CEO Mai Kiều Liên: “Tôi thích số 1”


Sau rất nhiều giải thưởng, danh hiệu danh giá đã đạt được, mới đây, CEO Mai Kiều Liên là đại diện duy nhất của Việt Nam lọt vào top 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á do Tạp chí Forber bầu chọn. Không ai có thể phủ nhận chị là nữ doanh nhân thành đạt, nếu không nói là một trong những nữ doanh nhân thành đạt nhất Việt Nam. Nhưng có lẽ còn có rất nhiều điều thú vị về Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vinamilk mà không phải ai cũng biết…

Lối rẽ tình cờ của số phận

Tôi lớn lên trong thời kỳ nhân dân cả nước đang tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, bảo vệ nền độc lập. Thuở nhỏ, tôi từng nuôi ước mơ trở thành bác sĩ như cha mẹ mình, có khi, lại muốn trở thành kỹ sư xây dựng. Nhưng, cả hai ước mơ đó đều không thành sự thật. Tốt nghiệp lớp 10, tôi được nhà nước cử đi học đại học tại Liên Xô cũ theo diện Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam, ngành công nghiệp chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa. Lúc đó không có sự lựa chọn mà theo sự phân công. Một sự phân công nhưng đã làm nên bước ngoặt trong cuộc đời, thành sự nghiệp cả cuộc đời tôi.

Sau khi trở thành doanh nhân, ước mơ của tôi cũng thay đổi. Lúc này, ước mơ lớn nhất của tôi là góp phần giảm suy dinh dưỡng của trẻ em Việt Nam, xây dựng vùng nguyên liệu bò sữa, thực hiện thành công cuộc “Cách mạng trắng” ở Việt Nam và đưa Công ty sữa Việt Nam lớn mạnh về quy mô ngang tầm với các công ty sữa trong khu vực cũng như thế giới .

Một nửa còn lại của giấc mơ

Có một doanh nhân nói rất hay rằng, xuất phát điểm của mỗi con người nên bắt đầu từ một giấc mơ. Và cuộc sống chính là quá trình nỗ lực biến giấc mơ thành hiện thực. Cho tới nay, tôi tự thấy mình mới đạt được 50% giấc mơ doanh nhân của mình mà thôi. Nửa còn lại, tôi xin nhường cho thế hệ trẻ tiếp tục thực hiện.

mai kieu lien CEO Mai Kiều Liên: Tôi thích số 1

Tôi là người lạc quan

Thông thường, mọi người thường nghĩ, thất bại là cha đẻ của thành công, trên con đường tới giấc mơ, không thể không có những trở ngại thử thách lòng người, thậm chí, còn có những thất bại cay đắng. Có thể tôi là người lạc quan, nên tôi chưa từng cảm thấy thất bại cay đắng nào, chỉ thấy trên con đường mình đi có rất nhiều khó khăn trở ngại mà mình phải vượt qua. Và sau mỗi lần vượt qua tôi lại thấy mình lạc quan hơn nữa. Có lẽ lạc quan cũng là một trong những phẩm chất mà một doanh nhân cần có chăng, để không bao giờ nản lòng nhụt chí trước mọi thử thách?

Kinh nghiệm rút ra sau mỗi lần vượt qua thử thách

Kinh nghiệm của tôi là không được để tình cảm lấn át lý trí khi giải quyết công việc vì có thể khi mình nhân nhượng với một người cả tập thể sau đó sẽ phải gánh chịu hậu quả.

 Trong kinh doanh, cần có cả hai yếu tố May và Khôn

 Kinh doanh luôn cần một cái đầu tỉnh táo, cần kiến thức vững vàng, cần sự khôn ngoan để biết chọn kẽ hở, biết tránh cạm bẫy, biết nắm bắt thời cơ… nhưng để thành công thì cũng cần thêm một chút may mắn. Và tôi, có lẽ, cũng đã có cả hai.

Hãy là số 1 trong lĩnh vực mà mình theo đuổi

Những năm gần đây, Vinamilk chiếm trên 50% thị phần sữa tại Việt Nam, hơn thế, còn liên tục đứng thứ nhất trong danh sách top 10 sản phẩm được ưa chuộng hàng đầu thì đương nhiên Vinamilk là số 1. Chúng tôi luôn tự hào vì điều đó, một niềm tự hào rất Việt về hàng hoá, thương hiệu Việt.

Dĩ nhiên, tôi rất thích số 1

Tôi thích số 1. Để đạt được số 1 phải làm việc hết sức mình với trách nhiệm cao nhất. Đó cũng là giá trị của con người đối với xã hội. Mỗi khoảnh khắc sống, tôi đều nghĩ đến lợi ích của công ty. Nhưng, mỗi khoảnh khắc sống trên thương trường, tôi lại không thường nghĩ về số 1. Điều khiến tôi bận tâm nhất, nghĩ đến nhiều nhất, là làm sao để hài hòa lợi ích của Nhà nước và của công ty. Dù rằng tôi rất thích và sẽ phấn đấu cùng cả tập thể này giữ vững vị trí số 1 mà Vinamilk đã đạt được.

Kinh doanh, với tôi, có ý nghĩa là để phục vụ

 Với tôi kinh doanh là để phục vụ, không hoàn toàn vì lợi nhuận hay niềm đam mê của bản thân.

mai kieu lien 2 CEO Mai Kiều Liên: Tôi thích số 1

Lời khuyên cho các nữ doanh nhân

 Một người phụ nữ, khi bước chân vào “con đường gian khó” này, cần chuẩn bị cho mình một tinh thần thép, sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn, trực diện với nó để tìm ra những giải pháp giải quyết hiệu quả. Những khó khăn mà phụ nữ là doanh nhân thường gặp phải đó là phải hài hòa công việc và gia đình, sau đó là khả năng giao tiếp. Các doanh nhân nữ cần vượt qua bản tính rụt rè, khiêm nhường muôn thưở đã thành phẩm chất có tính truyền thống của phụ nữ Việt Nam. Bù lại, các nữ doanh nhân có thuận lợi cơ bản là chu đáo, chi tiết, lo xa, cẩn trọng ít mạo hiểm nên tránh được rủi ro cao trong kinh doanh.

 Và cuối cùng, bài học xây dựng thương hiệu

 Thương hiệu là vấn đề được đánh giá có tính sống còn đối với sự tồn tại của một doanh nghiệp. Là một trong những thương hiệu sữa hàng đầu của Việt Nam, kinh nghiệm của Vinamilk là luôn sáng tạo, luôn đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng. Tôi luôn có niềm tin vào hàng Việt Nam chất lượng cao cả về chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Về tổng quan, để có thế xây dựng nên một thương hiệu chung cho hàng made in Vietnam, tôi nghĩ chúng ta cần xây dựng được một chiến lược Marketing có chiều sâu và chuyên nghiệp. Đây là điều mà doanh nghiệp Việt Nam còn thiếu và yếu.

 

Lê Chi (ghi)

 


Các tin cùng chuyên mục