Giám đốc BV Nhi đồng 1: “Chúng tôi có lỗi với bệnh nhân”


“Chẳng bệnh viện nào muốn hành  bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân. Nói thật, để người nhà bệnh nhân phải chen lấn, xô đẩy và ngất xỉu như thế, bệnh viện cảm thấy mình quá có lỗi với bệnh nhân”.

xep hang CLFZ Giám đốc BV Nhi đồng 1: Chúng tôi có lỗi với bệnh nhân

Hy vọng người dân sẽ không còn xếp hàng rồng rắn như thế này tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM để chờ đăng ký khám bệnh .

TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM đã chia sẻ như vậy với phóng viên sau khi báo Một Thế Giới phán ánh về tình trạng phải xếp hàng dài đứng chờ hàng giờ để được đăng ký khám bệnh, khiến nhiều người nhà bí tiểu, ngất xíu…

Theo ông Hùng, trong tuần này, bệnh viện sẽ tiến hành cải tạo khu vực đăng ký khám bệnh, và tiến hành cho bấm số thứ tự, bố trí thêm ghế ngồi chờ cho bệnh nhân. Dù diện tích khu vực đăng ký khám bệnh chật, nhưng bệnh viện cũng sẽ cố gắng bố trí ghế ngồi trong điều kiện có thể, bất cứ chỗ nào có thể kê được ghế ngồi là kê; đồng thời làm thêm mái che.

“Lúc đầu khi xem bài báo trên, nhiều anh em trong bệnh viện cảm thấy sốc, khó chịu, nhưng tôi nghĩ  đó là điều góp ý rất cần để bệnh viện nhận thấy điều gì không tốt phải thực hiện. Chắc chắn tuần sau, bệnh nhân vào  đăng ký khám bệnh sẽ thấy thay đổi”, ông Hùng cho biết.

Nhưng tại sao trong thời gian qua, bệnh viện không thực hiện những việc làm trên, thưa ông?

Thật ra, trước đây bệnh viện cũng đã nghĩ đến phương pháp lấy số thự tự, bố trí bệnh nhân ngồi chờ số thứ tự để đăng ký khám, nhưng hạ tầng khu vực đăng ký khám bệnh quá chật hẹp, số lượng bệnh nhân lại đông. 

Hiện trung bình mỗi ngày, khu vực đăng ký khám bệnh của bệnh viện tiếp nhận từ 1.500 đến 2.000 bệnh nhân, đó là chưa kể  rất nhiều người nhà đi kèm. Nói là mỗi ngày, nhưng chủ yếu số bệnh nhân trên đăng ký khám bệnh vào buổi sáng.

Hơn nữa, bệnh viện cũng lo ngại việc lấy số thứ tự sẽ tạo cơ hội phát sinh “cò” số thự tự. Nhiều “cò” tận dụng việc lấy số thứ tự, vào lấy số thứ tự sớm để bán cho bệnh nhân có nhu cầu khám bệnh sớm.

Nhưng qua sự việc báo phán ánh, lãnh đạo bệnh viện nhận thấy cần thiết phải tổ chức lấy số thứ tự, bố trí ghế cho bệnh nhân ngồi chờ đăng ký khám để đỡ vất vả hơn.

Ngoài việc không bố trí ghế ngồi, không lấy số thứ tự để đăng ký khám bệnh thì một trong những nguyên nhân nữa khiến bệnh nhân phải xếp hàng chờ đăng ký khám bệnh quá lâu, gây ùn tắc là do nhân viên làm thủ tục đăng ký khám bệnh quá chậm?

Qua thực tế khảo sát của bệnh viện cho thấy, thời gian chờ đợi làm thủ tục đăng ký khám bệnh có hơi kéo dài, trung bình khoảng hơn 60 phút, gây nên tình trạng ùn tắc, chủ yếu là do gặp trục trặc về hồ sơ khám bệnh của bệnh nhân.

