GS.TS Huỳnh Ngọc Phiên: Đừng để phải trả giá đắt


Nếu không có sự chuẩn bị tốt thì Việt Nam sẽ trở thành thị trường tiêu thụ hàng hóa, đồng nghĩa với việc nền công nghiệp Việt Nam sẽ bị bóp chết trong tương lai. Đây là lo ngại của GS-TS.Huỳnh Ngọc Phiên, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Amata Việt Nam.

 Ông Huỳnh Ngọc Phiên có gần 22 năm giữ vai trò nhà cố vấn, Tổng Giám đốc và Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Amata Việt Nam – đơn vị sở hữu khu công nghiệp thuộc diện “hoành tráng” hàng đầu tại Biên Hòa (Đồng Nai) từ năm 1997 đến nay. Hiện Amata vẫn tiếp tục thu hút được rất đông nhà đầu tư nước ngoài khi đến Việt Nam.

Chính vì tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư, GS-TS. Huỳnh Ngọc Phiên rất lo ngại về sự phát triển thiếu đồng bộ của nền công nghiệp Việt Nam khi hội nhập quốc tế sâu hơn nữa thông qua các hiệp định đa phương như FTA và TPP.

 huynh ngoc phien GS.TS Huỳnh Ngọc Phiên: Đừng để phải trả giá đắt

 

Công nghệ phải phù hợp

 

Được biết ông đã có 6 năm làm Hiệu trưởng Trường Công nghệ cao thuộc Viện Công nghệ châu Á (AIT – Bangkok, Thái Lan) đảm trách về vấn đề phát triển công nghiệp. Vậy ông có nhận định gì trước nhiều ý kiến quan ngại việc nhà đầu tư nước ngoài đưa công nghệ lỗi thời vào Việt Nam?

Trọng tâm của vấn đề phát triển công nghiệp là xem chừng những bước tiến. Cụ thể là quá trình từ việc sử dụng nhiều lao động sẽ dần đi lên công nghệ tân tiến hơn, nhưng phải theo từng bậc. Ứng dụng thông dụng nhất là công nghệ thích hợp, có nghĩa là công nghệ thích hợp với môi trường mới. Ví dụ, những năm mới vừa giải phóng, Việt Nam đem công nghệ hiện đại vào ứng dụng thì xem như thất bại ngay, vì tình thế buộc phải có những điều kiện tối thiểu để công nghệ thích hợp. Hiện nay, những nhà máy xi măng của Việt Nam được đầu tư rất tốt, tất cả đều hoạt động tự động, nhưng nếu điện cứ chập chờn vài lần là máy hư liền. Do đó công nghệ thích hợp là phải cần những điều kiện như vậy. Sau đó dần dần mới chuyển qua công nghệ cao.

Trở lại câu chuyện có hay không những quan ngại đối với việc nhà đầu tư nước ngoài đưa công nghệ lỗi thời vào Việt Nam, ở góc độ cá nhân tôi cho rằng, chúng ta không nên quá lo lắng chuyện đó. Vì công việc chính của nhà đầu tư là kiếm lời! Đưa công nghệ lỗi thời vào thì bản thân họ cũng sẽ bị thua lỗ.

Bây giờ dù là công nghệ tiên tiến hay công nghệ cao đều thay đổi rất nhanh, chỉ trong vòng 3 – 5 tháng. Đặc biệt công nghệ thông tin còn thay đổi nhanh hơn, từ 3 – 4 tháng. Công nghệ xe hơi cũng thay đổi sau 3 – 4 tháng, chậm lắm là hàng năm. Chính vì vậy chúng ta cũng không nên quá lo ngại về vấn đề này.

