Người đi tìm thương hiệu thổ cẩm Mạ


Cuộc đời Nguyễn Đức Hải có hai bước ngoặt quan trọng: gác bỏ mọi thứ để đi vào một buôn vùng sâu vùng xa lập nghiệp, rồi từ đó phục hồi nghề làm thổ cẩm truyền thống trên quê hương của đồng bào Mạ, nơi anh gắn bó suốt 10 năm trời.


Vào thôn 3, xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm đồng- mảnh đất làng Bơ Su Măng Ly xưa từng nổi tiếng với những tấm thổ cẩm Mạ, hỏi nhà K’Hải ở đâu thì dường như ai cũng biết. K’Hải là cách gọi thân mến của những người Mạ vùng này dành cho anh Hải, với [K’] là họ Mạ. Giờ đây, đường từ Thành phố Bảo Lộc vào thôn 3 đã khang trang hơn trước nhiều, cuộc sống của người dân nơi đây đã khá hơn lên nhờ biết canh tác trà và cà phê. Nhiều gia đình đã có xe máy, phương tiện vốn là niềm ao ước xa vời của họ.

Nhưng đó là hình ảnh của hôm nay. “Mười năm trước, khi đặt chân đến đây mua đất cắm sào, đời sống người Mạ trong làng rất chật vật”, anh Hải kể lại. “Nhiều gia đình còn cầm cố đất đai để giải quyết các vấn đề thúc bách trong cuộc sống hàng ngày của họ”. Đây cũng là mảnh đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh. Việc họ đứng lên để tồn tại từ nơi khô cằn quả là một thử thách lớn.

Trên nền bức tranh cuộc sống nghèo nàn đó, điều làm cho Nguyễn Đức Hải cảm thấy “đáng sống” hơn hết là những hình ảnh sinh động trên tấm thổ cẩm được dệt từ đôi tay sần sùi của vài phụ nữ Mạ lớn tuổi còn giữ được nghề của bao đời. Hoa văn những chum, những chóe, chim thú, người, mặt trời…trên tấm thổ cẩm như ánh hào quang của một thời sung túc nay chỉ còn lại như quá vãng buồn ở mỗi góc nhà sàn. Càng buồn hơn khi những sản phẩm ít ỏi và đơn lẻ ấy được làm ra cũng chỉ để phục vụ cho việc mai táng, một nét phong tục của người Mạ.

02 Chan dung KHai Người đi tìm thương hiệu thổ cẩm Mạ

Với nhãn quang của một người vốn xuất thân từ vùng Hà Tây, “miền quê trăm nghề” của xứ Bắc, Nguyễn Đức Hải chợt lóe lên ý nghĩ: “Phải làm gì đó để phục hồi thổ cẩm Mạ. Để làng Bơ Su Măng Ly lại rộn ràng điệu cồng chiêng, đàn ông đàn bà rực rỡ trong những trang phục thổ cẩm vào những ngày hội làng.”

Nghĩ là làm. Vậy là bao nhiêu hoa lợi từ những công đất trồng trà cành của gia đình, Hải dồn vào việc khuyến khích người Mạ làm sống lại nghề truyền thống của họ. Đơn thân độc mã nên Hải phải nhờ đến các tổ chức đoàn thể như Mặt trận, Hội Phụ nữ xã cùng anh đứng ra vận động chị em dân tộc “làm cho kêu lại” tiếng khung dệt truyền từ bao đời. Nguyên tắc của Hải đưa ra rất đơn giản: người biết truyền cho người không biết, người biết nhiều truyền cho người biết ít. Với phương châm này, từ chỗ số nghệ nhân dệt thổ cẩm đếm được trên đầu ngón tay, đến nay ở Bơ Su Măng Ly đã có trăm người biết nghề và sẵn lòng làm việc cho K’Hải. Làm cho Hải toàn là phụ nữ, mà nói theo cách hiện đại: trẻ thì làm “part time” (làm khi rảnh việc), già thì làm “full time” (làm suốt ngày).

Lúc đầu, Hải chọn ra những người làm tốt, giao sợi cho họ, hẹn ngày lấy sản phẩm, rồi trả tiền công theo sản phẩm. Số sản phẩm đầu tiên này, Hải quyết định “lưu kho” như một cách bảo tồn vốn văn hóa sống của người Mạ. Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người Mạ đến nhà K’Hải một cách tự giác hơn. Lúc đó, Hải đã nghĩ đến việc phải lập ra một cơ sở để tập hợp tất cả mọi người lại. Ban đầu là ý định lập hợp tác xã, nhưng mô hình này lại khó giao dịch. Rồi cũng đến một ngày, người vốn là một thợ xây đã hình thành ý định mở công ty riêng, với chức năng đặc biệt: bảo tồn văn hóa dân tộc Mạ!

02b KHai va nghe nhan Ma Người đi tìm thương hiệu thổ cẩm Mạ

Cũng như nhiều doanh nhân khác khi đầu tư phát triển lĩnh vực nghề truyền thống, thị trường luôn là một thử thách. Hết ngược lên Đà Lạt, lại xuôi về Sài Gòn, lúc ra tận Hà Nội…ở đâu Hải cũng đều nhận được cái gật đầu hờ hững. Mà người ta “gật” cũng chỉ vì cảm cái tấm lòng nhiệt tình của ông chủ trẻ. Nhiều lúc buồn nản, Hải còn gõ cửa đến vài người bạn thân, giờ là những doanh nhân thành đạt, để tìm người chia sẻ. Ai dè họ cười và bảo rằng “không đâu ông lại đi vào ngõ cụt này”. Họ bảo rằng anh “hâm”, vì ai cũng biết rằng lúc này thị trường thổ cẩm du lịch đang bị bão hòa. Ngay cả những “ông” có thâm niên về lĩnh vực này cũng buông xuôi, huống hồ là người làm “trái cựa” như Hải. Họ nhất mực khuyên Hải bỏ nghề thổ cẩm đi, để tìm một hướng kinh doanh khác nhiều hứa hẹn hơn.

