Bà Phạm Thị Việt Nga: Chỉ sợ mình tự phá mình


Chuyện làm ăn, kinh doanh của bà Phạm Thị Việt Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Dược Hậu Giang bao giờ cũng bề bộn và sống động như chính tính cách con người miền Tây của bà.

chi so tu pha minh Bà Phạm Thị Việt Nga: Chỉ sợ mình tự phá mình

Bà thích câu chuyện bắt đầu từ vị trí Chủ tịch HĐQT của Dược Hậu Giang (DHG) hay Tiến sĩ Việt Nga? Vì sao?

Tôi thích cả hai, cái nào tôi cũng thích kể, vì đều là cuộc đời tôi. Kể về DHG thì kể ngày, kể đêm cũng không hết, vì DHG đã thành máu thịt của tôi rồi.

Bà là người vừa được tạp chí Forbes lựa chọn là một trong 50 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất châu Á. Nếu tự nhận xét thành tích của chính mình, bà sẽ nhận xét thế nào?

Tôi nghĩ thành tích lớn nhất là thu hút được anh em, cùng “hành quân”, cùng dốc sức; phát huy được trí tuệ, tài năng của những cộng sự. Nói theo “tâm linh”, trong thời gian qua tôi cũng làm nhiều việc, nhưng cũng có một chút may mắn.

Có điều gì đáng hối tiếc không?

Giá như mình có kiến thức nhiều hơn, có trình độ hơn thì anh em công ty đỡ cực hơn. Ví dụ như chiến dịch GMP, anh em làm rất cực. Nếu có kiến thức thì anh em cực bằng phân nửa thôi.

Vậy bằng tiến sĩ của bà giúp gì cho DHG?

Giúp nhiều lắm chứ. Ngay từ đầu tôi xác định học không phải vì cần bằng cấp mà vì nhu cầu làm cho DHG. Lúc đó là giám đốc, dược sĩ nhưng tôi không đọc được báo cáo tài chính. Ký tên trên vô số giấy tờ quan trọng mà không hiểu gì hết thì nguy, nên tôi đi học kinh tế để giúp công việc tốt hơn, bài bản hơn. Khi học thạc sĩ kinh tế, tôi chọn đề tài là “Cạnh tranh dược phẩm ở Việt Nam”, bắt tay vô nghiên cứu tôi mới nhận ra thế giới làm quá nhiều chiến lược về dược phẩm! Vì thế, thạc sĩ cũng chưa đủ, tôi lại quyết tâm học tiếp và đề tài nghiên cứu lấy bằng tiến sĩ cũng chính là “Cạnh tranh dược phẩm ở Việt Nam”. Tôi học tới đâu là DHG áp dụng tới đó. DHG lớn lên trên nền tảng kiến thức ấy.

Người ta nói bà đã học, làm việc và đẩy vị thế cạnh tranh của DHG lên tới đỉnh cao. Nhưng DHG là công ty cổ phần, vậy đâu là “phần của mình”?

Lương của tôi ở đây cũng cao mà (cười)! Nói vậy chứ tôi thấy cuộc sống của tôi hiện tại tuy không giàu nhưng đầy đủ hơn nếu so với những người bạn cùng trang lứa trong kháng chiến. Thậm chí tôi thấy mình may mắn hơn những người bạn đã mất nhiều lắm, mà trong đó chắc chắn có người giỏi hơn mình.

Thứ hai, cái mình cần là được bạn bè quý mến, mọi người tôn trọng. Tôi đi chợ, đi tập thể dục buổi sáng, bà con nói “mới đọc thấy cô trên báo”, nghe thiệt là vui. Mọi người nhớ tới mình coi như được vinh danh lâu bền rồi. Nhiều người giàu có nhưng không có hoặc khó kiếm được những điều như vậy.

Sau những trải nghiệm ấn tượng của DHG, tuổi tác có khiến bà dừng lại hoặc ít nhất cũng giảm tốc độ?

DHG không dừng lại vì đã có lớp cán bộ kế thừa. Ban giám đốc điều hành từng làm việc với tôi từ 10 đến 20 năm nay rồi. Họ cũng “máu lửa” như mình. Khi ai cũng có lửa trong mình rồi thì dập sao được! Tôi không nghĩ là mai mốt, khi không còn làm Chủ tịch HĐQT, thôi làm tư vấn thì tôi và DHG không còn liên hệ gì nữa. Trái lại, tôi vẫn sẽ dõi theo, vẫn hiến kế, vì cả cuộc đời 62 tuổi, hết 40 năm ở ngành dược, 30 năm ở DHG rồi. DHG giống như máu thịt của tôi. Nếu cần, tôi sẽ đi nói chuyện với thanh niên về truyền thống DHG. Truyền lửa cho mọi người thì cực tới đâu cũng phải làm.

Người Cần Thơ nói bà có duyên với sư phạm nên đã mở trường mầm non. Người ta cũng nói bà mở trung tâm huấn luyện nhân viên theo chiều sâu để gia tăng “công lực” trong lĩnh vực phân phối thuốc, không chỉ trong nước mà với cả công ty nước ngoài. Có phải vậy không?