Việc nhập máy móc lỗi thời xem ra sẽ là câu chuyện còn nhiều tranh cãi, thế nhưng thực trạng nhập máy móc quá hiện đại cũng gây không ít đau đầu cho các tổ chức, đặc biệt là bệnh viện, trường học, đôi khi có cả các doanh nghiệp, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đương nhiên, đã nói đến kinh doanh thì sẽ không có chuyện miễn phí, nên vấn đề là phải biết mình cần công nghệ gì để mua. Quan trọng là mình có trình độ để chọn mua đúng công nghệ mình cần hay không. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đủ, vì mình mua đúng rồi nhưng không có người sử dụng cũng chết. Ở đây cần phải nói đến những khâu liên đới, đầu tiên là giáo dục. Hàng năm, có không ít sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, dạy nghề chuyên nghiệp về kỹ thuật, nhưng không làm được việc nên đã sinh ra tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Thừa có hai nguyên nhân: thứ nhất là do mình đào tạo những người thực sự không cần, hay nói cách khác đào tạo của mình quá lỗi thời. Thứ hai, cái người ta cần thì không được đào tạo. Thành ra, vấn đề chính trong chuyển giao công nghệ là mình phải chuẩn bị được đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên.

 

Cần khuyến khích lao động chất lượng cao

 

Theo ông, ngành giáo dục cần thay đổi thế nào để tạo ra nguồn nhân lực tốt?

Phải nói rằng, Việt Nam mình quá chuộng bằng cấp. Chúng ta đào tạo rất nhiều người có bằng cấp nhưng không làm được việc. Đối với những thợ có tay nghề khá, tay nghề bậc ba là cho đi học vượt cấp để thành kỹ sư chứ không khuyến khích họ đi lên cho cứng tay nghề và trả lương xứng đáng để họ tiếp tục công việc của mình. Điều này hoàn toàn trái ngược với các nước, cụ thể một anh học MBA ra làm việc với kỹ sư, mỗi kỹ sư phải có 5-7 kỹ thuật viên đồng sự. Việt Nam có rất ít đơn vị dùng quy trình này. Do đó, vai trò của nhà nước trong vấn đề này là phải khuyến khích những người có tay nghề giỏi, chứ không phải ai cũng là cử nhân, nhưng lại không làm được việc, dẫn đến tình trạng thất nghiệp là điều dễ hiểu.

Trước đây, Việt Nam cũng được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tài trợ 113 triệu USD trong vòng 5 năm nhằm mục đích giúp các trường dạy nghề chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học nâng cấp máy móc, thiết bị dạy học. Với dự án này, cả hai bộ gồm: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo đều muốn đem dự án về cho tổ chức mình. Phải mất khoảng hai năm rưỡi dàn xếp, cuối cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo được tiếp nhận. Sau đó, do thời hạn gần hết nên cũng mua vài ba máy, ba năm sau không xài nên cũng lỗi thời, máy móc càng hiện đại thì càng nhanh lỗi thời. Thành ra dự án thất bại.

Ngay Thái Lan cũng bị tình trạng này, ADB cũng tài trợ 83 triệu USD, nhưng cũng không đâu vào đâu. Đến nay, Việt Nam cũng như Thái Lan thực sự đều chưa giải quyết được vấn đề này.

Ông nhận xét gì về khả năng thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam và Thái Lan?

Người Việt mình học rất nhanh, đó là một ưu điểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam có hơn doanh nghiệp nước khác hay không một phần cũng lệ thuộc vào chính sách khuyến khích của nhà nước. Tại Thái Lan, nền kinh tế chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp tư nhân, vai trò của nhà nước rất mờ nhạt. Tuy nhiên, Thái Lan có cái được là những vấn đề gì mới nhà nước không can thiệp, đến khi doanh nghiệp làm ăn có lời rồi nhà nước mới tính đến chuyện đánh thuế và đưa chính sách vào điều hành, quản lý. Điều này trái với Việt Nam, điều gì mới thấy không kiểm soát được là cấm trước. Tôi thấy hiện có hai điều làm cho khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam chưa phát triển mạnh: Thứ nhất, các doanh nghiệp nhà nước chuyển qua hoạt động theo cơ chế thị trường thường chưa thể vận hành trơn tru ngay, vấp váp một thời gian. Thứ hai, tư nhân giàu có nhờ làm ăn đàng hoàng thì rất ít.

