Kinh doanh phải có trách nhiệm với xã hội


Xuất thân là diễn viên, giảng viên một bộ môn nghệ thuật cổ truyền, chuyển sang làm kinh doanh, không chọn cho mình những lĩnh vực có vẻ sẽ đem lại nhiều lợi nhuận hơn mà chọn văn hóa, lại là văn hóa cổ truyền. Dường như những năm tháng ối a trên chiếu chèo đã ngấm vào trong chị biết bao đắm say, đắm say đến thành duyên nghiệp. Từ Cuộc thi Người đẹp Kinh Đô gây được tiếng vang vài năm trước, đã thấy chị hết vào Nam lại ra Trung tất bật chuẩn bị cho Ngày hội “Doanh nhân Việt Nam với văn hóa, di sản dân tộc”, một trong những chương trình chính thức của Festival Huế 2012, dự kiến diễn ra tại TP Huế vào tháng 4 năm tới. Chị là Giám đốc công ty cổ phần đầu tư và truyền thông Kinh Đô Nguyễn Thị Tâm.

ANH THE Kinh doanh phải có trách nhiệm với xã hội

“Kinh doanh” mảng văn hóa, lại là văn hóa dân tộc, xem ra có vẻ không thức thời lắm nhỉ? Chị nghĩ sao về ý kiến này?

Nếu thức thời thì tôi có thể mở một Spa hoặc một cái gì đó hot với giới trẻ. Nhưng có lẽ việc kinh doanh mảng văn hóa, lại là văn hóa dân tộc nó như một cái duyên cứ theo tôi và thôi thúc tôi phải làm. Nói không thức thời thì cũng không đúng. Vì trong kinh doanh ngoài lợi nhuận thì nó còn là trách nhiệm với xã hội nữa.

Đồng ý là doanh nghiệp cũng cần có trách nhiệm với xã hội. Nhưng dẫu sao, vẫn phải thừa nhận một thực tế là “kinh doanh” văn hóa cổ truyền thì khó ăn khách hơn các lĩnh vực văn hóa khác. Cá nhân chị, chị thấy có đôi chút thuận lợi nào không? Hay chỉ toàn là trở ngại, khó khăn?

Có thuận lợi chứ, chẳng hạn nó là sở thích và đam mê của mình và ít ra cũng có sự hỗ trợ của các cấp lãnh đạo ngành văn hóa vì việc bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc là việc cấp thiết trong thời kỳ hội nhập. Còn khó khăn thì nhiều lắm, vì đối tượng thì hẹp, hơn nữa các đối tượng này thì đang phải lo cơm ăn áo tiền hàng ngày. Nhưng tôi hy vọng đối tượng trẻ sẽ hiểu về cái gốc của văn hóa và họ thấy sự cần thiết phải làm gì và ủng hộ như thế nào trong lĩnh vực này.

Đây thực sự là ý tưởng độc đáo và có ý nghĩa, nhưng thời điểm này các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Giả dụ nhìn từ góc độ khách quan, theo chị, đâu là lý do để doanh nhân nên tham gia ngày hội này?

Thực sự lúc này là giai đoạn vô cùng khó khăn với nhiều doanh nghiệp. Nhưng tôi rất tâm đắc bài nói chuyện của sư cô tiến sỹ Phật học Thích Nữ Hằng Liên về chủ đề: “Nhìn nhận và giải quyết khủng hoảng trong bình an”. Hy vọng sự kiện “Doanh nhân Việt Nam với Văn hóa, Di sản dân tộc – Huế 2012” các doanh nhân sẽ về với Huế, vùng đất văn hóa để tìm sự bình an, để cùng nhau chia sẻ, giao lưu để rồi lại tiếp tục với công việc của mình trong kinh doanh.

Quy mô của Ngày hội xem ra khá lớn. Tổ chức một event quy mô như thế liệu có hơi quá sức với một công ty truyền thông? Công tác chuẩn bị đến đâu rồi, thưa chị?

Nói chung mọi việc chúng tôi đã lên kế hoạch cụ thể nên cũng không đáng ngại, hơn nữa chương trình cũng nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế với một sự kiện lớn như thế này trong những ngày Khai mạc Năm Du lịch quốc gia và Khai mạc Festival Huế 2012. Cùng với sự ủng hộ của các doanh nhân tôi tin là sự kiện sẽ thành công. Đây là sự đóng góp thiết thực cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc của các doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.

Là một người đam mê với văn hóa truyền thống, đóng góp nhiều cho việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống. Với độ tuổi này ít ai nghĩ rằng trong chị còn đầy ắp khát vọng đóng góp nhiều hơn nữa cho việc bảo tồn và quảng bá giá trị văn hóa truyền thống Việt, đối với lớp trẻ cũng như bạn bề quốc tế. Xin được hỏi thời gian tới chị còn có những ý tưởng gì cho “sự nghiệp” này?

Xin bật mí nhé! Tôi đang có dự định sẽ kết hợp với nhạc sỹ An Thuyên và Nhà thiết kế áo dài Lan Hương làm một chương trình nghệ thuật đặc biệt đấy. Mong rằng chương trình sẽ được các bạn trẻ đón nhận.

HNTL


Các tin cùng chuyên mục