VinaCapital Foundation và quỹ học bổng Vừ A Dính triển khai dự án Câu lạc bộ nữ sinh Hoa bản làng


Vừa qua, VinaCapital Foundation (VCF) phối hợp cùng Quỹ học bổng Vừ A Dính do bà Trương Mỹ Hoa – Nguyên Phó Chủ tịch Nước làm Chủ tịch Quỹ, ra mắt chương trình “Nền tảng học tương tác trực tuyến Câu lạc bộ nữ sinh Hoa bản làng” (e-BPGC) dành cho nữ sinh dân tộc thiểu số tại một số trường trung học phổ thông ở hai tỉnh Trà Vinh và Thái Nguyên.

Dự án e-BPGC sẽ trang bị cho các em nữ sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn các kiến thức quan trọng về tài chính, xã hội và các kỹ năng sống. Dự án được tài trợ bởi HSBC Việt Nam.

Các khách mời chụp ảnh cùng 60 em nữ sinh tại sự kiện 2 1 VinaCapital Foundation và quỹ học bổng Vừ A Dính triển khai dự án Câu lạc bộ nữ sinh Hoa bản làng

Từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, VCF phối hợp cùng Quỹ học bổng Vừ A Dính đã thực hiện thành công giai đoạn thể nghiệm chương trình CLB Nữ sinh Hoa bản làng cung cấp kiến thức về tài chính, sức khỏe sinh sản và tình dục, kỹ năng lãnh đạo và quyền hợp pháp cho 60 nữ sinh dân tộc thiểu số tại 2 trường trung học phổ thông tỉnh Thái Nguyên. Tiếp nối thành công từ chương trình thể nghiệm, VCF tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đồng hành của HSBC Việt Nam để thực hiện chương trình e-BPGC với mục tiêu nhân rộng mô hình tại các tỉnh thành trên cả nước. Sau 6 tháng xây dựng, phát triển và thử nghiệm. e-BPGC chính thức được công bố bởi VCF và Quỹ học bổng Vừ A Dính. Chương trình được thực hiện với sự đồng hành phụ trách đào tạo và hướng dẫn của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) và Trung tâm Sức khỏe Gia đình và Phát triển Cộng đồng (CFC Việt Nam).

Khoản tài trợ từ HSBC Việt Nam sẽ giúp chương trình xây dựng nền tảng học tương tác trực tuyến cho 11 trường trung học phổ thông tại tỉnh Trà Vinh và Thái Nguyên, nâng cao năng lực tài chính cho 2.530 nữ sinh dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Nền tảng sẽ được quảng bá thông qua các hội thảo giáo dục, tiếp cận khoảng 13.530 học sinh bao gồm cả học sinh nam.  

Chương trình e-BPGC sẽ cung cấp giáo dục về tài chính, sức khỏe tình dục và sinh sản, quyền hợp pháp và kỹ năng lãnh đạo cho nữ sinh trung học phổ thông người dân tộc thiểu số thông qua mô hình học tập kết hợp giữa hình thức sinh hoạt câu lạc bộ truyền thống và nền tảng học online tương thích với điện thoại thông minh và máy tính. Ngoài ra, một phòng học đa phương tiện được trang bị 1 máy tính xách tay, 1 màn hình trình chiếu và 1 hệ thống hội nghị trực tuyến tiêu chuẩn sẽ được lắp đặt tại các trường thành viên nhằm tạo thêm cơ hội học tập cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa.

Đào tạo năng lực tài chính là cấu phần trung tâm của chương trình được xây dựng đặc thù dành cho nữ sinh dân tộc thiểu số dựa trên văn hóa đặc trưng của địa phương, bao gồm bốn nội dung: (1) lập ngân sách và quản lý tài chính, (2) hiểu biết về các dịch vụ và sản phẩm tài chính, (3) trở thành người tiêu dùng thông minh, và (4) thiết lập mục tiêu. Ngoài ra, các cuộc thi về mô hình tài chính sẽ được tổ chức nhằm củng cố quá trình học tập cho các em tham gia. 

“Các tài liệu trên thế giới đều ghi nhận vai trò lãnh đạo của phụ nữ là yếu tố then chốt giúp các cộng đồng kém phát triển thoát nghèo. Nâng cao kiến thức và năng lực tài chính sẽ cung cấp các công cụ cho phép trẻ em gái đóng góp vào tiến trình giảm nghèo bền vững, cải thiện sức khỏe, xây dựng tầng lớp trung lưu và đảm bảo quyền của phụ nữ. Với sự hỗ trợ quý báu từ các nhà tài trợ như HSBC Việt Nam và các đối tác khác, VCF có thể tạo ra cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng cho các em nữ sinh trung học phổ thông thuộc nhóm dễ bị tổn thương, phải chịu nhiều thiệt thòi và khó khăn. Dự án này sẽ chuẩn bị và tạo điều kiện cho các nữ sinh phát triển và trở thành những người phụ nữ độc lập mạnh mẽ với đầy đủ năng lực để tham gia đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.” – Ông Rad Kivette, Tổng Giám đốc VinaCapital Foundation khẳng định.

Bằng việc triển khai chương trình e-BPGC, VCF khẳng định cam kết lâu dài của tổ chức đối với sự phát triển của các cộng đồng nghèo khó cũng như thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ và trẻ em gái trong tiến trình phát triển đó tại Việt Nam.

T.D/Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục