400 tỷ phú giàu nhất hành tinh đã “nghèo” đi sau 2015


Theo xếp hạng tỷ phú Bloomberg Billionaires Index, nhóm “đại gia” này đã chứng kiến tổng giá trị tài sản ròng của họ sụt giảm 19 tỷ USD trong năm nay, đánh dấu năm đầu tiên đi xuống kể từ khi xếp hạng được thực hiện vào 2012. Nguyên nhân chính dẫn tới sự mất mát tài sản này là giá hàng hóa cơ bản sụt giảm và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư toàn cầu hoảng loạn.

Sau khi tăng mạnh vào nửa đầu năm, thị trường chứng khoán thế giới đã chuyển sang giảm mạnh vào nửa sau của năm. Tính đến cuối phiên giao dịch ngày 28/12, chỉ số MSCI All Country World Index của thị trường chứng khoán toàn cầu giảm 3,8% so với cuối năm ngoái.
Tuy có một năm thất thoát tài sản, nhóm 400 người giàu nhất thế giới vẫn là chủ nhân của khối tài sản 3,9 nghìn tỷ USD, lớn hơn GDP của bất kỳ quốc gia nào trừ Mỹ, Trung Quốc, và Nhật Bản. Vào lúc đỉnh điểm hôm 18/5, nhóm tỷ phú này nắm tổng cộng 4,3 nghìn tỷ USD tài sản.
ty phu 400 tỷ phú giàu nhất hành tinh đã nghèo đi sau 2015

Warren Buffett (trái) và Bill Gates (phải) đã ngèo đi một chút sau 2015

Tỷ phú Trung Quốc và Nga
Các tỷ phú Trung Quốc là những người chứng kiến tài sản biến động mạnh nhất trong năm 2015. Vào ngày 1/1/2015, 23 tỷ phú Trung Quốc có tên trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới nắm tổng cộng 205 tỷ USD. Hôm 27/5, số tỷ phú Trung Quốc trong danh sách này tăng lên 31, với 348 tỷ USD.
Đến ngày 28/12, còn 28 tỷ phú Trung Quốc góp mặt trong danh sách, với tổng tài sản đạt 256 tỷ USD.
Khi thị trường tăng điểm mạnh vào đầu năm, Trung Quốc thực sự là một “lò” sản sinh tỷ phú. Trong 6 tháng đầu năm, nước này có thêm hơn 50 tỷ phú mới. Nhưng đến tháng 7, bong bóng chứng khoán Trung Quốc vỡ tung. Trong số 50 tỷ phú Trung Quốc mới xuất hiện trong nửa đầu năm, đến tháng 8, chỉ còn 19 người giữ được “ngôi” tỷ phú.
Các tỷ phú Nga cũng có một năm 2015 “đen đủi”. Giá dầu giảm sâu và lệnh trừng phạt của phương Tây khiến 19 tỷ phú Nga trong danh sách 400 người giàu nhất thế giới tính đến ngày 28/12 mất 8 tỷ USD trong năm nay. Năm ngoái, các tỷ phú Nga trong danh sách này mất 14 tỷ USD.
 
Tỷ phú công nghệ và hàng hóa
Công nghệ là lĩnh vực mà các tỷ phú “ăn nên làm ra” nhất trong năm nay.
44 tỷ phú công nghệ trong Bloomberg Billionaires Index chứng kiến tổng tài sản ròng tăng thêm 81 tỷ USD.
Trong đó, riêng tài sản của Bezos tăng 31 tỷ USD. Tài sản của Mark Zuckerberg, nhà sáng lập Facebook, tăng 12 tỷ USD, trong khi tài sản của Sergey Brin và Larry Page, hai nhà đồng sáng lập Google, tăng tổng cộng 20 tỷ USD.
Trái lại, các tỷ phú kim loại, năng lượng và khai mỏ có một năm đáng để quên. Giá hàng hóa cơ bản lao dốc đã khiến tài sản 31 tỷ phú các ngành này trong nhóm 400 tỷ phú sụt giảm 32 tỷ USD.
“Bà hoàng” khai mỏ Gina Rinehart, người giàu nhất Australia, bị thiệt hại hơn 1/4 giá trị tài sản ròng do giá quặng sắt giảm gần một nửa. Hiện bà Rinehart là người phụ nữ giàu thứ 10 thế giới, với khối tài sản khoảng 10 tỷ USD.
Tỷ phú Aliko Dangote, người giàu nhất châu Phi, có năm giảm tài sản thứ hai liên tục do giá dầu tụt dốc. Khối tài sản của ông hiện còn khoảng 14 tỷ USD, bằng một nửa so với đỉnh cao vào tháng 1/2004.
Tỷ phú “mất” và “được” nhiều nhất
Năm 2015, không một tỷ phú nào mất nhiều tiền như “trùm” viễn thông người Mexico Carlos Slim. Giá cổ phiếu tập đoàn America Movil sụt 25% trong năm, do Chính phủ Mexico đẩy mạnh nỗ lực phá vỡ thế độc quyền viễn thông, khiến Slim mất gần 20 tỷ USD giá trị tài sản ròng. Là người giàu nhất thế giới gần đây nhất vào tháng 5/2013, hiện vị tỷ phú này đã tụt xuống vị trí thứ 5.
Nhà đầu tư huyền thoại người Mỹ Warren Buffett, người giàu thứ ba thế giới, cũng mất 11,3 tỷ USD khi tập đoàn Berkshire Hathaway của ông có một năm làm ăn không được tốt, đặc biệt tại các công ty con thuộc lĩnh vực vận tải và công nghiệp.
Người giàu nhất thế giới từ tháng 5/2013, nhà sáng lập hãng phần mềm Microsoft Bill Gates, mất 3 tỷ USD trong năm nay.
Tài sản của Bill Gates hiện chỉ lớn hơn 10 tỷ USD so với tài sản của người giàu thứ nhì thế giới, là tỷ phú người Tây Ban Nha Amancio Ortega, ông chủ thương hiệu Zara. Năm nay, Ortega lần lượt “soán ngôi” Slim và Buffett trên bảng xếp hạng tỷ phú nhờ khối tài sản ròng tăng 12,1 tỷ USD.
Tỷ phú “kiếm tiền” nhiều nhất năm nay là Jeff Bezos, nhà sáng lập hãng bán lẻ Amazon.com. Khối tài sản của Bezos tăng hơn gấp đôi, đạt mức 59 tỷ USD nhờ lợi nhuận khả quan của Amazon. Nhờ đó, tỷ phú này chiếm vị trí thứ 4 trong xếp hạng, từ vị trí thứ 16 cách đây 1 năm.
5 tỷ phú của nhà Walton – gia tộc nắm giữ hãng bán lẻ lớn nhất thế giới – mất tổng cộng 35 tỷ USD trong năm nay.
Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán và hàng hóa toàn cầu khiến 49 người tuột khỏi xếp hạng 400 người giàu nhất hành tinh của Bloomberg. Trong số này có Ivan Glasenberg, Giám đốc điều hành (CEO) hãng khai mỏ Glencore, và Wang Jing, “đại gia” viễn thông Trung Quốc đầu tư 500 triệu USD tiền túi để giúp Nicaragua xây kênh đào cạnh tranh với Panama.
Theo VnEconomy/Bloomberg

Các tin cùng chuyên mục