Mỗi lần cu Bin đi học về mách hôm nay cô giáo gọi lên làm bài tập, hay bị nhắc nhở gì đó, người mẹ nghĩ ngay rằng con mình bị cô… “đì” do không đi học thêm.
Bin – con trai của chị – học tại một trường tiểu học ở Q.1, TPHCM. Chị nghe nhiều phụ huynh rỉ tai nhau, muốn con được yên lành hay được “chiếu cố” ở lớp học thì nên cho con đi học thêm tại nhà cô giáo. Có điều, ngoài giờ học ở trường, con chị đã học thêm ở các trung tâm bồi dưỡng bên, học ngoại ngữ, học năng khiếu… không muốn nhồi nhét con thêm nên chị gạt đi.
Giáo viên chịu áp lực không nhỏ từ phụ huynh khi giáo dục con trẻ (Ảnh minh họa)
Nỗi lo con bị “đì” dần dần xuất hiện trong đầu chị. Đi họp phụ huynh, chị là một trong những phụ huynh được cô giáo giữ lại để trao đổi riêng, nhắc gia đình cần để mắt thêm vì cháu hiếu động, trong lớp ít tập trung, hay chọc phá bạn bè.
Nhiều hôm đi học về, con trai chị buồn xo khi cô yêu cầu xem lại một số bài tập, còn các bạn khác thì không phải làm. Chị chột dạ, lấn cấn. Người mẹ không hiểu rằng, con chị ở lớp quá hiếu động, kiến thức nắm chưa vững, việc về nhà cần xem lại là cần thiết.
Có hôm lớp dự giờ, Bin được cô gọi lên bảng… nhưng không làm được bài. Sau đó, cô giáo phân nhóm, nhờ bạn khác học khá hơn kèm cặp Bin. Chị biết chuyện, tự ái trào lên tận cổ. Cớ sao không gọi học sinh khác mà lại gọi con chị trong tiết dự giờ? Cô cố tình ra đề khó để Bin không làm được, bẽ mật giữa lớp? Chả phải cô đang “dìm” cháu là gì? Nhìn con vẫn vui vẻ, tươi cười khoe Cô khó tánh nhưng thương tụi con lắm, chị lại xót xa con mình quá nhỏ dại.
Mới đây, cô giáo yêu cầu Bin phải xin lỗi bạn Thủy vì ngồi trong lớp dùng bút đâm vào lưng bạn. Chị thở dài, chuyện con nít đùa nghịch mà cũng bày đặt bắt con chị đi xin lỗi. Cô đã không ưa con mình thì kiểu gì chả bắt bẻ được. Mà lý do theo chị chỉ có thể cháu chị không đi học thêm tại nhà cô.
Chị quyết định đến lớp gặp cô để đăng ký cho con học thêm, như suy nghĩ của nhiều ông bố bà mẹ khác, cứ đi học thêm sẽ được cô “chiếu cố”. Một chút ngỡ ngàng nhìn chị, cô giáo lắc đầu: “Chị đăng ký không đúng chỗ rồi, em không dạy thêm”. Cô giáo còn khuyên, với lực học của cu Bin, không cần phải đi học thêm, bố mẹ quan tâm hơn là được. Cô còn chia sẻ rất nhiều về tính cách của Bin, nghịch ngợm, hay đòi hỏi nhưng cũng rất tình cảm, người lớn cần nhẹ nhàng nhưng cũng phải nghiêm khắc mới ổn.
Người mẹ bàng hoàng. Hóa ra chị nghĩ oan cho cô. Không tìm hiểu kỹ, cứ thấy con mình “thiệt thòi” chút nào thì quy ngay rằng cô đang làm khó, đối xử không công bằng với cháu. Ngay cả những việc làm đầy tránh nhiệm của cô cũng bị chị dán nhãn với mục đích khác. Mà nếu cô có dạy thêm đi nữa, những lời nhắc nhở, trách móc của cô đối với trò vì muốn trò tốt chẳng phải hoàn toàn bình thường sao chứ chắc gì đã mang hàm ý này nọ như suy nghĩ của nhiều người.
Giáo viên ngày nay chịu một áp lực rất lớn khi phụ huynh o bế con một cách khủng khiếp, lúc nào cũng sợ con mình thua thiệt. Nhiều việc người thầy làm xuất phát từ cái tâm, từ trách nhiệm của mình nhưng đổi lại là suy nghĩ tiêu cực từ học sinh, phụ huynh. Đôi khi sự nghiêm khắc hay lời nhắc nhở chân tình – chưa nói đế những phút nóng nảy, cả giận – cũng có thể bị nghĩ oan theo hướng khác, bị làm ầm ĩ, bị kỷ luật.
Ai cũng nói, nhà giáo phải thương học trò như con. Nhưng họ có thật sự được thông cảm, chia sẻ nếu đối xử với học trò như con mình hay không? Ở đó có thể có sự nghiêm khắc cần thiết và cả những tình cảm buồn vui của con người. Như một cô giáo dạy Văn chia sẻ, bây giờ thầy dạy trò còn phải… dò nét mặt phụ huynh, thương thật tình cũng không dám nhiệt tình.
Phải chăng đó cũng là nguyên nhân dẫn đến hệ lụy ngày nay không ít giáo viên chọn cách giáo dục an toàn, ít đụng chạm nhất là bớt trách nhiệm đi?
Theo Dantri