Lê Phước Vũ: Tự tạo cuộc chơi cho chính mình


Đầu năm xông đất doanh nhân Lê Phước Vũ, Chủ tịch Diễn đàn Việt Nam – Ấn Độ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Hoa Sen Group, mạn đàm về dự cảm kinh doanh 2013.

le phuoc vu Lê Phước Vũ: Tự tạo cuộc chơi cho chính mình

Chia sẻ với cộng đồng không cần “được”

Thưa ông, Tết Quý Tỵ với ông chắc hẳn nhiều niềm vui khi Hoa Sen là doanh nghiệp khá hiếm hoi “lội ngược dòng” thành công?

Năm 2012 khép lại với rất nhiều niềm vui đối với Hoa Sen. Đây có thể nói là năm Hoa Sen đã có một vụ mùa bội thu trong khi nền kinh tế nhìn chung vẫn trì trệ, đồng thời nhu cầu sử dụng sản phẩm tôn thép và thép giảm sút khiến hàng tồn kho của doanh nghiệp (DN) rất lớn và nhiều DN đã phải thu hẹp và tạm ngừng sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tại niên độ tài chính 2011 – 2012, Hoa Sen đạt doanh thu 10.088 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 368 tỷ đồng, tăng lần lượt 24% và 130% so với 8.166 tỷ đồng doanh thu và 160 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế của niên độ tài chính trước đó. Có thể nói, đó là kết quả rất ngoạn mục, khi thế giới bị rơi vào khủng hoảng tài chính – tiền tệ, kinh tế suy thoái, trì trệ trong nhiều năm, còn kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Dù vậy chúng tôi vẫn đứng vững, không những vậy còn tiếp tục tăng trưởng, đầu tư.

Câu chuyện lương thưởng Tết này ám ảnh nhiều người lao động. Với cán bộ công nhân viên của Hoa Sen, cái Tết năm nay có “ấm”?

Năm nay toàn bộ đội ngũ cán bộ công nhân viên của Hoa Sen đều được tăng thu nhập, thưởng qua lương và mức thưởng khá tốt.

Còn bản thân, ông có tự thưởng cho mình phần thưởng nào đó thật đặc biệt?

Tôi tự thưởng cho mình một cái Tết thật ấm áp, chia vui với cộng đồng. Thực tế, với các hoạt động cộng đồng, Hoa Sen đều đã và đang thực hiện rất nhiệt tình, tích cực và thành tâm trong suốt những năm qua. Đặc biệt năm nay, chúng tôi tiếp tục tổ chức chương trình Mái ấm gia đình Việt – chương trình vui Xuân đón Tết cho 1.500 trẻ em tại các mái ấm, nhà mở và các trường giáo dưỡng tại TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Đây là năm thứ tư chúng tôi tổ chức chương trình Mái ấm Gia đình Việt. Năm nay chương trình được tổ chức vui hơn, đầy đủ hơn. Các em được đón giao thừa, được ăn ngon, mặc đẹp, được phong bao lì xì và được quà, được trở thành nhân vật chính của chương trình, có một sân chơi thực sự để quên đi điều không vui trong cuộc sống… Qua đó, các em có động lực phấn đấu vượt qua khó khăn, có niềm vui hơn trong cuộc sống khi Tết đến, Xuân sang.

Tôi rất muốn được hỏi một câu thành thật là qua những chương trình sẻ chia trách nhiệm với cộng đồng như vậy, ông và Hoa Sen được gì?

Chúng tôi hoạt động cộng đồng không vì “được”. Chúng tôi thấy mình có trách nhiệm và sự đồng cảm, chia sẻ với xã hội, với những người khó khăn thiếu thốn, đặc biệt là các em thiếu nhi. Trẻ em là thế hệ rất cần được quan tâm, chăm sóc, rất cần có mái ấm gia đình và rất đáng được hưởng hạnh phúc. Thế nhưng, các em lại không được như vậy mà phải tự kiếm sống. Rồi có những em đôi khi bị xã hội sợ hãi, coi thường, xa lánh, chẳng hạn như các em phạm pháp phải vào các trung tâm giáo dưỡng. Chúng tôi muốn mang đến một thông điệp, để các em tin tưởng xã hội vẫn luôn quan tâm đến các em và để các em trân trọng những tình cảm nhỏ bé nhưng thiêng liêng, như sợi dây tinh thần dẫn lối, có thể giúp các em vượt qua mặc cảm và hoàn cảnh.

