Tài chính vào cuối năm thế nào để gắn kết người thân trong gia đình hơn?


Thời điểm cuối năm là lúc mà các vấn đề tài chính trở thành mối quan tâm của nhiều người. Trong tháng 12 này, chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống trên truyền hình Vĩnh Long sẽ đưa ra nhiều góc nhìn để khán giả chiêm nghiệm và tìm ra những phương án ứng xử phù hợp với vấn đề này.

Hỗ trợ tài chính cho cha mẹ nên làm thế nào?

Ở Việt Nam, số người có lương hưu chỉ chiếm 1/5 số người ở tuổi về hưu. Lúc cha mẹ đến tuổi về hưu. Đó là lúc chúng ta cần giúp đỡ cha mẹ trong giai đoạn tuổi già của họ. Việc xây dựng một kế hoạch tài chính tốt, với sự cân nhắc đầy đủ cho cha mẹ, bản thân và thế hệ sau vì thế là vấn đề then chốt của một công dân thời đại. Trong hành trình đó, ta có thể giúp đỡ về tài chính cho cha mẹ như thế nào để giữ sự hài hòa? Đó là bài toán không ít người trẻ đang băn khoăn. Để hỗ trợ khán giả, chương trình Câu Chuyện Cuộc Sống đưa ra nhiều câu chuyện và cách xử lý hay của nhiều gia đình để khán giả xem đó là bài học tham khảo.

Câu Chuyện Cuộc Sống 1 Tài chính vào cuối năm thế nào để gắn kết người thân trong gia đình hơn?

Đầu tiên chính là tâm lý chung của người già khi đã lớn tuổi là cha mẹ dù khó khăn nhưng nhất định không muốn làm phiền đến con cháu nên không muốn ngỏ lời. Chỉ khi nào con cái chủ động, và thực sự có lòng thực hiện thì cha mẹ mới nhận sự giúp đỡ quan tâm. Chính vì thế, trừ những người còn khó khăn, hay vì lý do gì đó không hề quan tâm đến cha mẹ, thì việc chu cấp một phần hay toàn bộ về tài chính để giúp đỡ cha mẹ là điều nên làm với con cái đã trưởng thành và có công ăn việc làm. Và chúng ta làm điều đó với lòng biết ơn! Sau khi dành sự quan tâm cho cha mẹ, chúng ta cũng cần nhìn về bản thân và thế hệ sau. Hy vọng rằng trong 20 – 30 năm tới, những người 8X – 9X về hưu thì đã chuẩn bị sẵn tài chính cho những năm tuổi già của mình. Khi đó ta sẽ chủ động hơn trong vấn đề tiền bạc.

Các nhân vật trong chương trình gợi ý các cách làm của chính mình như: Hỗ trợ tài chính trực tiếp nghĩa là gửi tiền mặt. Ví dụ, ta có thể trích một phần thu nhập cố định hàng tháng để gửi cha mẹ, hay thỉnh thoảng hỗ trợ cha mẹ như một khoản tiền quà tặng, từ thu nhập bất thường, hay tiền thưởng của năm. Ngoài hỗ trợ tài chính trực tiếp, ta cũng có thể thanh toán các chi phí hàng tháng như tiền điện nước, điện thoại, Internet, truyền hình cáp v.v… Hiện nay các dịch vụ này đều được thanh toán rất tiện lợi qua các ứng dụng, nên con cái dù ở xa vẫn có thể thực hiện được dễ dàng. Con cái cũng có thể hỗ trợ cha mẹ chi phí lương thực thực phẩm, chi phí đi du lịch và chi phí chăm sóc sức khỏe. Hiện nay cũng có nhiều người chọn gói bảo hiểm có quyền lợi chăm sóc sức khỏe cho cha mẹ. Đây chính là một giải pháp thay thế cho việc hỗ trợ tài chính.

Làm sao để tài chính không ảnh hưởng đến hôn nhân?

Tiền bạc là vấn đề số một dễ khiến vợ chồng tranh cãi và nó là nguyên nhân thứ hai dẫn đến ly hôn, sau sự không chung thủy. Một số cặp vợ chồng nghĩ rằng cách tốt nhất để tránh tranh cãi vã về tiền bạc là giữ các tài khoản riêng biệt. Tiền lương của anh ấy chuyển vào một tài khoản, của cô ấy chuyển vào một tài khoản khác, và mỗi người thanh toán các hóa đơn riêng biệt. Thật ra điều ấy không hẳn là sai, không hẳn là quá tệ nhưng chưa hẳn là đúng. Bởi tiền bạc chính là nền tảng cho những vấn đề lớn trong cuộc sống hôn nhân giữa hai người. Vấn đề tiền bạc tế nhị và cần phải để cho nhau biết rõ về tài khoản của nhau, tài khoản chung để tạo nên mối gắn kết chặt chẽ bền lâu.

Câu Chuyện Cuộc Sống 2 Tài chính vào cuối năm thế nào để gắn kết người thân trong gia đình hơn?

Giả sử bạn hoàn toàn hài lòng khi mua sắm tủ quần áo của mình tại một cửa hiệu trung bình, nhưng vợ/chồng của bạn thích mua những món hàng khác hiệu sang trọng. Nếu gia đình có thu nhập không phù hợp với sở thích đắt tiền, đó sẽ là một vấn đề. Hôn nhân là sự thỏa hiệp. Nếu một trong hai người không trùng sở thích thì phải cùng nhau thỏa hiệp để tiến gần sự hài lòng chung. Nên nhớ, không bao giờ có tính tuyệt đối vì vậy chỉ cần tương đối đã là tốt rồi. Nguồn gốc của vấn đề là bất cứ khi nào một trong hai người lơ là không nghe thấy ý kiến đóng góp của người kia hoặc khi một trong hai người bỏ mặc việc xử lý tài chính hoàn toàn. Người kiếm được ít hơn do ở nhà với con nhiều hơn, dành thời gian cho gia đình nhiều hơn chứ chưa chắc đã là “kém tài”.

Thời gian cận tết các chủ đề đến chi tiêu và tài chính sẽ liên tục được cập nhật trên các số phát sóng tiếp theo của Câu Chuyện Cuộc Sống để hỗ trợ khán giả có thêm nhiều kỹ năng cân bằng tốt hơn. Đừng quên khung giờ lúc 19h50 thứ Ba, thứ Năm và thứ Sáu hàng tuần trên THVL1.

LC/Lifestyle


Các tin cùng chuyên mục