“Dance to exchange” với Đỗ Hải Anh


Dance to exchange là dự án giao lưu văn hóa & nhiếp ảnh về nghệ thuật múa giữa nghệ sỹ múa Đỗ Hải Anh và một số chuyên gia múa trong khu vực Đông Nam Á, đến từ Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippine…

Lifestyle đã có buổi gặp gỡ thú vị với 2 nghệ sĩ múa  Đỗ Hải Anh (Yumi) từ Việt Nam và Aditep Jane từ Thái Lan để hiểu hơn về dự án đặc sắc này! 

Lifestyle: Hải Anh đã nảy ra ý tưởng thực hiện dự án “Dance to exchange” từ đâu?

Đỗ Hải Anh: Sau khi được là một trong 3 nghệ sĩ trẻ được mời vào cuốn sách Saigon Artbook, Hải Anh đã rất thích thú với ý tưởng kết nối các bạn nghệ sỹ trẻ trên toàn thế giới lại với nhau. Nên trong kỳ hậu sự kiện của Saigon Artbook lần thứ 5 này, khi đề xuất lớp workshop về múa cho các bạn trẻ, Hải Anh đã nghĩ đến ý tưởng muốn trao đổi, chia sẻ, học hỏi và trau dồi thêm không chỉ riêng cho các bạn trẻ đam mê múa mà cả cho bản thân mình từ các nước bạn, nên trước mắt Hải Anh đã chính thức mời anh Aditep Buanoi (Jane) từ Thái Lan về Việt Nam để tụi mình có cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với nhau thêm về nghệ thuật múa, về văn hóa, sự khác nhau giữa các nước qua lớp workshop và buổi chụp hình múa cùng nhau tại các điểm đặc trưng của Việt Nam và Thái Lan. Hải Anh mong rằng dự án sẽ được tiếp tục phát triển nhân rộng đến các nước trong khu vực Đông Nam Á.

do hai anh 1 “Dance to exchange” với Đỗ Hải Anh

Lifestyle: Cảm xúc của Jane khi lần đầu tiên đến Việt Nam để thực hiện một dự án đúng chuyên môn của mình cùng với bạn diễn Hải Anh?

Aditep Buanoi (Jane):Tôi cảm thấy rất vui và hào hứng khi sau rất nhiều năm lên kế hoạch không thành, cuối cùng tôi cũng đã đặt chân được tới thành phố Hồ Chí Minh. Tuyệt vời hơn nữa là tôi được đến đây để cùng làm việc với nghệ sỹ múa Đỗ Hải Anh – người mà tôi đã rất ấn tượng về phong cách làm việc chuyên nghiệp trong dự án cư trú biên đạo quốc tế Sea Choreolab 2014 lần trước tại Malaysia. Đây sẽ là một cơ hội để tôi trải nghiệm và chia sẻ những kinh nghiệm và phong cách múa của mình với các bạn trẻ Việt Nam. Tôi tin rằng chuyến đi lần này sẽ mang tới cho tôi nhiều nguồn cảm hứng và củng cố cho tôi thêm niềm đam mê với múa.

Lifestyle: Trong chuyến tham gia dự án biên đạo trẻ Sea Choreolab 2014 tại cộng đồng nghệ thuật Rimbun Dahan (Malaysia), có khá nhiều diễn viên múa chuyên nghiệp đến từ các nước trung khu vực Đông Nam Á, tại sao các bạn lại chọn phối hợp với nhau?

Đỗ Hải Anh: Khi lần đầu được học lớp workshop của Jane tại cộng đồng nghệ thuật Rimbun Dahan (mỗi thành viên từ 14 nước sẽ có một lớp workshop của riêng mình với tất cả các thành viên còn lại), Hải Anh đã rất thích và nhận thấy thể loại của Aditep Jane và mình có rất nhiều điểm tương đồng (vì cả hai đều đi từ cơ bản ballet), cách chuyển động cũng rất hợp và thoải mái cho bản thân, cộng với ấn tượng của Hải Anh về Aditep Jane là một chàng trai rất nhiệt tình, dễ mến, đầy đam mê và nhiệt huyết với múa nên Hải Anh nghĩ sẽ là một cơ hội rất tốt cho các bạn trẻ ở Việt Nam được gặp gỡ, học tập và truyền lửa từ anh.

Aditep Buanoi (Jane):: Là một người thích học hỏi những điều mới lạ của những nghệ sỹ khác không chỉ ở múa mà còn nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác, tôi cảm thấy dự án này thật tuyệt khi được hợp tác với Hải Anh. Giữa chúng tôi có một vài điểm tương đồng về phong cách nên đó sẽ là điều thuận lợi để tôi có thể quan sát và học hỏi thêm được cách làm việc, biên đạo, kỹ thuật cũng như là cách mà Hải Anh truyền cảm hứng múa của mình cho các bạn trẻ. Khi Hải Anh vừa đề nghị mời tôi tham gia vào dự án này tôi đã đồng ý ngay và lên kế hoạch đặt vé.  Tôi hy vọng rằng qua dự án này Hải Anh cũng sẽ học được gì đó từ tôi.

do hai anh 2 “Dance to exchange” với Đỗ Hải Anh

Lifestyle: Vậy đâu là điểm gặp nhau trong ý tưởng phối hợp về thực hiện biên đạo cho một màn trình diễn trên sân khấu của 2 bạn?