Và như muốn thử thách thêm sức chịu đựng của anh, Hải còn bị từ chối ngay trong gia đình của mình khi vợ anh bao lần can ngăn anh. Cuộc “đấu tranh” giằng co này dĩ nhiên cũng cam go không kém quá trình nay đây mai đó tìm kiếm thị trường.

Nhưng Hải quyết không bỏ cuộc. Vì thổ cẩm Mạ đã ngấm sâu vào máu anh rồi. Gặp người đàn ông 46 tuổi này, bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều đó. Mỗi khi nhắc đến thổ cẩm, Hải nói chuyện một cách say mê, trong đó có cả sự hiểu biết của một chuyên gia trong nghề. Và bạn như được truyền sang niềm đam mê thổ cẩm Mạ từ người đàn ông này.

Trong bước đường xuôi ngược đó, Hải đã gặp một cơ duyên mang tính bước ngoặt. Đó là cuộc hội ngộ với anh Phạm Hữu Thọ- Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng, trong chuyến anh dẫn đầu đoàn cán bộ Bảo tàng về Lộc Tân tìm hiểu văn hóa Mạ. Anh Thọ được hướng dẫn ngay đến nhà K’Hải, người đang bảo tồn nhiều hiện vật văn hóa Mạ và được đồng bào Mạ quanh vùng tín nhiệm.

Kết quả của mối “lương duyên” đó là sự ra đời của Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Dân tộc nằm trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng. Nơi đó, thổ cẩm Mạ được trao cho cơ hội tiếp cận khách hàng của mình. Tại một góc nhỏ trong khuôn viên đồi thông, những tấm thổ cẩm, trang phục, khăn, khố…của người Mạ phô diễn trước sự quan tâm của nhiều du khách. Hải còn vận động những gia đình người Mạ đưa con em họ lên đây giới thiệu nghề truyền thống của đồng bào mình. Góc nhỏ đó là phần “động” của Bảo tàng, mang đến cho du khách những hình ảnh chân thật về đời sống của một trong hai sắc tộc bản địa lâu đời của cao nguyên Lang Bian xưa.

Hải cũng báo một tin vui là anh đã ký được một hợp đồng tiêu thụ hàng thổ cẩm Mạ tại một địa phương ngoài Bắc, nhân dịp anh ra đó quảng bá sản phẩm tại một lễ hội văn hóa. Hợp đồng quan trọng này được ký kết đúng vào dịp công ty Bảo Thiên của anh vừa tròn một năm tuổi.

Những khung dệt thổ cẩm đã vang tiếng rộn ràng trong những góc nhà sàn ở Bơ Su Măng Ly, nghĩa là thổ cẩm đã sống lại. Giờ đến bước tiếp theo trong hành trình phát triển sản phẩm truyền thống này là xây dựng thương hiệu cho thổ cẩm Mạ, một khái niệm vô cùng lạ lẫm với những đồng bào người địa phương. Hải cho biết, anh đã có vài lần gặp gỡ, trò chuyện với ông Võ Văn Quân, chủ thương hiệu tranh thêu XQ, tại Đà Lạt. “Điều lớn nhất tôi đã học được là cái “hâm” của ông ấy!”, Hải nói vui. Và với điều đó, chí ít ra anh cũng nhận được nguồn chia sẻ đáng kể nhằm củng cố quyết tâm của mình.

01b Tho cam Ma Người đi tìm thương hiệu thổ cẩm Mạ

Theo Hải, nếu cho rằng việc anh làm giống như một cách “kinh doanh văn hóa” rất đặc thù thì nguồn vốn lớn nhất mà anh có được chính là sự ủng hộ của người đồng bào Mạ. Và lợi nhuận, nếu không là tiền bạc thì đó là những gì anh lưu giữ lại cho tương lai. Mà nhiều khi, đó lại là cái “lời” quan trọng nhất. Bởi, như lời anh nói, “anh đã làm được cái mà người có nhiều tiền chưa chắc đã làm được”.

Một thương hiệu cho thổ cẩm Mạ trong quan niệm của Hải phải mang tính đại diện cho văn hóa người Mạ ở Lâm Đồng. Tất cả ý nguyện của anh dường như đã tựu trung lại trong tên gọi của doanh nghiệp: Bảo Thiên, trong đó mọi người cùng nhau bảo tồn và gìn giữ những vốn quý của Trời đã ban tặng cho người Mạ.

Nguyễn Đức Hải đã đặt trước một chân trên hành trình mơ ước của mình. Còn với người đàn ông Mạ ở nơi này- ông K’Mot (58 tuổi)- bảo rằng, nhờ K’Hải ông đã có dịp nhìn thấy lại thời Bơ Su Măng Ly sung túc khi xưa: nhà nào cũng rộn tiếng khung dệt thổ cẩm.

Thực hiện: Trần Văn Thưởng – Ảnh: K’Hải.


Các tin cùng chuyên mục