Đúng, tôi có trường mầm non Mặt trời nhỏ, vì truyền thống bên ngoại của tôi lớn lên bằng nghề sư phạm. Mấy cậu ruột tôi đều là nhà giáo. Đã từ lâu, tôi ấp ủ mong muốn xây dựng một mái trường cho trẻ con học với nội dung như trường quốc tế nhưng chi phí phù hợp nhất, bởi vì đi học trường nước ngoài thì quá trời chi phí, ít phụ huynh chịu nổi. Có một lần tôi nói với lãnh đạo thành phố Cần Thơ rằng, có người bỏ Cần Thơ đi vì muốn ôm con lên Sài Gòn học thôi. Mà lớn tuổi rồi, tôi cũng thích nhìn cả trăm đứa trẻ khoanh tay lại “thưa bà”…

Còn trung tâm huấn luyện nhân viên là do mỗi năm DHG đều tổ chức huấn luyện nhân viên một lần, trước đây phải thuê người huấn luyện. Tôi đã đi tìm hiểu những trung tâm huấn luyện tương tự của thế giới, tham quan một trung tâm của Nhật rồi về xây dựng trung tâm huấn luyện, tới nay gần hoàn thành rồi. Hy vọng đó sẽ là nơi giáo dục, chia sẻ những trải nghiệm cuộc đời để những thế hệ doanh nhân mới lớn lên được trang bị tốt cả kiến thức lẫn kinh nghiệm.

Còn một việc nữa tôi cũng bỏ nhiều tâm huyết, đó là tổ chức hệ thống phân phối, đó là chiến lược kinh doanh. DHG hoạt động trên địa bàn cả nước nhưng lúc trước chỉ bán sản phẩm của mình làm ra thôi. Bây giờ cũng con người đó, cũng kho bãi đó, tiếp tục tìm nhiều nguồn hàng nữa để khi khách hàng đến đáp ứng được mọi nhu cầu. Đó cũng là cách tăng doanh thu cho DHG và đem đến sự tiện lợi cho người mua hàng. Nhưng nguyên tắc của chúng tôi là hàng nào đối tác đồng ý cho độc quyền khai thác mới làm chứ không mua lung tung.

DHG có vận hành như một tập đoàn không, thưa bà?

Bình thường tôi cũng gọi nôm na là công ty mẹ, công ty con vì DHG có 9 công ty con rồi, nhưng mấy từ “tập đoàn” làm mình… bị ấn tượng! Hồi trước, công ty nhỏ cũng muốn tự xưng tập đoàn – tập đoàn bán nước mía (cười). Còn tập đoàn lớn, lưng vốn tính bằng hàng chục, hàng trăm ngàn tỷ đồng thì giờ lại lỗ lã… Biết bao nhiêu chuyện, thôi thì ai gọi sao cũng được, miễn là làm được việc.

Bà có nghĩ rằng sau khi chuyển giao quyền lực, thế hệ lãnh đạo mới ở DHG sẽ tạo ra “dấu ấn” riêng, chưa chắc đã đi theo con đường mà bà đã chọn?

Cho tới giờ này ban điều hành mới vẫn tôn trọng nền tảng có sẵn. DHG có tầm nhìn, sứ mạng, giá trị cốt lõi, văn hóa công ty thấm vô máu thịt, muốn lệch cũng không được vì sẽ bị “chỏi” liền! Có thể sau này có những người mới hoàn toàn tham gia lãnh đạo, tôi chỉ lo họ không hiểu tận tường về DHG thôi, chứ như đội ngũ của DHG bây giờ thì không bao giờ lệch được!

Vậy nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần DHG và tỷ lệ vốn ngoại sẽ lớn lên thì sao?

Tôi cũng nghĩ tới điều này. Vấn đề không phải ai là chủ mà là chiến lược phát triển như thế nào. Nếu nhà đầu tư là công ty thuộc ngành dược thì không đáng lo ngại lắm, vì họ có thể tiếp tục đầu tư cho khoa học. Nhưng nếu là nhà tài chính thuần túy thì phải coi chừng việc họ chỉ lo đi kiếm tiền thôi. Ngành này ảnh hưởng sức khỏe của người dân, rất cần có tấm lòng. Đặc biệt với DHG, yêu cầu này càng được đặt lên hàng đầu.

Bà lo ngại rằng cơ chế tài chính phá vỡ cấu trúc nhân văn của DHG sao?

Thực ra ai vận dụng bài bản kiến thức kinh tế và triết lý của ngành dược thì không e ngại việc mất đi giá trị nhân văn. Vấn đề là cái tâm của người làm trong ngành dược, chỉ sợ tự mình làm hỏng chính mình!

Bà hiện đang gánh vác quá nhiều việc: Chủ tịch HĐQT, giảng viên, hiệu trưởng trường mầm non… Việc gì cũng có lợi cho xã hội, nhưng ưu tiên của bà là gì?

Tôi chọn làm hai người thầy: thầy giáo và thầy thuốc. Tôi vẫn muốn làm gì đó để lớp trẻ yêu mến ngành dược. Làm sao để những người kế cận mình cũng gắn bó máu thịt với DHG và làm cho nó phát triển hoài.

Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

Hoàng Lan – DNO


Các tin cùng chuyên mục