này nữa mà chỉ thông qua thoại của nhân vật để kể lại. Đoàn đến một làng quê nghèo ở Phan Rang rồi thanh niên đến xin tiền, xích mích, cãi nhau, tính làng xã cao nên từ vài người họ kéo đến cả ngàn người gây nên đám cháy. Tôi ôm máy quay trong sự hoảng sợ, cảm giác như trong chiến tranh với lửa, tiếng hú la, những hòn đá ném tới tấp…

TheoTrâm Anh/ Người đô thị

 


Các tin cùng chuyên mục