Cuối quí II năm 2022 thì tình hình an ninh mạng và bảo mật thông tin cá nhân đang là chủ đề được quan tâm rất nhiều. Chính vì vậy mà chương trình Lời Cảnh Báo phát sóng trong tháng 8 dành nhiều nội dung xoay quanh chủ đề các hình thức bị thu thập thông tin cá nhân nhưng người dân vẫn vô tình bị mắc phải, kéo theo theo nhiều hệ luỵ khôn lường phía sau đó.
Bạn đã biết hệ luỵ nghiêm trọng khi thông tin cá nhân bị lộ?
Một loạt các hoạt động thu thập, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng, căn cước công dân, chứng minh nhân dân của người dân diễn biến phức tạp tại một số địa phương. Thủ đoạn hoạt động phạm tội nổi lên của các đối tượng là lợi dụng sơ hở của người dân trong việc chia sẻ hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu trên mạng xã hội (Zalo, Facebook…) và sử dụng vào việc đăng ký sử dụng các dịch vụ online (mua hàng, xin việc, vay tiền để đánh cắp thông tin cá nhân của người dân. Ngoài ra, bọn tội phạm còn lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhất là người dân ở các vùng nông thôn chưa có nhiều hiểu biết về việc bảo mật thông tin cá nhân, đối tượng đưa ra nhiều lý do, xin chụp ảnh chân dung, chụp ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân (có thể trả cho người dân từ 100.000 – 300.000 đồng trên mỗi căn cước công dân, chứng minh nhân dân được chụp), hoặc các đối tượng thuê, mua tài khoản ngân hàng của người dân.
Sau khi có thông tin dữ liệu cá nhân, tài khoản ngân hàng của người dân, các đối tượng bán thông tin cho các đối tượng khác (kể cả người nước ngoài) để sử dụng vào mục đích phạm tội, vi phạm pháp luật như: Làm giấy tờ giả để mở tài khoản lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các khoản vay vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính; Chuyển nhận tiền đánh bạc, tổ chức đánh bạc… Đặc biệt tình trạng, giả mạo, giả danh cán bộ công an, toà án, viện kiểm sát, hải quan, thuế… gọi điện đe doạ yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra hoặc làm quen qua mạng xã hội hứa hẹn gửi quà, tiền đánh vào lòng tham của người dân rồi yêu cầu họ chuyển tiền phí, lệ phí…
Điều đáng nói ở đây là phần lớn những người cho thuê, cho mượn thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng không biết việc sử dụng thông tin, tài khoản để thực hiện hành vi phạm tội. Tuy nhiên có trường hợp dù biết rõ nhưng vì hám lợi vẫn tiếp tay, tạo cơ hội cho các đối tượng thực hiện hành vi phạm tội và đã bị xử lý với vai trò đồng phạm. Mặc dù đã có rất ít thông tin cảnh báo nhưng vẫn có không ít người dân chủ quan và lơ là để lộ thông tin dẫn đến việc không chỉ làm hại chính bản thân mà còn ảnh hưởng đến người thân, gia đình và xã hội. Để bảo vệ các thông tin cá nhân, khán giả có thể theo dõi chương trình Lời Cảnh Báo phát sóng trong tháng 8 để lắng nghe các chuyên gia có những lời khuyên bổ ích.
Giúp đỡ mở tài khoản ngân hàng có phải là tốt?
Việc cựu sinh viên nhờ sinh viên khoá sau hỗ trợ, giúp đỡ để hoàn thành đồ án, chạy KPI là chuyện thường thấy ở nhiều trường đại học. Đây cũng là dịp kết giao giữa sinh viên các khoá với nhau để học hỏi, phát triển mối quan hệ. Tuy nhiên việc này phát sinh khiến sinh viên vô tình rơi vào những hệ luỵ không đáng có vì bị các đối tượng lừa đảo giả danh cựu sinh viên để mở tài khoản ngân hàng. Từ các thông tin từ trên phiếu khai đăng ký tài khoản ngân hàng và ảnh chụp căn cước công dân, bọn tội phạm sẽ sử dụng để tạo tài khoản giả mạo, dẫn đến nợ xấu, tài khoản chuyển – nhận tiền bất hợp pháp, gánh món nợ mà mình không hay biết hoặc thông tin cá nhân bị rao bán trên mạng…
Chương trình Lời Cảnh Báo đã phỏng vấn đại diện một số ngân hàng để làm rõ hơn qui trình mở tài khoản trong nhiều tình huống khác nhau để khán giả có thể nắm rõ đặc biệt sinh viên cần cẩn trọng hơn, tránh được những chiêu thức lừa đảo của kẻ xấu. Giúp đỡ người khác là một việc tốt nhưng cần cẩn thận để bảo vệ chính mình.
Chương trình Lời Cảnh Báo tháng 8 sẽ tiếp tục phát sóng các nội dung liên quan đến chủ đề: “Tiền mất tật mang” vì sử dụng con chip theo dõi, Lừa đảo chuyển tiền qua mạng xã hội, Sập bẫy mua hàng trả góp… Mời quí khán giả cùng đón xem lúc 19h50 tối thứ Hai và thứ Tư hàng tuần trên THVL1.
LC/Lifestyle