Ông có được sự đồng thuận từ các cổ đông nước ngoài trong kế hoạch chi tiêu “mạnh tay” cho các hoạt động trách nhiệm xã hội – CSR?

Tôi nghĩ, mình luôn có những lựa chọn, trao đổi với các đối tác trước khi họ trở thành cổ đông. Bản thân Hoa Sen hiện tại đang có hai cổ đông lớn là quỹ đầu tư nước ngoài đang nắm tỷ lệ sở hữu trên 20% cổ phần. Nhưng các quỹ này đều đã biết Hoa Sen không chỉ là một tập đoàn kinh doanh tôn thép, mà còn là một tập đoàn có nhiều hoạt động cộng đồng, có một thương hiệu mạnh, thân thiện. Do vậy, hàng năm Đại hội đồng cổ đông đều nhất trí trích 1% lợi nhuận sau thuế để thực hiện các hoạt động từ thiện. Hiện nay Hoa Sen đã được công nhận là thương hiệu quốc gia, cũng là thương hiệu gắn với sự nhận biết đại chúng, gắn với mọi sự chia sẻ trách nhiệm xã hội, được sự tin yêu của người tiêu dùng, công chúng và đó trở thành sự tương tác lẫn nhau. Mọi người tin yêu, tín nhiệm, mua và dùng sản phẩm của Hoa Sen và Hoa Sen có điều kiện hơn để thực thi trách nhiệm xã hội cộng đồng.

Hướng đến kim ngạch xuất khẩu 250 triệu USD
694c6a870b9e17fc88103dfa2475e366 Lê Phước Vũ: Tự tạo cuộc chơi cho chính mình

Ở trong nước, Hoa Sen là một thương hiệu quốc gia và rất mạnh, nhưng ra nước thì sao thưa ông?

Tại thị trường Việt Nam, Hoa Sen đang chiếm hơn 40% thị phần tôn thép, trong khi các tập đoàn đa quốc gia và các tập đoàn khác mỗi doanh nghiệp chỉ chiếm chưa tới 10%, thậm chí có doanh nghiệp chỉ nắm vài ba phần trăm. Hiện nay, tại thị trường Đông Nam Á, chúng tôi cũng đã là nhà sản xuất tôn thép số 1. Ngoài ra, Hoa Sen còn xuất khẩu sản phẩm qua các thị trường khác như Trung Đông, Nam Phi, Mỹ. Hiện tại, chúng tôi cũng đã bắt đầu xuất khẩu sang châu Âu, Úc và các nước phát triển khác. Chúng tôi cũng đang nỗ lực để đẩy mạnh đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ – nhà máy sở hữu công nghệ tiên tiến và có công suất lớn nhất Đông Nam Á – qua đó nâng doanh số của Hoa Sen từ 500 triệu USD lên 1 tỷ USD và phấn đấu đạt lợi nhuận 500 – 1.000 tỷ đồng trong trong vòng 3 năm tới.

Với con đường có vẻ thẳng tiến như vậy, có rào cản nào khiến Hoa Sen phải tính toán lại?

Ra thị trường quốc tế tức là đã gia nhập một sân chơi lớn, phức tạp hơn nhiều. Có thể nói, mỗi một biến động của một quốc gia bất kỳ nào trên thế giới đều có thể ảnh hưởng, tác động tới chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp. Hiện nay chúng tôi đang đối mặt với hàng rào bảo hộ thương mại thông qua hình thức chống bán phá giá, được đề nghị từ các hiệp hội sản xuất tôn trong khối Đông Nam Á, mà chủ yếu từ một tập đoàn đa quốc gia. Tôi nghĩ, nếu việc bảo hộ này thực sự xảy ra thì đây là một động thái bảo hộ mậu dịch thái quá của chính phủ các nước. Chúng tôi đang nhờ sự hỗ trợ và can thiệp của Chính phủ Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao Việt Nam để nhận rõ được bản chất vấn đề, để làm sao năm 2015 – năm mà cộng đồng chung ASEAN hoàn toàn mở cửa – thì chúng ta có thể có một sân chơi dựa trên nguyên tắc của WTO cũng như của khối ASEAN, thực sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Chúng tôi tin, khi ta đúng, ta sẽ có cách thức, nỗ lực, sức mạnh và trí tuệ để vượt qua thách thức!