Về cơ cấu, doanh nghiệp nhỏ không vững, không đủ vốn, thành thử không dám làm những việc mạo hiểm. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp của ta vẫn có thói quen làm ăn chụp giựt, không nghĩ đến làm ăn lâu dài, bài bản, làm từ nhỏ, đến trung và sau cùng là lên đại chúng. Thành ra, sắp tới khi Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng hơn nữa thông qua các hiệp định đa phương thì điều đáng lo ngại là rất nhiều doanh nghiệp chưa chuẩn bị cho việc hội nhập này, trong khi thời gian chỉ còn có 6 tháng nữa. Điều này đang ngược với một số nước, vì hầu như ở các nước, báo chí đều có những chuyên mục về hội nhập, cập nhật thông tin giúp doanh nghiệp.

Nói như vậy có nghĩa nếu càng ít sự can thiệp của nhà nước thì nền kinh tế sẽ phát triển?

Thế giới đã chứng minh cái gì có sự can thiệp của nhà nước thì không phát triển được. Tôi nhớ, thời điểm công nghệ thông tin ở Ấn Độ rất phát triển, lúc đó giới kinh tế tư nhân đứng ra xin Chính phủ đừng có làm gì hết để họ tự làm. Năm 1974, tôi qua Thái Lan, lúc đó ở Thái có khoảng 10 hãng xe buýt tư nhân, hãng nào làm ăn cũng có lời. Lúc này, Chính phủ Thái cũng nhào vô quốc hữu hóa, từ đó trở đi hầu như hãng nào cũng lỗ, cho đến bây giờ vẫn còn lỗ. Thời đó Thái Lan cũng có khoảng 5 hãng xe tư nhân chạy đường dài, hầu hết các hãng xe đều chưa có giấy phép vận tải đường dài, do đó mỗi khi cảnh sát hỏi thì họ lại chung tiền rồi đi, nhưng lại hoạt động rất tốt. Tất nhiên, hoạt động của doanh nghiệp cần phải có sự quản lý của nhà nước, nhưng sự quản lý này cũng nên dừng ở mức độ nhất định để còn tạo hướng cho kinh tế tư nhân phát triển.

Quay lại câu chuyện hội nhập, thực trạng hiện nay là nhiều doanh nghiệp cả nhà nước lẫn tư nhân không cập nhật kịp thời các chính sách nhà nước ban hành và thiếu rất nhiều thông tin thị trường, theo ông có thể khắc phục điều này?

Vấn đề là các bộ, ngành, cơ quan nhà nước phải nhanh chóng phổ biến thông tin để doanh nghiệp kịp thời nắm bắt. Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải được chấn chỉnh ngay, đó là tham nhũng còn quá nặng. Ngay như câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nếu nhìn lại sẽ thấy quá trình cổ phần hóa vừa qua đã gây thất thoát tài sản của nhà nước và xảy ra tham nhũng khá nhiều. Thứ nhất, tài sản nhà nước 10 đồng đánh giá có 2-3 đồng. Những người làm trong ban lãnh đạo chia cổ phần, nên sau khi cổ phần hóa, phần lớn các lãnh đạo đều giàu hết. Thứ hai, tuy có bán một số cổ phần cho tư nhân, nhưng thành phần ban lãnh đạo doanh nghiệp lại không thay đổi. Như vậy, thực chất thì nhà nước vẫn điều hành. Dân thì rất năng động, nhưng vẫn còn một bộ phận công chức nhà nước hầu như vẫn thờ ơ với mọi vấn đề, còn bảo thủ, máy móc và chỉ tính đến lợi ích cục bộ. Những điều này cần phải thay đổi tận gốc thì doanh nghiệp mới có động lực thay đổi, phát triển.

Xin cảm ơn ông!

 

Kiến Quốc – DNO


Các tin cùng chuyên mục