Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 chỉ mới vào giai đoạn đầu nhưng không khí đã vô cùng sôi động qua các cuộc tranh luận để tìm ứng cử viên của hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, trong đó dư luận chú ý nhiều đến một nhân vật gây tranh cãi của đảng Cộng hòa là tỉ phú Donald Trump.
Ứng cử viên sáng giá?
Donald Trump, với tài sản 4 tỉ USD, là một trong những nhà kinh doanh bất động sản nổi tiếng nhất nước Mỹ, đồng thời cũng là một ngôi sao truyền hình trực tuyến và giờ đây là ứng viên tổng thống. Trong những kỳ bầu cử trước đây, Donald Trump đã có ít nhất ba lần tuyên bố ứng cử tổng thống Mỹ nhưng rồi không tiến hành ý định ấy và đến năm nay, ở tuổi 69, ông mới chính thức nhập cuộc.
Từ 1990, Trump đã từng tuyên bố: “Tôi không muốn làm tổng thống, chắc chắn 100% là như thế. Tôi sẽ chỉ có thể đổi ý nếu thấy rằng đất nước này tiếp tục tụt dốc”. Một phát biểu không lấy gì làm nghiêm chỉnh mà có người nhận xét đó chỉ như một màn trình diễn trên sân khấu cuộc thi hoa hậu “Miss America” quen thuộc của ông. Bây giờ khẩu hiệu tranh cử của ông, không có gì mới nhưng đã xin cầu chứng bản quyền, là “Làm cho nước Mỹ lớn mạnh lại”.
Cuộc tranh luận ngày 6-8 ở Cleveland, bang Ohio, là cột mốc đánh dấu thành tích đầu tiên của Trump trong vòng bầu cử sơ bộ. Trump khống chế toàn cuộc tranh luận ấy, vượt hẳn các đối thủ. Những người tấn công ông ta, từ Chris Christie – Thống đốc New Jersey đến Rand Paul – Thượng nghị sĩ Kentucky đều không thành công bao nhiêu và chỉ làm cho Trump nổi bật lên. Những người đã dự tính tránh tranh luận vô ích với Trump, như cựu Thống đốc Jeb Bush – bang Texas, cuối cùng vẫn bị kéo vào cuộc và không tạo nên kết quả gì.
Điểm độc đáo khiến Donald Trump nổi tiếng mà không cần quảng cáo là sẵn sàng dùng lời lẽ đụng chạm với tất cả mọi người.
Ông phủ nhận John McCain là một anh hùng và nói rằng “Ông ta là anh hùng chiến tranh bởi vì ông ta đã bị bắt. Tôi thích những người không bị bắt”. Trump gây sự với Lindsey Graham, Thượng nghị sĩ South Carolina.
Là một người của công chúng, Trump vi phạm hầu như tất cả những chuẩn mực thông thường của bất cứ một cá nhân nào khi giao tiếp với đám đông. Đối với một chính trị gia, hơn nữa, một chính trị gia đang muốn làm tổng thống của cường quốc số một trên thế giới, vi phạm đó lại càng trầm trọng. Đã thế, vi phạm ở đây không do lỡ lời, bất cẩn hay ngu dốt, mà hoàn toàn được chuẩn bị và có chủ ý ngay từ đầu.
Báo Huffington Post đã đưa các bản tin liên quan đến ứng cử viên Donald Trump vào mục giải trí thay vì tin thời sự. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, khi điểm thăm dò dư luận của ông lên cao một cách bất ngờ, thậm chí khó hiểu. Trump bỗng trở thành một con người khác, đang được thừa nhận là một ứng cử viên sáng giá của đảng Cộng hòa và khiến nhiều người hoang mang: biết đâu vào thời điểm này năm sau, nước Mỹ sẽ có một tổng thống tên là Donald Trump ăn nói bổ báng và bất chấp dư luận.