Không chỉ Hoa Sen bị kiện bán phá giá mặt hàng tôn thép mà ngay cả sản phẩm mắc áo bằng thép của một vài doanh nghiệp cũng bị kiện bán phá giá. Vậy ông có lời khuyên gì liên quan tới ứng xử của doanh nghiệp ngành thép nói chung?

Theo tôi, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn là khả năng tăng trưởng về xuất khẩu công nghiệp. Trước đây, đây là lợi thế của quốc gia khác. Hiện nay, cơ hội phát triển kinh tế Việt Nam theo mô hình “đàn sếu bay” (flying geese development model) đang đến, khi ở các nước phát triển, lợi thế cạnh tranh đang mất đi và chúng ta như những con chim non được hưởng các lợi thế, có đủ điều kiện để tăng trưởng xuất khẩu, nhất là về công nghiệp. Điều đương nhiên là khi doanh nghiệp ở các nước khác bị cạnh tranh bởi hàng nhập khẩu, họ sẽ cố gắng tìm ra các hàng rào bảo hộ dù hợp lý hay bất hợp lý để hạn chế hàng nhập khẩu. Vấn đề là chúng ta phải dựa trên luật của WTO, của ASEAN. Về nội bộ, chúng ta phải đảm bảo sự minh bạch, nắm phần đúng để khi cần đứng trước các điều tra chống bán phá giá, cung cấp được đầy đủ thông tin cho các cơ quan chức năng điều tra vụ việc ở các quốc gia.

Thời gian cho cơ hội bay theo đàn sếu đối với nền kinh tế Việt Nam, với những doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam, liệu có dài không? Hoa Sen đã chuẩn bị gì để tận dụng cơ hội này?

Đây không phải là vấn đề của riêng Hoa Sen mà của tất cả các doanh nghiệp, của cả nền kinh tế Việt Nam. Trong khủng hoảng chúng ta có đứng vững, có tạo được uy tín, có lựa chọn công nghệ tốt, đầu tư hợp lý, có khả năng quản trị doanh nghiệp, có khả năng đầu tư thương hiệu, xúc tiến thương mại tốt … hay không, tất cả đều phụ thuộc vào năng lực của từng doanh nghiệp. Tất nhiên, sự hỗ trợ của Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan xúc tiến thương mại… cũng rất quan trọng. Nhưng trước tiên vẫn là doanh nghiệp phải có nội lực, tự thân nỗ lực. Với tốc độ phát triển như hiện nay, Hoa Sen đủ bản lĩnh, tư duy để có một cách thức bay theo đàn sếu, nhập đàn một cách nhịp nhàng. Cơ hội luôn mở ra cho tất cả, nhưng doanh nghiệp đủ nội lực, sự chuẩn bị và cả tự tin sẽ luôn tận dụng cơ hội tốt hơn!

Táo bạo, tham vọng và trách nhiệm!

Nhìn lại một chút chặng đường đã qua, thực tế, Hoa Sen mới bước sang tuổi 11 mà đã dẫn đầu thị trường tôn thép Việt Nam. Ông có nghĩ Hoa Sen tăng trưởng nóng?

