Mới đây, hai bệnh nhân nhiễm Ebola người Mỹ đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau khi sử dụng một loại thuốc thử nghiệm mới có tên gọi Zmapp.
Căn bệnh tử thần Ebola đã giết hơn 900 người tại Tây Châu Phi và uy hiếp lây lan ra cả thế giới theo con đường của những người du lịch hay đến công tác tại lục địa điên. Với tỷ lệ tử vong có thể cao đến 90% và chưa có thuốc đặc trị, nạn dịch Ebola dường như là con quái vật không thể tiêu diệt. Tuy nhiên, Nancy Writebol và Dr.Kent Brantly (người Mỹ), hai nạn nhân mới đây của Ebola đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể sau khi được dùng thử một loại thuốc thử nghiệm.
Ngày 22 tháng 7, bác sĩ Brantly thức giấc với cơn sốt ngây ngấy. Đang làm việc tại Liberia, nơi cái tên Ebola đã thành cơn ác mộng, ông nghĩ đến nguy cơ xấu nhất và lập tức tự cách ly chính mình. Tình trạng sức khỏe của ông xấu đi theo từng phút. Đến ngày thứ 9 kể từ khi bị căn bệnh đốn ngã, ông tin rằng mình sẽ chết và gọi điện vĩnh biệt vợ. Trong nỗ lực cứu chữa cuối cùng, các bác sĩ cho ông sử dụng loại thuốc đang thử nghiệm với liều cao và kỳ tích đã xảy ra: bác sĩ Kent Brantly đã phục hồi đáng kể. Nguồn tin cho biết, Brantly hiện đã có thể tự mình đi lại trong khuôn viên của bệnh viện đại học Emory (Atlanta) sau một tuần được đưa về Mỹ điều trị.
Đồng nghiệp của bác sĩ Brantly, bà Nancy Writebol, phát bệnh sau ông ba ngày, xét nghiệm máu cũng như cac triệu chứng sốt, nôn mửa và tiêu chảy nhanh chóng khẳng định bà đã bị bệnh Ebola. Người ta tin rằng cả các sĩ Brantly lẫn bà Writebol đã bị nhiễm bệnh Ebola khi tiếp xúc với các nhân viên chăm sóc y tế khác làm việc trong bệnh viện của họ tại Liberia. Cả hai đã lần lượt chấp nhận dùng thử loại thuốc mới nghiên cứu, chưa từng được thử trên con người. “Thần khoa học” đã mỉm cười với họ và cả hai thoát khỏi bàn tay tử thần Ebola.
Loại thuốc thử nghiệm mới, được biết dưới tên gọi Zmapp được phát triển bởi công ty Mapp Biopharmaceutical (trụ sở tại San Diego), mới được thực nghiệm trên chuột và khỉ. Theo tài liệu của công ty này, 4 con khỉ bị nhiễm Ebola sau khi được tiêm thuốc trong vòng 24 giờ sau khi phát bệnh. 2 trong 4 con khỉ khác được tiêm thuốc trong vòng 48 giờ sau khi phát bệnh cũng sống sót. Một con khỉ không được trị liệu đã chết sau 5 ngày tiếp xúc với virus.
Zmapp là kháng thể đơn dòng lấy ở chuột, hoạt động bằng cách ngăn chặn virus xâm nhập và lây nhiễm vào các tế bào mới. Trong thí nghiệm với loài khỉ, thuốc được tiêm vào cơ thể trong vòng 48 tiếng đồng hồ sau khi phát bệnh. Nhưng Brantly chỉ được tiếp nhận thuốc sau khi đã phát bệnh 9 ngày và không ai biết trước phản ứng của thuốc sẽ như thế nào khi được dùng trên người.
Brantly là người dùng thử đầu tiên. Trong vòng một tiếng đồng hồ sau khi dùng thuốc, sức khỏe của ông được cải thiện một cách đáng kinh ngạc, ông thở dễ dàng hơn và các nốt ban trên người cũng nhạt đi. Đến sáng ngày hôm sau, Brantly thậm chí có thể tự mình tắm vòi hoa sen trước khi được một chiếc máy bay cấp cứu đặc biệt đưa về Mĩ .
Writebol cũng được trị liệu tương tự nhưng phản ứng không tốt như trường hợp của bác sĩ Brantly. Tuy nhiên, sau liều thuốc thứ hai, tình hình sức khỏe của bà đã đủ ổn định để đưa về Mĩ.
Ông Greogory Hartl, phát ngôn viên của WHO, cảnh báo các tổ chức y tế “vì nhiều nguyên nhân không thể bắt đầu sử dụng thuốc chưa được kiểm nghiệm này tại trung tâm ổ dịch”. Zmapp mới chỉ trong giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu, chưa được chấp nhận thử nghiệm cho con người, thậm chí còn chưa trải qua quá trình thử nghiệm lâm sàng (tiêu chuẩn để chứng minh sự an toàn và hiệu quả của thuốc). Tuy nhiên, với những thành tựu mới đạt được, Zmapp gieo một hy vọng mới cho y học và những bệnh nhân Ebola. Trong cuộc chiến với căn bệnh khủng khiếp này, chúng ta đã có quyền hy vọng con người với tri thức khoa học sẽ chiến thắng.
Nguyễn Phương (theo CNN)