Xe nhập khẩu sẽ tăng giá?


Bộ tài chính vừa đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe nhập khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh của xe sản xuất trong nước. Với cách tính thuế mới, xe nhập khẩu nhất định tăng giá.

Bộ Tài chính vừa gửi tới đại diện các nhà nhập khẩu ô tô tại Việt Nam, đề nghị đóng góp ý kiến về dự thảo nghị định có sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, cụ thể là thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu và điều hòa nhiệt độ có công suất dưới 90.000 BTU.

Cách tính thuế TTĐB hiện tại:

Theo quy định hiện hành, đối với hàng hóa sản xuất trong nước:

Giá tính thuế TTĐB = giá bán của cơ sở sản xuất, bao gồm giá thành sản xuất (hay giá vốn) cộng (+) với chi phí bán hàng trong nước (chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành,… nếu có), cộng (+) với lãi của người nộp thuế.

Đối với hàng hóa nhập khẩu:

giá tính thuế TTĐB = giá tính thuế nhập khẩu (là giá thực tế phải trả tính đến cửa khẩu nhập đầu tiên hay còn gọi là giá C.I.F) cộng (+) với thuế nhập khẩu.

Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc hay ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cùng dung tích động cơ là như nhau và không có sự phân biệt.

Tuy nhiên, theo cách tính trên, thời điểm tính thuế đối với xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước khác nhau, nên tiền thuế của xe sản xuất, lắp ráp trong nước phải nộp cao hơn so với xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Từ trước tới nay, thời điểm đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xe nhập khẩu nguyên chiếc là ở ngay khâu nhập khẩu, tức là theo giá CIF có cước và phí bảo hiểm rồi nhân với thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, với xe lắp ráp trong nước, thời điểm tính tiêu thụ đặc biệt là khi bán ra cho đại lý.

Quy định trên được thực hiện ổn định trong nhiều năm qua và trong thực tế thực hiện không phát sinh vướng mắc.

Lập luận thay đổi cách tính thuế của bộ tài chính:

Trước bối cảnh cắt giảm thuế nhập khẩu về 0% đối với mặt hàng ô tô, điều hòa theo các cam kết quốc tế (theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN), Hiệp hội các nhà sản xuất, lắp ráp ô tô Việt Nam (VAMA), Hiệp hội cơ khí Việt Nam (VAMI), một số doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp điều hòa cho rằng giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu chưa bảo đảm công bằng với hàng sản xuất trong nước vì trong giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu không có chi phí bán hàng trong nước, lãi của cơ sở kinh doanh nhập khẩu.

Nếu tiếp tục duy trì quy định về giá tính thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi và điều hòa nhiệt độ có công suất dưới 90.000 BTU như hiện hành (với khác biệt về chi phí bán hàng trong nước) thì khi thuế nhập khẩu cắt giảm về mức 0% thì ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu sẽ càng có lợi thế cạnh tranh về giá hơn so với sản xuất, lắp ráp trong nước.

Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị để bảo hộ sản xuất trong nước thì cần thiết phải sửa đổi quy định về giá tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô và điều hòa để bảo đảm công bằng với hàng nhập khẩu.

Cách tính thuế TTĐB mới theo đề xuất của bộ Tài chính:

Vì những nguyên nhân trên, bộ Tài Chính đề xuất cách tính thuế TTĐB mới đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu bằng cách bổ sung quy định giá tính thuế TTĐB đối với ô tô dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu bao gồm cả chi phí bán hàng trong nước của nhà nhập khẩu thông qua việc thu thêm thuế TTĐB tại khâu nội địa khi nhà nhập khẩu ô tô bán ra.

Đồng thời, để hạn chế chuyển giá thông qua kê khai giảm giá tính thuế của nhà nhập khẩu dẫn đến số thuế TTĐB phải nộp âm thì dự thảo sẽ bổ sung quy định trường hợp số thuế TTĐB phải nộp ở khâu bán ra trong nước nhỏ hơn số thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu (số thuế TTĐB âm) thì nhà nhập khẩu chỉ được khấu trừ tương ứng với số thuế TTĐB tính được khi bán ra trong nước.

Việc xác định giá tính thuế TTĐB khi bán ra trong nước đối với cơ sở nhập khẩu được tính như cơ sở sản xuất hàng hóa chịu thuế TTĐB bán ra trong nước.

Như vậy, theo cách tính mới, thuế TTĐB cho xe dưới 24 chỗ ngồi nhập khẩu sẽ được tính dựa trên giá bán xe, chứ không dựa trên giá CIF + thuế Nhập khẩu như trước đây.

Tăng giá xe nhập khẩu:

Đề xuất cách tính thuế mới của Bộ Tài chính nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước và tăng tính cạnh tranh đối với ô tô sản xuất trong nước, bởi rõ ràng theo cách tính thuế mới, giá ô tô nhập khẩu dưới 24 chỗ ngồi sẽ tăng lên đáng kể. Ước tính, giá xe nhập khẩu có thể tăng thêm khoảng 5% so với hiện nay do thêm chi phí chi phí quản lý, đóng gói, quảng cáo, trưng bày, vận chuyển, bảo hành…

Việc này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp nhập khẩu ô tô nói riêng như Audi, BMW, Porsche, Renault, Subaru, Volkswagen, và còn ảnh hưởng tới các nhà sản xuất ô tô thuộc VAMA, bởi tất cả các đơn vị của VAMA ngoài lắp ráp, còn nhập khẩu xe vào phân phối tại thị trường Việt.

Hơn thế nữa, thời gian cho các nhà Nhập khẩu ô tô đóng góp ý kiến cũng quá gấp gáp. Trong văn bản hỏa tốc ký ngày 11/5/2015 gửi tới các doanh nghiệp liên quan, Bộ Tài chính đề nghị các đơn vị có ý kiến phản hồi trước ngày 20/5, để kịp trình Chính phủ trong tháng 6/2015, tức là chỉ 9 ngày. Rất nhiều doanh nghiệp nhẩu khẩu xe “như ngồi trên đống lửa” trước đề xuất mới này.

Theo Tri thức trẻ

 


Các tin cùng chuyên mục