Trong 11 năm qua, nếu không nhìn ra cơ hội, đã không thể có Hoa Sen lớn mạnh và đứng đầu ngành tôn thép Việt Nam như ngày nay, càng không có một Hoa Sen không chỉ thắng trên sân nhà mà còn thắng các tập đoàn đa quốc gia trên sân khách ASEAN. Tôi nghĩ, đây không chỉ là niềm tự hào của riêng Hoa Sen mà còn là niềm tự hào của Việt Nam. Cũng có người cho rằng, tăng trưởng nóng sẽ dẫn đến rủi ro. Tôi không nghĩ như vậy. Tăng trưởng nóng mà vẫn giữ được sự phát triển bền vững và ổn định, đó mới là bài toán khó. Và chúng tôi có lời giải riêng. Đó là sự khác biệt, là bản lĩnh. 5 năm trong giai đoạn khủng hoảng, chúng tôi vẫn đứng vững và phát triển mạnh. Đó là nền tảng để Hoa Sen bước những bước cao hơn, xa hơn trong giai đoạn sau.

Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về sự khác biệt này?

Biết nắm bắt thời cơ, cơ hội, có ý chí và khả năng để biến những tham vọng thực tế thành hiện thực, đó là sự khác biệt của Hoa Sen!

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chọn phương thức tiến ra thị trường nước ngoài thông qua làm hàng gia công hoặc liên kết đầu tư với các doanh nghiệp các nước. Trong tương lai, Hoa Sen có tính đến chuyện lựa chọn những phương thức như vậy nhằm tránh những đối đầu, cạnh tranh, thậm chí có thể rút ngắn chặng đường trở thành thương hiệu quốc tế?

Tôi là một người thực tế. Tôi tin vào bản lĩnh tự tìm và tạo ra sân chơi của mình chứ không chơi cuộc chơi của người khác và tôi đã làm được điều đó.

Hiện tại Hoa Sen đang “cắm rễ” ở bao nhiêu thị trường, thưa ông?

Hầu hết các nước ASEAN đều mua hàng của chúng tôi. Nếu tính toàn bộ thị trường quốc tế thì có khoảng vài chục thị trường ở vài chục quốc gia đã nhập hàng của Hoa Sen. Nhưng chúng tôi vẫn sẽ tập trung khai thác thị trường ASEAN vì đây là thị trường lớn, chúng tôi có lợi thế ở ngay trong khu vực. Trong tương lai chúng tôi vẫn lấy sân nhà làm bệ phóng để khai phá các thị trường khác.

Vậy ông có dự định cụ thể gì cho chặng đường phía trước?

Mọi điều đều có thể xảy ra. Chúng tôi đang nỗ lực bồi dưỡng, đào tạo những thế hệ trẻ kế nhiệm và phát huy thành quả mà những người đi trước đã làm được. Hy vọng, trong bất kỳ giai đoạn nào Hoa Sen cũng sẽ vững vàng, là một tập thể làm ăn lành mạnh, nuôi sống hàng ngàn công nhân lao động, có đóng góp cho đất nước và là niềm tự hào của kinh tế Việt Nam.

Cuối cùng, đầu năm mới, ông có điều gì muốn được chia sẻ cùng các doanh nhân?
Đã là doanh nhân phải có “máu”, dám chấp nhận mạo hiểm để làm giàu cho mình và cộng đồng. Vấn đề là phải biết tạo động lực dựa trên tham vọng chứ đừng quá tham lam và phải sống có trách nhiệm. Tôi cho rằng, mỗi doanh nhân là một tướng quân trong nền kinh tế quốc gia, phải dựa trên quy mô của mình, căn cơ, bền vững, phải xông xáo, hoài bão, dám xông vào nơi thử thách, nắm bắt cơ hội để ra các quyết định táo bạo nhưng không quên nhiệm vụ chính là tạo ra sản phẩm, lợi ích cho xã hội và phải điều hành doanh nghiệp của mình dựa trên nguyên tắc có trách nhiệm. Được như vậy, tôi tin các doanh nhân sẽ thành công!

Cá nhân tôi có cả tham vọng lẫn sự tham lam, nhưng tôi biết dùng lý trí của mình để hạn chế sự tham lam và để tham vọng nhiều hơn. Tôi cũng không tư lợi mà luôn tạo ra lợi ích chung, vì lợi ích của nhiều người và chia sẻ cho cộng đồng. Nhờ đó mới có được một Hoa Sen vững mạnh và thẳng tiến như hôm nay!

Xin chúc ông cùng Hoa Sen một năm mới sức khỏe, thành công!

 

Trung Nhật – DNO

 


Các tin cùng chuyên mục