Đỗ Hải Anh: Hải Anh cũng đã có ý tưởng cả hai sẽ cùng biên đạo một tiết mục để biểu diễn tại Việt Nam, nhưng vì lịch trình của cả hai đều kín, thời gian anh Jane tại Việt Nam cũng không nhiều và còn đi theo các hoạt động bên cạnh mà Hải Anh đề ra nữa nên đã không có cơ hội để sáng tạo cùng nhau và biểu diễn trong khoảng thời gian này. Nhưng cả hai nhất định sẽ hội ngộ, cùng sáng tạo và biểu diễn với nhau trong một festival trong thời gian sắp tới.

Lifestyle: Liệu 2 bạn sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện các hoạt động nhiếp ảnh và workshop về múa ở các nước trong khu vực Đông Nam Á?

Aditep Buanoi (Jane): Nếu có cơ hội, chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục dự án này ở nhiều nước Đông Nam Á trong khu vực như Singapore, Malaysia, Philippine… Trước mắt tôi sẽ chào đón Hải Anh tại Bangkok – quê hương tôi, chúng tôi sẽ tổ chức những buổi workshop về múa đương đại và Neo Classical Ballet dành cho các bạn trẻ yêu múa của các trường múa chuyên nghiệp Thái lan. Việc thực hiện những bộ hình múa nghệ thuật tại những địa điêm nơi chúng tôi tới cũng sẽ góp phần giới thiệu, quảng bá những hình ảnh đẹp về thành phố cho các bạn khán giả của nhau, để mọi người có thêm hình dung về nghệ thuật múa của các nước.

Đỗ Hải Anh: Mình sẽ đi sang Thailand khoảng 4-5 ngày để workshop tại đó và cũng sẽ cùng anh Aditep Jane chụp hình múa tại các địa điểm đặc trưng của Bangkok. Ngoài ra mình sẽ đi và tìm hiểu thêm về văn hóa, học thêm các lớp workshop của các biên đạo, xem thêm nhiều nữa các vở múa quốc tế từ nước bạn. Đó là cả một kho tàng kiến thức vô giá giúp mình có thêm ý tưởng, chất liệu cho hành trình múa sắp tới của mình. Phương châm của Hải Anh là “won’t know if you never try” mà. Hải Anh tin chắc rằng đây sẽ là một dự án thú vị giúp cho mình tìm hiểu được về múa và văn hóa ở các nước bạn. Được đặt chân tới một nơi mà bạn chưa từng đến bao giờ và mang niềm đam mê của mình chia sẻ tới những người có cùng chung niềm đam mê đó sẽ là những trải nghiệm vô giá trong sự nghiệp múa của Hải Anh.

do hai anh 3 “Dance to exchange” với Đỗ Hải Anh

Ý kiến của một số khán giả đã tham gia các lớp workshop Hải Anh và Aditep Buanoi:

Stephanie Nguyễn – Biên tập viên của báo Anyarena

Đó là một sáng thứ bảy nắng rực ở Sài Gòn và mình quyết định đến với buổi workshop contemporary jazz dance của Jane. Vốn dĩ là một dancer Hip Hop dance, mình hoàn toàn không có nhiều kinh nghiệm trong thể loại nhảy mới mà không mới này. Và đó là một buổi sáng khá vui và bổ ích cùng Jane và những bạn bè dancer khác. Mình có cơ hội được trải nghiệm một thể loại mới có thể giúp mình áp dụng, bổ sung vào thể loại nhảy mà mình vẫn đang theo đuổi. Với việc được thả lỏng, buông lơi các động tác cùng feeling, mình có thể cảm nhận được ngôn ngữ cơ thể một cách dễ dàng hơn, lồng ghép tâm hồn cùng hình thể hoà vào âm nhạc và chìm trong giai điệu của âm nhạc. Jane là một curator rất thân thiệt, nhiệt tình và tâm huyết trong nghệ thuật nhảy. Đó là những cảm nhận riêng của mình dành cho Jane cũng như buổi workshop thứ bảy vừa qua. Thông qua buổi workshop, mình đã có thêm những trải nghiệm mới, xúc cảm mới, sâu sắc hơn, có chiều sâu hơn trong những động tác nhảy mà mình thực hiện. Cảm ơn các bạn đã giúp mình có cơ hội được tham gia vào một workshop thú vị này.

Đỗ Quang Đăng – top 4 cuộc thi “So you think you can dance”

Lớp học của anh Jane rất thú vị, thật tiếc là thời gian 90 phút của buổi workshop là khá ngắn để mình có thể tập hết các bài tập của anh. Việc trình độ và các thể loại của các bạn học viên hơi khác nhau cũng mang một chút khó khăn nhưng đó cũng là điểm thú vị  cho dự án chia sẻ lần này.

Bạn Đặng Thanh Long – Đồng sáng lập của Saigon Artbook:

Long đã từng làm việc chung với Yumi vài lần, nhưng sau khi tham gia workshop múa của bạn, được trải nghiệm với tư cách một học viên, thì mới thật sự hiểu Yumi hơn, để trân trọng những nỗ lực nghiêm túc mà bạn đã bỏ ra để theo đuổi đam mê múa của mình. Để được truyền cảm hứng với niềm vui thuần khiết tràn khắp phòng tập từ các bạn học không chuyên như mình, chỉ để đơn giản là học được cách truyền tải cảm xúc bằng chuyển động, làm chủ cơ thể mình. Tất cả thật sự tạo nên một trải nghiệm rất khó quên với Long.

Cẩm Thúy

 


Các tin cùng chuyên mục