Điều này, một phần là do một số bệnh nhi chưa có thẻ bảo hiểm y tế phải nộp giấy khai sinh, nhiều giấy khai sinh không rõ địa chỉ, phải kiếm giấy tờ khác để xác nhận địa chỉ chính xác của trẻ để thanh toán bảo hiểm. Những giấy tờ này, đôi khi rất phức tạp.

Tất nhiên, điều cốt lõi là bệnh viện sẽ giải quyết nhanh thủ tục đăng ký khám bệnh, tránh người nhà và bệnh nhân phải chờ đợi quá lâu, gây ùn tắc.

Hiện nay khu khám bệnh của bệnh viện có 6 cửa, bệnh viện sẽ tăng cường thêm nhân viên  ở đây. Thay vì  trước đây, điều dưỡng phải lo nhập liệu thông tin bệnh nhân, bệnh viện sẽ tuyển nhân viên rành về công nghệ thông tin để giúp việc nhập dữ liệu bệnh nhân nhanh hơn, rút ngắn thời gian đăng ký khám bệnh.

Bệnh viện hướng đến cải tiến các thủ tục hành chính, cũng như nâng cao đội ngũ nhân viên nhập dữ liệu tại khu đăng ký khám bệnh nhằm kéo giảm 50% thời gian chờ đợi so với hiện nay.

Quyết định 1313 của Bộ y tế có yêu cầu các bệnh viện không được để người bệnh tự photo giấy tờ tùy thân, thẻ bảo hiểm y tế, giấy chuyển viện… nếu bệnh viện có nhu cầu thì phải tự thực hiện. Thế nhưng hiện nay, bệnh viện vẫn bắt người nhà bệnh nhân xếp hàng để photo những giấy tờ trên?

Hiện nay số lượng thẻ bảo hiểm có mã vạch cho các bệnh nhi còn rất ít, chủ yếu là thẻ bảo hiểm ghi bằng số. Trong khi đó, mã thẻ có đến 12 số, các nhân viên y tế phải nhập, nhưng nhiều khi nhập xong mã thẻ nhưng qua bảo hiểm xã hội vẫn trả lại với lý do mã thẻ sai.

Khi đó, phải dò từng hồ sơ bệnh nhân, đối chiếu lại thẻ bảo hiểm phải đúng thì bảo hiểm xã hội mới chấp nhận thanh toán.

Ngay cả giấy chuyển tuyến, mỗi lần bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, không photo giấy chuyển viện lưu lại thì bảo hiểm xã hội lại hỏi giấy chuyển viện đâu để họ đối chiếu. Trong khi đó, giấy chuyển viện gốc đã gửi lại cho bệnh nhân, nên buộc lòng phải photo.

Mặc dù bảo hiểm xã hội nói, chỉ cần ghi mã số thẻ bảo hiểm đúng thì thanh toán, nhưng phần mềm  không chuyên nghiệp, nhiều khi bị lỗi, số nhảy lung tung, chỉ cần sai một con số là không thanh toán, nếu bệnh viện không photo để giữ lại đối chiếu thì sẽ không được thanh toán.

Nhưng ở đây Bộ Y tế yêu cầu là bệnh viện không được bắt bệnh nhân photo thẻ bảo hiểm, giấy chuyển viện?

Hiện bệnh viện đang chỉ đạo thực hiện photo những giấy tờ trên miễn phí cho bệnh nhân. Trước đây, không phải bệnh viện photo mà phòng tổ chức xã hội photo và lấy tiền đó để giúp cho bệnh nhân nghèo; nhưng giờ bệnh viện sẽ chịu chi phí đó luôn, để tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh.

Trước mắt thì vẫn giữ phòng tổ chức xã hội vẫn làm, nhưng chi phí bệnh viện trả, thay vì người bệnh trả.

 Hồ Quang ( Motthegioi)

 


Các tin cùng chuyên mục