Hội chứng Trump
Từ chỗ là một hiện tượng bất thường, Trump trở thành một sự kiện hấp dẫn trong mùa tranh cử tại Mỹ. Từ chỗ là một nhân vật phi chính trị, hài hước, dở hơi, ông trở thành một ứng cử viên được tín nhiệm cao trong các cuộc thăm dò và thật nhanh chóng, ông đã biến các chính trị gia sừng sỏ khác của đảng Cộng hòa thành bóng mờ trong giai đoạn mở đầu tranh luận. Ông được sự ủng hộ khá cuồng nhiệt của một số đông đảo quần chúng, đến nỗi nhà báo Melanie Tannenbaum gọi là “hội chứng nghiện Trump” (Trump-mania).
Khác với cách ăn nói thận trọng của các chính trị gia luôn tránh đưa ra những nhận xét nhạy cảm và dễ bị suy diễn như là phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, chê bai tuổi già, xúc phạm đến niềm tin tôn giáo…, thì Donald Trump hoàn toàn ngược lại.
Trước hết, ông không ngại đụng chạm đến vấn đề chủng tộc. Vừa tuyên bố ra tranh cử tổng thống, Trump đề cập ngay đến vấn đề di dân bất hợp pháp mà Hoa Kỳ đang phải đối phó. Thay vì nói quanh co, ông thẳng thừng lên án những di dân bất hợp pháp từ Mexico chỉ “mang vào xứ sở này ma túy, tội phạm, hiếp dâm”.
Không những tấn công di dân Mỹ la tinh, ông còn tấn công cộng đồng Á châu bằng cách bêu riếu cách nói tiếng Anh của người Trung Quốc và Nhật. Trong khi đi vận động ở tiểu bang Iowa vào ngày 25-8, nói về chuyện thương thuyết với người Nhật, người Trung Quốc, ông chê họ là những người chỉ biết đi tìm kiếm lợi nhuận qua các hợp đồng chứ chẳng có chút lịch sự tối thiểu nào.
Sẵn sàng xúc phạm bất cứ ai
Chưa hết, Trump tấn công cả phụ nữ. Ông chỉ trích không thương tiếc, thậm chí sỉ nhục người điều phối viên của đài Fox News, Megyn Kelly, khi bà này đưa ra một câu hỏi khó với Trump.
Trong một lần phỏng vấn khác với tạp chí Rolling Stone, Trump lại sỉ nhục một phụ nữ khác, ứng cử viên cùng đảng Cộng hòa là bà Carly Fiorina, khi cho rằng cái “bản mặt” của bà này chẳng có ai bầu và chẳng có thể là tổng thống của nước Mỹ.
Trump còn chế giễu một ứng cử viên Cộng hòa gốc Ấn Độ là Bobby Jindal khi cho rằng nhân vật này không đáng được ông ta nói chuyện vì chỉ chiếm chưa tới 1% trong các cuộc thăm dò dư luận. Ông phê phán cả Karl Rove, một nhân vật có thế lực của đảng Cộng hòa và là người đã từng đưa George Bush (Bush con) lên làm tổng thống hai nhiệm kỳ.
Đặc biệt, Trump chống cả truyền thông vốn là một thế lực có ảnh hưởng trong các cuộc bầu cử ở Mỹ. Chẳng hạn như trong một cuộc họp báo hồi cuối tháng 8, ông thẳng thừng đuổi ký giả Jorge Ramos của đài truyền hình Univision ra khỏi phòng vì nhà báo này đã phê phán chính sách di dân của Trump. Ông mắng: “Cút về cái đài Univision của ông đi”.
Một lần khác, tại cuộc tập hợp đông đảo quần chúng ủng hộ ở Dallas, Trump gọi bình luận gia George Will của tờ Washington Post là một “tai họa”, gọi chung những bình luận gia là “một đám thua cuộc”.
Mỗi lần xuất hiện, Trump sẵn sàng bêu riếu đối thủ hay những người chỉ trích và có khi đốp chát với người phỏng vấn mình. Nhiều phát biểu ứng khẩu của ông gây sửng sốt cho người nghe. Ông không ngần ngại lột trần sự thật về những đề tài vốn được các chính trị gia khôn ngoan tìm cách tránh né. Nói cách khác, ông ta nói những điều vốn không được trông đợi ở một chính trị gia chuyên nghiệp.
Đúng là truyền thông đã biến một nhân vật phản diện thành chính diện. Có vẻ như Trump vừa là nạn nhân mà cũng vừa là sản phẩm của truyền thông. Phải chăng, chống truyền thông cũng là một cách truyền đi những thông điệp mà ông cho là có hiệu quả.
Trong một cuộc thăm dò dư luận do Trường Đại học Suffolk thực hiện cho tờUSA Today hôm 30-9, người ta được yêu cầu hãy diễn tả Trump bằng một từ duy nhất. Kết quả là Trump được gán cho những từ như xuẩn ngốc (idiot), kiêu ngạo (arrogant), gàn dở (nut), hề (clown), ích kỷ (selfish), đại ngôn (pompous), to mồm (big mouth), kỳ thị (racist), thô lỗ (rude)… Chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ, chừng 10%, là đánh giá có tính tích cực hay khen ngợi như: thông minh, đáng tin cậy, thẳng thắn… Nhưng dường như Trump chẳng hề quan tâm. Và qua các cuộc thăm dò dư luận khác sau đó, điểm của Trump vẫn cao và ông vẫn tiếp tục dẫn đầu, bỏ xa các ứng cử viên khác của đảng Cộng hòa.
Nói cách khác, hiện tượng Donald Trump không nằm ở bản thân ông mà nằm ở hàng chục triệu người đang nhiệt tình ủng hộ ông ta đến mức có người cho rằng nếu cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ diễn ra ngay bây giờ, biết đâu Donald Trump sẽ thắng cử.
Trang web vận động tranh cử cho Donald Trump hết sức phấn chấn vì ông dẫn điểm so với các ứng viên ăn nói chững chạc, nghiêm túc và “phải đạo”. Trump đang nhận được số phần trăm ủng hộ trên hẳn Jeb Bush và bỏ xa các ứng viên còn lại của đảng Cộng hòa. Và có vẻ như ông chẳng sợ gì trước và trong các cuộc tranh luận công khai.
Nhưng dù ông đã làm tung tóe cả sân chơi tranh cử của đảng Cộng hòa và lộ ra những điểm gây khó chịu cho chiến dịch vận động 2016, câu hỏi đặt ra là liệu ông có thể tham gia cuộc chạy đua cho đến phút cuối cùng hay không.
Nhiều nhà bình luận vẫn chưa tiên đoán được điều gì xảy ra. Liệu có một lúc nào đó, khi đã khuấy động ồn ào không khí tranh cử ở Mỹ trong giai đoạn đầu, ông sẽ đột ngột tuyên bố rút lui khỏi đường chạy của đảng Cộng hòa nhường chỗ cho một ứng cử viên khác khi mặc cả được những lợi ích cụ thể theo quán tính suy nghĩ của một doanh nhân giàu kinh nghiệm.
Nhưng dù thế nào đi nữa thì ít ra Donald Trump cũng sẽ là người tạo nên những đợt sóng dư luận bất ngờ từ nay đến khi đảng Cộng hòa tìm được một ứng cử viên tổng thống xứng đáng với tầm cỡ nước Mỹ. Còn nếu Trump được chọn thì có lẽ đa số người dân Mỹ cũng khó chấp nhận một người lãnh đạo tối cao như ông ta.
Mười lăm năm trước đây, Trump khẳng định 100% không muốn làm tổng thống trừ khi ông thấy một nước Mỹ tuột dốc. Hiện nay nước Mỹ đang đi lên, nếu ông bỏ ý định làm chủ nhân Nhà Trắng thì cũng không có gì lạ!
Theo DNSG